Du du tự tại (18): Chương 13: Thuyết Lộc



Tổ công tác văn hóa Đại Khung

[ChanhKien.org]

Đài Loan quốc bảo mai hoa lộc

Cao cao lộc giác dạng tử khốc

Tế tế trường thoái sấu như trúc

Năng ngật năng khiêu chân khoái tốc

Chỉ lộc vi mã chân khả ác

Hoang thoại nan viên khoái tỉnh ngộ.

Dịch nghĩa:

Hươu sao là quốc bảo Đài Loan

Sừng cao cao vẻ dáng oai dũng

Chân dài mảnh mảnh tựa cây trúc

Kiếm ăn chạy nhảy rất là nhanh

Chỉ hươu bảo ngựa thật đáng ghét

Lời dối khó che, nhanh tỉnh ngộ.

Bối cảnh: Một đàn hươu sao thả bộ trên đồng cỏ (trông rất đẹp).

Nhân Nhân: Oa…Những chú hươu đẹp quá!

Duyên Duyên: Ôi! Thầy nhìn xem, còn có chú hươu Bambi (trong bộ phim hoạt hình cùng tên của hãng Walt Disney) nữa nè. Thật đáng yêu!

Thầy: Trước tiên, thầy sẽ kể cho các em một câu chuyện liên quan đến loài hươu được không nào?

Nhân Nhân, Duyên Duyên: Được ạ! Được ạ!

Thầy: Vào thời nhà Tần, có một tể tướng tên là Triệu Cao, ông muốn thăm dò xem rốt cuộc sức ảnh hưởng của bản thân trong triều đình lớn bao nhiêu. Một hôm, ông dắt một con hươu sao lên triều, sau đó hùng hổ hỏi các đại thần rằng: “Đây là một con tuấn mã ngày đi nghìn dặm, các ngươi nói xem có đúng vậy không?” Các đại thần vì sợ đắc tội với Triệu Cao, nên đành hùa theo nói: “Dạ đúng, đúng là ngựa, là con ngựa mà”. Triệu Cao nghe xong biểu lộ vẻ mặt vô cùng đắc ý. Câu chuyện này được lưu truyền cho đến ngày nay, hễ là việc đúng nói thành sai, đen nói thành trắng, thì đều được gọi là “chỉ lộc vi mã”. Câu thành ngữ này các em biết cách sử dụng chưa?

Nhân Nhân: Ô… Hóa ra là như thế. Vị tể tướng kia thật là xấu! Bắt nạt các đại thần thật đáng thương!

Duyên Duyên: Đúng thế! Biết rất rõ rành rành như thế mà lại không dám nói.

Thầy: Được rồi! Được rồi! Các em đều rất thông minh. Các đại thần vì sợ mất chức quan, vì vậy không ai dám nói lời thật. Nếu như đổi lại là các em, các em sẽ nói gì?

Nhân Nhân: Dạ em sẽ nói rằng: “Này ông tể tướng, ở đây có đôi kính lão, cho ông mượn đeo để xem rõ hơn một chút nè”.

Duyên Duyên: Em sẽ kéo tay ông ấy đến chỗ con hươu và sờ vào đầu nó, hỏi ông rằng đây là ngựa đực hay ngựa cái?

Nhân Nhân, Duyên Duyên: Haha…. Buồn cười quá đi à!

Thầy: Các em thật có trí huệ. Hy vọng tể tướng Triệu Cao có thể có tính hài hước giống các em vậy. Xem ra đoạn sau của câu chuyện này càng hấp dẫn hơn rồi. Nào, chúng ta sẽ lại mời ông Bút Lông nói cho chúng ta biết, diễn biến phát triển của chữ lộc (鹿) này đến ngày nay ra sao.

Nhân Nhân, Duyên Duyên: Được ạ.

Ông Bút Lông: Chào các cháu! Vừa rồi nhìn thấy cảnh các cháu lên lớp, thật là thú vị! Ông Bút Lông sẽ giới thiệu cho các cháu sự phát triển của chữ lộc này.

Trong giáp cốt văn, có rất nhiều hình dạng chữ lộc trông rất đáng yêu. Không cần giải thích nhiều, vừa nhìn là có thể nhận ra được chúng, ngay cả người nước ngoài học từ này cũng rất dễ dàng.

Lộc có hai chiếc sừng trên đầu, có thể nói là kiệt tác của Thượng đế, cho dù đi đến đâu, nó như là tấm biển hiệu của chúng. Đôi mắt to xinh xắn kết hợp thân hình thon thả, đôi chân nhỏ vừa gầy vừa dài, toàn thân tràn đầy sức bật.

Chữ lộc trong kim văn và giáp cốt văn về cơ bản như nhau. Đến chữ tiểu triện, đôi mắt to trên đầu vẫn hết sức rõ ràng, chỉ là hai cái sừng đơn giản hóa thành hình chữ sơn (山: nghĩa là ngọn núi), không còn chiếc sừng đặc sắc của nó nữa.

Đến thời chữ khải thư, cái sừng trên đầu lại đơn giản hóa thành một nét chấm, mắt cũng biến thành hình ô vuông. Các cháu xem xem, ngoài chữ tỉ (比) phía dưới có chút giống chân của hươu ra, thì nét tượng hình của chữ không còn nhiều nữa.

Ông Bút Lông: Các bạn nhỏ! Đối với chữ “lộc” này, các cháu còn có câu hỏi nào không?

Nhân Nhân: Ông Bút Lông ơi, lộc (hươu) và mã (ngựa) khác nhau rất nhiều nhỉ?

Duyên Duyên: Đúng! Tớ có xem qua hình ảnh hươu quỳ gối uống sữa. Hươu con khi uống sữa sẽ quỳ gối. Nhìn chân hươu đang quỳ kia rất giống chữ tỉ (比).

Ông Bút Lông: Haha… Trí tưởng tượng của Duyên Duyên quá tốt.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35037



Ngày đăng: 19-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.