Du du tự tại (26): Thuyết Hoa



Tổ công tác văn hóa Đại Khung

[Chanhkien.org]

Xuân thiên bách hoa triển tân nhan,
đào hồng lý bạch tề lộ kiểm.
Hạ nhật hà hoa nhất phiến thiên,
đình đình ngọc lập tại nhãn tiền.
Thu sương phiêu lạc bách hoa tàn,
thu cúc mặc mặc độc xán lạn.
Đông tuyết mạn mạn thiên địa hàn,
sổ điểm mai hoa chúng sanh phán.

Diễn nghĩa:

Mùa xuân trăm hoa đua nở khoe sắc,
Lý Bạch với màu hồng đào chỉnh tề lộ diện.
Ngày hè hoa sen nở một vùng trời,
duyên dáng yêu kiều ở trước mắt.
Sương mùa thu nhẹ rơi trăm hoa tàn,
cúc mùa thu lặng lẽ một mình rực rỡ.
Tuyết đông phủ khắp trời đất lạnh,
điểm vài hoa mai chúng sinh mong chờ.

Lời dẫn: Sau khi tan học, Nhân Nhân, Duyên Duyên và Bối Bối đi tới một vườn hoa. Chỉ thấy một đóa hoa tulip tao nhã duyên dáng yêu kiều đang nở rộ, lúc này những bông hoa tulip đỏ và hồng vô cùng đẹp. Thầy giáo Vương đang chăm chút tưới nước cho những bông hoa.

Nhân Nhân: Thầy Vương ơi! Loài hoa tulip này của thầy thật là đẹp!

Thầy Vương: Cảm ơn em, Nhân Nhân!

Nhân Nhân: Em rất thích hoa tulip, nếu như nó có thể biến thành tiểu tinh tinh bên cạnh em thì sẽ tốt biết mấy. (Đang mơ tưởng)

Duyên Duyên: Cậu lại nằm mơ rồi, hoa làm sao có thể nghe hiểu được lời của cậu chứ, hơn nữa đây cũng không phải đang diễn phim hoạt hình.

Nhân Nhân: Ơ, thì mọi người đều thật sự hy vọng thế mà… (Mọi người bĩu môi, có chút không vừa ý đã làm vỡ tan mộng tưởng của Nhân Nhân)

Thầy giáo: Duyên Duyên, em thật sự cảm thấy hoa không hiểu được tiếng người sao?

Duyên Duyên: Dạ đúng ạ, hoa cũng không có lỗ tai.

Thầy giáo: Nhưng mà trong câu chuyện xưa ở Trung Quốc, hoa có thể hiểu được tiếng người đấy. Các em có muốn nghe không nào?

Ba bạn nhỏ đồng thanh nói: Dạ được ạ! Được ạ!

Bối cảnh: Âm nhạc và hình ảnh đưa các bạn nhỏ tới thời cổ đại.

Thầy giáo: Truyền thuyết kể rằng, mỗi một loài hoa, đều do một vị tiên tử chăm sóc, chẳng hạn như Liên Hoa tiên tử, Mai Hoa tiên tử, Cúc Hoa tiên tử, có một vị tổng quản phụ trách những hoa tiên tử này, đó chính là Bách Hoa tiên tử.

Vào mùa đông năm đó, nữ hoàng thời nhà Đường Võ Tắc Thiên cùng với Thái Bình công chúa đang thưởng rượu nghe nhạc, nhìn thấy hoa mai vàng trước cửa sổ khai nở rất đẹp, nữ hoàng đang say khướt nhất thời cao hứng, muốn tới hoa viên thưởng hoa. Kết quả là trong hoa viên chỉ có vài loài hoa nở vào mùa đông như hoa thủy tiên, mai vàng, hoa đón xuân, những loài hoa còn lại đều bị tuyết phủ trắng xóa, đừng nói là một bông hoa, ngay cả đến một chiếc lá cũng không thấy được. Lúc này Võ Tắc Thiên vô cùng tức giận, liền hạ thánh chỉ: “Tất cả các loài hoa hãy nghe lệnh, sáng ngày mai các ngươi đều phải khai nở, nếu không sẽ bị ta phạt nặng”.

Thầy giáo: Sau khi nghe mệnh lệnh của Hoàng đế, tất cả các loại hoa đều kinh hãi, đồng thời cũng lo sợ, bởi vì hoa muốn nở phải theo mùa quy định. Nhưng nếu không nở, ngộ nhỡ Hoàng đế hạ lệnh trừng phạt thì có thể tất cả các loài hoa đều bị tuyệt chủng. Các loài hoa gặp nạn nên đành kêu khóc với các tiên tử trên thiên thượng. Sau khi chúng tiên tử nghe thấy, cũng vô cùng gấp gáp, vội vàng báo cáo lên Bách Hoa tiên tử.

Nào ngờ là lúc này Bách Hoa tiên tử đang đến thăm các vị Thần Tiên chưa về, các hoa tiên tử dạo trong tiên cảnh tìm một hồi lâu mà không thấy chủ nhân, một số hoa tiên tử có chút khiếp đảm liền nhanh chóng tới nhân gian mệnh lệnh cho các loài hoa khai nở. Chỉ có Mẫu Đơn tiên tử vẫn tiếp tục tìm kiếm chủ nhân, trời sáng lúc nào không hay. Mặt trời đã ló dạng, nhưng Mẫu Đơn tiên tử vẫn tìm không thấy Bách Hoa tiên tử, cuối cùng, nó đành phải hạ phàm, lệnh cho loài hoa mẫu đơn khai nở.

