Nhân quả báo ứng: Sát hại trung thần nhận quả báo



Tác giả: Nghiêm Chính

[ChanhKien.org]

1. Không giết oan người khác chính là không giết oan chính mình

Vào thời nhà Đường, Ngự sử trung thừa Đỗ Thức Phương được bổ nhiệm làm sứ quan giám sát Quý Châu. Vào lúc sơn tặc phiến loạn ở Tây Nguyên tràn xuống, ông phụng chỉ đi dẹp loạn. Đồng thời, triều đình cũng lệnh cho Lang trung Bùi Mỗ nhận mệnh chiêu hàng. Trên đường đi qua Quế Châu, Đỗ Thức Phương phái nha đầu Lạc Sinh và hai phó tướng đi cùng Bùi Lang trung. Đến Tấn Châu, Bùi Lang trung lệnh cho Lạc Sinh và hai phó tướng truyền chỉ dụ chiêu hàng, đồng thời ông viết thư cho thủ lĩnh quân nổi loạn kêu gọi hắn ta quy thuận triều đình.

Lạc Sinh vốn là một Nho sinh, giảng giải về tín nghĩa khiến thủ lĩnh của đạo tặc – Hoàng Thiếu Khanh rất vui, hắn còn giữ Lạc Sinh lại và tổ chức yến tiệc vài ngày. Hắn rất thích thanh gươm của Lạc Sinh nên khẩn thiết thỉnh cầu, Lạc Sinh bèn tặng hắn, còn hắn dùng hai người hầu gái để báo đáp.

Lạc Sinh và hai phó tướng trở về báo cáo tình hình. Phó tướng không hợp với Lạc Sinh nên đã vu cáo với Bùi Lang trung rằng Lạc Sinh đã tiết lộ tình hình của quan quân cho tên thủ lĩnh, thủ lĩnh rất thân với Lạc Sinh nên đã tặng cho Lạc Sinh hai người hầu gái. Bùi Lang trung vô cùng tức giận, sai người đi điều tra, quả nhiên phát hiện ra hai người hầu gái và quyết định vạch trần sự thật.

Lạc Sinh kể lại chi tiết rằng: “Thanh kiếm của tôi đáng giá vạn tiền, vô cùng trân quý. Vì phụng mệnh lệnh, tên thủ lĩnh khẩn cầu nên tôi không thể không đồng ý. Anh ta trả tôi hai cô hầu gái giá trị không bằng một nửa thanh đao. Xin hỏi tôi có tội gì?” Lạc Sinh tính tình vốn dĩ rất nóng nảy, lúc này thái độ lại càng gay gắt hơn, khiến Bùi Lang trung càng tức giận, liền cho tống giam Lạc Sinh rồi đưa đến nhà tù Tấn Châu. Bùi Lang trung viết thư cho Đỗ Thức Phương, trong thư vu cáo Lạc Sinh mắc đại tội và yêu cầu nhất định phải giết anh ta.

Đỗ Thức Phương là thống soái vùng biên, khâm sai của triều đình nói rằng cấp dưới của ông đã bị kẻ phiến loạn mua chuộc, giờ là lúc cần dẹp loạn. Vì vậy ông ta buộc phải xét xử, nhưng trong lòng ông cũng biết rằng Lạc Sinh bị oan. Lạc Sinh cũng có thư thuật lại chi tiết.

Đỗ Thức Phương liền ra lệnh cho một sứ giả hộ tống Lạc Sinh đến Quý Châu với phong thư có nội dung rằng: “Nếu anh ta muốn trốn thì đừng quản anh ta. Hãy nói cho anh ta ý của ta nữa”. Sứ giả liền đến Tấn Châu để truyền ý của Đỗ Thức Phương cho Lạc Sinh. Lạc Sinh nói: “Tôi không có tội, tôi thà chết, chứ không chạy trốn, nếu chạy trốn chứng tỏ tôi có tội rồi”.

