Du du tự tại (25): Nói về cây lúa



Tổ công tác Văn Hóa Đại Khung

[ChanhKien.org]

Kim hoàng đạo tuệ đầu đê đê, thoát khứ ngoại y biến bạch mễ.
Tinh oánh tích thấu tự bạch ngọc, chử phạn ngao dục lưỡng tương nghi.
Tiểu hài cật dục hảo thân thể, đại nhân cật phạn hữu thể lực.
Nông phu chủng đạo hãn thủy trích, lạp lạp đắc lai giai bất dị.

Diễn nghĩa:

Bông lúa vàng óng đầu nặng trĩu, thoát lớp áo ngoài thành gạo trắng.
Long lanh trong suốt như bạch ngọc, nấu cơm nấu cháo đều tiện lợi
Trẻ em ăn cháo sức khỏe tốt, người lớn ăn cơm có sức lực.
Nông dân trồng lúa mồ hôi rơi, làm ra hạt gạo đâu dễ dàng.

(Thầy giáo đưa học sinh đi dạo ở vùng ngoại ô, đi qua các con đường mòn ở vùng thôn quê, hai bên là đồng ruộng xanh mơn mởn. Sắp đến buổi trưa, mọi người ngồi nghỉ dưới tán cây.)

Nhân Nhân: Mọi người nhìn xem, đám cỏ xanh này lượn lờ theo gió, giống như từng đợt sóng biến.

Thầy Vương: Một màu xanh biếc nhìn thật là dễ chịu, chỉ là đây không phải cỏ xanh, mà là mạ non trên cánh đồng.

Nhân Nhân: Cây mạ dùng để làm gì vậy thầy?

Thầy Vương: Cây mạ chính là lúa non, sau khi sinh trưởng, làm đòng trổ bông, thành hạt lúa. Bóc đi lớp vỏ ngoài chính là gạo mà chúng ta ăn mỗi ngày đấy các em. (Lúc này mọi người đang dùng cơm dưới tán cây).

Thầy Vương: À, Duyên Duyên, hộp cơm của em vẫn chưa ăn hết à?

Duyên Duyên: Dạ cơm cứng quá, em không muốn ăn.

Thầy Vương: Cơm tuy hơi cứng nhưng khá là thơm, có thể ăn từ từ, chúng ta vừa ăn vừa kể chuyện về hạt cơm nhé.

Trước đây rất lâu, Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn dắt các đệ tử tu luyện trong núi sâu. Có một hôm, ngài và đệ tử của mình xuống núi vân du, đi đến một ngôi làng nhỏ. Những người nông dân nghèo khi nhìn thấy vị Phật đều rất sùng kính, bèn chuẩn bị một bát cơm trắng cho Phật Thích Ca Mâu Ni và đệ tử của ngài ăn. Nhiều đệ tử không ăn hết, để cơm thừa còn lại trong bát, Phật Thích Ca Mâu Ni nhìn thấy liền đến gần và hỏi các đệ tử rằng: “Các con có nghe thấy âm thanh gì không?” Các đệ tử lắc đầu, Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Tĩnh tâm lại mà nghe cho kỹ”. Các đệ tử nghiêng tai lắng nghe, dường như nghe được âm thanh nhưng không rõ ràng. Phật Thích Ca Mâu Ni lại nói, dùng tâm để lắng nghe, thì mới có thể nghe được rõ ràng, thế là mọi người ngồi xuống xếp bằng, tĩnh lặng một lát, quả nhiên nghe thấy âm thanh nho nhỏ từ trong bát truyền ra, “Thật đáng tiếc quá! Chúng ta mất đi duyên phận cống hiến cho đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni rồi!”, “Có phải do chúng ta quá cứng, nên họ mới không thích ăn?”, “Hay là chúng ta không đủ thơm?”,…. Những hạt cơm không ngừng tự kiểm điểm bản thân, nhưng không ai oán trách các đệ tử. Các đệ tử nghe xong trong lòng rất hổ thẹn. Kể từ đó, họ không kén chọn đồ ăn nữa, đồng thời vô cùng trân quý từng ngọn cây cọng cỏ trên trái đất, càng thêm tín tâm hơn đối với câu “vạn vật đều có linh tính” mà sư tôn giảng.

Duyên Duyên: Thầy ơi, nghe thầy giảng xong em cũng ăn hết rồi nè, thầy xem đi, không sót lại dù chỉ một hạt.

Thầy giáo: Ừm,… trẻ con dễ dạy bảo, có thể mang lòng cảm ơn đối với mọi vật thì sẽ không lãng phí đồ ăn! Cùng nhau lắng nghe ông Bút Lông giảng về quá trình diễn biến của hai chữ Đạo Mễ (稻米) nhé.

Ông Bút Lông: Gạo và kê là lương thực chủ yếu của triều nhà Thương vào 3000 năm trước. Khi đó, trời lạnh nên người phương Bắc không trồng lúa, chỉ là họ đựng hạt gạo trong vại, vì vậy chữ Đạo (lúa) trong giáp cốt văn được biểu thị bằng một chiếc bình gốm có miệng rộng và cổ hẹp chứa đầy những hạt gạo.

Đến thời nhà Chu, kỹ thuật trồng lúa có tiến bộ, khắp nơi đều trồng lúa, họ am hiểu hơn về cây lúa,

vì vậy chữ Đạo kim văn được tạo hình cực kỳ hoàn chỉnh, ở trên là một chùm bông lúa dài rủ xuống dưới, ở giữa là cánh tay được viết thành chữ Trảo (爪) đặt trên các hạt gạo, sáu chấm bên dưới là gạo trắng đã được giã xong. Về tổng thể, biểu hiện rất hoàn chỉnh.

Chữ kim văn thứ hai thì chữ Đạo được giản lược bớt, và những hạt gạo phía dưới đáy được dịch chuyển sang bên trái,

chữ kim văn thứ ba dùng Hòa (禾) cây mạ để thay thế Mễ (gạo), trong tay còn cầm cái chày giã gạo, biểu hiện đầy sống động.

Chữ tiểu triện thì phỏng theo chữ kim văn thứ ba, nhưng lược bớt đi cái chày ở giữa, còn chữ khải thư bắt nguồn từ chữ tiểu triện nên không có gì thay đổi.

Về chữ Mễ trong giáp cốt văn và kim văn đều bày biện ra nhiều hạt gạo. Ở giữa lại dùng một đồ vật để tách chúng ra.

Đến chữ tiểu triện thì các hạt gạo được nối thành một đường thẳng, khải thư phỏng theo chữ tiểu triện cũng là thể hiện một đường thẳng.

Thầy Vương: Nghe xong bài giảng của ông Bút Lông, mọi người cần luyện viết thêm nhé, hẹn gặp lại các em.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35044



Ngày đăng: 08-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.