Chân trời tìm Pháp: Đôn Hoàng Phi thiên (Phần 2)
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Tại cảnh giới rất cao nọ có hai vị Tiên nữ phi thiên hầu cận bên cạnh một vị Phật Đà, trong đó một phi thiên tên là Vân Thường còn vị kia tên là Vũ Y. Hai vị này lần lượt phụ trách hai mảng âm nhạc và vũ đạo. Họ được xem là các vị Tiên quan trên thiên giới. Có lần sau khi Phật Đà giảng Pháp xong các phi thiên đã bắt đầu diễn tấu và khiêu vũ, màn diễn xướng này hết sức hoành tráng, khiến vô số chúng Thần đều thấy kính ngưỡng uy đức của Phật Đà. Chúng sinh sống trong hoàn cảnh ấy đều cảm thấy vô cùng tự tại và hạnh phúc. Tuy nhiên trải qua tháng năm dài đằng đẵng tại cảnh giới này đã xuất hiện nhân tố biến dị.
Vân Thường phát hiện rằng nhạc cụ mà các phi thiên cầm trên tay đều có ấn ký màu đen, Vũ Y cũng cảm thấy khi các phi thiên khiêu vũ động tác đã không còn mỹ diệu và linh hoạt như trước. Về sau trong một lần diễn tấu sau khi Phật Đà giảng Pháp cả Vân Thường và Vũ Y đều cảm thấy rõ ràng rằng hiệu quả của màn trình diễn lần này không còn thuần tịnh. Lúc này Phật Đà mới nói: “Tầng thứ này đã bị biến dị rất ghê gớm”. Khi đó hai nữ Tiên quan đang rất lo lắng, bởi vì họ đều tồn tại vì chúng sinh.
Về sau trong một lần diễn tấu cả Vân Thường và Vũ Y đều bị một luồng sức mạnh vô hình “cuốn” sang một cảnh giới khác, có vị Thần ở tại nơi đây dường như phải đi xuống và đang nói lời chào tạm biệt với các vị Thần ban đầu. Vân Thường và Vũ Y hỏi các vị Thần rằng có chuyện gì đang xảy ra. Những vị Thần kia thấy rằng họ tới được nơi đây thì chính là cơ duyên nên đã kể cho họ nghe việc gặp được Sáng Thế Chủ. Sau khi nghe xong họ thấy vô cùng cảm động, cảm thấy cảnh giới của mình cuối cùng cũng được cứu. Vì vậy họ muốn quay trở về cảnh giới ban đầu bẩm báo với Phật Đà một tiếng, bẩm rằng chư Phật đừng quá lo lắng, rằng cảnh giới này có hy vọng được đắc cứu rồi.
Nhưng họ không biết có một điều bất ngờ đã xảy ra: khi họ muốn quay về thì không tìm được chỗ để quay về nữa. Bởi vì vũ trụ quá to lớn, lại có rất nhiều Phật quốc, và còn có rất nhiều khoảng cách lớn giữa các cảnh giới khác nhau, vả lại cũng không thể tuỳ tiện đến các nơi đó. Luồng sức mạnh vô hình cuốn họ đi ban nãy cũng không xuất hiện trở lại. Họ chỉ đành lặng lẽ đi xuống, trong quá trình đi xuống Vân Thường và Vũ Y vẫn mong nghĩ về cảnh giới nguyên lai của mình. Tại một cảnh giới nọ họ hiển hiện trong hình dáng của hai cái cây mọc trên một ngọn núi trắng. Ngọn núi trông tròn vành vạnh nhưng đỉnh núi lại bằng phẳng, hai cái cây này mọc ở giữa đỉnh núi, chúng mọc rất cao lớn và có lá cũng rất to.
Tại nơi đây họ có thể nghe thấy, nhìn thấy biểu hiện của những sinh mệnh trong cảnh giới ấy, nhưng chúng sinh trong cảnh giới ấy không biết được sự tồn tại của họ. Họ thường nghĩ rằng nếu có một chú chim bay đến đây trò chuyện cùng họ thì tốt quá, ở nơi đây mới tịch mịch làm sao. Nhưng qua một thời gian dài đằng đẵng, đừng nói đến chim chóc, ngay cả những sinh vật sống khác cũng chẳng thấy đến bao giờ.
