Đôi nét về cuộc sống thường nhật và công việc của nhà sáng lập Pháp Luân Công
Tác giả: Connie Wu
Connie Wu là một nhà quay phim và làm phim tài liệu đã làm việc tại trụ sở chính của Shen Yun từ năm 2006 đến nay.
[ChanhKien.org]
Ngài Lý Hồng Chí, nhà sáng lập môn tu luyện Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, phát biểu tại một hội nghị ở Los Angeles. (Ảnh: The Epoch Times)
Nhiều năm qua, Ngài Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, vẫn luôn kín tiếng trước công chúng. Tuy nhiên gần đây, tờ New York Times đã đăng tải những báo cáo sai lệch và gây hiểu lầm về một loạt các công ty do các học viên Pháp Luân Công sáng lập, chẳng hạn như Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun (Shen Yun Performing Arts) và Thời báo The Epoch Times; việc này lại một lần nữa đưa Ngài Lý vào tâm điểm.
Tuy nhiên, bức tranh mà họ vẽ về Ngài Lý rất rời rạc và những chi tiết mà họ đưa ra không hề giống với hình ảnh vị lãnh tụ tinh thần mà tôi đã biết và làm việc cùng trong gần 20 năm qua. Tôi không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy, vì vậy tôi đã bắt đầu tìm gặp và trò chuyện với những người khác, những người giống như tôi, vốn đã có nhiều năm làm việc cùng Ngài Lý, để chia sẻ một số quan sát của chúng tôi đến bạn đọc.
Tầm nhìn lớn lao được hình thành tại New York
Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch giam giữ quy mô lớn, dùng vũ lực và bôi nhọ Pháp Luân Công trên toàn quốc — đây là một cuộc đàn áp đã kéo dài hơn một phần tư thế kỷ. Vô số học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị mất việc làm, mất tài sản, mất tự do, thậm chí là mất đi mạng sống của họ, một số người đã bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Nhiều trẻ em có cha mẹ tập Pháp Luân Công đã trở thành trẻ mồ côi. Năm 2001, để cung cấp một chỗ trú ngụ an toàn cho các học viên Pháp Luân Công trốn thoát khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các trẻ mồ côi, các học viên Pháp Luân Công ở Bắc Mỹ đã xây dựng chùa Long Tuyền (tên tiếng Anh: Dragon Springs) ở một vùng núi hẻo lánh cách Manhattan hơn 80 dặm (khoảng 130km) về phía Tây Bắc. Khuôn viên này chủ yếu được xây dựng bởi các tình nguyện viên.
Kể từ ngày thành lập, chùa Long Tuyền đã được đăng ký là một ngôi chùa tôn giáo. Trong những năm tiếp theo, Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (Fei Tian Academy of the Arts), Đại học Phi Thiên (Fei Tian College) và Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã được thành lập tại chùa Long Tuyền để khôi phục lại nền văn hóa chân thực của Trung Quốc, vốn gần như đã bị ĐCSTQ hủy hoại, giảng dạy nền văn hóa này cho thế hệ tiếp theo và chia sẻ những giá trị đó với thế giới. Các đoàn thể này đều mang tính chất tôn giáo và cung cấp cho các học viên Pháp Luân Công một phương tiện để sống và thực hành đức tin của họ. Hơn nữa, Shen Yun đóng vai trò quan trọng trong việc vạch trần cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và tôn vinh sự kiên cường của những người đứng lên chống lại bạo quyền một cách ôn hòa. Do đó, chùa Long Tuyền đã trở thành nơi để các học viên Pháp Luân Công sinh sống, làm việc, học tập và thực hành đức tin của họ.
Cuộc sống giản dị với vai trò là người dẫn dắt tinh thần
Là nhà sáng lập Pháp Luân Công và giám đốc nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, Ngài Lý hướng dẫn tu luyện tinh thần cho các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới (chủ yếu thông qua các bài giảng được đăng tải trực tuyến) và đưa ra tầm nhìn nghệ thuật cho Shen Yun. Tuy nhiên, Ngài Lý không giữ bất kỳ vị trí hành chính nào trong các tổ chức hay dự án do các học viên Pháp Luân Công thành lập, cũng như không điều hành các hoạt động hàng ngày của họ. Điều đáng chú ý nhất là Ngài Lý chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản thù lao nào từ các tổ chức này. Ngay cả với Shen Yun, vốn là nơi Ngài Lý đã đóng góp rất nhiều về hướng dẫn nghệ thuật, Ngài Lý hoàn toàn làm việc trên cơ sở tự nguyện.
Khi lần đầu tiên đọc những cáo buộc trên tờ New York Times về lối sống của Ngài Lý, tôi đã tìm đến ông George Xu, chủ tịch của chùa Long Tuyền, người đã nhiều năm làm việc cùng Ngài Lý. Ông George Xu nói rằng mọi người chỉ cần nhìn vào cách sống của Ngài Lý là biết được sự thật. “Ngài Lý về cơ bản sống trong…một ký túc xá. Ngài không có tài sản hay xe hơi, và cuộc sống thường nhật của Ngài rất đơn giản”, ông George Xu giải thích. “Ngoài một giá sách, không gian sống của Ngài gần như chẳng có gì. Rất giản dị”.
