Nhân quả báo ứng: Chịu thiệt hưởng phúc là thiên lý



[ChanhKien.org]

Chịu thiệt hưởng phúc là thiên lý. (Nguồn hình: en.wikipedia.org)

Vu khống người gây ác báo

Lão nho sinh Lưu Thái Vũ biệt danh là Định Quang, kiếm kế sinh nhai bằng nghề dạy học. Có một vị thầy thuốc ở Triết Giang, dẫn theo con trai nhỏ lưu lạc đến thôn trang của Lưu Thái Vũ. Vị thầy thuốc này và Lưu Thái Vũ vừa gặp nhau đã trở nên thân thiết, hai người sống gần nhau rất hòa hợp, tình như cốt nhục. Con trai của thầy thuốc thông minh, tướng mạo thanh tú, được nhiều người yêu mến, người thầy thuốc liền để con trai mình bái Lưu Thái Vũ làm thầy, hàng ngày học tập.

Do không có người thân nào khác, nên trước khi chết, vị thầy thuốc đã giao phó con trai mình cho người bạn thân Lưu Thái Vũ. Lưu Thái Vũ coi con trai của người thầy thuốc như con mình, chăm sóc đầy đủ từ việc ăn mặc, đi lại. Vào mùa đông giá rét, ban đêm ông cùng đắp chung chăn, lấy thân ủ ấm cho đứa trẻ.

Trong thôn có một người tên Dương Giáp, tính tình ngang ngược vô lễ, Lưu Thái Vũ rất ghét hắn ta. Dương Giáp ôm hận trong lòng, liền nhân cơ hội tung tin đồn: “Lưu Thái Vũ ôm đứa con của người bạn cũ quá cố trong chăn, rõ ràng coi đứa trẻ như một luyến đồng (nghĩa là ấu dâm)”. Tin đồn nhanh chóng bay xa, khiến Lưu Thái Vũ khó lòng biện bạch, trong tâm vừa giận vừa lo.

Sau đó, ông hỏi đứa trẻ về gia thế, mới biết được đứa trẻ này vẫn còn một người chú, người chú này là quân nhân làm việc trên thuyền vận chuyển lương thực, quản lý sổ sách chứng từ. Thế là Lưu Thái Vũ mang theo đứa trẻ đến sông Thương Châu, thuê một căn phòng nhỏ. Mỗi lần thấy trên sông có thuyền lương thực của Chiết Giang đi qua, ông đều gọi và hỏi xem có người chú trên thuyền không. Cứ như vậy hỏi thăm mấy ngày, cuối cùng cũng tìm được người chú của đứa trẻ, ông liền giao đứa trẻ đáng thương cho người thân. Người chú của đứa trẻ nói trong nước mắt: ”Vài đêm trước, tôi mơ thấy huynh trưởng nói với tôi: cháu trai không lâu nữa sẽ trở về bên đệ, cho nên ngày nào tôi cũng ngồi một mình trên thuyền nhìn quanh. Huynh trưởng còn nói: Còn về việc của Dương Giáp, trước Diêm Vương huynh đã tố giác hắn rồi, tôi không biết huynh trưởng nói việc gì”.

Lưu Thái Vũ tuy trong tâm minh bạch rồi, nhưng cũng không tiện nói ra. Đưa đứa trẻ cho người chú xong, ông buồn bã trở về nhà.

Lưu Thái Vũ là một nhà nho thành thực và cẩn thận, ông rất coi trọng danh tiếng. Nghĩ đến oan ức phải chịu mà không tự giải thích được, lâu dần ưu phiền sinh bệnh, ôm hận mà chết. Sau khi ông chết, mỗi lần đứng trước đèn và dưới trăng, Dương Giáp thường thấy ông trừng mắt nhìn mình; Dương Giáp vốn là một tên lưu manh thô bạo, quỷ có hiện thân hắn cũng không thèm để ý. Nhưng không được mấy năm, Dương Giáp cũng chết.

Sau khi Dương Giáp qua đời, vợ hắn tái hôn, để lại một cậu con trai nhỏ thông minh thanh tú. Sau này, đứa trẻ bị một đứa con chơi bời của một gia đình quan lại trong làng dụ dỗ và làm nạn nhân của luyến đồng. Kẻ phóng đãng ngày nào cũng dẫn theo đứa trẻ, công nhiên rêu rao khắp nơi. Nhìn thấy tình cảnh này, mọi người đều thở dài.

Về quê quán của Lưu Thái Vũ, có người nói ông là người Túc Ninh, có người nói ông là người Nhâm Khâu, còn có người nói ông là người Cao Dương. Cuối cùng là người ở đâu, rất khó phán đoán, nhưng đại khái là không phải người ở mấy huyện phía tây của Hà Giản. Từ cách sống của ông mà nói, cũng nên là người có tư cách được thờ trong đình làng sau khi mất.

