Nhân quả báo ứng: Mạnh Thiếu Khanh vu khống chịu ác báo



Tác giả: Mặc An

[ChanhKien.org]

1. Mạnh Thiếu Khanh vu khống chịu ác báo

Lương Vũ Đế muốn xây một ngôi chùa trên lăng mộ của Văn hoàng đế, vì không tìm được gỗ tốt, bèn lệnh cho quan lại các nơi tìm kiếm gỗ quý. Trước đó có một người họ Hoằng người Phúc A, gia đình rất giàu có, người này cùng người họ hàng mang rất nhiều tiền đến Tương Châu làm ăn. Sau hơn một năm, họ mua được một bè gỗ dài vài nghìn bước (khoảng 1,6km), chất gỗ rất đẹp, thế gian hiếm có.

Hoằng Thị từ Tương Châu trở về đi đến Nam Tân, Hiệu úy Nam Tân là Mạnh Thiếu Khanh hùa theo ý chỉ triều đình, bèn vu cáo anh ta rằng tất cả quần áo và vải vóc mà Hoằng Thị bán, hiện vẫn còn một ít, là do cướp bóc trên đường chứ không phải do buôn bán mà có được, còn vu cáo họ đóng bè gỗ vượt quá quy định, theo quy định bị xử tử, tịch thu tài vật, sung vào để xây chùa. Sau khi tấu lên trên thì được chấp thuận thi hành. Sát ngày hành hình, Hoằng Thị bảo vợ con mang giấy vàng mực đen đặt vào trong quan tài, nói: “Sau khi chết nếu còn ý thức tôi nhất định sẽ kháng án lên thiên đình!”, viết ra giấy tên của Mạnh Thiếu Khanh cùng mười mấy người rồi nuốt vào bụng. Một tháng sau, Mạnh Thiếu Khanh đang ngồi thì thấy linh hồn Hoằng Thị đến. Lúc đầu, Mạnh Thiếu Khanh chống đối một hồi, sau đó thì ngoan ngoãn nhận lỗi, chỉ nói: “Hãy tha mạng”, rồi hộc máu mà chết. Phàm là những kẻ cai ngục, quản lý văn thư có liên quan đến việc ký tên vào bảng tấu trạng đều lần lượt chết trong vòng chưa đầy một năm. Ngôi chùa vừa xây dựng xong thì bị lửa trời thiêu rụi không còn lại gì, những cây cột gỗ chôn xuống đất cũng biến thành tro tàn.

Ngay cả Hoàng đế Lương Vũ Đế cũng không có cách nào giải cứu cho tên trọng tội Mạnh Thiếu Khanh.

2. Ngu Hiến Thảo coi thường mạng người, báo ứng thảm kịch

Vào triều Lương, huyện lệnh Mạt Lăng là Châu Trinh là người rất siêng năng, không may mắc tội bị giam vào ngục. Quan úy Ngu Hiến thẩm tra vụ án này, xếp vào trọng tội, Châu Trinh nhờ bạn nói với Ngu Hiến rằng: “Tôi có tội, không dám thỉnh cầu ân điển, nhưng vẫn hi vọng Hoàng thượng khoan hồng tha thứ, ngày mai là ngày kỵ nhật của quốc gia, qua ngày này tôi xin tấu văn có được không?” Ngu Hiến đáp lại: “Việc này rất hợp tình hợp lý, có gì không được, tôi nhất định tuân lệnh”.

Nhưng bản tấu chương của Châu Trinh chưa đến ngày đã được đưa tới rồi. Ngu Hiến đang tiệc rượu cùng khách, uống say, quên cả rút bản tấu chương ra. Ngày hôm sau, người nhà lại gói các bản tấu chương lại, để vào hòm quần áo, Ngu Hiến cũng quên sự việc này.

