Nhân quả báo ứng: Tổ phụ Lý Uy hành thiện, con cháu Lý Hiền rạng rỡ tổ tông



Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Vào thời nhà Minh, có một vị tể tướng nổi tiếng tên là Lý Hiền, ở đây sẽ không nói chi tiết về thành tích của ông mà chỉ nói về một việc làm tốt của ông nội ông là Lý Uy. Lý Uy là một thương gia người Nam Dương, tỉnh Hà Nam, có một lần ông mua một xe bông lớn và mang đến tỉnh Hồ Nam bán. Hôm đó có ba thương nhân từ Lâm Giang đến mua chuyến hàng này với giá 300 lạng bạc, lúc nghỉ ở quán trọ bất ngờ có hỏa hoạn và toàn bộ số bông bị thiêu rụi hoàn toàn. Không ngờ một ngọn lửa vô tình đã làm số bông bị cháy hết. Ba thương nhân Lâm Giang ôm nhau khóc than rằng: “Chúng ta giờ trắng tay rồi, tiền thì không còn mà hàng thì bị cháy hết rồi. Làm thế nào để trở về, giờ chúng ta chỉ có cách chết hoặc lang thang như kẻ ăn xin và chết ở nơi đất khách”. Còn Lý Uy sau khi bán bông xong thì chưa trở về ngay, ông ở lại để mua thêm một số hàng hóa nữa. Ông nghe thấy tiếng khóc liền qua xem thì nhận ra đó là ba người đã mua bông của mình cách đây không lâu.

Sau khi nghe rõ ngọn nguồn, ông liền cười an ủi họ: “Chỉ vì chuyện nhỏ này mà ba người nam tử hán các anh phải khóc như thế này sao? Xe bông đó có bán hay không là do tôi, coi như chuyến hàng đó tôi chưa bán ra, hàng hóa tổn thất là của tôi, coi như tôi không cẩn thận làm hàng bị lửa thiêu rụi rồi, 300 lượng bạc tôi trả lại cho các anh”. Sau đó, ông trả lại đầy đủ 300 lạng bạc, nhưng cả ba thương nhân từ chối. Lý Uy cười nói: “Tôi mất một gánh bông, nhưng cũng không đến nỗi mất tất cả mà phải chết vì nghèo đói, còn các anh thì buôn bán nhỏ nên mất xe bông này coi như trắng tay. Tôi nỡ lòng nào để các anh lưu lạc nơi đất khách quê người, nên 300 lạng bạc này các anh nhận đi”. Cả ba đã nhận lại tiền với lòng biết ơn sâu sắc không thể diễn tả bằng lời, sau đó họ cùng rủ nhau đến các ngôi chùa ở gần đó để cầu nguyện cho ân nhân của mình.

Sau khi xong việc Lý Uy trở về quê nhà, trước khi ông trở về người nhà đã mơ thấy có hai vị Thần áo đỏ nói rằng Lý Uy đã tích được đại đức nên ông Trời sẽ cho ngọc đồng hạ sinh vào gia đình của Lý Uy. Người nhà vô cùng kinh ngạc, khi Lý Uy trở về hỏi chuyện mới chợt hiểu ra rằng, hóa ra đó là do mình đã hào phóng bỏ tiền cứu ba mạng người. Giấc mộng quả nhiên thành sự thật. Hai năm sau, Lý Uy đã có một cháu trai và đặt tên cho nó là Lý Hiền, tự “Nguyên Đức”.

Vào năm Tuyên Đức thứ tám (năm 1433), Lý Hiền đỗ tiến sĩ và nhận chức Sử bộ nghiệm phong chủ sự, tổ chức thi văn, võ tuyển lang trung. Trong “Sự biến Thổ Mộc” [1], Lý Hiền thoát nạn trở về Bắc Kinh. Năm Cảnh Đài thứ hai (năm 1451), ông đề xuất “Chính bản thập sách”, được Đại Tông đánh giá cao và thăng làm Tả bộ binh thị lang, rồi chuyển sang làm Hộ bộ hầu thị lang. Năm sau, ông chuyển sang giữ chức Thượng thư bộ lại. Sau khi Anh Tông trở lại Hoàng vị, ông được nhậm chức Hàn lâm Học sĩ, tham gia nội các và được thăng làm Thượng thư bộ lại. Vào năm Thiện Thuận thứ năm (năm 1461), nhậm thêm chức Thái tử thái bảo. Vào năm Thiên Thuận thứ tám (năm 1464), Hoàng đế Anh Tông lâm bệnh nặng, cho gọi Lý Hiền đến và giao nhiệm vụ quan trọng. Hoàng đế Hiến Tông lên ngôi, ông được thăng chức Thiếu bảo, Thượng thư bộ lại kiêm Đại học sĩ ở điện Hoa Cái, quản lý lễ sự.

Vì Lý Hiền chính trực và có nhiều công lao lớn cho triều đình, sau khi ông nội ông là Lý Uy và cha ông là Lý Thăng qua đời, hoàng đế đều phong tặng họ tước hiệu Các lão, phong tặng mẹ ông hiệu Nhất đẳng cáo mệnh, họ lần lượt được chôn cất trong lăng mộ dành cho tể tướng. Một gia đình ba đời tổ tông có ba ngôi mộ tể tướng là một vinh dự hiếm có từ xưa đến nay.

Tháng 12 năm Thành Hóa thứ hai (tháng 1 năm 1467), Lý Hiền qua đời, hưởng thọ 59 tuổi. Được phong tặng các danh hiệu Đặc tiến quang thọ đại phu, Tả trụ quốc, Thái sư, thụy hiệu “Văn Đạt”. Vào năm Khang Hy thứ 61 (năm 1722), Hoàng đế hạ lệnh phong cho Lý Hiền là tể tướng triều Minh và được thờ phụng trong đền thờ của Hoàng đế các triều đại.

Lý Hiền đã đạt rất nhiều công danh trong cuộc đời của mình, trải dài suốt hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, tên tuổi của ông rất hiển hách, thực khó tìm được tấm gương thứ hai trong sử sách. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do ông nội Lý Uy làm việc thiện, hào phóng cho đi của cải và công đức cứu người. Có thể thấy, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhân quả báo ứng là có thật.

Chú thích:

[1] Sự biến Thổ Mộc là cuộc chiến trong lịch sử Trung Quốc xảy ra vào ngày Nhâm Tuất (15) tháng 8 năm Kỉ Tị (1 tháng 9 năm 1449) giữa quân đội nhà Minh và lực lượng của bộ tộc Ngõa Lạt, Mông Cổ. Trong trận chiến này, lực lượng nhà Minh vốn đông đảo hơn đã thất bại hoàn toàn trước đội quân của Ngoã Lạt do Dã Tiên Đài Cát chỉ huy (Theo vi.wikipedia.org).

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/279495



Ngày đăng: 19-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.