Nhân sinh cảm ngộ: Hiểu hình bằng cách nhìn vào nước
Tác giả: Quán Minh
[Chanhkien.org] Đôi mắt người thường có khả năng quan sát các chủng sự vật, nhưng họ luôn luôn hướng ngoại mà nhìn. Họ không cách nào nhìn được hình dạng thật sự và trạng thái tồn tại chân thực của vật thể. Thí dụ, nếu bạn muốn nhìn chính mình, thì bạn phải dùng gương. Nếu không có dụng cụ này, bạn chỉ có thể thấy được diện mạo người khác. Vậy nên làm sao chúng ta thấy được chính xác diện mạo của mình và tình trạng hiện tại của nước ta (Trung Quốc)? Để làm điều đó, chúng ta có thể vay mượn sự thông thái của cổ nhân.
Hôm nay, khi mở cuốn «Sử Ký» – Phần 3, tôi đã thấy một đoạn đối thoại thật hay giữa Thành Thang vương của triều đại nhà Thương và danh thần Y Doãn. Thành Thang là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Thương (1600–1046 tr.CN). Ông được biết đến với tính chính trực và đức hạnh. Ông giải thích một nguyên lý rất đơn giản: một người có thể quan sát diện mạo của mình bằng cách nhìn vào nước. Tương tự như vậy, người ta có thể đánh giá một quốc gia bằng cách nhìn vào thần dân của họ. Dựa trên sự đau khổ của người dân và sự yêu mến hay lòng hận thù của họ đối với chính quyền, bạn có thể đánh giá sự ổn định của xã hội cũng như sự thăng trầm của một triều đại.
Khi họ đang đàm luận việc này, Y Doãn nói: “Khi cai trị đất nước, Bệ hạ nên chọn ra các quan viên có chuẩn mực đạo đức cao mà Bệ hạ biết sẽ làm lợi cho dân.”
«Kinh Dịch» thuyết rằng: “Thiên sinh nhất, nhất sinh thủy, thủy sinh vạn vật.” (Trời sinh một, một sinh nước, nước sinh vạn vật). Trong chương Tám của «Đạo Đức Kinh», Lão Tử nói: “Người lương thiện nhất thì tựa như nước – mang điều tốt đến cho vạn vật và không bao giờ tranh giành. Nước lưu lại ở những nơi dơ bẩn nhất. Vì vậy nó gần với Đạo.” Bạn tìm thấy nước ở những nơi không ai muốn ở. Do đó, nó gần với Đạo. Giữa vạn sự vạn vật trong tự nhiên, nước được Lão Tử ca ngợi nhất. Ông nghĩ rằng Đức của nước gần với Đạo nhất. Trong thế giới thực, nếu bạn quan sát nước thường xuyên, bạn sẽ thấy khuyết điểm của mình. Bạn sẽ nghiêm khắc với bản thân và hướng nội mỗi khi gặp vấn đề. Đây là phẩm chất của một người vị tha.
Thang vương của triều đại nhà Thương được người ta biết đến với lòng vị tha. Theo dân gian, ngay sau khi triều Thương thành lập, trời không mưa và quốc gia chịu nhiều năm hạn hán. Dân chúng cầu mưa nhưng không có kết quả. Một thuật sĩ đề nghị hiến tế một mạng người để mang mưa trở lại. Thang vương nói: “Cầu mưa là để tạo phúc cho bá tánh. Làm sao có thể tế một mạng người?” Một lúc sau, ông quyết định, “Nếu đây là cách duy nhất, hãy cúng tế ta.” Ông chọn một ngày tốt. Đến hôm ấy, ông đi tắm, cắt tóc và móng tay, và vận y phục trắng. Ông quỳ xuống trước đàn tế và khấn, “Ông Trời, nếu con phạm tội, xin đừng trừng phạt muôn dân. Xin hãy trút tội lỗi của họ lên đầu con. Xin hãy trừng phạt con vì những tội lỗi của họ mà con đang gánh chịu.” Sau đó xuất hiện sấm chớp, và mưa trút xuống. Người dân rất vui mừng và đã cõng Thang vương trở lại cung điện.
Từ thời cổ đại, những vị hoàng đế anh minh luôn kính trọng Trời. Họ tu luyện bản thân và dùng đức trị quốc. Họ cố gắng cải thiện cuộc sống của muôn dân. Những bạo vương thì gàn bướng và làm mọi thứ theo ý mình. Họ từ chối nghe lời khuyên can, hoang dâm vô độ, bách hại trung lương, tàn hại bách tính. Chỉ người có đức mới có thể trị quốc thành công. Khi một quân vương tàn bạo bị người dân nguyền rủa, ông ta đang cận kề sự diệt vong.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org:80/zj/articles/2008/12/10/56484.html
http://pureinsight.org/node/5652
Ngày đăng: 07-11-2010
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.