Câu chuyện lịch sử: Vì dân vì nước trảm gấp nịnh thần
Tác giả: Lục Văn
[ChanhKien.org]
Tề Hoàn Công chết rồi, nước Tề mất đi ngôi vị bá chủ, thực lực quốc gia dần dần suy thoái. Thời Tề Cảnh Công tại vị, nước Tần và nước Yên thừa cơ đánh chiếm một vùng rộng lớn của nước Tề. Cảnh Công vô cùng kinh sợ, đã hỏi tướng quốc là Yến Anh rằng: “Phải làm sao đây?” Yến Anh bèn tiến cử lên vua tướng Điền Nhương Thư vốn là một người tinh thông binh pháp. Tề Cảnh Công tuy e ngại Điền Nhương Thư xuất thân hèn mọn nhưng vì đại binh đang áp tới nên cũng không thể suy nghĩ quá nhiều. Bèn tập hợp 500 binh xa, phong cho Điền Nhương Thư làm thống soái, đi đầu chống địch quân đang xâm phạm.
Điền Nhương Thư đắn đo về xuất thân thấp hèn của mình, e tướng sĩ sẽ không phục, nhỡ như hai bên đang đối đầu mà quân sĩ không có nhuệ khí thì chẳng phải sẽ là đại sự sao? Điền Nhương Thư bèn thỉnh cầu với Tề Cảnh Công phái một đại thần mà nhà vua tín nhiệm nhất làm giám quân. Tề Cảnh Công đã lệnh cho người tâm phúc của mình là đại phu Trang Giả làm giám quân.
Điền Nhương Thư và Trang Giả cùng bàn bạc việc quân binh, lúc giã biệt ông nói với Trang Giả: “Ngày mai sẽ tập hợp ba quân, xin giám quân hãy đến đại doanh vào giờ ngọ, vạn lần không được sai hẹn!” Trang Giả đã hoàn toàn đồng ý.
Nhưng Trang Giả lại là một tên nịnh thần, bình thường chỉ biết a dua nịnh hót hoàng thượng, là kẻ hai mặt, ngoài miệng nói đồng ý [với Điền Nhương Thư] nhưng trong lòng lại nghĩ khác, thấy bản thân mình vốn là một đại thần được nhà vua tin yêu nhất, ngay cả tướng quốc Yến Tử (Yến Anh) cũng phải nể ông ta ba phần, còn một tên tướng quân nhỏ bé có xá gì đâu? Khi Trang Giả trở về, lũ quan viên bình thường vẫn tìm trăm phương ngàn kế kết giao với ông ta giờ như thấy được cơ hội, bọn họ đều đến chỗ Trang Giả tiễn biệt, phủ đệ của Trang Giả bỗng chốc trở nên vô cùng náo nhiệt, trên bàn tiệc bày đầy những món ngon rượu quý, tiếng a dua tâng bốc cứ liên tục không ngớt, người người thi nhau nâng chén mời Trang Giả, Trang Giả uống đến say tuý luý, yến tiệc cứ vậy mà kéo dài từ tối đến hôm sau mới tàn. Trang Giả đã sớm có hẹn với Điền Nhương Thư nhưng lại quăng mất lời hẹn đó tận ngoài chín tầng mây.
Ở bên này Điền Nhương Thư đã tập hợp ba quân rồi cho dựng một cây cột gỗ [làm nêu] trước doanh trại để nhìn bóng mặt trời tính thời gian, mấy vạn người ngựa lặng thinh đứng dưới bóng mặt trời, áo giáp và binh khí hắt ra ánh sáng xanh lam, cả ba quân đều mỏi mắt đợi Trang Giả đến. Tuy nhiên quân binh cứ đợi mãi dưới bóng nắng, bóng của cây cột gỗ càng lúc càng ngắn, cuối cùng cái bóng cũng biến mất mà chẳng thấy bóng dáng Trang Giả đâu; Điền Nhương Thư đã hạ lệnh đốn cây gỗ, ý là không đợi Trang Giả nữa, ông nén cơn giận trong lòng xuống, nêu cao kỷ luật với quân binh đang đứng dưới cái nắng gay gắt.
Mãi đến chạng vạng, một chiếc xe ngựa mới đưa Trang Giả đang say khướt về doanh trại. Điền Nhương Thư nhìn thấy ông ta, mặt lạnh như đồng nói: “Sao giám quân bây giờ mới đến?” Trang Giả đáp đầy vẻ thờ ơ: “Người đến tiễn ta đông quá, không cách nào khác, ta phải uống đến tận giờ”. Điền Nhương Thư lời lẽ nghiêm túc, chính nghĩa nói: “Một vị tướng hễ khi nhận mệnh lệnh của quân vương, thì đã gánh vác an nguy của quốc gia trên thân, cần phải quên đi gia đình nhỏ của mình, một lòng vì nước. Khi thống lĩnh ba quân thì cần phải công chính vô tư {thiết diện vô tư}; khi đối diện với quân địch thì cần coi thường sinh tử. Nay cường địch đang áp sát biên ải, đại vương lòng như lửa đốt, nhân dân lo lắng không yên, chúng ta thân làm tướng lĩnh đảm trách an nguy của quốc gia, sao ngài có thể vì tửu yến mà làm lỡ mất việc chinh chiến đại sự?”
Lời nói mạnh mẽ của Điền Nhương Thư làm Trang Giả vừa xấu hổ vừa khó chịu, ông ta đương sắp nổi giận thì Điền Nhương Thư bỗng cao giọng hô lớn: “Quan pháp quân đâu”? Vị quan coi pháp luật trong quân ngũ đáp lại, Điền Nhương Thư hỏi rành rọt từng chữ: “Chiểu theo quân pháp, nếu hẹn mà đến muộn, thì tội thế nào?”
