Giáo dục hạnh phúc (18): Hướng tâm tự vấn
Tác giả: Đồng Hân
[ChanhKien.org]
Chương 2: Nỗ lực vươn lên không ngừng
Mục 2: Bậc thánh hiền tu tâm dưỡng tính
4. Hướng tâm tự vấn
Tăng Tử nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân, vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?” (Diễn nghĩa: Mỗi ngày ta dùng ba sự việc để phản tỉnh ngôn hành của bản thân: Khi làm việc thay cho người khác đã tận tâm tận lực làm hay chưa? Giao du với bạn bè có chỗ nào chưa thành thật không? Những điều thầy giáo dạy, ta đã học tốt và thực hành trong cuộc sống hay chưa?). Câu nói này được rất nhiều người Trung Quốc biết đến về ba điều phản tỉnh bản thân. “Vi nhân mưu nhi bất trung hồ”, khi làm việc trong một doanh nghiệp, hay giúp bạn bè làm việc gì, chúng ta đã tận tâm tận sức làm hay chưa? Tôi muốn hỏi rằng, nếu bạn là một vị tổng giám đốc, chẳng phải bạn cũng hy vọng người khác sẽ tận tâm tận sức làm việc cho bạn sao? Bạn bè giúp bạn làm gì, chẳng phải bạn cũng hy vọng anh ấy sẽ tận tâm tận sức làm, chứ không phải nói với bạn rằng đợi anh ấy làm xong việc của mình rồi mới giúp bạn hay sao? Khi chúng ta nghĩ rằng mình phải “trung”, chúng ta cho rằng mình phải bỏ công sức, phải chịu khổ. Nhưng quay trở ngược lại mà nghĩ, nếu người ta làm việc cho bạn tắc trách qua loa, bất trung bất nghĩa thì có được không? Vậy nên, chúng ta cần hiểu một đạo lý rằng làm gì cũng nên làm hết lòng hết sức. Nếu là người như thế, chúng ta sẽ được bạn bè chào đón, được lãnh đạo yêu quý.
“Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ”, giao thiệp với bạn bè có cần giữ chữ tín? Nhân (人) và Ngôn (言) là gì? Là chữ “Tín” (信). Lời nói của người ta chính là “Tín”, chính là nói phải giữ lời, phải chân thật. Mọi người đều sợ nhân viên bán hàng, anh ta nói thật dễ nghe. Người bán bảo hiểm đa số là thế, họ cầu cạnh bạn mua bảo hiểm, nhưng một khi xảy ra rủi ro bồi thường thì họ lại dùng lý do này kia để thoái thác trả tiền bảo hiểm cho bạn, lời họ nói có đáng tin không? Nhưng làm người chân chính thì lời nói ra phải là thật, phải khiến người ta thấy đáng tin. “Truyền bất tập hồ”, chính là nói những đạo lý giáo viên truyền thụ cho chúng ta, liệu ta đã làm được hay chưa? Còn có câu gọi là “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”. “Kiến thiện nhân, tức tư tề, tung khứ viễn. Kiến ác nhân, tức tự tỉnh, hữu tắc cải, vô gia cảnh”. (Diễn nghĩa: Gặp được người có đức hạnh, tài năng, thì nên chủ động học tập, noi gương theo người đó; gặp người không có đức hạnh, tài năng thì nên tự xem xét lại bản thân có những lỗi lầm như người ta hay không).
Ngày nay người Trung Quốc đại lục ra nước ngoài, người khác vừa nhìn là biết ngay. Tại sao? Trên mặt chúng ta đều hiện lên các chữ “phòng bị”, “căng thẳng”. Hơn nữa khi nói chuyện, nếu người ta nói người này sai ở đâu rồi, thì người Đại Lục sẽ ngay lập tức giải thích và đẩy trách nhiệm, nói việc này có nguyên nhân thế này thế kia. Nếu là người Đài Loan, họ sẽ nói: “Xin lỗi, tôi sai rồi! Lần sau tôi sẽ không thế nữa”. “Xin lỗi, tôi sai rồi!” Đơn giản vậy thôi, chứ không phải giải thích dài dòng ý là không phải tôi sai. Họ đã hình thành thói quen, thành quán tính rồi. Hơn nữa người với người phòng bị lẫn nhau, thật ra khi bạn mang theo tâm lý phòng bị thì đến đâu cũng sẽ rất căng thẳng, người khác cũng sẽ phòng bị bạn. Sống như thế thật mệt, chân thật vẫn tốt hơn!
