Nhân sinh tùy bút: Hạt giống thiện lương
Tác giả: Thanh Vân
[ChanhKien.org]
(1) Mấy năm trước sau khi dọn nhà về đây, bãi cỏ ngoài nhà vẫn luôn là vấn đề khiến tôi phải đau đầu. Một hai năm đầu tôi không để ý lắm. Về sau tôi mới phát hiện cỏ dại dần mọc um tùm, càng ngày càng tồi tệ, tôi cảm thấy hết sức xấu hổ với hàng xóm láng giềng. Thế là tôi bèn hỏi ý kiến mọi người, nhưng cách trả lời của mỗi người lại khác nhau, có người nói là nên trồng giống cỏ mới, có người nói là cần nhổ cỏ dại đi. Sau khi bàn bạc với vợ, tôi nghĩ mình chưa có kinh nghiệm gieo hạt giống cỏ mới, nên dọn cỏ trước đã. Thế là mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại đi nhổ cỏ dại, nhưng việc này lại mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả cũng không cao. Bởi vậy tôi lại bắt đầu dùng thuốc diệt cỏ. Quả thực lúc mới bắt đầu thì cỏ dại đã khô héo, nhưng qua một thời gian thì lại có giống cỏ mới mọc tràn lan, mọc còn mạnh mẽ hơn trước… Quá thất vọng tôi đã không nén được than thở: vì sao xử lý chỗ cỏ này lại khó như vậy chứ?
Một hôm, nhân lúc đang tán gẫu với người hàng xóm, vợ tôi đã kể về nỗi khổ tâm của mình. Bác hàng xóm là người rất yêu thích nghề làm vườn, sau khi nghe xong câu chuyện của chúng tôi, ông đã bật cười và nói: “thật ra việc xử lý bãi cỏ không hề khó, chỉ cần mỗi năm chăm sóc định kỳ vài lần, ngoài ra vào mùa xuân và mùa thu thì bổ sung một ít hạt giống cỏ đúng lúc là được rồi”. Nghe bác ấy nói xong tôi liền suy nghĩ, cảm thấy cũng có đạo lý: khi bãi cỏ bị thiếu phân bón thì cỏ dại sẽ mọc tràn lan bởi chúng vốn có sức sống rất mạnh mẽ; khi cứ một mực trừ cỏ dại mà không gieo hạt giống cỏ mới, mà bãi đất đó lại sẽ không trống thế mãi, đương nhiên cỏ dại mới sẽ chiếm cứ bãi đất trống ấy.
Do đó có thể thấy, nếu muốn làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, chúng ta cần phải dụng tâm chăm sóc, đồng thời còn phải bổ sung thêm năng lượng chính diện.
(2) Về việc giáo dục con cái, tôi cũng phát hiện ra đạo lý này.
Một buổi sáng, tôi đánh thức con trai bảy tuổi của tôi dậy, bảo cháu mặc quần áo, ăn sáng rồi đưa đi học. Khi mặc quần áo, cháu nhất quyết đòi mặc áo ngắn tay. Tôi nói hôm nay trời rất lạnh, phải mặc áo dài tay, cháu không chịu, sau đó mới miễn cưỡng đồng ý. Lúc xuống tầng dưới, cháu đứng một mình ở góc tường ra vẻ khó chịu. Tôi đã chuẩn bị xong bữa sáng cho cháu, thấy cháu không qua ăn, tôi có chút bực tức, trong tâm nghĩ rằng con mình vì nuông chiều mà sinh hư rồi, cần dạy dỗ một chút. Vì thế tôi bảo cháu rằng nếu muốn ăn sáng thì mau tới đây, nếu không sẽ không có bữa sáng mà ăn đâu. Nghĩ lại liền nhớ ra rằng hôm qua vừa xét lại mình làm thế nào để chiểu theo Chân Thiện Nhẫn mà làm, hôm nay lại đối đãi với con cái như thế này, đó có phải chưa làm được không? Vì thế tôi đi qua chỗ cháu, bảo cháu lại ăn sáng. Lúc này cháu cũng không còn khó chịu một chút nào nữa mà qua ăn sáng một cách vui vẻ phấn khởi.