Câu chuyện này xảy ra vào thời Khang Hy. Thần công Bá Xán, anh họ thứ ba của tôi, thường thích đàm luận về nhân quả; anh ấy đã từng kể câu chuyện này cho hậu nhân nghe, để mọi người lấy đó làm bài học. Thời gian trôi qua, tôi sớm đã quên nó rồi. Vào ngày 12 tháng 5 năm Gia Khánh Mậu Vũ (1798), khi tôi sống ở Mật Vân Hành Trang, nửa đêm tỉnh dậy bỗng nhiên nhớ lại chuyện cũ, ký ức như mới nguyên. Cảm thương tên tuổi của Lưu Thái Vũ dần dần bị mọi người lãng quên, sau khi đến Loan Dương, tôi lập tức ghi lại tóm tắt câu chuyện.

Chịu thiệt hưởng phúc là thiên lý

Tất cả những âm mưu quỷ kế, mánh khóe của kẻ tiểu nhân, không có việc nào mà không giúp người quân tử đắc phúc. Câu này nghe rất cổ hủ, nhưng thực tế ‘’chịu thiệt hưởng phúc”‘ là thiên lý đáng tin.

Lý Vân Cử nói, huynh trưởng của ông là Lý Hiến Uy, khi làm quan ở Quảng Đông đã từng nghe kể về câu chuyện cổ như sau: Có một sĩ tử đi học tập xa nhà, tính tình bảo thủ, lầm lì. Ông đến Lĩnh Nam thăm bạn bè cũ và nhận được rất nhiều quà tặng. Khi trở về, ngoài hành lý ra vẫn còn hai cái hòm lớn. Hai hòm này rất nặng, cần bốn người mới vác được. Mọi người đều không biết trong hòm có đồ gì.

Một hôm, khi đến chỗ cần chuyển thuyền, đầu tiên người lái thuyền áp sát hai mạn thuyền với nhau, rồi dùng dây thừng lớn buộc hai cái hòm lại, chuẩn bị khiêng qua thuyền bên kia. Vừa nhấc lên, đột nhiên bốn sợi dây thừng lớn cùng lúc bị đứt, giống như bị dao cắt. Uỵch một tiếng hai chiếc hòm rơi xuống boong thuyền rách ra. Người sĩ tử dậm chân tiếc nuối, vội vàng mở hòm ra kiểm tra. Mọi người mới phát hiện hóa ra một chiếc hòm đựng rất nhiều nghiên mực, còn chiếc hòm kia đựng đá anh thạch. Giữa khe đá có một túi bạc, ước chừng sáu bảy chục lượng, giấy gói bên ngoài cũng đã rách nát. Vị sĩ tử vừa nhặt lên định đếm thì không ngờ lỡ tay làm rơi toàn bộ xuống nước. Anh ta vội vàng nhờ những người đánh cá xuống vớt, không dễ dàng gì mới lấy lại được một nửa số bạc nhỏ ban đầu.

Trong lúc vị sĩ tử này đang buồn rầu, người lái đò bỗng nhiên đi đến và chúc mừng anh ta: “Có tên cướp vì hai chiếc hòm này mà đã theo dõi ông nhiều ngày rồi. Chỉ vì hai bên bờ dân cư đông đúc, nhiều tàu thuyền qua lại nên chúng không dám làm gì. Tôi luôn lo lắng cho ông đến toát cả mồ hôi. Nhưng tên cướp chưa động thủ nên tôi cũng không dám nói. Hôm nay, khi chúng thấy những thứ trong thùng không phải là vật có giá trị, bèn nhổ nước bọt rồi bực bội giải tán rồi. Ông thật là người có phúc, chắc hẳn đã tích âm đức cho nên mới được Thần âm thầm bảo hộ.”

Cùng thuyền có một vị khách biết nội tình bèn thì thào: “Ông ta nào có tích âm đức gì, chỉ là gần đây lại làm một chuyện ngốc nghếch. Khi ở Quảng Đông, ông ta đã từng bỏ ra 120 lượng bạc để nhờ chủ quán trọ giúp ông ấy mua một cô vợ bé. Được biết, người phụ nữ này mới kết hôn được hơn một năm, chỉ vì nhà quá nghèo không đủ ăn nên chồng cô đành phải bán cô lấy tiền để nuôi gia đình. Vào ngày xuất giá, tất cả bố mẹ chồng và chồng của người phụ nữ đều đến tiễn cô. Trông họ đều tiều tụy và yếu đuối, giống như những kẻ ăn xin. Khi sắp nhập phòng, họ ôm nhau khóc thảm thiết. Phải từ biệt chia tay rồi, những người nhà kia vẫn đi theo phía sau, thì thầm nỉ non không ngớt. Bà mối kéo mạnh cô vào phòng, ông bố chồng ẵm đứa con mới được mấy tháng chạy theo, cúi đầu trước người sĩ tử nói rằng: “Đứa bé này từ nay phải xa mẹ, không được bú sữa mẹ nữa, tương lai sống chết không biết thế nào, xin ông cho phép mẹ nó quay lại cho nó bú lần nữa tạm sống qua hôm nay, ngày mai lại tính cách của ngày mai”. Người sĩ tử này nghe xong, chợt đứng dậy nói: “Tôi tưởng cô này bị nhà chồng ruồng bỏ. Hôm nay nhìn thấy gia cảnh nhà ông bà thực sự khiến tôi cảm thấy rất đau lòng. Ông bà đưa con dâu về đi, số bạc đó không cần trả lại tôi. Con người xưa nay không khác biệt, việc cha của Phùng Kinh thời Nam Tống có thể làm, lẽ nào tôi không thể làm được”, nói xong liền đốt bỏ hợp đồng bán thân trước mặt mọi người, cho cô gái trở về nhà.