Mãi đến khi vào yết kiến Hoàng đế, Ngu Hiến đặt gói tấu chương lên hương án, lật từng tờ một, mới nhìn thấy án của Châu Trinh, nhưng lúc này không thể giấu được, đành phải đọc lên. Lương Vũ Đế cho rằng nên xử tử hình, giao cho ngoại đình xét xử.

Châu Trinh nghe xong sự việc này vô cùng phẫn hận, nói: “Tên tiểu tử Ngu Hiến, sao dám lừa gạt người sắp chết, hồn ma nếu vô tri sẽ hóa thành tro bụi, nếu như có linh thề tất báo thù!” Châu Trinh vừa bị hành quyết trong thành, Ngu Hiến liền gặp hồn ma của anh ấy. Từ đó về sau, thỉnh thoảng gặp hồn ma trong tâm Ngu Hiến rất căm ghét. Ông ta còn mơ thấy khi đang đánh xe xuống núi thì bị Châu Trinh đẩy hòn đá từ trên núi xuống lăn vào ông ta. Hơn một tháng sau, Ngu Hiến được bổ nhiệm làm quan huyện Khúc A. Ngày nhậm chức ông ta đi tạ ơn, vợ ông ở nhà đang khỏe đột nhiên chết, Ngu Hiến trở về bối rối, vào phòng khóc vợ, ngẩng đầu lên nhìn thấy Châu Trinh trên xà nhà, Ngu Hiến nói: “Châu Mạt Lăng (Châu Trinh) ở đây, vợ tôi sao có thể không chết?” Đúng lúc đó căn nhà đột nhiên sụp đổ, Ngu Hiến và hơn 10 người hầu trong nhà cùng lúc bị đè chết, họ hàng trong dòng tộc nhà ông ta đến trợ giúp tang lễ, nhìn thấy thảm cảnh Ngu Hiến bị đè chết, vội vàng chạy xuống sảnh tránh mặt, mới được miễn.

Ngu Hiến định mức hình phạt nặng, lại không nỗ lực tận tâm sửa sai, đã nhận lời mà không thực hiện, bằng như là coi thường nhân mạng.

3. Trần Vũ Đế phản bội thệ ước, lập tức ngã bệnh mà chết

Trần Bá Tiên đã giết chết Đại tư không Vương Tăng Biện của triều Lương, lại lần lượt tiêu diệt các tướng. Vi Đới Thái thú Nghĩa Hưng là con trai thứ tư của hoàng môn Lang Vi Phóng, ông vẫn thay Vương Tăng Biện mà kiên trì giữ vững thành trì. Trần Bá Tiên nhiều lần vây đánh nhưng không thể hạ gục. Sau đó ông ta lại đem quân đi chinh phạt, khuyên nhủ Vi Đới rằng: “Người thân của Hoàng công đã bị diệt hết, chỉ còn cái thành đơn độc, ông hi vọng gì nữa, chống cự mãi như vậy có nên chăng? Nếu ông đầu hàng thì trước mắt không phải lo không phú quý”. Vi Đới đáp: “Kẻ sĩ có lòng với người tri kỷ, vốn dĩ thay Hoàng công chống trả đại quân, nên thành thù địch. Đến nay Thừa Minh Công bình định Nam Giang, nếu độc thành tự thủ thì tất không có đường sống. Chỉ là gươm đao liên tiếp, sát thương đại quân quá nhiều, quân sĩ của ngài phẫn hận, tất không để tôi sống. Mẹ già trong nhà càng thêm lo lắng tai họa cận kề. Cho nên, tôi đành sống lay lắt qua ngày, không muốn bị giam cầm. Chỉ cần ngài thực hiện lời thề, tôi sẽ không động đến đại quân nữa”. Thế là Trần Bá Tiên giết bạch mã tuyên thệ sẽ không sát hại Vi Đới. Vi Đới bèn mở thành đầu hàng, mà Trần Bá Tiên cũng thể hiện lòng khoan dung giữ chữ tín, tự quay về kinh đô.