Tôi thường nghe thấy các bậc phụ huynh nói rằng con cái khó quản, đặc biệt là trẻ con bây giờ. Lúc đầu tôi cũng nhận thức như vậy, cảm thấy con cái đều không nghe lời, nghịch ngợm và tuỳ hứng. Về sau mới dần dần ý thức được rằng, đây cũng là một phần của quá trình trưởng thành trong đời của các cháu, từ trong đó các cháu mới có thể học tập tri thức và hiểu được thế giới này. Thay vì khiển trách, chúng ta nên bình tĩnh hoà ái dạy các cháu về đạo lý. Ngoài ra cần cho các cháu cơ hội sửa sai. Tôi đã làm như vậy, đồng thời còn kết hợp với nội dung của “Tam tự kinh” để giảng cho cháu những câu chuyện và đạo lý về văn hoá truyền thống, hiệu quả đạt được rất tốt. Bản tính tự nhiên của trẻ cũng sẽ không bị kìm nén, không những tâm hiếu kỳ của trẻ mạnh mẽ, mà còn làm cho năng lực tưởng tượng và lực sáng tạo trở nên vô cùng phong phú.
(3) Tục ngữ có câu : “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” (gieo nhân nào gặt quả nấy). Nhìn lại con đường mình đã đi qua, tôi phát hiện rất nhiều phương diện trong cuộc sống cũng đều như vậy.
Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường tại vùng đồng bằng Hoa Bắc. Bố tôi là một thầy giáo tiểu học, còn mẹ thì làm nghề nông ở nhà. Bởi vậy từ nhỏ tôi đã nhận được sự giáo dục mà trong đó không chỉ chứa đựng những phong tục dân gian giản dị và thiện lương, mà còn được thể hiện qua sự kỳ vọng của bố mẹ là “vọng tử thành rồng” (mong muốn con cái thành công), giống như một câu đối mà chúng ta thường thấy là: Trung hậu truyền gia cửu, Thi Thư tế thế trường (Trung hậu truyền bất tận, Thi Thư mãi cứu đời). Sau đó tôi phải tới học tập bên hồ Vị Danh (Đại học Bắc Kinh) cách xa nhà hơn nghìn dặm, vượt qua muôn trùng tới đây tìm tòi học hỏi rồi thành gia lập nghiệp. Sau khi chứng kiến những khó khăn và trăng thầm trong cuộc đời của các bạn học và đồng nghiệp, tôi đã không kìm nổi cảm xúc. Trong việc quyết định vận mệnh của đời người thì sự thông minh và tài trí cố nhiên sẽ chiếm một phần nhất định, nhưng phần lớn là do một người trong hoàn cảnh thuận lợi có thể giúp đỡ người khác hay không, trong hoàn cảnh khó khăn có thể giữ đúng bổn phận của mình hay không.