Lạc Sinh bị áp giải đến Quý Châu, Đỗ Thức Phương cho gọi đến hỏi. Lạc Sinh thuật lại lý do. Đỗ Thức Phương bèn cho Lạc Sinh xem thư của Bùi Lang trung và nói: “Sự việc hôm nay không phải ta không biết anh bị oan, nhưng không có cách nào cứu được, làm sao đây?” Ông ra lệnh cho người đến thẩm vấn. Lạc Sinh hỏi người thẩm vấn: “Ý của Đỗ Trung thừa là gì?” Trả lời rằng: “Trung thừa theo ý chỉ của khâm sai, việc bắt giữ anh sợ rằng khó tránh khỏi rồi”. Lạc Sinh nói: “Chủ ý của trung thừa đã như vậy, tôi còn có thể kêu oan với ai đây?” Liền lấy bút và viết về việc nhận đồ của kẻ thủ lĩnh phiến loạn. Đỗ Thức Phương vô cùng thương xót, trước khi hành quyết, liền đưa anh ta vào phủ và nói: “Ta biết ngươi bị oan, ngươi có việc gì cần giao phó cho ta không?” Lạc Sinh đáp: “Tôi không có”. Đỗ Thức Phương lại hỏi: “Ngươi có con trai không?” Lạc Sinh đáp: “Tôi có một”. Hỏi: “Thế giờ đang làm gì?” Đáp: “Có thể làm dư hầu nha môn là mãn nguyện rồi”. Đỗ Thức Phương lập tức ra công văn, phong cho con trai Lạc Sinh làm dư hầu, còn tặng 100 quan tiền để lo hậu sự. Đỗ Thức Phương lại hỏi: “Anh còn muốn gì nữa không?” Lạc Sinh nói: “Tôi bị vu tội, tuy nhiên tôi sẽ không bỏ trốn. Xin hãy tháo xiềng xích cho tôi, để tôi tắm rửa về gặp vợ con tôi hỏi thăm gia đình”. Đỗ Thức Phương đều đồng ý.

Vào ngày hành quyết, Đỗ Thức Phương đăng lên cổng Nam thành Quý Châu lệnh cho người dẫn Lạc Sinh ra ngoài để từ biệt. Lạc Sinh tắm rửa chải đầu, cúi đầu trước cổng thành nói: “Hôm nay ta phải chết, nhưng chết cũng không phải là hết!” Đỗ Thức Phương hỏi: “Ngươi có hận ta không?” Lạc Sinh đáp: “Không, trung thừa do bị khâm sai ép buộc”. Đỗ Thức Phương rơi lệ, cho người dẫn Lạc Sinh vào trong pháp trường, chuẩn bị một bữa thịnh soạn. Ăn xong, Lạc Sinh triệu vợ đến cáo biệt rồi hỏi vợ: “Đã mua xong quan tài chưa? Khẩn trương đi mua thêm cho ta 1000 tờ giấy, 10 cái bút đặt vào trong quan tài, để ta kêu oan trước thượng đế sau khi ta chết”. Lạc Sinh hỏi người giám hình: “Giờ là lúc nào?”, trả lời: “Giờ là giữa trưa”. Lạc Sinh nói: “Buổi trưa ta chết, đến lúc hoàng hôn phó tướng sẽ bị bắt ở Tấn Châu, tháng tư năm sau, khâm sai Bùi Lang trung sẽ bị giết”. Ngẩng đầu lên nhìn người hành quyết mình là một dư hầu, Lạc Sinh bắt tay dư hầu, nói với anh ấy: “Ngươi là thuộc hạ cũ của ta, hôm nay ta phải chết rồi, ngươi nhớ đừng chặt lìa đầu ta. Nếu không, ta có chết cũng sẽ bắt ngươi!” Lúc này dư hầu không thèm nghe lời, vẫn chém đầu Lạc Sinh theo cách thông thường, sau đó kéo cơ thể ra khỏi pháp trường. Ngay lúc đó đột nhiên tên dư hầu bị kinh sợ ngã sấp mặt xuống mà chết.

Vài ngày sau, Tấn Châu báo cáo rằng phó tướng đột ngột qua đời vì đau tim vào ngay buổi tối hôm đó. Sứ thần Bùi Lang trung cũng qua đời vào tháng 4 sau năm đó. Đến tháng 10 năm đó, khi Đỗ Thức Phương đang tổ chức yến tiệc chiêu đãi sứ giả của triều đình tại khuôn trang của phủ, trong lúc đang uống rượu vui vẻ thì đột nhiên ông ngẩng đầu trợn mắt lên nói: “Lạc Sinh, ta cũng không có tội, sao hôm nay ngươi lại tới đây?” rồi ông vẩy rượu xuống đất cầu nguyện, một lúc lâu sau lại nói: “Ta biết ngươi bị oan, mà ta vẫn giết ngươi đó cũng là tội của ta!” Sau đó ông bị mất tiếng không nói được nữa, khiêng vào phủ đến đêm thì chết.

Đến nay, tại cửa Nam Quý Châu nơi Lạc Sinh chết có khoảng đất rộng hơn mười thước, không ngọn cỏ nào mọc được. Về sau ai đến làm quan ở Quý Châu đều được chứng kiến.