Sau này, Trần Bá Tiên lên ngôi làm Trần Vũ Đế, phái Vi Đới tùy quân xuất binh, bởi vì Vi Đới đến muộn một chút mà ông ta liền khởi lên oán cũ, trảm giết Vi Đới. Đây là hành vi phản bội lời thề của ông ta. Không lâu sau, Trần Vũ Đế đang ở trên đại điện xử lý công sự, liền gặp hồn ma của Vi Đới tiến vào. Trần Vũ Đế hoảng sợ chạy vào sau, ngồi trên điện quang nghiêm trốn tránh. Vi Đới lại đuổi theo vào, Trần Vũ Đế hỏi người bên cạnh, họ đều nói không nhìn thấy gì. Từ đó, Trần Vũ Đế mắc bệnh mà chết.

4. Châu Hưng trở thành kẻ thù của mọi kẻ thù

Thời nhà Đường, Thị lang thu quan Châu Hưng cùng với Lai Tuấn Thần thẩm vấn phạm nhân. Mà Lai Tuấn Thần lại phụng chỉ thẩm vấn Châu Hưng, Châu Hưng không hề biết. Khi hai người cùng ăn cơm, Lai Tuấn Thần hỏi Châu Hưng: “Rất nhiều phạm nhân không chịu nhận tội, anh có cách gì không?” Châu Hưng đáp: “Việc này rất dễ, lấy một cái chum, dùng lửa than đốt xung quanh, cho phạm nhân vào trong đó, còn việc gì anh ta dám không khai ra không?”

Lai Tuấn Thần liến lấy một cái chum to, đốt lửa than xung quanh, đứng dậy nói với Châu Hưng: “Hoàng hậu Võ Tắc Thiên có chỉ phải tra hỏi lão huynh, mời huynh vào trong chum này”.

Châu Hưng khấu đầu sợ hãi, thừa nhận toàn bộ, tội ấy đáng chết nhưng được giảm án lưu đày ở Lĩnh Nam. Rất nhiều người bị ông ta hãm hại cũng bị lưu đày ở đó, cho nên vừa mới đến nơi ông đã trở thành kẻ thù của mọi người, bị đánh đập tàn nhẫn đến chết. Tả Truyện viết: “Đa hành vô lễ, tất cập tự thân” (Làm nhiều việc vô lễ, tất vận vào thân). Câu này thật không sai.

5. Tô Đĩnh tự rút ngắn thọ mệnh

Thượng thư thời Đường Huyền Tông tên là Tô Đĩnh. Khi còn trẻ, có người xem tướng cho ông nói: “Có thể làm quan tới Thượng thư, cuối cùng làm tới nhị phẩm”.

Sau đó, ông làm quan đến Thượng thư tam phẩm, khi bệnh đã nguy cấp rồi, ông liền mời thầy về xem. Thầy nói: “Thọ mệnh của ngài đã cạn, không thể kéo dài thêm được nữa”. Tô Đĩnh bèn kể chuyện xem tướng năm đó. Thầy tướng đáp: “Lúc đầu đáng lẽ là như thế, nhưng khi ở Quế Lâm ngài giết oan hai người, giờ họ kháng cáo ngài ở âm phủ, ngài bị âm phủ cắt đi hai năm thọ mệnh cho nên ngài không làm tới nhị phẩm”.

Trước đây, Tô Đĩnh đến Quế Châu. Có hai viên quan nhỏ kháng cáo huyện lệnh, Tô Đĩnh nhận hối lộ của huyện lệnh, vì bao che cho huyện lệnh mà giết chết hai vị tiểu quan kia. Đến lúc này, Tô Đĩnh hối hận nói: “Tôi đã tự rút ngắn mạng mình rồi”, than vãn rất lâu rồi chết.

