Câu chuyện lịch sử: Tế thế an dân, hậu đức tải vật



Tác giả: Hoằng Nghị

[ChanhKien.org]

Trình Hạo sống ở thời Bắc Tống, ông là một nhà Nho ôm chí lớn tế thế an dân, dù làm quan ở đâu, ông đều lấy bốn chữ “Thương dân như con” làm kim chỉ nam cho mình, nỗ lực vì nước vì dân. Khi nhậm chức ở huyện Phù Câu, ông đã giúp người dân giải quyết không ít những chuyện khó khăn.

Khi vừa đến nhậm chức, ông nghe được tin nguồn nước trong vùng bị nhiễm mặn, ông hỏi phụ tá: “Lẽ nào người dân từ trước tới giờ đều uống loại nước này sao?” Phụ tá đáp: “Ngài không biết đấy thôi, quanh đây chỉ có một giếng nước ngọt nằm trong tăng viện, nhưng mà nơi đó không cho phép phụ nữ đến lấy nước”. Trình Hạo sau nhiều lần suy nghĩ và bàn bạc kỹ với các phụ tá, ông ra lệnh cho đào giếng từ mạch nước ngầm đó, thế là vấn đề nước uống của người dân đã được giải quyết. Mọi người đều nói: “Vấn đề nhiều năm như vậy, Trình huyện lệnh vừa tới liền giúp chúng ta giải quyết xong!”

Quan tuần duyệt Vương Trung Chính rất được Hoàng đế sủng ái, bất cứ nơi nào ông đến tuần tra, các quan chức địa phương đều tiêu rất nhiều tiền để làm vừa lòng ông. Khi ông đến huyện Phù Câu, một ti lại đã hỏi Trình Hạo cách thức tiếp đãi Vương Trung Chính, Trình Hạo trả lời dứt khoát: “Huyện chúng ta nghèo khó, sao có thể bắt chước các huyện khác bỏ nhiều tiền dâng lên ông ấy được? Hơn nữa, số tiền này đều lấy từ người dân. Theo lý mà nói, chúng ta không nên tiêu dùng tiền một cách không thận trọng”. Sự chính trực của Trình Hạo đã làm Vương Trung Chính kinh sợ, trong suốt nhiệm kỳ của Trình Hạo ông ta cũng không đến huyện Phù Câu một lần nào.

Trình Hạo đã viết thư cho một người bạn: “Đối với người dân, tôi chủ trương việc dùng nhân đức để giáo hóa”. Có một người vì ăn trộm mà bị bắt giữ, Trình Hạo nói người đó: “Nếu ngươi từ nay có thể cải chính, ta sẽ giảm nhẹ tội cho ngươi”. Người đó sau lại tái phạm, trong lúc bị áp giải, người đó rất hổ thẹn không còn mặt mũi nào để gặp Trình Hạo vì thế đã tự vẫn.

Lúc Trình Hạo rời huyện Phù Câu chuyển đến nơi khác nhậm nhức, người dân địa phương khóc nhớ thương xin ông ở lại đừng rời đi.

Trình Hạo từng đảm nhiệm nhiều chức quan, nguyên tắc làm quan của ông là dùng đức hạnh để cảm hóa người dân. Khi ông đến làm huyện lệnh Thượng Nguyên, bờ kè của hồ nước bị vỡ cần phải sửa chữa gấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đồng ruộng. Nhưng việc sửa chữa đòi hỏi nhiều nhân lực, nếu chờ sự chấp thuận của cấp trên để tiến hành sửa chữa sẽ không kịp, nên ông nhanh chóng tập hợp dân chúng sửa chữa phần bờ kè bị vỡ rồi mới bẩm báo lên cấp trên về việc này. Trợ thủ của ông khuyên rằng: “Ngài lẽ nào không biết làm như thế sẽ bị cấp trên trách tội sao?” Trình Hạo đáp: “Ta không còn sự lựa chọn nào khác, nếu chờ đợi cấp trên đến phê chuẩn thì đồng ruộng chẳng bao lâu sẽ bị khô hạn, vậy thì năm sau người nông dân lấy gì để ăn đây? Ông còn nói: “Ta vì dân không tiếc mạng này, ngay cả vì thế mà bị phạt cũng không do dự”.

Thế là, dưới sự chỉ huy và giám sát của ông, bờ kè đã nhanh chóng được tu sửa. Vụ mùa năm đó thu hoạch kết quả quả rất tốt, các nông dân đều nói rằng: “Chúng ta may mắn gặp được vị quan tốt là Trình huyện lệnh, người có tấm lòng rộng mở, nhân ái và đức hạnh, đồng cảm với nỗi khổ của người dân”.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc dạy rằng: “Lạc dĩ thiên hạ, ưu dĩ thiên hạ” (Vui nỗi vui của thiên hạ, lo cái lo của thiên hạ). Tư tưởng này đã giáo dục nên những người làm quan ôm chí lớn tế thế an dân, một lòng vì dân. Họ vừa hết lòng quan tâm đến những nỗi khổ và lợi ích của người dân, yêu thương nhân dân; vừa nỗ lực “dĩ đức phục nhân”, dùng đạo đức để cảm hóa bách tính. Đây cũng là nền chính trị lý tưởng mà Nho gia xưa nay vẫn luôn hướng tới.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/40442

 



Ngày đăng: 13-11-2006

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.