Câu chuyện lịch sử: Vương Thiều gặp sự cố không hoảng hốt



Tác giả: Nhã Khách

[ChanhKien.org]

Vương Thiều, một danh tướng thời Bắc Tống, khi gặp sự cố thì không hề hoảng hốt, lại rất độ lượng. Thời Vương Thiều sống ở kinh thành, vào đúng ngày rằm tiết Nguyên Tiêu năm nọ, con trai thứ 13 của ông là Vương Thải mới năm tuổi đội một chiếc mũ cườm, được gia nhân cõng ra phố xem hoa đăng, trên phố biển người đông đúc, tiếng kèn sáo vang động, quang cảnh hết sức náo nhiệt, gia nhân trong một phút sơ suất đã không thấy Vương Thải đâu nữa. Khi gia nhân quay về báo tin, cả nhà đều kinh hãi bất an, muốn lập tức báo quan nhưng Vương Thiều lại nói: “Nếu là đứa con khác của ta bị thất lạc thì nhất định phải báo quan tìm kiếm, nhưng hiện giờ là đứa con trai thứ mười ba, nó nhất định sẽ tự mình trở về”. Biểu hiện của ông hệt như chẳng có chuyện gì xảy ra, còn người nhà thì ai nấy đều thấp thỏm lo lắng.

Qua mười mấy ngày sau có một vị quan thái giám đến nhà Vương Thiều tuyên chỉ, rằng nhà vua ban thưởng cho Vương Thiều một con tê giác vàng để trấn an, rồi bế Vương Thải từ trên kiệu xuống trả lại cho Vương Thiều, gia nhân thảy đều vui mừng khôn xiết. Chuyện là, ngày hôm ấy khi gia nhân cõng Vương Thải ra khỏi cửa thì có kẻ gian “để mắt” đến phục sức trên người đứa bé liền đi theo sau, nhân lúc đám đông hỗn loạn đã bế Vương Thải lên vai đi ra khỏi thành. Vương Thải phát hiện người cõng mình là một kẻ lạ mặt bèn gỡ chiếc mũ cườm xuống giấu vào trong ngực, khi đến cổng thành có mấy cái kiệu đi ngang qua Vương Thải, Vương Thải vươn tay ra níu lấy rèm kiệu hô lớn: “Có trộm!”, kẻ gian vội quăng Vương Thải xuống đất rồi tháo chạy thoát thân. Người ngồi trong kiệu là một viên thái giám đang chuẩn bị vào cung, nhìn thấy Vương Thải mặt mũi khôi ngô tuấn tú liền ôm vào lòng rồi cùng nhau đi diện kiến hoàng đế Tống Thần Tông. Hoàng đế hỏi: “Ngươi là con cái nhà ai?” Vương Thải đáp: “Thần họ Vương, là tiểu nhi tử của đại thần Vương Thiều”. Rồi thuật lại hết sự việc đã xảy ra. Hoàng đế thấy đứa bé mặt mày thanh tú, ăn nói mạch lạc liền tấm tắc khen: “Vương Thiều thật có một đứa con ngoan”. Tống Thần Tông đã lưu Vương Thải lại trong cung và truyền cho cung nhân đến gặp đứa bé để gặp điềm lành sinh con trai [1]. Mười mấy ngày sau khi vụ án được phá xong, Vương Thải được đem trả về cho Vương Thiều.

[1] Nguyên tác là “nghi nam chi tường” (宜男之祥). Nghi nam (宜男) là tên gọi khác của cỏ huyên (萱草). Tương truyền phụ nữ mang thai mà đeo cỏ huyên thì sẽ sinh nam hài tử, vì vậy khi bạn cũ chúc phụ nữ nhiều con trai thường gọi là nghi nam.

Theo Thỉnh sử của Nhạc Kha thời Nam Tống

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/64233



Ngày đăng: 20-07-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.