6. Võ Huệ Phi thời Đường Huyền Tông

Võ Huệ Phi thời Đường Huyền Tông được sủng ái, âm mưu chiếm ngôi thái tử cho con. Hoàng hậu tính tình hay ghen, có chút bất bình trong lòng, liền bị Đường Huyền Tông phế vị thứ nhân. Mà những lời vu khống tiếp tục được gửi đến tai Huyền Tông. Khi chuẩn bị phế truất thái tử, Huyền Tông xin ý kiến ​​của Trương Cửu Linh.Trương Cửu Linh đáp: “Thái tử là gốc rễ của thiên hạ, nếu có sự thay đổi đột ngột thì lòng người sẽ không yên. Từ khi thái tử sống ở Đông cung chưa từng nghe nói về lỗi lớn nào. Thần nghe lời người xưa dạy rằng đạo phu tử là thiên tính. Nếu con phạm lỗi, người cha nên bao dung với lỗi lầm, không nên phế truất. Hơn nữa, tội của thái tử không rõ ràng, e rằng sẽ bị người ngoài rình mò, làm tổn thương tình cha con”.

Huyền Tông nghe xong rất không vui, nhưng giấu trong lòng. Sau đó Lý Lâm Phủ và những người khác nắm quyền, âm thầm câu kết với Võ Huệ Phi, muốn nâng đỡ con trai của Võ Huệ Phi làm thái tử, để củng cố địa vị của mình. Võ Huệ Phi cũng kết phe với Lý Lâm Phủ. Họ muốn gạt bỏ Trương Cửu Linh trước, sau đó phế truất thái tử. Thái tử và em trai Ngạc Vương Lý Dao và Quang Vương Lý Cư đều bị giết hại cùng ngày. Cả nước thương tiếc, gọi là “tam thứ nhân”. Sau khi Thái tử bị giết oan, Võ Huệ Phi và tùy tùng nhiều lần gặp hồn ma của họ đến quấy phá, sợ hãi suốt đêm trong cung điện, có lúc còn nghe thấy tiếng cười của hồn ma. Cho nên họ đã mời thầy đến xem và đều nói là do tam thứ nhân quấy rối. Thầy cúng đầu tiên bắt Ngạc Vương và Quang Vương bắn chết bằng tên, rồi chôn cất, lúc này mới truyền lệnh cải táng, cầu nguyện cúng tế, nhưng đều vô hiệu. Cho đến khi Võ Huệ Phi bị bệnh chết, bóng ma mới biến mất. Huyền Tông phong Tô Tông làm Thái tử. Kế hoạch nâng đỡ con trai Võ Huệ Phi của Lý Lâm Phủ bị thất bại, khiến ông ta sợ hãi. “Tam thứ nhân” qua đời vào ngày 22 tháng 4 năm Khai Nguyên thứ 25. Đến tháng 12, Võ Huệ Phi qua đời.

Những người có trí huệ đều biết, đây là do Thần linh trừ ác.

7. Kẻ ác đồ hãm hại ân nhân, chết sau vài ngày

Hòa thượng Dạ Quang thời Đường, người Kế Môn, từ nhỏ đã thông minh ham học, tôn kính Phật giáo, nên xuất gia làm tăng ở đây. Chỉ trong vòng 10 năm ông đã thông hiểu toàn bộ đạo lý sâu xa trong kinh Phật. Có một sa môn tên Huệ Đạt, nhà rất giàu, kim tiền bách vạn. Anh ta ngưỡng mộ pháp môn của Dạ Quang nên kết thành bạn bè. Khi đó, Đường Huyền Tông kính trọng Đạo giáo và Phật giáo, đi các nơi chiêu mộ các danh tăng và phương sĩ. Mà Dạ Quang nghèo khó khốn quẫn, không thể đến được Trường An ở phía Tây, tâm thường buồn bã không vui. Huệ Đạt biết, bèn trợ giúp ông 70 vạn tiền đến Trường An, đồng thời nói với Dạ Quang: “Học vấn của ngài tôi cho rằng không ai có thể hơn. Thánh thượng cất nhắc nhân tài kiệt xuất thiên hạ, ngài nhất định phải vượt xuất quần bối, tắm trong thánh ân. Từ đó ngài có thể có thân phận tăng đồ, làm thần tử minh chủ, đây là điều ai cũng mong đợi. Nhưng đến khi đó, tất có rất nhiều người vào môn của ngài, nhưng xin đừng quên tôi người bạn hữu này”. Dạ Quang bái tạ đáp: “Nhờ món quà to lớn của anh mà tôi mới có thể đến Trường An, nếu tôi có thể trở thành tăng quan ngũ phẩm của Quân vương tôi nhất định sẽ báo đáp ân huệ của anh”.

