Nhân quả báo ứng: Trước khi chết Lục Vạn Linh bị Tiên nhân khiển trách



Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Vào cuối thời nhà Minh, có một giám sinh tên là Lục Vạn Linh, “giám sinh” là cách gọi các sinh viên đang theo học tại Quốc Tử Giám. Khi Ngụy Trung Hiền làm loạn, Lục Vạn Linh rất hay nhờ cậy ông ta, dùng lời lẽ nịnh nọt, tâng bốc ông ta. Vào năm thứ bảy Thiên Khải (năm 1627), Lục Vạn Linh còn viết một bức thư nói rằng: “Khổng Tử viết ‘Xuân Thu’, Trung Hiền viết ‘Yếu điển’, Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão, Trung Hiền giết Đông Lâm”. Hắn còn so sánh Ngụy Trung Hiền với thánh nhân Khổng Tử, lại còn kiến nghị rằng bức tượng của Ngụy Trung Hiền nên được đặt cạnh miếu Khổng Tử trong Quốc Tử Giám.

Vào thời điểm đó, những người có chút khí tiết đều coi thường Lục Vạn Linh, cho rằng hắn là một kẻ cặn bã và là nỗi ô nhục của giới học giả. Rất nhiều người vì không muốn làm bạn học của hắn nên đã xin trường Quốc Tử Giám cho nghỉ học dài ngày. Ngụy Trung Hiền rất hài lòng với những lời nịnh nọt của Lục Vạn Linh. Lục Vạn Linh đã lợi dụng điều này để kiếm tiền và làm nhiều việc xấu.

Sau khi Minh Tư Tông lên ngôi, Ngụy Trung Hiền nhanh chóng bị thất thế, Lục Vạn Linh cũng bị người khác tố cáo và bị bắt giam. Khi hắn ta bị giải đến bộ hình xét xử, vừa đúng vào lúc hoàng hôn. Bên đường có một ngôi miếu thờ Khổng Tử, lúc đi ngang qua bất ngờ hắn ta nhìn thấy ba nhà hiền triết Nho gia là: Đạm Đài Diệt Minh, Chu Đôn Di, Trình Hạo. Tất cả đều chỉ vào mặt hắn ta và nói: “Kẻ này dám nhục mạ thánh hiền Khổng Tử”. Đạm Đài Diệt Minh tự là Tử Vũ là đệ tử của Khổng Tử, một trong 72 nhà hiền triết của Khổng môn. Còn Chu Đôn Di (tự Mậu Thúc hiệu Liên Khê) và Trình Hạo (tự Bá Thuần hiệu Minh Đạo) cả hai đều là những học giả Nho gia lớn thời Bắc Tống.

Đạm Đài Diệt Minh sau đó khiển trách Lục Vạn Linh: “Vì ác ngôn của ngươi mà một ngôi đền thờ kẻ phản nghịch được dựng lên, thậm chí ở Giang Tây những ngôi đền của hắn còn được xây gần miếu Khổng Tử. Cũng vì ác ngôn của ngươi mà Ngụy Trung Hiền có thể được xếp ngang hàng với Khổng Tử, thậm chí có người đã ném các bài vị của những người thời đầu đã hy sinh cho Văn Miếu xuống bùn và đặt bài vị của Ngụy Trung Hiền thay thế. Nhớ lại thời Xuân Thu, khi ta, Đạm Đài Diệt Minh, dũng cảm và chính nghĩa đã cầm bảo vật đáng giá nghìn vàng vượt sông, có hai con giao long đến tranh cướp. Ta không hề sợ hãi mà giận dữ nói rằng: ‘Ta có thể giúp nghĩa chứ không thể trộm cướp’, rồi vung kiếm chém rồng. Tại sao giờ đây ta không lập tức xử tội tên tiểu nhân như ngươi? Không phải vì ta sợ ngươi và Ngụy Trung Hiền mà bởi vì ‘quân tử không đánh kẻ tiểu nhân, minh châu không đặt cùng đất đá’, nghĩa là các ngươi không đáng để ta ra tay, lúc ác báo đến sẽ tự nhiên trừng phạt các ngươi”.

Thấy vậy, Lục Vạn Linh sợ đến mức toàn thân run rẩy, phủ phục xuống đất, dập đầu không ngớt lời xin lỗi. Khi giọng nói của các bậc hiền triết khiển trách hắn ta biến mất, hắn ta mới dám nhìn lên, bóng dáng của các bậc thánh hiền đã biến mất, chỉ còn lại “mây và sương mù” trên bầu trời. Lục Vạn Linh sau đó bị kết án tử hình.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/279466



Ngày đăng: 14-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.