“Đáng chém!”
Trang Giả nghe vậy tinh thần hoảng hốt, thấy tình thế không xong vội sai thủ hạ ruổi ngựa về cầu cứu Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công nghe Trang Giả sắp bị xử theo quân pháp đã vội vã phái một sứ giả cầm phù tiết (vật làm tin khi vua sai đi sứ hoặc điều binh) đến cứu Trang Giả.
Trong quân doanh, Điền Nhương Thư hạ lệnh một tiếng thì đại phu Trang Giả có địa vị hiển hách thế cũng bị đao phủ lôi đi, Trang Giả lúc bấy giờ vẫn còn chưa tin một tên tướng quân nhỏ bé lại có thể chém đầu mình, ông ta vẫn rất bình tĩnh, trong lòng thầm nguyền rủa Điền Nhương Thư: “Đợi lão gia ta gặp được Đại Vương rồi sẽ kiện tên vũ phu ngươi, để xem lúc đó đầu ai sẽ rơi xuống đất?” Nhưng ông ta vĩnh viễn cũng không thể đợi được đến ngày đó, chỉ thấy ánh sáng của cây quỷ đầu đao lóe lên thì đầu của kẻ tham lam kiêu ngạo đã lăn lông lốc trên mặt đất.
Lúc này sứ giả của Tề Cảnh Công mới cấp tốc đến. Sứ giả biết Trang Giả là sủng thần của nhà vua, vội thúc ngựa phi như bay, chiếc xe ngựa không màng trời đất băng trên đường phố Lâm Tri, húc văng không biết bao nhiêu người đi đường. Sứ giả đến doanh trại, phi xe ngựa đến trước đại trướng của trung quân hét lớn: “Đại vương có lệnh, miễn tội cho đại phu Trang Giả!” Điền Nhương Thư lạnh lùng đáp: “Viên tướng đã ở trong quân ngũ thì có khi không nghe theo lệnh nhà vua. Giám quân Trang Giả đã bị chém rồi”. Điền Nhương Thư lại hỏi quan pháp quân một cách nghiêm nghị: “Chiểu theo quân pháp, kẻ xông vào doanh trại thì xử trí thế nào?”
“Đáng chém!”
Hai tiếng “đáng chém” vừa được thốt ra thì viên sứ giả bỗng kinh hoảng thất sắc, cái uy phong ban nãy biến đâu mất, hắn chỉ biết run rẩy cầu xin. Điền Nhương Thư trầm ngâm một lúc rồi nói: “Sứ giả của Đại vương thì không thể giết, nhưng quân pháp như núi, không thể không chấp hành, vậy hãy làm thế này”. Rồi Điền Nhương Thư hạ lệnh chém cái cây gỗ ở bên trái thành xe và con ngựa đi bên trái của xe ngựa [để nêu gương cho ba quân].
Ba quân tướng sĩ thấy Điền Nhương Thư chấp hành quân pháp mà không sợ quyền quý, chém gấp nịnh thần, lòng quân chợt cảm thấy kính nể. Điền Nhương Thư đã [tranh thủ] nhân dịp này chỉnh đốn quân binh. Ông đi đến các doanh trại tuần tra, quan tâm tới binh sĩ từ bữa ăn cho đến các phương diện khác, còn lấy thực phẩm được cấp của mình chia cho binh sĩ. Những hành động của Điền Nhương Thư đã làm cho ba quân đối với chủ soái của mình vừa kính vừa quý, nhuệ khí của quân đội nước Tề tăng mạnh, người người đều tranh nhau vì nước giết địch lập công.
Ba ngày sau, Điền Nhương Thư thống lĩnh đại quân của nước Tề xông pha ra tiền tuyến, tướng lĩnh của nước Tần và nước Yên đã được thám mã báo cáo từ trước, bọn họ thấy đại quân nước Tề sĩ khí rực rỡ như cầu vồng, dũng tiến mạnh mẽ như cơn đại hồng thuỷ không gì cản được, đã gấp rút lui binh trong lặng lẽ.
Điền Nhương Thư thống lĩnh quân Tề với uy chấn làm quân địch khiếp vía, nước Tề không chiến mà thắng. Tề Cảnh Công nhận được tin thắng trận đã vô cùng mừng rỡ, tự mình dẫn hết bá quan văn võ ra khỏi thành Lâm Tri để nghênh tiếp đoàn quân đang hát khúc khải hoàn. Điền Nhương Thư được phong làm đại tư mã đứng đầu quân đội cả nước, thế nên, người đời sau đã gọi vị danh tướng này là Tư Mã Nhương Thư.
Đó chính là:
Toàn tâm vi quốc vong gia tiểu,
Thống soái tam quân phát lệnh hào;
Thiết diện vô tư trừ nịnh thần,
Toàn quân chấn phấn đảm khí hào!
Quân quyền tại ác bất tuần tư,
Vi quốc vi dân bất động diêu;
Thời đại hô hoán Điền Nhương Thư,
Chính nghĩa tương quân ứng tri hiểu!
Tạm dịch:
Toàn tâm vì nước quên việc nhà
Thống soái ba quân phát hiệu lệnh uy nghiêm
Thiết diện vô tư trừ nịnh thần,
Toàn quân chấn phấn lòng dũng cảm lên cao!
Nắm quân quyền trong tay mà không tư lợi
Vì nước vì dân mà vững vàng không lung lay
Thời đại gọi tên Điền Nhương Thư,
Tướng quân chính nghĩa nên biết rõ!
Dựa theo Sử ký
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/56486
Ngày đăng: 31-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.