Khi tôi hỏi ông George Xu về nguồn thu nhập của Ngài Lý, ông mỉm cười lắc đầu: “Ngài chưa bao giờ nhận một xu nào từ bất kỳ dự án hay tổ chức nào của Pháp Luân Công. Trên thực tế, nguồn thu nhập duy nhất của Ngài là tiền bản quyền từ việc bán sách Pháp Luân Công hoặc các quyền sở hữu trí tuệ liên quan”, ông George Xu giải thích. “Và xin nhớ rằng, tất cả những cuốn sách, video và các tài liệu khác đều có sẵn miễn phí trên internet, vậy nên… rõ ràng là Ngài Lý không hề quan tâm đến việc tối đa hóa thu nhập của mình”.
Khi được hỏi về một số thói quen hàng ngày của Ngài Lý, ông George Xu, đã chia sẻ câu chuyện về khu vực nhà ăn trong khuôn viên. “Ngài Lý có thói quen ăn uống rất đơn giản. Lúc đầu, Ngài ăn ở nhà ăn cùng với mọi người”, ông George Xu giải thích. “Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người đến, Ngài chuyển sang ăn trong phòng mình để tránh làm phiền người khác”.
Ông George Xu nói thêm: “Và thú thực là, không có gì là lạ khi Ngài Lý bỏ bữa vì quá bận rộn”.
Làm việc không ngừng nghỉ
Ông Liang Kaijin, người đã làm việc tại chùa Long Tuyền gần 20 năm và là một trong những kỹ sư của chùa cho biết, việc nhìn thấy Ngài Lý lao động chân tay trong khuôn viên trường là điều bình thường.
“Việc xây dựng chùa Long Tuyền vô cùng khó khăn. Nhiều ngày liền, Ngài Lý làm việc cùng chúng tôi từ sáng đến tối”, ông Liang nói. “Hơn 20 năm qua, ngay cả khi Shen Yun mới thành lập và cần sự hướng dẫn của Ngài Lý trong các lĩnh vực nghệ thuật, mỗi khi nào có chút thời gian, Ngài đều đến công trường để giúp đỡ. Ngay cả bây giờ, ở tuổi ngoài 70, Ngài Lý vẫn giúp đỡ công việc chân tay mỗi khi có thời gian. Đôi khi, vào buổi tối, tôi đi qua khu vực xây dựng và thấy Ngài đang nhặt ốc vít hoặc dọn dẹp khu vực làm việc”.
Ông Liang cười và nói thêm, “Thường thì các học viên Pháp Luân Công hay đến công trường để hỏi Ngài Lý những vấn đề liên quan đến tu luyện, lúc ấy khắp người Ngài phủ đầy mùn cưa, tay áo xắn lên, mồ hôi nhễ nhại, nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn dừng lại để trả lời”.
Đối chiếu với một số khẳng định từ báo cáo của tờ New York Times về các món đồ xa xỉ, ông George Xu cười, “Tôi chưa bao giờ thấy Ngài Lý quan tâm đến hàng hiệu. Ngài chỉ quan tâm xem quần áo có vừa hay không. Lúc trước, Ngài mặc quần kaki. Sau này, Ngài tự thiết kế quần của mình và một số học viên đã giúp may quần sao cho vừa vặn hơn. Thực tế là, Ngài thường mặc cùng một bộ đồng phục và áo khoác được phát cho tất cả các nghệ sĩ Shen Yun, vậy nên … không dễ để nhìn ra Ngài trong đám đông tại khuôn viên trường”.
Cô Ying Li (không có quan hệ họ hàng với Ngài Lý), người quản lý hậu cần tại chùa Long Tuyền và đã làm tình nguyện tại đây trong nhiều năm, cảm thấy có rất nhiều hiểu lầm xung quanh sự tôn trọng mà các học viên dành cho Ngài Lý ở trong trường. Cô Li cho biết: “Pháp Luân Công đã mang lại nhiều lợi ích cho các học viên và mọi người đều biết ơn Ngài Lý vì đã giới thiệu môn tập này và cho phép học miễn phí trên toàn thế giới. Chúng tôi vô cùng kính trọng Ngài và thể hiện rõ điều đó trong cách ứng xử của mình, nhưng có vẻ như một số báo cáo trên phương tiện truyền thông kia đang cố gắng bóp méo điều đó thành sự sùng bái mù quáng cuồng nhiệt”.
“Điều này thật nực cười,” cô Li nói thêm. “Chúng tôi không mù quáng, hay nói cách khác, chúng tôi là người khá thực tế. Sự thật là chúng tôi đã trực tiếp trải nghiệm những điều kỳ diệu mà Pháp Luân Công đã mang lại cho sức khỏe, cho năng lượng cơ thể, cho các mối quan hệ xung quanh và tất nhiên là cả sức khỏe tinh thần của chúng tôi, vậy nên tất nhiên là chúng tôi rất kính trọng người đã biến tất cả những điều kỳ diệu này thành hiện thực, đó chính là Ngài Lý”.