Trong nhóm những người đã làm việc với tôi, có rất nhiều người có tài năng, nhưng cuộc sống gặp được thuận lợi thì xem ra chỉ có mấy người. Họ đều là những người mà lúc bình thường thiện đãi người khác, hơn nữa còn rất khoan dung độ lượng. Còn những người chú trọng chút ân oán nhỏ nhoi, mặc dù trong những cư xử nhỏ nhặt nhìn qua họ có vẻ thông minh, nhưng họ lại rất khó trở thành người có năng lực lớn. Bởi vì bản tính của tôi không màng danh lợi, cũng không giỏi bày mưu tính kế, bởi vậy dù là thời gian học tập, lúc làm nghiên cứu sau tiến sĩ hay sau này khi đi làm thì đều bị người khác tranh đoạt đề tài nghiên cứu, hoặc bị người khác chiếm mất lợi ích của mình. Một thời gian dài sau đó tôi mới phát hiện bị người khác đoạt mất hạng mục, thông thường về sau liền biến thành “củ khoai nóng” (khó xử lý hoặc sẽ gây rắc rối), người khác sau khi lấy được cũng không có lợi ích gì. Mặc dù cuộc sống và công việc của bản thân tôi có những mối nguy cơ, nhưng bởi vì bình tâm đối nhân xử thế, chân thành với mọi người, lấy thiện đãi người, bởi vậy mà dần dần chuyển biến tốt đẹp, đã trở thành trạng thái mà vài năm trước cả tôi và vợ tôi có nghĩ cũng chẳng dám nghĩ đến. Hồi đó có một đồng nghiệp giới thiệu việc làm hiện nay cho tôi, mặc dù lúc đó xem ra cậu ấy cũng không có tài năng gì, nhưng về sau dần được thăng chức. Bây giờ đã trở thành người có triển vọng nhất so với các bạn đồng trang lứa.
Cũng có một vài ví dụ thì ngược lại. Có những đồng nghiệp mà ở phương diện nào cũng rất tốt, nhưng có người bị giáng chức, có người thất nghiệp, còn có người cứ mãi gặp khó khăn trong lúc tìm công việc. Đương nhiên điều này là có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một vài người đều là do giữ vững về vấn đề quan hệ nam nữ. Còn có một người bạn, trước đây là người rất có năng lực, công việc rất thuận lợi, về sau bởi vì đủ các loại nguyên nhân, mà rời xa hoàn cảnh trước đó, khi muốn tìm việc lại thì rất khó khăn, hơn nữa càng oán trời trách người thì hoàn cảnh càng không tốt. Sau này, trong khi đối đãi với người khác anh ấy đã gây ra một vài sự việc mà không nên có, mặc dù là có nguyên nhân khách quan nhưng lại mang đến cho người khác nỗi thống khổ to lớn, vì vậy mà bản thân anh ấy làm việc gì cũng gặp khó khăn, trắc trở…
Đương nhiên, rất nhiều lúc sự tình cũng không đơn giản như điều thấy được trên bề mặt, cũng giống như luân hồi được giảng trong Phật gia, cũng có thể tồn tại nguyên nhân ở đời trước. Nhưng người ta thường nói: “ông Trời có đức hiếu sinh”. Khi một người giúp đỡ và thiện đãi người khác, họ chính là đang gieo hạt giống thiện lương, ông trời sẽ che chở và phù hộ cho họ. Một người trong khi lợi ích cá nhân không bị ảnh hưởng hoặc chỉ bị động chạm một chút mà lại làm việc thương tổn người khác bất chấp hậu quả, thì có nghĩa là người đó đang gieo xuống hạt giống ân oán, sớm muộn gì cũng sẽ phải bồi thường. Tôi nhớ rằng cách đây vài năm do thay đổi công việc nên tôi phải ở xa vợ không chỉ một lần, trong hoàn cảnh mới này đôi lúc cũng xuất hiện một vài cám dỗ. May mắn rằng những quan niệm truyền thống của tôi vẫn còn chiếm ưu thế, trong tâm tôi biết rằng mình không thể làm những việc không phù hợp với tiêu chuẩn Chân, Thiện, Nhẫn, bởi vậy tôi đã không động niệm đầu nào ở phương diện này, càng không thể để xảy ra những điều không nên có. Kết quả sau mỗi lần được đoàn tụ với vợ, tình cảnh được cải thiện hơn so với trước. Có một vài lần gặp phải tai nạn xe hơi có vẻ nguy hiểm nhưng tôi đã tránh được một cách thần kỳ. Có lẽ những sự việc này đều không phải là ngẫu nhiên.
(4) Nếu như những chuyện nhắc đến ở trên có thể nói là thuộc về tiểu tiết trong cuộc sống, thì dưới đây còn có một số chuyện thuộc về nhân sinh đại nghĩa.
