Du du tự tại (3): Chữ Hán là một thể sinh mệnh
[ChanhKien.org]
Chữ Hán là một thể sinh mệnh
Chữ Hán có tụ tán có ly hợp của nó, cũng có Thành Trụ Hoại Diệt của nó. Ví dụ như chữ Đức (德), trong thời cổ đại vẫn luôn song hành với Đạo (道), tạo thành Đạo Đức, được mọi người chào đón.
Ngày nay Đạo và Đức sớm đã đường chia đôi ngả, người ta thích thêm cho chữ ‘đạo’ một chữ ‘lộ’, biểu đạt con đường, ví dụ như đạo lộ trường (con đường dài) hay đạo lộ đoản (con đường ngắn).
Về chữ đức, hiện nay chữ ‘đức’ thường tìm chữ ‘công’ để làm bạn, vì thế người hiện đại thích làm ‘công đức’, nhưng không thích nói về ‘Đạo Đức’.
Lại bàn tiếp về Thành Trụ Hoại Diệt. Thế giới chúng ta có 3 ngôn ngữ cổ lớn là chữ Hán, chữ tượng hình Babylon và chữ tượng hình Ai Cập. Tuy nhiên, chữ Babylon và chữ Ai Cập sớm đã bị lãng quên, trở thành lịch sử. Chỉ duy có chữ Hán là đã đi qua hơn 3000 năm, không những “già mà vẫn cường tráng” “hùng tráng oai phong” mà còn nhận được rất nhiều sự tán thán của các nhà nghiên cứu, học giả về văn tự nổi tiếng hiện nay, hơn nữa đã mạnh mẽ tiến vào học thuật hạng nhất của thế giới, khiến việc nghiên cứu chữ Hán trở thành cơn sốt.
Chữ Hán mỹ diệu
Chữ Hán là văn tự duy nhất hiện nay biểu thị “ý”, mỗi nét bút đều có hàm ý của nó.
Xét từ góc độ hình và tượng (1) thì mỗi chữ Hán đều là tác phẩm nghệ thuật, trong thư pháp Nhật Bản gọi đó là “Thư đạo”.
Còn văn tự phiên âm của phương Tây, chỉ là lấy phần âm thanh đưa ra không có mặt chữ, đó chỉ giống như những sợi dây thừng đang nhảy múa mà thôi.
Chúng ta hãy xem xét chữ nhân (人). Nhân sinh rất phức tạp, đủ cả đắng cay ngọt bùi. Những chữ nhân vì sao viết ra đơn giản như vậy? Chỉ có hai nét bút, vậy hai nét bút ấy đại biểu cho điều gì? Chữ nhân Giáp cốt tượng hình cho một người khom lưng chắp tay trước ngực. Như vậy chẳng phải người tạo chữ đã nói cho chúng ta rằng, nếu dùng thái độ khiêm cung coi mình thấp hơn và thành kính thì có thể làm cho nhân sinh trở nên càng đơn giản hơn sao?
- Chữ gia giáp cốt
Có câu “Gia gia hữu bản nan niệm kinh”, vậy thế nào mới thực sự là gia (家)? Chữ gia Giáp cốt tạo thành từ một căn nhà và một con lợn. Đây đâu giống một ngôi nhà? Nó trông giống cái chuồng lợn vậy! Nhưng có ngôi nhà để che mưa che nắng mới chỉ thể hiện mặt dễ chịu thơm tho của ngôi nhà; mà loài lợn tính dục mạnh, sinh sản nhiều, một lần mang thai có thể đẻ tới 12 con, tượng trưng cho tài nguyên phong phú, con đàn cháu đống, ngôi nhà như vậy mới nhiều hạnh phúc!
Xem xét đến chữ tín (信), chữ tín biểu đạt “con người nói ra phải tín”, những lời con người nói phải đáng tin, nếu không sẽ không phải lời mà con người nói nữa mà là lời của ma quỷ, dối trá! Những người nói ra không phải là lời của con người thì đương nhiên cũng không phải là người, từ đó có thể thấy người xưa rất coi trọng tín.