Tự vấn trong tâm nghĩa là khi gặp phải sự việc gì cũng nên tự hỏi lòng mình, xem xem có phải là trong tâm mình có vấn đề gì chăng. Tôn Ngộ Không thường gặp những chuyện phiền phức phải cầu cạnh người giúp đỡ. Có lần họ gặp yêu tinh, Đường Tăng bị bắt treo trong động. Tôn Ngộ Không không đánh lại được bèn đi tìm viện binh, đến tìm Long Vương không được liền đi tìm Diêm Vương, tìm không được lại tìm đến Ngọc Hoàng, Quan Âm Bồ Tát. Mọi người nghĩ xem, có phải cậu ta rất thường gặp những chuyện phải đến cầu cạnh người khác. Còn Đường Tăng thì làm gì? Chỉ bị treo lên ở đó.
Vì sao Đường Tăng luôn bị treo lên như thế? Hướng tâm, hướng tâm mà tìm. Thử hỏi trong tâm anh ta nghĩ gì? Vì sao không treo Tôn Ngộ Không để Đường Tăng ra ngoài tìm người cứu? Không được! Bên trong có ẩn chứa đạo lý. Tôn Hầu Nhi tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, anh ta phải được đứng ngang với Trời, anh ta vô cùng cuồng vọng, không khách khí với người khác. Khi cầu cạnh người khác, nếu vẫn cuồng vọng như thế, không khách khí như thế thì có cầu được chăng? Muốn cầu người ta giúp đỡ thì ắt phải buông bỏ sự kiêu ngạo cuồng vọng. Vậy nên Tôn Ngộ Không cứ luôn phải cầu cứu người ta, chính là muốn để trừ bỏ tâm ngạo mạn và cuồng vọng của cậu ta. Nếu không còn ngạo mạn, không còn cuồng vọng thì sẽ không cần đi cầu cạnh người khác nữa, chuyện này cũng coi như kết thúc, ma nạn này sẽ qua đi.
Vì sao Đường Tăng luôn bị treo lên như thế? Vì ông có cái tâm sợ hãi, thấy yêu tinh liền sợ. Càng sợ thì yêu tinh lại càng hù dọa ông, “Phần này để hấp chín, phần kia thì luộc lên”. Sau này ông dần hiểu ra không sợ nữa. Trư Bát Giới có lần cũng bị treo lên cây, vì sao thế? Bốn vị Bồ Tát hóa thành bốn mẹ con, đến bà mẹ mà Trư Bát Giới cũng muốn cưới, thật tham lam biết bao, tâm sắc dục quá nặng, quên đi trách nhiệm trọng đại đi lấy kinh, kết quả bị treo lên cây, không những không thoải mái mà còn chịu nhiều tội khổ, người khác lại được ngủ một giấc ngon lành. Sa Tăng lần ấy vì sao không bị treo lên cây? Chính vì Sa Tăng không có sắc tâm, không tham dục.
81 nạn mà họ đã trải qua đều nhắm thẳng vào chỗ thiếu sót của mỗi người. Mỗi lần ngã thật đau lại được một bài học, vấp ngã nhiều đã giúp họ nhận ra thiếu sót của mình. Sau khi Tôn Ngộ Không hiểu ra vì sao mình cứ mãi cầu cứu người khác, vì luôn cảm thấy bản thân rất lợi hại, nhưng có lúc chỉ một con yêu tinh bò cạp hoặc một con chuột cũng không đánh nổi, chính là để nói lên rằng bản thân không lợi hại. Tôn Ngộ Không sau khi ngộ ra tâm tranh đấu và tâm ngạo mạn rồi tu bỏ hết đi, thì cũng không còn là khỉ nữa, anh ta đã tu thành rồi.
Trong sách “Đệ Tử Quy” có câu: “Mặc ma thiên, tâm bất đoan; tự bất kính, tâm tiên bệnh” (Dịch nghĩa: Mực mài nghiên, tâm không chính; chữ không kính, tâm có bệnh). Trọng tâm của văn hóa truyền thống cho rằng hết thảy mọi vấn đề đều do tâm mình tạo thành, điều này vô cùng ý nghĩa, Tôn Ngộ Không cuối cùng thành Phật, đã nói với Phật Như Lai: “Con đã thành Phật, sao Ngài vẫn chưa gỡ bỏ chú Kim Cô cho con?” Phật Tổ nói: “Ngươi sờ xem nó có còn nữa không?” Không còn nữa. Chú Kim Cô này là để trói buộc ma tính, không cho anh ta phóng túng làm chuyện ác. Khi không còn phóng túng, không còn ác niệm nữa thì thứ này cũng không còn tác dụng, dù cho có ở trên đầu cũng chỉ là một món trang sức đẹp mà thôi. Quá trình trải qua 81 nạn, Đường Tăng cũng vậy, Trư Bát Giới cũng vậy, hay Tôn Ngộ Không cũng vậy, đều không ngừng thay đổi những tật xấu của mình, họ đang thăng hoa, lặp đi lặp lại như thế không chỉ một lần, đến cuối cùng thì họ cũng đã biết, họ cũng đã đề cao. Vậy nên khi gặp phải những vấn đề mâu thuẫn thì hướng tâm tự vấn bản thân là cực kỳ quan trọng.
