Nhân sinh cảm ngộ: Tọa hoài bất loạn chân quân tử
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Người xưa có câu: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Trong lịch sử Trung Quốc, Đường Huyền Tông vì quá sủng ái Dương Quý Phi mà bỏ bê triều chính, khiến loạn An Sử xảy ra, suýt nữa thì nguy hại đến giang sơn xã tắc Đại Đường. Nhân vật Lữ Bố trong truyện Tam quốc diễn nghĩa vì mải nghe theo lời nữ nhân mà trở nên do dự thiếu quyết đoán, kết cục cũng chính vì vậy mà làm mất thành trì và bị rơi đầu. Tuy rằng trong lịch sử từng có ghi chép về Liễu Hạ Huệ tọa hoài bất loạn [1], nhưng con số những người nam tử kiến sắc bất mê [2] quả thật khá ít.
Một người nam nhân nếu không có định lực và ý chí kiên cường thì không cách nào làm được “kiến sắc bất mê, tọa hoài bất loạn”. Ngay cả khi người ấy đã xuất gia tu hành, có khá nhiều người sau khi đã xả bỏ tâm danh lợi thì cái tâm đối với nữ sắc vẫn dùng dằng mãi không dứt được. Cổ ngữ có câu: “Vạn ác vi dâm thủ”, người mang nặng sắc tâm thường dễ bị đắm say trong nhi nữ tình trường, khiến cho đầu não không ôm giữ được chí lớn, sự nghiệp và con đường tu hành đều khó thành công.
Bản thân tôi trước khi trở thành người tu luyện cũng là một người vô cùng yêu thích mỹ nữ, thậm chí vì truy cầu có được mỹ nữ mà dốc tận tâm can. May nhờ có những Pháp Lý tinh thâm của Đại Pháp của vũ trụ đã khiến tôi thấu hiểu triệt để, sự đề cao trong cảnh giới tư tưởng đã khiến tôi nhận ra rằng cái đẹp đến từ nội tâm mới là cái đẹp thật sự. Còn về các cô gái xinh đẹp trên thế gian này, Phật Thích Ca Mâu Ni từng có đoạn luận thuật sâu sắc. Câu chuyện kể rằng khi Phật Đà còn tại thế, một người Bà La Môn giáo đã mang người con gái có dung mạo xinh đẹp đến tịnh xá của Phật Đà, các đệ tử của ngài khi nhìn thấy mỹ sắc thì có người ngợi ca dung nhan ấy, có người thì lam luyến sắc đẹp không buông tâm xuống được. Người Bà La Môn hỏi Phật Đà bằng giọng đầy khiêu khích: “Này Phật Đà, ngươi nhìn con gái của ta xem xem con bé có chỗ nào xấu xí không?” Phật Đà mỉm cười đáp rằng: “Cô con gái của ngươi quả thật vô cùng xấu xí, ta nhìn không thấy chỗ nào là đẹp cả”. Người Bà La Môn nghe vậy vừa xấu hổ vừa tức giận, không hiểu vì sao Phật Đà lại nói như vây? Một vị A Nan đứng bên cạnh Phật Đà đã hỏi ngài rằng: “Thưa Phật Đà, cô gái quả thật mỹ lệ khó ai bì được, sao Phật Đà lại bảo là xấu xí?” Phật Đà cười rằng: “Cái mà chúng ta gọi là mỹ hảo tốt đẹp, chính là một người mắt không tham sắc đẹp, tai không tham âm thanh, mũi không tham hương, lưỡi không tham vị, thân không tham thoải mái, đó mới là người thực sự tốt đẹp, trang nghiêm. Tay không trộm cắp của cải là tay đẹp, lời nói ra không làm tổn thương người khác là miệng đẹp, chân không dẫm vào chuyện phi pháp là chân đẹp. Phàm là những giai nhân mặt hoa da phấn trên thế gian, thân thể cả trong lẫn ngoài, những thứ ác bẩn đêm ngày không ngừng chảy qua cửu khiếu [3], hỏi có chỗ nào là đẹp? Duy chỉ có người lục căn thanh tịnh, giới đức thanh cao, khiến những người xa gần đều nghe thấy tiếng thơm, được các Thần hộ pháp bảo hộ, lúc nào cũng may mắn vô nạn”.
Từ đó có thể thấy, con người thế gian do bị vẻ huyễn hoặc của mỹ sắc mê hoặc nên nhìn không rõ đâu là cái đẹp chân chính. Còn với những bậc chính nhân quân tử trên thế gian mà nói thì tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất của họ chính là “kiến sắc bất mê”, “tọa hoài bất loạn”. Những người có thể triệt để xả bỏ sắc tâm và trong lòng ôm giữ chí lớn tất sẽ thành những người hào kiệt trong thiên hạ.
Chú thích:
[1] Tọa hoài bất loạn: ngồi trong lòng mà không loạn động. Câu thành ngữ này bắt nguồn từ điển tích về Liễu Hạ Huệ sống ở Lỗ quốc vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), ông nổi tiếng là người có khả năng chống lại cám dỗ về sắc dục. Một phụ nữ vô gia cư đã tìm nơi trú ẩn trong một đêm đông lạnh. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô ấy có thể chết vì lạnh, nên ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp chặt cơ thể của cô vào mình. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn. Tham khảo Minh Huệ Net:
https://vn.minghui.org/news/58796-nhung-dien-tich-ve-can
[2] Kiến sắc bất mê: nhìn thấy nữ sắc mà không mê luyến
[3] Cửu khiếu: Chín lỗ gồm hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, lỗ sinh dục và hậu môn
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/30061
Ngày đăng: 01-07-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.