Mãi đến sau này, ngọn núi trắng tròn trĩnh ấy bị chia tách thành ba phần không bằng nhau, ngoại trừ phần lớn là chỗ họ đang sinh sống thì hai phần còn lại đã sụp đổ rất nhanh chóng. Điều họ chưa từng ngờ tới là kể từ khi hai phần núi kia bị sụp đổ, ngày càng có nhiều chúng sinh có thể đến đây. Những chúng sinh ấy đều nhìn thấy vẻ uy nghiêm vô hạn của hai cái cây, trong lòng cũng khởi lên sự kính ngưỡng. Rất nhiều vị Thần đã đến chỗ họ tấu nhạc, khiêu vũ, thậm chí còn kể cho họ nghe những câu chuyện trong quá khứ của mình.
Một ngày nọ có một vị Phật Đà ghé qua đây và nói với tất cả chúng sinh trong cảnh giới này rằng: “Ta từng là một vị Phật Đà ở một cảnh giới cao hơn nhưng trong một lần diễn xuất hai vị Tiên quan phi thiên đột nhiên rời khỏi cảnh giới của ta, ta vì đi tìm họ cũng đã trải qua rất nhiều chuyện. Về sau ta may mắn được gặp Sáng Thế Chủ, Sáng Thế Chủ đã an bài ta đến nơi này, Ngài còn nói rằng tại đây ta sẽ gặp được mối nhân duyên. Sau đó ta sẽ rời khỏi đây và tiếp tục đi xuống bên dưới, mãi cho đến khi đến nhân gian.
Bởi vì năng lực ban đầu của ta bị hạn chế lại nên ta đã phải ở đây tìm kiếm và chờ đợi rất lâu. Bây giờ ta phải lập tức đi xuống, nhưng ta vẫn chưa gặp được duyên phận của mình. Không biết ta còn có thể gặp được không”.
Lúc vị Phật Đà nói những lời này cũng là lúc Vân Thường và Vũ Y đồng thời phát hiện dưới chân mình tựa hồ như trống không, họ muốn bay đi nhưng lại không thể cử động được, chỉ cảm thấy dường như có một bàn tay khổng lồ đặt lên họ, dùng sức ấn họ xuống. Họ bất tri bất giác bị rơi xuống chân ngọn núi trắng. Khi đến bên dưới họ phát hiện hóa ra nơi đây còn có một thế giới của các vị Thần. Vị chủ Thần nơi này bảo họ: “Các vị đã hoàn thành sứ mệnh đóng vai hai cái cây. Sau khi Sáng Thế Chủ cho phép các vị gặp được vị Phật Đà của cảnh giới ban đầu thì các vị sẽ phải rời khỏi nơi này và tiếp tục đi xuống các cảnh giới bên dưới. Bởi vì hai vị và vị Phật Đà ấy gánh vác sứ mệnh và trách nhiệm khác nhau, nên sau lần gặp gỡ rồi chia ly ở nơi đây sẽ khó có cơ hội tương ngộ. Ở nhân gian sẽ có thể có được cơ duyên như vậy, nhưng phải xem các vị nắm bắt thế nào”. Sau đó vị Chủ Thần để Vân Thường và Vũ Y nhìn lại hình dáng của mình, họ phát hiện họ đã trở lại là những Tiên nữ phi thiên xinh đẹp.