Sự báo oán trả thù của Lạc Sinh rất nhanh và thần kỳ.

Những kẻ hãm hại, giết oan người vô tội đều vô cùng ác độc, đáng hận, đáng xấu hổ mà cũng đáng thương. Nếu biết sớm có ngày hôm nay thì lúc đầu đã không làm vậy. Không giết oan người khác, chính là không tự giết oan mình rồi!

2. Sát hại trung thần, hành ác bị trừng phạt

Vào thời nhà Đường, thừa tướng Tống Thân Tích khi mới lên làm tể tướng được hoàng đế rất ân sủng, ông làm việc cũng rất vì thái bình của xã tắc. Khi đó, Trịnh Chú đã câu kết với bè phái nổi loạn khắp nơi, hành vi ngông cuồng và truy cầu quyền lực. Tống Thân Tích muốn loại bỏ anh ta, nên đã bổ nhiệm bạn mình là Vương Diệu làm Kinh triệu doãn, âm thầm để anh ta bí mật thăm dò những hành vi phạm tội của Trịnh Chú, sau đó lập cáo trạng, bắt đến phủ Kinh Triều rồi dùng gậy đánh chết. Mặc dù đã thương lượng như vậy nhưng Vương Diệu lại là một kẻ tiểu nhân phản bội, hắn cho rằng Trịnh Chú được thái giám yêu quý nâng đỡ nên muốn dựa vào anh ta. Hắn liền kể cho Trịnh Chú mọi kế hoạch của Tống Thân Tích. Trịnh Chú đã bẩm lại điều đó với thái giám Vương Thủ Trừng. Không lâu sau, chúng giả mạo một bản cáo trạng, tố cáo Tống Thân Tích tội âm mưu cấu kết với hoàng tử với bằng chứng là các bút tích lưu lại. Chúng dùng vàng bạc, châu báu để nhờ người bắt chước bút tích của Tống Thân Tích, giống y như thật. Đại ngục được xây trong nội cung. Tất cả các quan lại trong triều đều biết rằng thừa tướng Tống Thân Tích bị oan. Các quan tam phẩm đều tâu với hoàng đế: “Xin giao cho ngoại triều thẩm tra”. Bằng cách này, Tống Thân Tích chỉ bị giáng xuống làm Khai Châu Tư Mã. Sau vài tháng tại vị, ông đã qua đời vì quá phẫn uất.

Sau năm đó, Đường Văn Tông ban chiếu chỉ, cho phép an táng Tống Thân Tích tại kinh thành. Vào mùa xuân năm Văn Tông thứ chín, vợ của Tống Thân Tích đang chợp mắt trước sảnh vào buổi trưa, giật mình thấy Tống Thân Tích đi từ cửa chính vào. Ông ra hiệu gọi vợ lại, bà ấy vừa bước xuống, Tống Thân Tích nói: “Bà đi theo tôi, tôi có thứ muốn cho bà xem”. Sau đó, ông dẫn bà ra khỏi thành, hình như cách đó mấy dặm, trong khu làng bỏ hoang có một cái hố lớn, trong hố có vô số lồng tre và những chiếc hộp gỗ nhỏ đều có niêm phong, Tống Thân Tích bèn cầm một chiếc lên cho vợ xem và nói: “Đây là của tặc tử đó!” rồi giận dữ mắng mỏ. Người vợ hỏi: “Đây là ai?” Tống Thân Tích nói: “Là Vương Diệu, lời thỉnh cầu của tôi đã được Thượng đế chấp thuận”. Người vợ hỏi những cái còn lại là ai, Tống Thân Tích đáp: “Bà sẽ sớm biết thôi”. Nói xong, Tống phu nhân tỉnh dậy, khắp người đổ mồ hôi. Bà liền kể lại cho gia đình và họ hàng, đồng thời lấy bút ghi lại.

Đến tháng 11 năm đó, Vương Diệu quả nhiên bị yêu trảm trong thành (yêu trảm là một hình phạt dành cho tội đại nghịch thời xưa) vì “Sự biến Cam Lộ”, đồng thời, các nạn nhân và một số người khác bị chôn vùi trong một cái hố bên ngoài thành.

Lúc này mới biết lời của hồn ma Tống Công về những tên gọi là gian thần phản bội, tội ác chất chồng, nhất định phải trừng trị, là thật. Những kẻ theo ác, hãm hại trung thần đều bị trừng phạt!

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/251329



Ngày đăng: 27-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.