Dạ Quang đến Trường An, mua chuộc kẻ hầu cận của công chúa Cửu Tiên để được Hoàng đế Huyền Tông triệu tập tại suối nước nóng. Huyền Tông ra lệnh cho hoạn quan chọn 10 nhà sư uyên bác giỏi biện luận. Dạ Quang nằm trong số những người được chọn, ông kể lại những chuyện kỳ diệu thần bí, đặt ra nhiều nghi vấn, quần tăng không dám so bì. Huyền Tông vô cùng kinh ngạc trước tài biện luận của ông ta, bèn ban chiếu chỉ ban thưởng dải đeo ấn bạc, phong quan tiến sĩ tứ môn, hàng ngày có kẻ hầu hạ, lại còn được ban thưởng dinh thự cao sang, rất nhiều tiền bạc lụa là, khi đó được gọi là sủng thần – bề tôi được vua yêu quý.

Huệ Đạt từ Kế Môn đến Trường An thăm Dạ Quang. Dạ Quang nghe nói Huệ Đạt đến, cho rằng anh ấy đang đòi nợ mình nên rất không vui. Huệ Đạt hiểu được tâm tư của Dạ Quang, bèn cáo biệt trở về. Huệ Đạt đi hơn một tháng rồi, Dạ Quang lo lắng anh ta sẽ lại đến, bèn viết một bức mật thư cho Trương Đình Khuê – tổng tư lệnh của Kế Môn, nói rằng: “Vừa rồi pháp sư Huệ Đạt đến thủ thành, vu khống ông sửa áo giáp, mưu phản, mọi người đã nghe đồn rồi. Lòng trung thành của ông thì mọi người ai cũng biết, nhưng nếu nhiều lời vu khống thì vàng thật cũng thành giả, ông chớ lơ là cảnh giác!” Khi Trương Đình Khuê xem thư, vừa kinh ngạc vừa tức giận, lập tức triệu tập Huệ Đạt, dùng roi da đánh Huệ Đạt đến chết.

Vài ngày sau, Dạ Quang bất ngờ nhìn thấy Huệ Đạt đến đình và mắng: “Tôi đã dùng 70 vạn tiền để trợ giúp anh đến Trường An, tại sao anh lại hãm hại tôi, khiến tôi chết oan? Sao anh lại phụ tôi như thế?” Nói xong, anh ta nhảy lên túm chặt Dạ Quang, rất lâu sau mới biến mất. Tất cả những người hầu của hòa thượng Dạ Quang đều nhìn thấy. Vài ngày sau thì Dạ Quang chết.

8.Tôn Mỗ cướp đoạt tài sản, chết một cách nhục nhã

Vào năm Thiên Bảo thời Hoàng đế Huyền Tông, Thôi thị Thanh Hà nhà ở Huỳnh Dương, mẹ là Lô Thị giỏi kinh doanh, gia đình rất giàu có. Con trai bà đỗ tiến sĩ tại kinh thành, được bổ nhiệm làm quận úy Cát Châu. Người mẹ lưu luyến sản nghiệp cũ, không muốn đảm nhận, nên cưới Thái Nguyên Vương thị cho con trai, cho hàng trăm vạn tiền cùng một số hầu cận cho con đi nhậm chức. Thôi huyện úy dự định thuê một chiếc thuyền, hầu cận nói: “Có một người họ Tôn ở Cát Châu, tự xưng Tôn Mỗ, anh ta nói có một chiếc thuyền không định trở về, lấy giá rất thấp, nếu thương lượng với anh ta có thể tốt hơn chút”. Thế là họ định ngày xuất hành, Thôi huyện úy cùng vợ Vương thị và đám hầu cận đứng dưới bái đường, khóc từ biệt mẹ và lên thuyền của Tôn Mỗ.