Làm sao anh ta biết là do người chủ quán trọ đó thấy anh ta thật thà lương thiện nên đã câu kết với bà mối và một bọn tiểu nhân, cho con gái giả dạng thành một người phụ nữ nghèo khổ để cố ý bày trò này để lừa gạt anh ta. Nếu anh ta thật sự thu nhận người con gái này thì chủ quán trọ nhất định sẽ dùng đến biện pháp đối phó càng xảo quyệt hơn. Những tình tiết của âm mưu này thì tất cả những người khách ở cùng anh ta đều biết, chỉ có vị mọt sách này đến hôm nay vẫn chưa biết gì, chẳng lẽ các vị Thần cũng coi hành vi ngốc nghếch của anh ta là âm đức sao?”

Một người cùng thuyền khác nói: “Việc này đích thực là âm đức. Tuy anh ta đã làm một việc ngu ngốc nhưng khi đó đúng là anh ta đã sinh lòng trắc ẩn thương xót. Mà tất cả những gì quỷ thần giám sát chủ yếu là xem suy nghĩ của một người có phải xuất phát từ thiện ý không. Cho nên sở dĩ hôm nay anh ta có thể tránh khỏi bị cướp giết, chắc chắn có liên quan đến việc anh ta đã làm việc thiện này, tôi cho rằng cũng có lý. Về phần chủ quán, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với anh ta trong tương lai?”

Tiên sư Lý Hựu Đam là huynh trưởng của Lý Vân Cử. Ông nói với Vân Cử rằng: ”Anh cho rằng vị khách đằng sau nói rất có đạo lý”.

Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện mà người cha quá cố Diêu An Công của tôi từng kể: Tướng quân Điền Canh Dã trong cuộc Tây chinh đã phái Lý Hổ đến trấn giữ đường Bình Lỗ cùng với hai vị tướng, dẫn theo 300 binh lính ra ngoài tuần tra trinh thám. Nửa đường đi, bất ngờ chạm trán với một nhóm kỵ binh của bộ tộc Ngõa Lạt (thời Minh chỉ các bộ tộc ở Tây Mông Cổ, bao gồm phía bắc Tân Cương Trung Quốc và phía tây Mông Cổ ngày nay), bị chúng đột kích từ tiểu đạo. Hai vị tướng nói với Lý Hổ: “Quân giặc ngựa khỏe người mạnh, nếu chúng ta rút lui thế nào cũng bị chúng đuổi theo, với chúng ta vô cùng bất lợi. Chi bằng anh dẫn đội đi trước và khống chế ngọn núi phía trước, hai chúng tôi dẫn đội đi sau và đi đường vòng hỗ trợ phía sau, để quân giặc không thể biết được chúng ta có bao nhiêu quân, hoặc có thể trấn giữ trận địa”. Lý Hổ thấy bọn họ nói cũng có lý nên dẫn quân tiên phong, chống giữ miệng núi, liều mạng chiến đấu, hai vị tướng thừa cơ trốn thoát. Hóa ra họ đã lừa Lý Hổ chiến đấu quyết liệt với kẻ thù để trì hoãn thời gian. Khi Lý Hổ bị đánh bại thì họ đã trốn thoát rất xa rồi. Lý Hổ cuối cùng vì quân yếu không địch lại được nên đã chết trên sa trường. Sau đó, Lý Tiên Tiệp con trai của Lý Hổ, theo quan tước của cha được đặc cách thăng chức trấn thủ đường Bình Lỗ. Lý Hổ mặc dù bị lừa gạt bại trận, nhưng cũng bởi vì bị lừa gạt mà khiến danh tiếng của ông trở thành một đời trung lương.

Nên cũng nói, những chiêu trò âm mưu quỷ kế của kẻ tiểu nhân không có việc nào là không giúp quân tử đắc phúc. Câu nói này thoạt nghe có vẻ cổ hủ, nhưng trên thực tế, “chịu thiệt hưởng phúc” là một thiên lý chân thực đáng tin.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/154606



Ngày đăng: 06-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.