Nhân sinh cảm ngộ: Làm ơn không cầu báo đáp, và tích được đại đức



Tác giả: Quán Minh

[Chanhkien.org] Trong thế giới hữu hình hữu hoại này, chỉ những người Đại Trí có kiến thức uyên thâm mới có thể hiểu được nguyên lý “không cầu tự nhiên đắc”. Nếu một người nào đó có thể làm ơn mà không cầu đáp trả thì khi ấy người đó đã vượt xa cảnh giới tư tưởng của một người bình thường. Thỉnh thoảng khi tôi đọc những lời dạy của Chu Tử, “Làm điều tốt mà không cần suy tính, mang ơn mà không bao giờ quên”, trái tim tôi đã xúc động sâu sắc. Nếu bạn có thể làm ơn mà không cần đáp trả và, khi bạn nhận được ân huệ từ người khác, thì không bao giờ quên trong suốt cuộc đời và sống theo những nguyên tắc đó để trở thành một người tốt, bạn sẽ tích được đại Đức trong thế giới này. Một vài người, ngay cả khi họ biết đối xử tử tế với người khác là điều tốt, sau khi họ làm được một điều tốt họ bị thoái chí và thậm chí, họ nghi ngờ luôn cả nguyên lý “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, đơn giản chỉ vì họ không được phúc báo ngay lập tức. Điều này xảy ra khi lòng nhân từ của một người nào đó không đủ trong sáng.

Khi vị tướng nổi tiếng thời nhà Hán là Hàn Tín còn trẻ, ông rất nghèo. Một ngày nọ, Hàn Tín không còn gì để ăn, ông không còn cách nào khác là ngồi ở bờ sông ngoại thành Hoài Dương và câu cá. Vào lúc đó, có nhiều phụ nữ đang giặt giũ bên bờ sông. Một người phụ nữ để ý thấy rằng Hàn Tín trông có vẻ đói và xanh xao, có vẻ như đã nhịn đói một thời gian rồi. Cô chủ động lòng đưa Hàn Tín thức ăn mà cô mang theo để ăn. Ông đã ăn uống như thế trong suốt 2 tuần, ngày lại ngày, bữa ăn này đến bữa ăn khác; ông đã ăn những thức ăn của một người có lòng từ tâm rất lớn. Lòng tốt của cô đã làm xúc động Hàn Tín và ông rất biết ơn cô. Ông cảm thấy đã mắc một món nợ khổng lồ với lòng tốt của cô, vì vậy ông đã nói với cô: “Trong tương lai ta sẽ tận tâm báo đáp lòng từ tâm của cô”. Không ngờ, người phụ nữ trả lời thật giản dị, “Một người đàn ông đích thực phải chăm lo cho cuộc sống của bản thân. Tôi đã cho ông thức ăn bởi tôi đã gặp ông và thương hại ông. Nếu tôi gặp những ai khác đang chịu khổ vì đói khát, tôi cũng sẽ làm như thế, vì vậy tôi không cần ông phải báo đáp gì cho tôi cả”.

Nhiều năm trôi qua, người phụ nữ không còn nhớ gì về số thức ăn mà cô đã cho đi. Cô từ lâu đã quên bẵng chuyện nhỏ nhặt như thế. Nhưng Hàn Tín đã không thể quên lòng nhân từ của cô. Sau khi tự đặt cho mình một cái tên giả ông trở lại quê xưa. Điều đầu tiên ông làm là đi tìm người phụ nữ đã gặp trong thời trai trẻ và báo ơn bà bằng một khoản tiền rất lớn.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói rằng một con người thực sự trong sáng thì giống như là nước. Nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho mặt đất, nó không tranh đấu vì quyền lợi, và cũng không cần sự báo đáp. Đó là sự khiêm nhường lớn nhất và đức hạnh cao cả nhất. Làm phước cho người khác mà không cần báo đáp rất được kính trọng bởi vì nó là lòng Vị Tha. Nếu những ai làm phúc cho người khác mà có thể suy nghĩ được ở tầm mức này: hào phóng cho đi khi họ thấy người khác đau khổ, toàn ý chu cấp khi họ gặp người khác đang chịu khổ nạn cam go và sau đó không quan tâm liệu người mà họ giúp có thể hoàn trả lại cho họ hay không, và nếu, trong những hoàn cảnh như thế, mà nội tâm của họ hoàn toàn thanh thản, không than phiền hay hối tiếc, nếu họ có thể làm mọi việc theo cách đó, thì họ sẽ tích được Đại Đức và vì vậy chắc chắn là được cái lợi vĩnh hằng.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/10/14/40447.html
http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4309



Ngày đăng: 29-11-2008

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.