Sau một hành trình dài, con thuyền neo lại bờ hoang vắng trong đêm. Người chở thuyền Tôn Mỗ sớm đã rình mò hành lý của anh ta, thấy Thôi huyện úy không để ý liền bất thình lình đẩy anh ta xuống vực sâu, sau đó giả vờ thành như cứu người, quay lại nói với mọi người rằng: “Chỉ hận là tôi không có lực để cứu”. Cả nhà khóc lóc. Đột nhiên, Tôn Mỗ lấy dao ra, mọi người đều sợ hãi, không dám than khóc nữa. Trong đêm đó, Tôn Mỗ cưỡng ép nạp Vương thị làm vợ. Vương thị khi đó đã có thai rồi. Thế là Tôn Mỗ mang tài vật đến sống ở Giang Hạ. Sau đó Vương thị sinh con trai, Tôn Mỗ coi là con mình nuôi nấng và vô cùng yêu chiều. Người mẹ cũng dạy con biết chữ, đọc sách, nhưng không nói với con về chuyện đã qua. Mẹ của Thôi huyện úy ở Trịnh Châu thấy lạ vì rất lâu không nhận được tin tức của con trai, mong ngóng vài năm, thiên hạ hỗn loạn, người dân lưu tản, bà cũng không có hi vọng gặp được con trai nữa.

Sau 20 năm, Tôn Mỗ nhờ của cải nhà họ Thôi mà phát tài, người con đã 18, 19 tuổi, học xong liền về kinh thi cử. Người con đi về phía Tây, đi qua Trịnh Châu, cách Trịnh Châu khoảng 50 dặm, trời tối lạc đường, thấy có ánh lửa dẫn đường mà không thấy ai. Cậu đi theo ánh lửa, đi khoảng 20 dặm, đến trước cổng một viên trang, cậu gõ cửa xin ở nhờ, chủ nhà tiếp đón và cho cậu ở trong phòng khách. Viên trang này là viên trang nhà họ Thôi. Người hầu nhà họ Thôi lặng lẽ quan sát, sau đó báo cáo lão thái thái nhà họ Thôi rằng người khách vừa xin trọ trước nhà có tướng mạo rất giống lang quân. Người hầu lại quan sát thấy cách ăn nói, dáng đi giống hệt thiếu gia nên nói với lão phu nhân. Lão phu nhân muốn tự mình xem xét kỹ hơn nên đã gọi cậu ta vào sảnh đường nói chuyện giống như nói với con trai của mình, nhưng vừa hỏi hóa ra anh ta họ Tôn.

Lão thái thái lại bật khóc, đứa trẻ cũng không biết tại sao. Bà nói: “Lang quân đã đến rồi thì ngày mai ở lại dùng một bữa cơm”.

