Câu chuyện lịch sử: Phó Thuyết khuyên Vua Vũ Đinh



Tác giả: Lý Kiếm

[Chanhkien.org] Lịch sử Trung Quốc vào triều đại nhà Thương, có ông vua tên là Vũ Đinh. Sau khi vua cha băng hà, Vũ Đinh không tham gia chính sự suốt 3 năm để khóc thương và tận hiếu với cha. Sau 3 năm mãn tang cha, Vũ Đinh vẫn không tham gia chính trị. Các quan trong triều đều lo lắng về điều này, vì thế Vũ Đinh viết một bức thư cho các quần thần rằng, “Ta muốn trở thành mẫu mực của muôn dân, nhưng ta sợ rằng mình không đủ phẩm hạnh, vì thế ta không dám nói thuyết. Ta đã học đạo lý chân chính để trị vì thiên hạ. Ta nằm mộng thấy tiên vương, cha ta, sẽ cho ta một bậc đại thần ưu tú để giúp đỡ ta trong việc chấp chính, và vị đại thần ấy sẽ thay ta mà nói ra những lời chính kiến”. Rồi Vũ Đinh vẽ hình của vị đại thần mà ông đã nằm mộng thấy, và lệnh cho quần thần tìm kiếm người này.

Bấy giờ Phó Thuyết đang xây thành ở Phó Nham. Và là người giống nhất với bức hình vẽ mô tả. Vua Vũ Đinh liền gia phong Phó Thuyết làm Tể Tướng, và hỏi lời khuyên để giúp ông cai quản quần thần và trị vì thiên hạ.

Phó Thuyết bèn tâu với Vũ Đinh: “Vị Quân chủ anh minh thì thuận theo đạo trời, kiến lập quốc gia, lựa chọn thủ đô, và gia phong chức tước cho các quan một cách thích hợp. Làm như thế không phải vì để cho vua an dật hưởng lạc, mà vì để trị vì lê dân bá tánh. Các vị Thần biết mọi thứ với trí huệ thần thông. Vị Vua anh minh nên trị vì đất nước giống như cách mà các vị Thần đối đãi với con người. Nếu quần thần và bách tính đều thuận theo thiên mệnh, thì lê dân bá tánh sẽ dễ trị vì”.

Phó Thuyết nói thêm: “Nếu bề trên nói với kẻ dưới với thái độ khinh mạn tùy ý, thì cuối cùng sẽ chuốc nhục vào mình. Nếu vua sử dụng bạo lực và ý chí độc quyền, thì ông ta sẽ dẫn khởi xung đột chiến loạn. Điều trọng yếu cho một chính quyền tốt đẹp là quần thần biết tuân thủ luật pháp. Và vị vua bổ nhiệm vị trí cho họ dựa theo năng lực giải quyết những vấn đề chính sự, chứ không phải dựa theo sở thích và sự thiên vị của Vua. Tước vị không nên giao cho những kẻ tiểu nhân có phẩm hạnh thấp kém, mà nên giao cho người quân tử hiền đức và khiêm nhường. Vua không nên nuông chiều những kẻ tiểu nhân nịnh hót và dung nhẫn họ đến khinh nhờn đối với luật và nguyên lý. Đừng cố chấp làm điều sai để tránh chỉ trích. Luôn suy nghĩ hai lần trước khi quyết định. Như thế vị vua sẽ giải quyết mọi việc theo cách của một đấng minh quân”.

Vũ Đình nghe xong lời khuyên thì rất vui mừng cảm hứng. Phó Thuyết bái tạ đại lễ và nói tiếp: “Biết được phương pháp thì không khó, làm được điều chân chính mới thật khó. Người phải biết ức chế dục vọng nội tâm, cần mẫn chăm lo chính sự. Như thế bệ hạ sẽ luôn đề cao năng lực trị quốc. Luôn canh cánh trong tâm lợi ích của muôn dân và gấm vóc của giang sơn, như thế vị vua anh minh luôn đề cao hiền đức và sự uy nghiêm của mình. Kiêu căng và tự cao tự đại sẽ làm lu mờ phẩm hạnh của người quân tử, làm mất đi giá trị của bản thân”.

Vũ Đình nói: “Chỉ khi có sự trợ tá của một hiền thần, vua mới có được sự thánh minh. Trước đây, tiên vương, phụ thân ta được Y Doãn phò tá mà thành tựu đại nghiệp, vậy mà ông ta vẫn nói, “ta lấy làm hổ thẹn không thể phò tá minh chủ của ta thành vị thánh vương như vua Nghiêu vua Thuấn. Khi nghĩ về điều này, ta tưởng như mình đang bị những trận roi vọt trên đường phố”. Nếu một người có phẩm hạnh mà không được bổ nhiệm xứng đáng, Y Doãn sẽ cảm thấy tự xấu hổ với mình. Y Doãn đã phò tá tiên vương tận tụy mà thành tựu công đức và đại nghiệp, ta hy vọng thần sẽ giúp ta đi theo con đường của tiên vương, mang đến cho muôn dân hòa bình và an định”.

Phó Thuyết chắp tay bái lễ đáp: “Kẻ sỹ sẽ vì minh chúa mà hết lòng thờ phụng đại nghiệp”. Phó Thuyết giữ trọn lời hứa của mình, giúp vua Vũ Đinh kiến lập một triều đại Nhà Thương thịnh vượng.

Dịch từ

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/7/31/38795.html
http://pureinsight.org/pi/index.php?news=4287



Ngày đăng: 04-12-2006

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.