Du du tự tại (7): Chương 2: Thuyết dương
Tổ công tác văn hóa Đại Khung
[ChanhKien.org]
Tô Vũ mục dương hảo tiết thao, dương tri quỵ nhũ tẫn hiếu đạo
Linh dương quải giác bổn sự cao, mê đồ cao dương hoàn bất thiểu
Kì lộ vong dương bất hảo hoa, thuận thủ khiên dương biến đại đạo
Vong dương bổ lao bất khả thiểu, tam dương khai thái hảo niên đáo
Dịch nghĩa
Tô Vũ chăn dê giữ trọn tiết tháo, dê biết quỵ gối để cảm ơn mẹ cho bú
Linh dương quải giác (1) bản sự cao, dê non lạc đường cũng không ít
Lạc dê giữa đường không dễ tìm, thuận tay dắt dê là kẻ trộm
Mất dê mới làm chuồng có không ít, tam dương khai thái (2) chúc năm mới
Lời dẫn:
Ở chương trước chúng ta đã nói về việc sư đồ Thương Hiệt và Văn Đồng đến trường Minh Huệ, khi thấy chữ Hán có thể tiếp tục được lưu truyền và phát huy tại nơi đây, trong lòng ông cảm thấy mười phần vui mừng, lúc này tiếng chuông hết tiết vang lên.
Ra chơi rồi!
(Các bạn nhỏ từ trong phòng học ùa ra, vui vẻ chơi đùa trong sân trường)
Nhân Nhân: Duyên Duyên, bài học hôm qua bạn đã ôn tập chưa?
Duyên Duyên: Tớ chưa! Thầy Vương hôm qua trong bài Thuyết văn giải tự đã dạy chữ dương (羊), thầy nói rằng hình chữ dương là chữ tượng hình, là chữ mà người xưa mô phỏng hình dạng của con dê tạo ra. Nhưng mà Nhân Nhân này, tớ thấy lạ quá, vì sao chữ dương này lại không giống với con dê hiện nay của chúng ta nhỉ?
Nhân Nhân: Chà! Tớ cũng thấy rất lạ.
(Thương Hiệt và Văn Đồng đang đứng nói chuyện, nghe được cuộc trò truyện của hai bạn nhỏ, liền mỉm cười)
(Trong sương mù, hai người xuất hiện trước mặt Nhân Nhân và Duyên Duyên)
Duyên Duyên: Ồ, hai người là ai vậy? Sao lại mặc y phục này? Hai người đang diễn kịch ạ?
Văn Đồng: Ha ha! Ta là Văn Đồng, còn đây là Sư phụ của ta, Thương Hiệt, chữ Hán là do Sư phụ của ta sáng tạo đấy!
Duyên Duyên: Oa! Hay quá! Lúc nãy trên lớp thầy giáo vừa nói về Thương Hiệt gia gia xong! Hai ngài đều là Thần Tiên ạ?
Thương Hiệt: Đương nhiên rồi! Ta vừa mới nghe câu chuyện của các con, dường như các con có chỗ chưa rõ về sự diễn hóa và hình thành của chữ Hán, để ta nói rõ cho các con nhé.
Nhân Nhân, Duyên Duyên: Vâng ạ, vâng ạ!
Lời dẫn:
Dương (羊) trong chữ Giáp cốt có tạo hình khác, giống như hình nhìn chính diện của đầu dê,
Sừng dê chính là trọng điểm của chữ này, có chữ còn có hai cái tai rất dễ thương.
Chữ dương trong chữ Tiểu triện trông vuông vức hơn, đến chữ Khải thì sừng dê đã được sửa lại thành hai chấm, trông đã không còn giống với phần đầu dê nữa.
Trong mắt người xưa, dê tượng trưng cho cát tường tường hòa, chữ tường (祥) trong chữ cát tường thời cổ không có bộ thị (礻) bên cạnh, chỉ viết là cát dương (吉羊), thực ra dương (羊) và tường (祥) ở thời xưa là cùng một chữ.
Dê là động vật hiền lành thiện lương, chúng không cậy mạnh hiếp yếu, rất ít khi nóng nảy, nếu có ngẫu nhiên đánh nhau thì đều có quy tắc, không bao giờ đánh lén. Phương thức đánh nhau của chúng là lấy đầu húc đầu, lấy chân đọ chân, thi đấu lực húc. Nhưng vì sao dê lại đại biểu cho cát tường? Các con có biết loài dê đối với con người có điểm tốt nào không? Thịt dê mềm nhiều dinh dưỡng, vị ngon mà bổ, trẻ nhỏ ăn thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, người già ăn thì vượng tinh thần. Sữa dê có hàm lượng dinh dưỡng cao, uống vào tốt cho tinh thần. Da dê nhẹ mềm, làm áo mặc ấm. Dê là bảo bối đáng quý, khi đi săn mà có thể săn được một con dê, thì là điềm báo của cát tường, cho nên trong mắt người xưa, dê chính là tượng trưng cho cát tường.
Duyên Duyên: Ồ! Thì ra nội hàm của chữ Hán lại phong phú như vậy!
Nhân Nhân: Quả là một bài học quý giá. Thương Hiệt gia gia, về sau ngài có thể thường xuyên giải thích cho chúng con được không ạ?
Thương Hiệt: Ha ha, về sau các con muốn tìm ta cũng rất khó, hay là thế này nhé, ta cho các con một cây bút thần, đó là cây bút của gia gia! Nó có thể thay ta giải đáp cho các con những điều các con thắc mắc, nếu có chỗ nào khó hiểu thì dùng điện thoại liên lạc với nhau là được rồi.
Chú thích:
(1) Linh dương quải giác: Dê rừng treo sừng mà ngủ. Thiền gia dùng nhóm từ này để ví người đại ngộ, dứt bặt sự mê chấp, giống như con dê rừng khi ngủ treo sừng lên cành cây, chân không chạm đất, hoàn toàn không để lại dấu vết gì.
(2) Tam dương khai thái: “Tam dương khai thái” cũng gọi “Tam dương giao thái” hay “Tam dương khải thái”, trong đó “Tam dương” 三陽 chỉ hình của quẻ (ba hào dương |||) còn “thái” 泰 chỉ tên quẻ mà quẻ này là vạn sự hanh thông, rộng rãi, khoan yên nên người xưa dùng “Tam dương khai thái” làm lời chúc đầu xuân.
Nhưng vì “羊”chỉ “con dê” “陽” chỉ “phần dương, khí dương”, trái lại với chữ “陰” chỉ phần âm đều được đọc là “dương” nên vào những năm Mùi (cầm tinh con Dê) người ta viết “三陽開泰” thành “三羊開泰” và thành câu chúc đầu năm. Đây chỉ là sự “chơi chữ” (đồng âm “dương”) chứ không phải “ba con dê hợp lại càng tăng sự sinh sôi” như có người đã hiểu.
Dịch từ: www.zhengjian.org/node/34952
Ngày đăng: 27-06-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.