Đứa trẻ không dám trái ý người lớn liền đồng ý. Ngày thứ hai, lão thái thái muốn gặp cậu để cáo từ, càng khóc to hơn và nói với cậu: “Đừng hoảng sợ vì tiếng khóc của lão. Hồi đó lão chỉ có một đứa con trai, nhưng vì nó đi nhận quan nên cắt đứt tin tức, đã hơn 20 năm rồi. Hôm nay gặp lang quân tướng mạo giống con trai ta nên bất giác thấy buồn. Lang quân đi về phía Tây, khi trở về nhất định phải đi qua đây, lão trong tâm trống trải, lạnh lẽo, thấy lang quân như gặp con mình. Lão vẫn còn đồ muốn tặng, hi vọng con sớm trở về”. Đứa trẻ này đến mùa xuân thi trượt, trở về lại qua viên trang họ Thôi. Lão thái thái gặp lại rất vui, liền giữ lại vài ngày, lúc gần đi cho cậu ta tiền, lương thực và một bộ quần áo rồi nói: “Đây là quần áo của đứa con ta, khi cậu đi, ta thường nhớ đến nó, hôm nay vĩnh biệt, vì cậu giống người con đã mất của ta nên ta tặng cậu”. Bà khóc từ biệt và nói: “Sau này nếu đi qua đây, xin hãy đến thăm ta lần nữa”. Đứa trẻ trở về nhà và không nói với cha mẹ về việc này.

Sau đó, cậu bỗng nhiên mặc bộ quần áo mà bà lão đưa cho, có một lỗ cháy ở vạt dưới. Mẹ cậu rất kinh ngạc hỏi: “Con lấy ở đâu bộ quần áo này?” Thế là cậu kể lại chi tiết câu chuyện. Khi đó người mẹ cho người hầu ra ngoài, khóc và kể lại câu chuyện cho con và nói: “Mẹ đã may chiếc áo này cho cha con, khi mẹ ủi, nó vô tình bị cháy. Vào ngày cha con đi, bà nội đã để lại nó như một kỷ vật. Mẹ luôn nghĩ rằng con còn nhỏ. Mẹ sợ rằng mẹ không thể cáo oan, đâu ngờ hôm nay thiên lý rõ ràng!” Người con trai đã khóc thảm thiết khi nghe điều này, sau đó đến huyện Trung để kêu oan. Sau khi thẩm tra, Tôn Mỗ quả nhiên nhận tội, liền cho giết anh ta. Lúc này, bỗng nhiên có một con chó hung dữ chạy đến cắn đầu Tôn Mỗ, máu thịt be bét. Có người nói: “Tôn Mỗ chiếm giữ của cải, chết không có mặt”.

9. Vì sao con ruồi bay vào mũi Hình Văn Tông?

Hình Văn Tông người Hà Giản, quê nhà gần U Yên, bản chất thô tục và nham hiểm. Vào thời Đường Thái Tông trị vì, ông ta đột nhiên mắc phải một chứng bệnh phong hàn, trong vòng 10 ngày lông mày và tóc đều rụng hết. Sau đó, ông ta đến chùa quy y và sám hối, tự kể rằng: Trước đây không lâu, khi đi Du Châu, ông ta gặp một hành khách mang theo hơn 10 tấm lụa, thấy hồ lớn không một bóng người bèn muốn giết hành khách. Người khách nói: “Tôi đến Phương Châu mua giấy để viết kinh Phật”, nhưng cuối cùng cũng không được miễn chết. Tình cờ có một lão tăng đang đi về phía Nam, thấy Hình Văn Tông hành ác. Hình sợ rằng sự việc sẽ bị bại lộ liền vung dao chém lão tăng. Lão tăng dập đầu nói: “Xin hãy tha mạng cho tôi, tôi thề rằng hết đời cũng không nói”. Hình Văn Tông vẫn giết ông ta và ném xác vào bụi cây.

Hơn 20 ngày sau, khi trở lại, hắn ta đi ngang qua chỗ lão tăng già chết, khi đó là mùa hè, đoán rằng xác chết đã bị phân hủy, bèn thử qua xem. Kết quả phát hiện thi thể vẫn giống như người sống. Hình Văn Tông xuống ngựa, lấy roi quất vào miệng lão tăng, không ngờ một con ruồi từ trong miệng bay ra, chui vào mũi Hình Văn Tông mà không chui ra nữa, khiến hắn mắc bệnh và đau đớn không thể chịu nổi.

Sau một năm, hắn qua đời.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/250741



Ngày đăng: 21-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.