Bây giờ họ gặp việc tương tự như trước kia lúc rời cảnh giới ban đầu nên trong đầu lại có thêm một ý nghĩ: “Không gian của cảnh giới đã khác, chúng ta có thể trở lại nơi vừa rồi không?” Họ chỉ giữ ý nghĩ này trong tâm, không có nói ra. Kết quả họ phát hiện có một bàn tay khổng lồ đang nắm họ trong lòng bàn tay và nói một cách từ bi: “Sau này các vị nhất định phải theo sát Sáng Thế Chủ thì mới có thể hoàn thành tâm nguyện giữ trách nhiệm đối với chúng sinh ở tầng thứ kia (Điều này khác với trách nhiệm mà vị Phật Đà của họ gánh vác, bởi vì các Thần khác nhau có những phương thức và biểu hiện trách nhiệm vì chúng sinh khác nhau. Đương nhiên đây chỉ là đứng ở góc độ “Tiên nữ phi thiên” của họ mà xét, còn tầng thứ căn bản của họ không chỉ giới hạn ở đó). Kỳ thực quá trình các vị tầng tầng đi xuống không chỉ là quá trình kết duyên mà còn là quá trình tăng cường trách nhiệm. Bây giờ gặp được ta rồi, các vị nhất định phải biết quý tiếc cơ duyên”. Bởi vì khi ở trong bàn tay của Sáng Thế Chủ họ trở nên hết sức nhỏ bé, nên cũng muốn xem hình dáng của Sáng Thế Chủ trông như thế nào, vì vậy Sáng Thế Chủ đã dùng thần thông để cho họ nhìn thấy toàn hình tượng của Ngài. Khi vừa trông thấy Ngài, Vân Thường và Vũ Y đã vô cùng sửng sốt, từ trước đến nay họ chưa từng gặp qua vị Thần nào từ bi và uy nghiêm đến thế!
Khi quay trở lại ngọn núi trắng ở cảnh giới cũ họ phát hiện các vị Thần ở đấy đều thấy khó lý giải trước việc họ rời đi, vị Phật Đà khi nhìn thấy hai người họ đầu tiên ông sửng sốt một lúc rồi sau khi nhìn kỹ hình dáng của một cái cây nhỏ trên cạnh đầu họ ông biết rằng đó chính là hình tượng nguyên bản của hai cây vừa mới trồng xuống. Vân Thường nói: “Bẩm Phật Đà tôn kính, ngài là người bảo hộ cho hai chúng con ở cảnh giới kia, ngài vừa bảo vì đi tìm chúng con mà đã phải nếm trải rất nhiều. Cũng là do cơ duyên đưa đến, dưới sự an bài của Sáng Thế Chủ chúng ta lại có thể tương ngộ tại đây, đây thật là điều vinh hạnh. Vừa rồi, khi chúng con được giải thoát khỏi hình tượng hai cái cây, Sáng Thế Chủ đã dặn dò rằng nhất định phải theo sát Sáng Thế Chủ mới có thể hoàn thành tâm nguyện gánh vác trách nhiệm vì chúng sinh. Chúng con mong rằng trong hành trình sau này ngài cũng sẽ làm được như vậy”. Vị Phật Đà nghe xong liền thấy rất vui mừng và cũng rất an tâm. Bởi vì một trong những nguyện vọng của ông đã thành hiện thực. Trước khi chia tay Phật Đà nói: “Hy vọng chúng ta có thể gặp lại nhau trong tương lai”. Vũ Y nói: “Vừa rồi Sáng Thế Chủ có dặn con rằng chúng ta trong quá trình đi xuống sẽ không có cơ duyên gặp lại, chỉ có ở nhân gian mới có thể có, nhưng đến lúc đó còn phải xem chúng ta nắm bắt cơ duyên như thế nào”. Phật Đà nghe vậy liền bảo: “Vậy cứ tùy duyên thôi”. Nói xong ông bay xuống bên dưới, tiến vào một tầng thứ và cảnh giới thấp hơn. Hai vị Tiên nữ phi thiên cũng chuẩn bị rời đi, rất nhiều vị Thần ở đây sau khi nghe câu chuyện của họ đã rất cảm động và muốn cùng họ đi xuống, Vân Thường và Vũ Y không cách nào làm chủ chuyện này được, họ chỉ đành quỳ xuống và thỉnh cầu Sáng Thế Chủ định đoạt. Chẳng bao lâu sau Sáng Thế Chủ đến và an bài các vị Thần này đi xuống theo từng lô, họ sẽ diễn những vai diễn khác nhau ở các tầng cho đến tận xuống nhân gian.
Sau khi Vân Thường và Vũ Y hoàn thành trách nhiệm của mình trong cảnh giới đó họ lại bắt đầu một chặng hành trình mới đi xuống dài đằng đẵng. Chúng ta sẽ nói ngắn gọn vậy. Hai vị Tiên nữ tại nhân gian có lúc chuyển sinh cùng nhau, có lúc lại tách ra, bởi vì đối với một sinh mệnh độc lập mà nói thì tự họ đều có thể hệ duyên phận riêng, đều cần thành tựu nên con đường của riêng mình. Cho nên có lúc khoảng cách chuyển sinh của họ rất xa, thậm chí mấy trăm năm, cả nghìn năm cũng chẳng gặp lại được, đây cũng là chuyện bình thường.