Tuy nhiên, cô Li thừa nhận một số người đã hơi phấn khích thái quá. “Ý tôi là, khi cuộc sống của bạn và rất nhiều người khác thay đổi hoàn toàn nhờ Pháp Luân Công, thì không thể tránh khỏi sẽ có một vài người muốn tặng quà cho Ngài Lý để tỏ lòng biết ơn. Nhưng Ngài Lý không bao giờ nhận bất kỳ thứ gì có giá trị. Có lúc, các học viên tặng những món quà nhỏ như trà hoặc thức ăn, Ngài sẽ nhận chúng để tôn trọng tấm lòng của họ, nhưng Ngài thường nhường lại cho các học viên hoặc các học sinh khác ngay sau đó”.
Môi trường sống cân bằng
Một điều khiến tôi ấn tượng trong những năm qua là, mặc dù Ngài Lý duy trì một lối sống khá khắc khổ, nhưng môi trường sinh hoạt cho học sinh, nhân viên và tình nguyện viên tại chùa Long Tuyền lại được thiết kế rất cân bằng, và có chủ đích như vậy.
Ông George Xu dẫn ra một vài ví dụ về điều này: “Khi ngày càng có nhiều người phương Tây đến học hoặc làm việc tại chùa Long Tuyền, nhóm quản lý đã thuê một thợ làm bánh để làm đồ ăn Tây cho họ”.
Ông George Xu nói thêm: “Thêm vào đó, trường đã thiết lập các khu vực tập gym, bàn bóng bàn, bida, cờ vua, và các hoạt động giải trí khác để khuyến khích học viên tập thể dục và tham gia vào các hình thức giải trí truyền thống thay vì dành quá nhiều thời gian trên internet”.
“Tất cả những điều này đem lại cảm giác khoan khoái dễ chịu”, ông George Xu nói.
Làm rõ sự thật
Ông William Shi, trưởng đội bảo vệ trường hơn một thập kỷ qua, cảm thấy bức xúc với những cáo buộc trên kênh truyền thông.
“Ngài Lý luôn tập trung vào sự phát triển tinh thần của các học viên Pháp Luân Công, ý tôi là, đó là toàn bộ cuộc sống của Ngài”, ông Shi nói. “Mọi việc quản lý các hoạt động hàng ngày đều do các học viên Pháp Luân Công xử lý, và thực sự thì… điều mà hầu hết mọi người bỏ qua là thành công hay thất bại khi thực hiện các việc cũng là một phần trên con đường tu luyện của họ. Đó là quyết định của họ, là con đường họ phải bước đi. Do đó, Ngài Lý không tham gia vào hoạt động hàng ngày của các dự án như thời báo The Epoch Times, Ganjing World hay những dự án khác. Những người có suy nghĩ khác thì họ không hiểu vai trò của các lãnh tụ tinh thần trong truyền thống phương Đông hoặc là họ đang tiếp nhận những thông tin sai lệch”.
“Lấy Thời báo The Epoch Times làm ví dụ”, ông Shi nói thêm. “Mặc dù The Epoch Times đã vận hành trên hơn 20 năm, nhưng Ngài Lý chỉ đến thăm họ một vài lần, và khi nói chuyện, Ngài chỉ hướng dẫn các học viên về con đường tu luyện của họ hoặc cách đối mặt với cuộc đàn áp”.
Điểm dừng chân cuối cùng của tôi là văn phòng của nhóm quản lý Shen Yun, nơi tôi nói chuyện với ông Yu Zhou để tìm hiểu suy nghĩ của ông.
Ông Zhou ngẫm nghĩ một lúc, nhìn ra ngoài cửa sổ.
“Khi ĐCSTQ mới bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, họ đã tung tin đồn rằng Ngài Lý sống xa hoa với nhiều biệt thự và xe hơi. Bây giờ, một số phương tiện truyền thông phương Tây lại lặp lại những luận điệu sai trái tương tự”, ông Zhou chia sẻ. “Là những học viên Pháp Luân Công làm việc cùng Ngài Lý trong suốt những năm qua, chúng tôi đã đích thân chứng kiến và cảm nhận được những khó khăn mà Ngài đã phải chịu đựng và những hy sinh vô tư mà Ngài đã dành cho tất cả các học viên Pháp Luân Công trong nhiều thập kỷ. Tất nhiên, chúng tôi mong muốn Ngài Lý có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế là, Ngài không quan tâm nhiều đến những điều ấy. Trong mắt chúng tôi, Ngài không quan tâm tới những ham muốn vật chất và vẫn luôn như vậy. Ngài Lý không giống với hình ảnh mà một số phương tiện truyền thông đã dựng lên. Thật đáng xấu hổ khi họ làm như vậy”.
(Theo The Epoch Times)
Ngày đăng: 05-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.