Trong “Tây Du Ký” có một câu chuyện như sau: Phụng Tiên Quận Hầu, họ là Thượng Quan, vào ngày Ngọc Hoàng Đại Đế thị sát hạ giới, Phụng Tiên Quân Hầu đã đấu khẩu ác ngôn với vợ, đánh đổ bàn cỗ chay để cúng tế Trời, còn gọi cho chó tới ăn và buông lời lăng mạ. Ngọc Hoàng Đại Đế thấy ông bất nhân, mắc tội xúc phạm thiên thượng, vì vậy ở điện Phi Hương đã lập ra 3 điều kiện, đó là: khi nào gà ăn hết núi gạo, chó liếm hết núi bột, lửa trong đèn thiêu đứt khoá vàng mới có thể cho mưa xuống quận Phụng Tiên. Cho nên ở quận Phụng Tiên ba năm không một hạt mưa, hạn hán nguy hại bá tánh. Về sau, Tôn Ngộ Không biết được nguyên nhân hạn hán nên đã khuyên Phụng Tiên Quận Hầu và người dân hướng thiện. Quận Hầu và người dân trong quận đều lần lượt cúi đầu lạy trời, từng hộ từng nhà đều kính Thiên lễ Phật, người dân khắp quận nhân tâm quy Thiện. Ngay lập tức, không còn thấy núi gạo và núi bột trong điện Phi Hương, khoá vàng cũng đã bị thiêu đứt, huyện Phụng Tiên mây mù bao phủ, mưa to như trút nước, Thượng Quan Quận Hầu và lê dân bách tính khấu tạ thiên thượng. Từ đó về sau, người dân trong quận thành tâm kính Thiên lễ Phật, hoàn cảnh xung quanh cũng trở nên mưa thuận gió hòa.
Còn nhớ rằng trước kia khi đọc lịch sử tôi thường không hiểu, vì sao trong văn hoá của phương Đông và phương Tây đều coi việc kính Trời hoặc lễ bái là linh thiêng như vậy. Sau này mới hiểu rằng, xã hội nhân loại sở dĩ có thể sinh sôi không ngừng, là vì đời này qua đời khác đều trọng đức hướng thiện, vì vậy mà được ông Trời phù hộ. Ngược lại khi đạo đức trượt dốc, lúc con người không còn thiện niệm thì sẽ xuất hiện tai nạn thậm chí dẫn tới sự biến mất của nền văn minh. Như vậy có thể thấy khi con người không kính Trời, không hướng Thiện mà gặp lúc không thuận lợi, thì thực ra là ông Trời đang cảnh tỉnh, hy vọng con người có thể quay đầu khỏi bờ vực nguy hiểm, tránh khỏi tai nạn to lớn phía trước. Đường đời của một người là vậy, tương lai của một tập thể hay một xã hội cũng là như vậy.
Là con cháu Viêm Hoàng, người Trung Quốc luôn tự hào về văn hoá 5000 năm của Trung Hoa. Vì vậy đồng thời chúng ta cần biết rằng, sở dĩ có thể tạo dựng và thành tựu nên những huy hoàng như vậy cũng là kết quả của hạt giống văn minh của lòng chính trực lương thiện mà các thế hệ trong lịch sử đã truyền cho nhau từ đời này qua đời khác. Bởi vậy ngày nay chúng ta cũng cần trân quý những điều ấy, như vậy bản thân mình mới có thể gặp hung hóa cát, đồng thời không hổ thẹn với tổ tiên và con cháu. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần nghe theo lương tâm của chính mình, khi đối mặt với những vấn đề trọng đại thì cần giữ gìn sự thiện lương. Như vậy chính là đang góp một phần sức lực cho bản thân mình và cho sự tốt đẹp của toàn thể xã hội này của chúng ta.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/110762
Ngày đăng: 06-02-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.