Bởi vì họ là những Tiên nữ phi thiên trên thiên thượng, nên khi Sáng Thế Chủ an bài để hệ thống Đôn Hoàng triển hiện và bảo lưu những nhân tố ở các phương diện có liên quan đến hình tượng, trạng thái của các vị Thần… cả hai đồng thời đều được an bài giúp triển hiện cho các họa sĩ vẻ mỹ hảo và Thần thánh của các Tiên tử. Mà người hoạ sĩ được an bài để vẽ lại trùng hợp chính là vị Phật Đà ở cảnh giới ban đầu của họ chuyển thế. Cơ duyên không ngờ lại xảo hợp đến vậy! Câu chuyện ấy diễn ra vào thời thịnh Đường.
Người hoạ sĩ này đời đó xuất thân hàn vi, lên sáu tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ và được đại bá phụ nuôi nấng nên người. Về sau này họ cùng nhau đến đây làm ăn. Khi này Đôn Hoàng là vùng đất rất phồn vinh, các việc đào hang, vẽ tranh và điêu khắc màu đã trở thành nghề nghiệp của con người. Những người tài hoa đều muốn đến đây thi triển kỹ năng. Tuy số tiền kiếm được không nhiều nhưng có thể vẽ và triển hiện ra trạng thái của Thần tựa hồ là một điều vinh hạnh của sinh mệnh. Ở đây anh đã xem rất nhiều bức tranh và tác phẩm điêu khắc của những người đi trước, trong lòng cảm thấy vô cùng hứng khởi, anh cũng gặp được một họa sĩ già, ông lão thấy anh siêng năng, hiếu học nên đã đem hết kỹ năng một đời tích nhặt truyền lại cho anh, cứ như vậy qua bảy, tám năm thì ông lão cũng rời nhân thế. Trước lúc lâm chung ông lão dặn dò: “Nếu như không tìm được linh cảm để vẽ con nhất định phải dùng tâm lễ Phật. Phật sẽ cấp trí huệ cho con”.
Rồi anh bắt đầu sáng tạo một cách độc lập, tuy đã có một nền tảng kỹ năng nhất định nhưng khi gặp một số sự việc cụ thể, đôi khi trong đầu thường có hai luồng tư tưởng “đấu tranh” với nhau: một là nên vẽ Thần Phật như thế này này, luồng tư tưởng kia lại bảo vẽ như thế không đúng, Thần Phật không phải trông như vậy, và tiến độ vẽ của anh cũng trở nên rất chậm. Có lần đối với cách vẽ phi thiên trong tư tưởng anh hiện lên rất nhiều phương thức biểu hiện, bởi vì phải vẽ bản phác thảo sau đó từ từ vẽ lên đó. Anh mò mẫm ra được rất nhiều hình tượng phi thiên mà anh nghĩ đến trong đầu rồi lần lượt vẽ chúng ra. Nhưng anh phát hiện những hình ảnh này khá đơn điệu, không đủ tính linh hoạt. Anh cứ suy ngẫm về những điểm tương đồng và khác biệt giữa các hình tượng phi thiên đang bày trước mắt. Vì không biết phải lựa chọn thế nào nên anh đã nghĩ đến lời dặn của người họa sĩ già trước lúc lâm chung và vội thành tâm lễ Phật. Sau khi lễ Phật, bởi vì thời gian suy xét vấn đề này khá lâu, trong tư tưởng có chỗ “thắt nút” nên đầu óc hơi bị choáng váng. Đúng vào lúc này Vân Thường và Vũ Y nhìn thấy tình cảnh hiện tại của anh, đồng thời họ cũng phát hiện ra mối duyên phận giữa anh và họ trên thiên thượng. Vậy là họ trước tiên để anh cảm thụ một chút về trạng thái của vị Phật Đà trên thiên thượng, Phật Đà có trí huệ to lớn, có nhận thức rộng rãi hơn và sâu sắc hơn về vũ trụ và sinh mệnh, sau đó cả hai dùng pháp lực “kích hoạt” những hình ảnh phi thiên mà anh vẽ, nghĩa là những phi thiên ấy đều bay lên, để anh nhìn được một cách lập thể các khía cạnh của những phi thiên anh vẽ, như thế cả ưu và nhược điểm của tất cả bức vẽ đều hiện rõ. Hai Tiên nữ cũng dần dần triển hiện trạng thái chân thực của các phi thiên trước mặt anh từng chút một.
