Du du tự tại (15): Chương 10: Thuyết tượng



Tổ công tác văn hóa Đại Khung

[ChanhKien.org]

Đại tượng tiểu tượng thân thể tráng,

Tị tử trường trường bản sự cường.

Nhĩ đóa đại đại thiên phong lương.

Phạ nhiệt phạ tang ái bào thang.

Bất dư nhân tranh hảo độ lượng,

Tâm địa thiện lương thọ mệnh trường.

Diễn nghĩa:

Voi lớn voi nhỏ thân khỏe mạnh,

Cái mũi dài dài bản sự cao.

Đôi tai to to quạt gió mát,

Sợ nóng sợ bẩn thích nước nóng.

Không tranh với người lòng độ lượng,

Tâm địa thiện lương thọ mệnh dài.

Thầy Vương: Các bạn nhỏ, các em có biết động vật lớn nhất trên Trái Đất là gì không?

Nhân Nhân và Duyên Duyên: Dạ con voi ạ.

Thầy Vương: Đúng rồi, chúng ta sẽ cùng xem rốt cuộc voi lớn cỡ nào nhé. Voi được chia làm hai loại: Voi châu Á và voi châu Phi. Voi châu Phi khá lớn, có con trưởng thành cao bằng hai người trưởng thành, trọng lượng nặng hơn năm chiếc xe hơi, hai tai rộng hơn một mét, cái mũi dài đến hai mét.

Nhân Nhân: Oa! Voi to lớn như thế, sức lực nhất định cũng rất mạnh nhỉ?

Thầy Vương: Đúng vậy. Cho nên ngay cả chúa tể của rừng rậm như hổ, sư tử đều phải kính nể voi ba phần. Vì voi rất mạnh, nên nó rất có bản sự. Nó có thể kéo cây đại thụ nặng gần 2000 kg. Vậy nên, vào thời cổ đại, khi vận chuyển gỗ không thể thiếu nó.

Duyên Duyên: Vậy cái mũi dài của voi có tác dụng gì hả thầy?

Thầy Vương: Mũi của voi linh hoạt giống như tay của con người. Bất luận là công việc đơn giản hay nặng nhọc nó đều có thể làm được, như là hái lá, trái cây để lấp đầy bao tử, hút nước, tắm rửa, múc nước, hoặc giúp con người mở đường, nhổ cây,… Quả thực, nó giống như một lực sĩ vậy.

Nhân Nhân: Nhưng mà ngà voi vừa dài vừa nhọn trông hơi đáng sợ à nha.

Thầy Vương: Không phải thế, mặc dù voi có sức mạnh, nhưng tính tình của nó rất tốt, nó có tấm lòng lương thiện và không bắt nạt kẻ yếu. Vào mùa khô hạn, tất cả động vật đều khổ sở vì thiếu nước, chỉ có voi biết dùng ngà, mũi dài và chân to của mình đào giếng dưới lòng sông để lấy nước, rồi chia sẻ với mọi loài. Cho dù là những động vật hay bắt nạt voi con như hổ, sư tử, thì voi cũng sẽ đối xử công bình, vô cùng nghĩa hiệp.

Trung Quốc thời cổ đại có một vị hoàng đế tên gọi là Thuấn, Trước khi lên ngôi làm hoàng đế, mẹ kế và em trai của ông thường ngược đãi ông. Nhưng Thuấn vẫn hiếu thuận với cha mẹ, chăm sóc em trai. Có một lần, Thuấn đến chân núi Lịch Sơn khai khẩn đất canh tác. Voi trong núi nhìn thấy Thuấn lương thiện, chăm chỉ như vậy, nên tất cả những con voi ở đây đều đến giúp ông ấy.

Duyên Duyên: Trung Quốc cũng có voi phải không ạ?

Thầy Vương: Trung Quốc cổ đại có rất nhiều voi, vì vậy chữ “tượng” (象) trong giáp cốt văn có nhiều hình dáng khác nhau. Tình hình cụ thể ra sao, thầy sẽ mời ông Bút Lông nói rõ hơn nhé.

Ông Bút Lông: Tại vùng đất Trung Nguyên của Trung Quốc, từ lâu loài voi đã biến mất. Nhưng vào triều Thương là thời kỳ của chữ giáp cốt văn, voi được thấy khắp mọi nơi, do đó nhìn nhận về loài voi rất sâu sắc.

Vì vậy, chữ tượng trong Giáp cốt văn rất chân thật và sống động. Cho dù đã trải qua ba, bốn nghìn năm, con người hiện đại vẫn có thể nhìn một cái là nhận ra nó.

Tượng trong chữ Giáp cốt, các chữ tượng đều có điểm chung là cái mũi dài, ngà voi dài, tai to, bụng lớn, trông rất đáng yêu.

Trong chữ Kim văn thì càng tinh tế hơn, đã sửa lại nét viết ở đầu mũi voi thành điểm phân nhánh được dùng như cánh tay.

Chữ tượng trong chữ Tiểu triện thì hai tai to được thể hiện rõ hơn, cái mũi dài cũng nhìn rõ ràng hơn.

Thầy Vương: Từ thời cổ đại, voi nhận được sự yêu mến của con người. Thời Tam quốc, Ngô vương Tôn Quyền từng tặng một con voi cho Ngụy vương Tào Tháo. Chỉ vì muốn biết con voi này cân nặng bao nhiêu, mà Tào Tháo đã phải vắt óc để suy nghĩ tìm cách đấy!

Thông qua việc sáng tạo, tổ hợp chữ viết, chúng ta có thể hiểu được văn hóa Trung Quốc bác đại tinh thâm đến nhường nào. Hôm nay chúng ta nói tới đây thôi nhé, hẹn gặp các em lần sau.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35004



Ngày đăng: 23-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.