Du du tự tại (12): Chương 7: Thuyết Trư



Tổ công tác văn hóa Đại Khung

[ChanhKien.org]

Tiểu Trư tiểu Trư xuyên hắc y, nhân tiếu tha bát bất sinh khí,

Chủy ba ngạnh như oa thổ cơ, oa đắc liệp cẩu đào mệnh khứ,

Bì nhẫn khả đương phòng đạn y, cảm xung cảm chàng bất úy địch,

Bất khi nhược tiểu giảng nghĩa khí, thú trung hào kiệt xưng đệ nhất.

Diễn nghĩa:

Lợn nhỏ lợn nhỏ mặc áo đen, cười chê nó ngốc chẳng hề giận,

Miệng cứng tựa như máy xúc đất, đào cho chó săn chạy thục mạng,

Da dày dẻo làm áo chống đạn, dám đâm dám húc không sợ địch

Trọng nghĩa khí không bắt nạt kẻ yếu, hào kiệt nhất trong các loài vật.

Thầy Vương: Này các em, tiết Thuyết văn giải tự hôm nay chúng ta sẽ học chữ “Trư” (猪). Mỗi ngày chúng ta đều ăn thịt lợn, nhưng không hiểu biết nhiều về tình huống chân thật của loài lợn. Vì vậy khi người khác nói bạn là đồ con lợn, bạn có vui không?

Duyên Duyên: Không vui! Vì em không ngốc và dơ bẩn giống như lợn ạ.

Thầy Vương: Vậy nếu nói em là anh hùng hào kiệt, em sẽ vui chứ?

Duyên Duyên: Tất nhiên vui rồi ạ!

Thầy Vương: Kỳ thực, lợn không bẩn và cũng không ngốc, ngược lại nó rất thông minh. Các em biết không? Chữ hào (豪) trong “anh hùng hào kiệt” có chữ lợn đấy!

Hào trong từ hào kiệt là chỉ một con nhím dũng mãnh (con nhím tiếng trung gọi là Tiễn Trư). Hơn nữa, vào thời cổ đại, lợn được mọi người yêu mến, địa vị của nó rất cao. Thí dụ trong số học sinh của Khổng Tử, thì Tử Lộ là dũng mãnh nhất, ông ấy có thể tay không đánh hổ, trên thanh bảo kiếm mà ông ấy mang theo có khắc ký hiệu lợn rừng.

Duyên Duyên: Em có xem qua lợn rừng, lông của nó cứng như gai, còn có hai cái răng dài.

Thầy Vương: Đúng, hai cái răng dài ấy chúng ta còn gọi là răng nanh.

Người dân bản địa tại Đài Loan sẽ treo răng nanh của lợn rừng săn được ở cửa nhà. Như thế, người trong dòng tộc sẽ kính nể họ, bởi vì chỉ có dũng sĩ mới dám săn lợn rừng. Thiên tính của lợn rừng là hung dữ, da của nó rất cứng không dễ đâm thủng, đặc tính của nó là cho dù đâm bị thương cũng sẽ không bỏ chạy, ngược lại nó sẽ nhanh chóng xông tới người thợ săn. Nếu trở tay không kịp, thì thợ săn ấy hoặc chó săn sẽ bị nó húc vào bụng đến lòi ruột. Nhưng nếu chúng ta không làm hại nó, nó sẽ không làm chúng ta bị thương, bởi vì loài lợn vốn dĩ không ức hiếp những động vật nhỏ hơn nó và trẻ em.

Nhân Nhân: Loài lợn có thật sự là thông minh và thích sạch sẽ không thầy?

Thầy Vương: Đúng, lợn là động vật rất thông minh. Lợn rừng ở Đài Loan có thể vượt qua bẫy kẹp thú, ăn hết lạc (đậu phộng) của nông dân. Khi người nông dân kiểm tra, thì cành lá trên mặt đất trông hoàn hảo vô khuyết, nhưng đậu phộng sống trong đất lại bị ăn hết sạch. Nó chỉ chừa lại một số hạt non để lần sau lại đến ăn nữa. Các em nói xem lợn có thông minh không nào?

Nhân Nhân, Duyên Duyên: Thông minh ạ.

Thầy Vương: Về phần lợn trông có vẻ vô cùng bẩn thỉu, là vì lông và da của nó màu đen, nhìn hơi bẩn bẩn, chứ bản tính của lợn là thích sạch sẽ. Trong số những gia súc như bò, dê, lợn, chó,… thì lợn là dễ huấn luyện đi vệ sinh nhất. Do đó, bẩn không phải là đặc tính của lợn.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc và sự thay đổi của chữ “Trư” nhé!

Bút lông gia gia: Chữ “Trư” (猪) vào thời kỳ đầu viết là “thỉ” (豕). “Đồn” (豚) là lợn nhỏ, mà Quynh (冂) cũng là lợn nhỏ, “hào” (豪) là con nhím dũng cảm tiến về phía trước.

Trong chữ giáp cốt, thì chữ Trư có một cái bụng béo với cái đuôi rủ xuống, có con phần lưng vẽ gai giống như lông bờm, không những mang tính tượng hình mà còn sinh động như thật.

Để thuận tiện khi viết, đầu lợn được viết hướng lên trên, chân đặt phía bên trái, cũng có chữ đặt bên phải.

Cái mõm vừa mạnh vừa dài là vũ khí bí mật của lợn, khi bụng đói có thể dùng nó để đào thức ăn, còn có thể dùng khi xông vào kẻ địch. Vì thế, từ chữ giáp cốt văn đến thời chữ tiểu triện, cái mõm dài phía trước đều được giữ lại.

Thời chữ tiểu triện, thì lược bớt đi cái bụng và trực tiếp dùng ba nét bút để biểu thị chân của lợn.

Cuối cùng mới biến đổi thành thỉ (豕) trong chữ Khải Thư ngày nay. Chữ “thỉ” lại kết hợp với chữ “giả” (者), trở thành chữ Trư mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Bút lông gia gia: Các em cảm thấy chữ “Trư” có thú vị không nào? Lần tới chúng ta sẽ học một chữ còn thú vị hơn nữa nhé! Tạm biệt!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35001



Ngày đăng: 07-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.