Giáo dục hạnh phúc (4): Người vợ dịu dàng: phụ, nam, phu, tử, hòa, hợp, phúc (Kỳ 1)
Tác giả: Đồng Hân
[ChanhKien.org]
Chương 1: Hậu đức tải vật
Mục 1: Sự vĩ đại của đức tính người mẹ
2. Người vợ dịu dàng: phụ, nam, phu, tử, hòa, hợp, phúc (Kỳ 1)
Phần trước chúng ta đã giảng làm thế nào để trở thành một người con gái tốt, đó là hiếu thuận, biết ơn và tôn kính; nếu có thể hiểu rõ những điều đó, bạn cũng sẽ biết bước tiếp theo nên làm thế nào để trở thành một người vợ tốt.
Những giáo viên ngồi ở đây dường như đa phần là người trẻ tuổi, vẫn chưa đến tuổi kết hôn, nhưng những ai có bạn trai cũng có một chút cảm giác rồi. Trước hết nói về chữ “phụ” (婦) trong từ phụ nữ, bao gồm một chữ nữ (女) và bên cạnh là cây chổi (帚), phải chăng nói phụ nữ chính là phải quét dọn? Người cổ đại tạo ra chữ viết rất có dụng ý, vậy thì người nữ sẽ gắn liền với công việc nhà. Có cô gái nói rằng, vì sao phải để nữ giới chúng tôi quét dọn? Còn người nam thì sao? Họ làm việc gì đây? Mọi người nhìn chữ nam (男) này có một chữ điền (田) và một chữ lực (力), nghĩa là người nam phải ra đồng dốc sức làm việc.
Nếu chúng ta sống vào thời cổ đại, có lẽ chúng ta không phải ở đây làm giáo viên mà có thể đang ở nhà đóng đế giày hoặc dệt vải rồi. Thực ra ở nhà cũng rất hạnh phúc. Như mọi người biết, hiện nay cuộc sống ở bên ngoài không hề dễ dàng, phụ nữ thời hiện đại lại càng không dễ dàng, cho nên tôi nói rằng phụ nữ thời nay vô cùng vĩ đại, bởi vì phụ nữ ngày nay đã ở bên ngoài làm công việc của đàn ông, về nhà còn phải làm công việc của phụ nữ. Ở thời cổ đại, dốc sức làm việc là chuyện của đàn ông, nào là đánh trận, làm ruộng, săn bắt, những việc này đều là việc của đàn ông. Còn người phụ nữ ở nhà nuôi tằm, dệt vải, giáo dục con cái, đều là những công việc nhẹ nhàng.
Chúng ta tại đây hôm nay tuy tuổi đời không lớn, nhưng phải làm rất nhiều việc, vừa phải lo việc bên ngoài còn phải lo việc gia đình, bạn nói xem có mệt mỏi không? Sau khi kết hôn rồi, đàn ông đi làm, phụ nữ cũng đi làm, vậy thì khi về nhà có phải việc nhà cũng mỗi người một nửa không? Trên thực tế, chúng tôi thấy rằng đại đa số vẫn là phụ nữ gánh vác việc nhà nhiều hơn, cho nên bạn làm nhiều công việc nhà, công việc bên ngoài cũng làm không ít, bạn nói xem bạn có thoải mái không? Ngày nay người ta quan niệm rằng “giải phóng phụ nữ”, “giải phóng phụ nữ”, thực ra phụ nữ thời cổ đại không biết nói “giải phóng phụ nữ”, bởi vì họ hạnh phúc. Ngày nay nói “giải phóng phụ nữ”, nhưng phần lớn phụ nữ đã thật sự được “giải phóng” chưa? Ngược lại gánh nặng của phụ nữ càng thêm trầm trọng, ly hôn nhiều hơn, không phải đa phần là vì một chút chuyện cỏn con, mà nguyên nhân là do ngoại tình, vợ hai, tình nhân, bán dâm,… không còn luân thường đạo lý nữa, không còn là xã hội chính thường nữa. Cho nên quá khứ giảng rằng phụ nữ lo việc trong nhà đàn ông lo việc bên ngoài, cương nhu kết hợp, như vậy mới hài hòa.
