Nhân sinh cảm ngộ: Đạo của sáng tác



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Gần đây tôi có giao lưu chia sẻ tâm đắc về sáng tác với rất nhiều người bạn trẻ tuổi. Làm thế nào để viết ra được một bài văn hoặc bài thơ hay? Đây kỳ thực là một vấn đề rất quan trọng, nhưng mỗi nhà văn hay nhà thơ đều có đáp án khác nhau đối với vấn đề này.

Tâm đắc về sáng tác của cá nhân tôi là: Kỹ năng cơ bản của sáng tác văn học và kỹ xảo viết lách đương nhiên là rất quan trọng, tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần học kỹ năng viết lách thì sẽ không thể đề cao cảnh giới tư tưởng của người sáng tác. Những câu từ hoa mỹ nếu không có sự chân thành và thiện lương làm nền tảng, đó chỉ là những câu chữ rác rưởi hào nhoáng bên ngoài, ví dụ bài “Nén nước mắt khuyến cáo những nạn nhân thỉnh nguyện”, “Giang Thành Tử – Tự truyện dưới tàn tích”, v.v. của Dư Thu Vũ (nhà văn, học giả đương đại Trung Quốc), Vương Triệu Sơn (thành viên Hội nhà văn Trung Quốc), chỉ khiến người đọc cảm thấy buồn nôn, ghê tởm.

Văn tự chân thành không rỗng tuếch mới có thể tạo ra sự cộng hưởng trong tâm của mọi người; những văn tự khuyến thiện dùng nhiều tâm huyết mới có thể làm rung động lòng người; văn tự khoan dung có lực bao dung mạnh mẽ mới có thể khiến tâm người ta cảm thấy kính phục. Do đó phẩm chất chân thành, tâm hồn thiện lương cũng như tấm lòng rộng mở đều có trợ giúp đối với việc viết ra những áng thơ văn hay. Nhưng những phẩm chất cao thượng đó đều phải qua một thời gian dài tu luyện mới có thể đạt đến cảnh giới tinh thần như vậy.

Rất nhiều người tu luyện viết ra những văn thơ thuần thiện, thuần mỹ, khiến người ta sau khi đọc đều cảm khái vô cùng, dư vị bất tận, đây mới là những kiệt tác chân chính! Bởi vì sự thiện lương trong thơ văn có thể tiêu trừ tâm tự tư và tà niệm một cách tinh tế, khiến nhân tâm quy chính. Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo trong văn hóa truyền thống Trung Quốc mặc dù có khởi nguyên không giống nhau, nhưng đều có một điểm chung đó chính là “khuyến thiện”.

Về phương diện tu hành cá nhân thì chủ trương chỉ lo bồi dưỡng đạo đức cá nhân, bảo trì thiện tâm; chú trọng thiện khi giao tiếp với người khác, thích làm việc thiện. Khi đối đãi với người khác ở mọi phương diện luôn nhấn mạnh tâm tồn thiện ý, thiện đãi người khác. Mang trong lòng thiện niệm – đây không chỉ là một loại thiện lương, mà còn là một loại trí huệ, bất cứ lúc nào cũng lựa chọn làm việc thiện cho người khác, đây luôn là một lựa chọn sáng suốt nhất. Người sáng tác nếu có thể coi khuyến thiện là trách nhiệm của bản thân thì có thể dùng bài văn của mình để tế thế tạo phúc cho nhân loại; điều này không chỉ đem lại công đức vô lượng cho bản thân, mà tác phẩm này nhất định sẽ rất xuất sắc. Đó là bởi vì “nhân hữu thiện nguyện, thiên tất hựu chi” (con người có thiện nguyện, ông trời ắt sẽ giúp đỡ).

Cùng là bài viết hay nhưng phong cách và tầng thứ cũng có sự khác nhau. Đại xảo nhược chuyết, đại hoa nhược phác, cực thâm nhược trĩ (Khéo léo mà giả như vụng về, tuy lộng lẫy nhưng giản dị, thâm sâu nhưng lại đơn giản như trẻ nhỏ). Sáng tác với trái tim chân thành, ngay cả khi không có những ngôn từ hoa mỹ và lối viết điêu luyện cũng có thể viết ra lời văn đẹp đẽ chân thành. Dùng trái tim thuần thiện để sáng tác, văn tự thuần tịnh sẽ như suối nước thanh khiết trên núi cao khiến thế nhân muốn uống. Văn tự thuần thiện thuần mỹ có thể tịnh hóa nhân tâm, cứu độ chúng sinh. Do vậy làm một nhà văn nếu muốn viết ra thơ văn hay và bổ ích thì trước tiên phải tu luyện xuất tâm thuần tịnh.

Trong con mắt của chư Thần, người thiện lương mới là người cao thượng nhất, là người xứng đáng được trân quý nhất. Một trái tim chân thành thiện lương tỏa sáng như vàng kim, lại thuần khiết trong sáng giống như nước cam lộ. Tấm lòng thiện lương là từ bi, khoan dung, có thể bao dung vạn vật trong vũ trụ, tạo phúc cho nhân loại bách tính. Mỗi ngày đều dùng tâm thuần tịnh và thiện lương để sáng tác, không những có thể không ngừng khai mở trí huệ của nhân loại, khiến muôn dân thụ ích vô tận, đồng thời cũng có thể đề cao cảnh giới tinh thần của bản thân tác giả.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/63395



Ngày đăng: 18-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.