Câu chuyện lịch sử: Giai thoại về Tư Mã Quang
Tác giả: Thiện Ngôn
[ChanhKien.org]
Tư Mã Quang, tự Quân Thực, là người ở thôn Thúc Thủy, huyện Hạ, Thẩm Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), nên người đời gọi ông là Thúc Thuỷ tiên sinh. Năm Bảo Nguyên thứ hai ông đỗ tiến sỹ, và làm tới chức quan Tả bộc dạ môn hạ thị lang. Ông được phong chức Thái Sư, Văn Quốc Công, tên thuỵ (tên đặt sau khi chết để cúng giỗ) là Văn Chính. Tư Mã Quang là nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống, ông là người đã chủ trì biên soạn nên cuốn biên niên sử đồ sộ là “Tư trị thông giám”, ngoài ra ông còn có tác phẩm nổi tiếng là “Tư Mã Văn Chính công tập” v.v.
Khi Tư Mã Quang tự nhận xét bản thân mình, ông đã nói rằng: “Ta không có điều gì hơn người khác, chỉ là cả đời ta không làm những việc hổ thẹn với lương tâm”. Người dân ở vùng Thẩm Châu, Lạc Dương đều bị cảm hoá bởi đức hạnh của ông đến nỗi mỗi khi có người phạm sai lầm thì họ sẽ nói: “Tư Mã Quân Thực tiên sinh lẽ nào không biết điều này sao?”
Khi Tư Mã Quang đảm nhiệm chức Thông phán tại Tịnh Châu (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây ngày nay), người Tây Hạ thường xuyên xâm lấn biên giới, điều đó đã trở thành mối lo ở nơi đây. Vì vậy Tư Mã Quang đã kiến nghị lên cấp trên của ông là Bành Tịch cho tu sửa hai tòa thành và chiêu mộ người dân trồng trọt, canh tác nhằm ngăn chặn và kiểm soát người Tây Hạ. Bành Tịch đã nghe lời kiến nghị và phái Quách Ân thi hành việc đó, nhưng bởi vì Quánh Ân phòng ngự không chu toàn cho nên dẫn tới thất bại. Bành Tịch vì chuyện này mà bị cách chức. Tư Mã Quang ba lần viết thư lên triều đình tự nhận trách nhiệm, xin được từ quan, nhưng đều bị từ chối. Sau khi Bành Tịch qua đời, Tư Mã Quang đã đối xử với vợ của Bành Tịch như mẹ của mình, ông chăm sóc con trai của Bành Tịch như đối với huynh đệ thân thiết. Người thời đó đều cho rằng Tư Mã Quang là một người hiền đức.
Thời Tư Mã Quang còn ở Lạc Dương, Văn Ngạn Bác thường dẫn theo các kỹ nữ đi du xuân. Ngày nào ông cũng mời rủ Tư Mã Quang đi cùng. Một ngày khi đang du ngoạn tới “Độc Lạc Viên”, trông thấy người trông giữ khu vườn nhìn về phía mình thở dài, Tư Mã Quang hỏi người đó vì sao thở dài, người trông vườn đáp: “Bây giờ là lúc hoa cỏ cây cối sinh trưởng tươi tốt, mỗi lần ngài ra ngoài du ngoạn là mấy chục ngày, không chỉ khiến cho thanh xuân của ngài trôi đi, mà thậm chí đến một dòng sách ngài cũng không đọc. Đáng tiếc rằng ngài đã phóng túng bản thân, lãng phí thời gian cuộc đời vào những thú vui vô bổ!” Tư Mã Quang nghe xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, ông đã phát thề sẽ không bao giờ ra ngoài du ngoạn nữa. Sau này, mỗi khi có người mời ông ra ngoài du ngoạn, Tư Mã Quang lại dùng lời của người trông vườn để khước từ.
Tư Mã Quang sống một đời giản dị, thanh liêm, ông không màng đến những điều xa hoa. Có người nói, khi vợ ông qua đời, trong nhà ông cũng không có tiền để lo việc tang lễ, vì vậy con trai ông là Tư Mã Khang chủ định mượn tiền để làm việc tang lễ được phô trương một chút, nhưng Tư Mã Quang đã không đồng ý. Ông dạy bảo con mình rằng lập thân, xử thế quý ở chỗ tiết kiệm, không thể tùy ý mượn tiền người khác. Vì thế Tư Mã Quang đã đem cầm cố một miếng đất của mình và dùng số tiền đó để tổ chức một tang lễ bình thường. Đây chính là câu chuyện: “Điển địa táng thê” (Cầm cố đất để làm tang lễ cho vợ) của Tư Mã Quang.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/articles/2007/7/27/44997.html
Ngày đăng: 26-08-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.