Nói về Tôn Ngộ Không tự gọi là Tề Thiên Đại Thánh, cái tên này chính là cuồng vọng. Nhưng nếu đổi một góc nhìn khác mà bàn, có thể nói là tâm cao chí lớn. Vào lúc cuối cùng Đường Tăng trở thành Phật, Tôn Ngộ Không cũng thành Phật, Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới lại không thành Phật, Trư Bát Giới thành Tịnh Đàn sứ giả. Cùng một lộ trình đến Tây phương như nhau nhưng kết quả lại khác nhau, thật ra do căn cơ khác nhau, nhưng mục tiêu khác nhau cũng là một nhân tố rất quan trọng.
Tấm lòng của Đường Tăng vô cùng lớn, chí hướng vô cùng cao, từ nhỏ tôi đã từng nghĩ: Vì sao một Đường Tăng yếu đuối đến thế lại được làm sư phụ, vì sao thế? Vì Đường Tăng đại biểu cho “chí” (chí hướng). Bộ sách “Tây Du Ký” có nội hàm vô cùng phong phú. Trước đây khi người nước ngoài nhắc đến Đại Đường thường hay nói: Trời cao đất dày, sản vật nhiều cư dân đông. Văn hóa Trung Hoa thật đúng là bác đại tinh thâm, nội hàm quá lớn, quá rộng. Năm nhân vật trong “Tây Du Ký” dẫn dắt mạch truyện. Bạch Long Mã có màu trắng đại diện cho “kim” trong ngũ hành. Đường Tăng mang màu vàng, vì thế ông ấy luôn vận cà sa vàng đại diện cho “thổ” trong ngũ hành, chính là “tỳ” (lá lách) trong ngũ tạng, ông đại biểu cho “chí”.
Người đầu tiên xuất hiện trong “Tây Du Ký” là Tôn Ngộ Không, đại biểu cho “hỏa” màu đỏ, tâm chủ hỏa, thế nên mới nói tâm viên ý mã (tâm khỉ ý ngựa). Tâm viên ý mã chính là tâm của chúng ta như loài khỉ cứ nhảy nhót mãi không an định xuống được. Tôn Hầu Nhi mang cái tâm của khỉ, vậy nên Tôn Hầu Nhi là hỏa, hỏa sinh thổ, thế nên anh ta rất tôn kính sư phụ. Đường Tăng là nhân vật xuất hiện thứ hai, vì thổ sinh kim nên xuất hiện Bạch Long Mã. Sau khi Bạch Long Mã xuất hiện, thì đến lượt ai xuất hiện tiếp? Kim sinh thủy, thủy trong ngũ hành có màu đen. Trư Bát Giới chính là thủy mang màu đen, hơn nữa nhân tố thủy này lại đại biểu cho thận, thận lại có quan hệ với việc sinh sản, thế nên tâm sắc dục của Trư Bát Giới rất nặng. Thủy sinh mộc, Sa Tăng là nhân vật xuất hiện cuối cùng, anh ta mệnh mộc, can mộc (lá gan) màu xanh lam. Vậy nên mới nói văn hóa Trung Quốc vô cùng chặt chẽ và tuần tự.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa có thể giúp chúng ta mở mang tầm mắt. Trong quá trình tìm hiểu văn hoá truyền thống Trung Hoa, tâm chúng ta không ngừng thăng hoa. Tôi xem các vị giáo viên, học sinh đều là bạn bè mình, tôi giữ một thái độ tôn kính đối với mọi người, thật lòng coi mọi người là quân tử, là những bậc thánh hiền tương lai. Thầy của tôi từng nói với tôi: “Tôi càng trân quý chư vị hơn chính bản thân chư vị. Có người hiện giờ có lẽ chưa hiểu hết ý nghĩa câu này của tôi, chính là nói làm một “con người” hôm nay, bản thân các vị đều không biết mình là thế nào, bản thân các vị không biết mình vĩ đại thế nào, vậy nên nói đơn giản thì chính là tất cả những gì các vị làm nên xứng đáng với chữ ‘nhân’ trong câu ‘tam tài giả, thiên địa nhân’, là một người vĩ đại ngang với đất trời, nhục thân của chúng ta không cách nào so sánh với đất trời, quá nhỏ bé rồi, nhưng tâm linh của chúng ta, tinh thần của chúng ta có thể vĩ đại vô tỉ, vĩ đại ngang với trời đất, đạo lý là thế, nhưng cần xem mọi người nghĩ thế nào, làm thế nào!”
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/149017
Ngày đăng: 26-03-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.