Du du tự tại (16): Chương 11: Thuyết Ngư



Tổ công tác văn hóa Đại Khung

[ChanhKien.org]

Ngư nhi ngư nhi thủy trung du,

Du lai du khứ lạc du du.

Thân tài miêu điều ái tác tú,

Ngũ hồ tứ hải đáo xứ du.

Dịch nghĩa:

Cá nhỏ cá nhỏ bơi trong nước,

Bơi qua bơi lại vui làm sao.

Thân hình thon thon thích làm dáng,

Năm sông bốn biển bơi khắp chốn.

Nhân Nhân: Ôi chao, nhiều cá quá, trông đẹp làm sao!

Duyên Duyên: Trời ạ, cá mập to thế này sao, đáng sợ quá.

Thầy Vương: Đừng sợ đừng sợ, con này gọi là cá mập voi, nó ăn chay và không thích ăn các loại thịt. Nó chỉ ăn rong rêu và một số sinh vật phù du.

Nhân Nhân: Cá không có chân mà sao nó có thể di chuyển nhanh như vậy nhỉ?

Thầy Vương: Cá không có chân, nhưng có vây. Vây đuôi của nó giống tên động cơ đẩy của đuôi thuyền, khi vẫy đuôi có thể khiến thân thể tiến nhanh về phía trước. Vây lưng, vây bụng và vây ngực có thể giúp cân bằng cơ thể, kiểm soát phương hướng. Vây ngực của cá chuồn đặc biệt phát triển, nó có thể lướt đi trên mặt nước, không cẩn thận còn va vào thuyền đánh cá.

Duyên Duyên: Này các bạn, mau đến xem! Con cá này dùng miệng để sinh cá con, thật kỳ diệu làm sao!

Thầy Vương: Em nhìn kỹ hơn sẽ thấy đó là cá rô phi bố, cá bố đang nhả cá con từ trong miệng ra, để chúng nhìn ngắm thế giới này.

Cá rô phi mẹ mỗi lần đẻ rất nhiều trứng, nếu không chú ý trông nom, trứng sẽ rất dễ trở thành thức ăn của các loài khác. Vì để an toàn, cá bố sẽ ngậm trứng trong miệng, quyết tâm đợi cho đến khi cá con nở mới nhả chúng ra, để chúng vui đùa trong nước. Hễ gặp nguy hiểm, cá bố nhanh chóng hút cá con vào trong miệng để bảo vệ chúng. Nhìn có vẻ như cá bố dùng miệng sinh ra cá con, kỳ thực không phải thế đâu. Người Trung Quốc thường nhấn mạnh “mắt thấy mới tin”, trên thực tế, có nhiều lúc những thứ mắt nhìn thấy được không nhất định là thật, nhìn không thấy không nhất định là không tồn tại.

Nhân Nhân: Cá bố miệng ngậm trứng thì ăn uống ra sao nhỉ?

Thầy Vương: Trong thời gian này, cá bố phải nhẫn chịu đói, không thể ăn uống.

Nhân Nhân, Duyên Duyên: Cá bố thật là vĩ đại!

Nhân Nhân: Liệu cá và văn hóa Trung Quốc có liên quan không ạ?

Thầy Vương: Về vấn đề quan hệ này, chúng ta sẽ mời ông Bút Lông đàm luận một chút nhé.

Ông Bút Lông: Cá mang đến cho người Trung Quốc rất nhiều liên tưởng, ví như cá chép nếu có thể vượt qua dòng chảy xiết ở Long Môn, thì có thể hóa thành rồng. Thời cổ đại có rất nhiều câu chuyện đề cập đến việc cá và nhạn có thể thay thế con người truyền thông tin, vì vậy thư từ được còn gọi là tin ngư nhạn.

Từ xưa đến nay cá là tài nguyên trọng yếu, vì vậy, những nơi phồn vinh giàu có còn được gọi là ngư mễ chi hương, tức là vùng đất lắm cá nhiều thóc.

Trong giáp cốt văn, kim văn, căn cứ vào nhiều loại cá, mà người ta sáng tạo ra nhiều chữ ngư trông rất sinh động, giống như bức tranh thiếu nhi hồn nhiên và đáng yêu.

Vây lưng, vây bụng của cá đối xứng trái phải, có chữ thì miệng há to. Vì để thuận tiện cho việc khắc chữ, đầu cá đều hướng lên trên.

Còn trong chữ tiểu triện, bên cạnh cái đuôi có hai chấm, nhìn giống chữ hỏa, nhưng thật ra hai chấm đó là biểu thị cho đuôi cá đang vẫy.

Đến thời chữ Khải Thư thì biến thành bốn chấm, điều này đã làm mất đi ý nghĩa (đuôi cá đang vẫy) của nó rồi. Hơn nữa, dễ làm lẫn lộn với bốn chấm hỏa trong từ tiên (煎, nghĩa là chiên rán) và từ chử (煮, nghĩa là đun nấu).

Ông Bút Lông: Còn nữa, chữ “ngư” (魚) và chữ “dư” (餘) trong từ thặng dư có âm đọc giống nhau, có cá là tượng trưng cho sự dư dả. Vì vậy người Trung Quốc thích nói câu chúc cát tường “niên niên hữu ngư” (mỗi năm đều có dư của cải), chúc phúc mọi người năm mới sung túc.

Duyên Duyên: Thảo nào, mỗi lần ăn cơm tất niên, trên bàn luôn có cá.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35035



Ngày đăng: 03-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.