Lúc đầu anh tưởng mình đang mơ, nhưng sau đó anh dụi dụi mắt và nhận ra đó không phải là mơ, mà là sự thật. Thế là anh cầm cọ vẽ lên, lúc này Vân Thường và Vũ Y trở thành hai “người mẫu”. Tại đây anh đã dùng cái tâm thuần khiết nhất để vẽ những bức họa này, đồng thời cũng là do cơ duyên dẫn dắt mà khi ấy thiên âm mỹ diệu cũng vang lên cùng lúc. Không bao lâu sau bản thảo đã được vẽ xong, Vân Thường và Vũ Y vẫn chưa yên tâm nên lại dặn anh rằng nhất định phải đối đãi nghiêm túc với công việc vẽ, bởi vì đây là điều mà Sáng Thế Chủ lưu lại cho tương lai, thông qua những bức tranh này con người thời mạt Pháp có thể tìm lại được thiện niệm và Phật duyên mà họ đánh mất từ lâu. Anh ghi khắc trong tâm những lời mà Vân Thường và Vũ Y căn dặn, và thực tế là những lúc vẽ tranh đều dùng cái tâm thành kính nhất để đối đãi với công việc của mình. Bởi vì sau khi trải qua việc cảm thụ trạng thái lúc còn là Phật Đà, tư duy của anh đã trở nên rộng mở hơn rất nhiều, góc độ và các phương thức nhìn nhận vấn đề cũng có những thay đổi to lớn…
Khi anh vẽ xong mọi người đều nhận thấy những gì anh vẽ quả thực vô cùng sống động, các bức tranh đã triển hiện được sự thù thắng và từ bi của Thần Phật. Rất nhiều người tìm đến nhờ anh vẽ giúp, lúc này anh cảm thấy bản thân việc vẽ tranh cũng là một kiểu tu hành, và nếu như thực sự tiến nhập vào trạng thái tu hành thì sẽ càng được gần với Thần Phật hơn. Lúc này Vân Thường và Vũ Y đã điểm hoá cho anh, rằng vẫn còn thiếu một chút mới có được cơ duyên tu hành chân chính, anh cần phải hoàn thành thêm một tác phẩm nhỏ nữa thì mới được. Sau khi vẽ xong bức tranh nhỏ, dưới sự an bài của Sáng Thế Chủ anh đã thật sự bước trên con đường tu hành. Vào đời ấy anh đã khởi được tác dụng cần có, về sau anh quay về thiên giới một thời gian rồi lại hạ phàm, anh đã diễn qua rất nhiều vai như văn nhân, tướng quân, quan viên v.v… Cả Vân Thường và Vũ Y cũng như thế. Vào đời này Vân Thường và Vũ Y chưa từng gặp mặt nhau, họ lần lượt chuyển sinh đến những nơi cách nhau rất xa ở Đại Lục. Tất nhiên cả hai đều đắc Pháp từ rất sớm và đang làm những gì cần làm trong hoàn cảnh tương ứng của mình.
Đây chính là:
Đôn Hoàng uyển chuyển điệu phi thiên
Truyền rộng Phạn âm dáng nhẹ tênh
Xiêm y rực rỡ thần uy hiển
Tranh ngàn năm trải tỉnh mê phiền
Chú thích: Xem hình ảnh các vũ công “Phi thiên” của Trung Quốc cổ đại tại đây.
Lưu ý: Nếu độc giả muốn biết thêm về Đôn Hoàng, xin hãy đọc loạt bài “Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng” của trang Epoch Times Tiếng Việt.
(Hết)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/263500
Ngày đăng: 26-03-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.