Chữ Hán xuyên qua giới hạn thời không, học sinh tiểu học của chúng ta có thể trực tiếp thưởng thức thơ đường của hơn 1000 năm trước, trong khi đó học sinh đại học của Anh lại rất khó đọc hiểu được thơ của William Shakespeare hơn 300 năm trước.
Người Nhật Bản mỗi cuối năm đều chọn ra một chữ để tổng kết những hỉ nộ ai lạc của năm đó. Cuối năm 2004 họ chọn chữ tai (災) của chữ Hán.
Vì sao không sử dụng chữ Nhật Bản hay tiếng Anh? Là vì chỉ có chữ tai (災) của chữ Hán, mới biểu đạt rõ tình hình năm đó, trên thế giới đầy những động đất, thủy tai, bắt cóc v.v., tai họa trùng trùng, cảm giác như lửa đã sém chân mày.
Chữ tai (災) biểu đạt “hỏa đã thiêu đến trong nhà rồi”, (gồm chữ 巛, viết giản lược của chữ sào (巢), sào đại biểu cho nhà (家)). Nhật Bản từng nỗ lực loại bỏ chữ Hán, nhưng sao ngày nay lại càng trân quý chữ Hán gấp bội.
Chữ Hán có thể xuyên qua giới hạn thời gian, không gian và chủng tộc, là sứ giả tốt nhất của văn hóa và hòa bình!
Chú thích:
(1) Hình và tượng: Trong “kinh dịch – hệ từ”: Tại Thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa kiến dã. (Vì xem ở trời mà thấy được nhật nguyệt tinh thần, v.v. thành ra vô số Tượng. Vì xem ở đất mà thấy được sơn xuyên động thực, v.v. thành ra vô số hình, nhân đó mà quái hào trong Dịch, âm biến ra dương, dương hóa ra âm, cũng rõ ràng tất thảy)
Hình, là đặc trưng mang tính bản chất của sự vật, có quan hệ với sự vật cụ thể. Hình nhấn mạnh vào sự tồn tại, tức hình dạng đường nét mà vật thể biểu hiện ra trong mặt phẳng nhìn thấy được. Chữ hình (形) do hai chữ can (干) và bộ sam (彡) tạo thành. Theo “Thuyết văn giải tự”: Can là phạm, phạm là xâm. Sam (彡) là đồ bằng lông để viết chữ. Hai chữ can (干) biểu đạt quá trình hai cái phạm của vật thể chiếm cứ không gian cho đến khi bị không gian đè ép, cũng biểu đạt nhận thức của người xưa đối với sự tồn tại đồng thời của lực tác dụng và phản lực; còn sam (彡) biểu đạt hình dáng đường nét lúc đóng lúc mở được hình thành khi sự vật lấp đầy không gian trong lúc bị không gian chiếm cứ và chưa bị không gian chiếm cứ, hình dáng đường nét này không tồn tại trong thực tế, nhưng có thể “nhìn” thấy được, tức là cảm giác thấy.
Tượng, là đặc trưng mang tính hiện tượng của sự vật, có quan hệ đến khái niệm trừu tượng. Hàn Phi chú thích về ‘tượng’ như sau: “Con người ta ít khi thấy con voi sống nhưng nếu có được xương của con voi chết thì dựa vào hình dáng của xương mà tưởng tượng ra được con voi sống. Cho nên những điều người ta dùng cái ý của mình để tưởng tượng ra thì gọi là tưởng tượng (tượng có nghĩa là con voi, hình tượng)”. “Tượng” nhấn mạnh vào quan hệ, ví dụ như Ngẫu tượng (thần tượng, idol), chính là bạn đã coi mình và thần tượng liên hệ với nhau, mong rằng mình có thể trở thành người giống như thế. Tượng là thứ nghĩ đến, hoặc là thứ mà khi nhắm mắt dùng con mắt thứ 3 nhìn thấy, cho nên thông thường chúng ta gọi đó là tưởng tượng.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/32725
Ngày đăng: 21-06-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.