Sáng hôm đó, Võ Tắc Thiên đến vườn hoa xem, quả nhiên một thế giới hoa nở rộ, khiến bà vô cùng cao hứng. Nhưng khi nhìn kỹ, phát hiện ra loài hoa mẫu đơn mà mình yêu thích lại không nở, khiến bà không khỏi tức giận nói: “Ta bình thường quan tâm đến hoa mẫu đơn nhất, hôm nay ngươi lại dám vong ân bội nghĩa không nở hoa. Người đâu, đem nhổ mẫu đơn lên rồi đem đi đốt cho ta”.

Thầy giáo: Công chúa đứng bên cạnh, liền cầu xin Hoàng đế tha thứ, hy vọng sẽ cấp cơ hội cho mẫu đơn thời gian nửa ngày. Quả nhiên không lâu sau, tất cả hoa mẫu đơn đều khai nở. Nhưng vì khai nở quá muộn, hoàng đế vẫn rất tức giận. Cuối cùng hoàng đế hạ chỉ, đem tất cả hoa mẫu đơn trong hoàng cung dời đi, toàn bộ hoa mẫu đơn được đưa đến Lạc Dương. Cho nên về sau, loài hoa mẫu đơn đẹp nhất cả nước đều ở Lạc Dương!

Bối Bối: Ồ! Không ngờ là những loài hoa này lại nghe hiểu được mệnh lệnh của Hoàng đế, thật thần kỳ!

(Ông Bút Lông từ trong cặp sách của Duyên Duyên bay ra)

Bút Lông: Ha ha ha! Thật vậy! Các nhà khoa học ngày nay cũng phát hiện ra rằng, thực vật có thể cảm thụ được con người đang nghĩ gì! Lúc mà con người dùng tấm lòng yêu thương để tưới nước cho thực vật, chúng cũng rất vui mừng. Tiếp theo, ông sẽ nói về diễn biến của chữ hoa này nhé!

(Ông Bút Lông dùng ngòi bút vẽ một hình ảnh, ở giữa xuất hiện tia sáng)

Chữ Hoa (華) và chữ Hoa (花) thời cổ đại là có cùng một ý nghĩa, 華 có trước 花 có sau. Ví như câu “xuân hoa thu thực” (có làm thì mới có ăn), hoa (華) mà không có quả thì chỉ là 花 mà thôi.

Chữ 華 trong giáp cốt văn, biểu hiện ra sự trăm hoa nở rộ, nhánh hoa phấp phới, làm cho người xem hoa cả mắt.

Nhưng khi tạo ra những chữ như mộc(木), quả (果), diệp (叶) … thường sẽ lấy ba nhánh để biểu thị, mà chữ 華 này lại nở ra 12 đóa hoa, có hoa hướng lên, có hoa hướng xuống, có hoa hướng sang trái, hướng sang phải, biểu đạt sinh động sự duyên dáng yêu kiều của hoa, cũng bộc lộ trí huệ và sự dụng tâm của người tạo chữ.

Các cháu hãy xem tiếp ba chữ kim văn này, chúng đã được đơn giản hóa thành ba đóa hoặc bốn đóa hoa, về hình thức cũng theo quy luật hơn. Chữ tiểu triện thứ hai được thêm bộ thảo ở phía trên, rễ cây và thân cây được phân thành hai đoạn.

Chữ khải thư về cơ bản là từ chữ kim văn thứ hai mà diễn biến thành, có điều ở chữ khải thư, rễ cây và thân cây viết liền thành một đường thẳng.

(Tia sáng lóe lên, hình ảnh được thu hồi lại)

Lời dẫn: Sau khi nghe ông Bút Lông giảng giải, các bạn nhỏ hầu như đều có nhận thức mới đối với chữ hoa này.

Duyên Duyên: Em cảm thấy cổ nhân hẳn là rất thích hoa, cho nên chữ hoa của giáp cốt văn mới có nhiều đóa hoa như vậy.

Nhân Nhân: Đúng vậy. Em cũng rất thích hoa, chỉ là sớm muộn gì hoa rồi sẽ héo tàn, thật đáng tiếc.

Thầy giáo: Đúng rồi! Hoa mang cho người ta ấn tượng tốt đẹp nhưng ngắn ngủi. Hoa quỳnh được mệnh danh là “Người đẹp dưới trăng”, luôn nở lúc nửa đêm, trước khi trời sáng liền tàn. Nó cố gắng triển hiện dung nhan mỹ lệ trong mấy giờ ngắn ngủi. Cũng bởi vì sinh mệnh của nó ngắn ngủi như vậy, nên khi đứng bên cạnh cũng có thể cảm nhận được cánh hoa đang nhẹ rung, nỗ lực quyết tâm khai nở.

Bối Bối: Oa! Thật là cảm động!

Nhân Nhân: Thưa thầy, có cách nào để bảo tồn hoa lâu hơn không ạ?

Thầy giáo: Đương nhiên là có, “ép hoa” là một phương pháp bảo tồn rất tốt. Nếu như các em muốn học, thầy có thể dạy các em cách “ép hoa” như thế nào.

Các bạn nhỏ: Thật tốt ạ!

(Ông Bút Lông đứng bên cạnh mỉm cười nhìn ba bạn nhỏ)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35608



Ngày đăng: 04-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.