Du du tự tại (1): Chữ Hán và nhân sinh



[ChanhKien.org]

1. Học chữ Hán có thể mở mang tầm nhìn, tiến nhập vào thế giới rộng lớn

Học chữ Hán, mỗi người sẽ tiến vào thế giới trừu tượng, là một cây cầu quan trọng để tiến vào thế giới tư duy của người khác; chữ Hán giúp chúng ta có thể đi vào thế giới cổ đại, thế giới bên ngoài và thế giới trừu tượng. Hiểu văn tự để học tập cũng giống như thủy thủ Popeye ăn rau chân vịt vậy, sau khi học được văn tự, công lực sẽ tăng lên nhiều lần.

Một người có thể nắm vững được chữ Hán, thì cả cuộc đời người ấy sẽ thay đổi, vì thế khi đối diện với môi trường bên ngoài người ấy có thể mở ra rất nhiều con đường khác nhau để phát triển bản thân. Nắm vững năng lực chữ Hán rất quan trọng, xét từ góc độ nghiên cứu ngôn ngữ học cho đến phát triển văn tự, thì học chữ Hán có thể kích thích liên kết và phát triển thần kinh não, đây là một loại học tập rất tốt. Hình, âm và nghĩa của chữ Hán có liên hệ về không gian và thứ tự, không chỉ có liên hệ về bố cục mà còn có liên hệ về chỉnh thể. Khi chúng ta nhận diện chữ Hán trong quá trình đọc và lý giải, thì toàn bộ não đều hoạt động. Cho nên học chữ Hán sẽ nâng cao năng lượng học tập, nâng cao tiềm năng lý giải của mình, lại có thể mở mang tầm nhìn, tiến vào thế giới rộng mở.

2. Chữ Hán khiến cho nhân sinh phong phú hơn

Chữ Hán vốn là thứ rất đẹp. Chúng có nguồn gốc rất lâu dài, một chữ Hán sẽ gắn liền với một giai đoạn lịch sử cổ xưa. Trong quá trình học và sử dụng chữ Hán, tự nhiên sẽ tiếp xúc được với rất nhiều thành ngữ, câu chuyện lịch sử và truyền thuyết dân gian. Những điển cố tràn đầy màu sắc và trí tuệ nhân sinh này khiến cho nhân sinh càng thêm phong phú.

3. Chữ Hán vượt trở ngại của thời gian

Hình của chữ Hán là cố định như nhau, nhưng âm chữ Hán lại không ngừng thay đổi tùy theo thời gian và không gian. Tuy âm thay đổi nhưng chữ đó lại không thay đổi, vẫn bảo lưu đầu mối, do đó kết cấu chữ Hán vẫn luôn luôn cố định, cho nên chúng ta vẫn có thể đọc hiểu được những điều từ 3000 năm trước. Đặc điểm này của chữ Hán là điều mà bất cứ văn tự nào khác trên thế giới đều không đạt được.

4. Phương pháp học tập chữ Hán thú vị và có hiệu suất

Rất nhiều người thường lý giải sai rằng: cảm thấy học chữ Hán rất khó. Kỳ thực nếu có thể dùng phương pháp tốt, năng động để dạy trẻ em học chữ Hán thì không cần trẻ em phải viết chữ đến mỏi tay, viết phát sợ. Phương pháp như vậy không đúng. Khi hướng dẫn trẻ nhỏ, có thể giảng giải cho chúng rằng, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp khác, sinh động và nghệ thuật hơn, bởi vì vốn chữ Hán là thứ rất đẹp. Độ cân bằng, thay đổi, kích cỡ và khoảng cách của chữ Hán so với các văn tự khác đều mang lại cho chúng ta cảm giác đẹp đẽ. Cho nên làm sao để hoạt bát và sinh động dạy cho trẻ em, khiến chúng mong muốn học mới là điều quan trọng.

Khi học thì cần nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài, cho nên việc trình chiếu hình ảnh sẽ có tác dụng dẫn dắt rất lớn, như thế sẽ biết chữ đó được viết theo trình tự nào, từ đó sẽ có ấn tượng sâu sắc, đương nhiên sẽ có thể rất nhanh chóng nắm vững sự liên quan của các câu chuyện đằng sau mỗi chữ đó.

Tôi nhận thấy bộ “Du du tự tại” này được biên soạn rất tốt, rất công phu, có thể thu hút hứng thú của trẻ em, có thể dẫn dắt trẻ em một cách sinh động hoạt bát học tập chữ Hán, khiến cho những người mới bắt đầu học sẽ lĩnh hội được cái đẹp của chữ Hán, du du (thong dong nhàn nhã dạo chơi) trong thế giới của Hán tự.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu trung ương Đài Loan: Tăng Chí Lãng

Học vị chuyên môn:

Tiến sỹ Tâm lý học nhận thức Đại học Pennsylvania, Mỹ.

Chuyên gia Tâm lý học nhận thức và thần kinh ngôn ngữ học, có nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ học và văn tự.

Nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/32725



Ngày đăng: 24-05-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.