Mọi người xem chữ “thê tử” (妻子) này, giữa chữ thê cũng có một chữ giống như cái chổi, thực ra là một cánh tay, cũng có nghĩa là lo việc nhà. Chữ “phu thê” là một từ ghép từ chữ trượng phu và phu thê. Mọi người cùng xem từ “trượng phu” (丈夫), chữ 一 (nhất) và chữ 人 (nhân) ghép thành chữ 大 (đại), chữ “thiên” (天) cũng như thế, do chữ 一 (nhất) và chữ 大 (đại) ghép thành, chữ “trượng phu”( 丈夫) và “thê tử” (妻子) trong chữ phu thê (夫妻) phía trên đều có một nét ngang, cổ nhân tạo chữ vô cùng tinh tế, rất có ý nghĩa. Nét ngang đó thể hiện điều gì? Mọi người biết rằng cổ nhân thường cài trâm, một khi cài trâm lên tóc là thể hiện người đó đã trưởng thành, không còn là bé trai hay bé gái nữa, có thể trở thành vợ chồng rồi. Chữ phu (夫) này giống với chữ thiên (天), được tạo thành từ chữ nhất (一) và chữ đại (大), vậy thì người chồng ở nhà giống như trời (天). Vào thời cổ đại, làm quan còn được gọi là đại phu (大夫), như Khuất Nguyên thì gọi là đại phu Khuất Nguyên. Đất nước (國) gọi là quốc gia, chủ của một nước gọi là quân (君), vậy thì chữ gia (家) trong quá khứ không chỉ là một gia đình nhỏ, mà là một gia tộc, chủ của một gia đình gọi là đại phu, cho nên người trượng phu ở nhà giống như trời, người chồng ở nhà là trời.
Vậy tại sao người vợ lại đọc là thê (1), bởi vì “thê giả, tề dã, phụ dự phu tề giả” (ý nói rằng người vợ là ngang hàng, vợ và chồng là những người ngang hàng), cho nên chồng và vợ là ngang bằng, bình đẳng. Nói người phụ nữ cầm cây chổi không phải có ý kỳ thị, mà ý là làm công việc nhẹ nhàng. Phát âm của chữ “phụ” (婦) và chữ “phục” (服) rất giống nhau, cổ nhân nói “phụ giả, phục dã” có nghĩa là phụ nữ là người hầu hạ chăm sóc. Trong quá khứ, phụ nữ chính là người phục vụ người khác, hiện nay sẽ có người nói, tại sao tôi phải phục vụ anh ta chứ? Mọi người biết có một câu nói như thế này: “Thê hiền phu họa thiếu, tử hiếu phụ tâm an” (Nghĩa là vợ hiền lành thì chồng ít gặp tai họa, con hiếu thảo cha mẹ được an tâm). Nếu con cái chúng ta đều nghe lời, thì giáo viên chúng ta cũng nhẹ lòng, vậy thì làm một người vợ, điều người phụ nữ làm chính là phục vụ người khác.
Các ông lão luôn làm đúng
Mọi người chắc hẳn đã nghe qua câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”: Ông lão đánh cá bắt được một con cá vàng. Bà lão muốn nhà, nhà có rồi thì lại muốn cung điện, cung điện có rồi thì lại muốn Thần Tiên đến hầu hạ mình, lòng tham không đáy. Kết quả cuối cùng là hai bàn tay trắng. Nguyên nhân hai bàn tay trắng là gì? Có phải là do lòng tham của bà lão gây ra không? Những tham quan hiện nay cũng như vậy, không ngừng bành trướng lòng tham, tham ô hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, bản thân chi tiêu không nhiều, nhưng cuối cùng phải ngồi tù, và hai bàn tay trắng, có giống với kết cục của bà lão không? Người như vậy vô cùng ngốc, anh ta vốn dĩ muốn tích góp của cải, kết quả là phải ngồi tù. Anh ta cũng muốn hạnh phúc, nhưng không tìm được hướng đi đúng đắn. Tại sao chúng tôi lại giảng những điều này? Chính là hy vọng rằng mọi người hiểu rõ đạo lý, cho nên hôm nay liên tục giảng về việc làm thế nào để được sống hạnh phúc.
Một ví dụ khác đó là “Ông lão luôn làm đúng” trong truyện cổ tích Andersen, mọi người có nghe câu chuyện này chưa? Ông lão này luôn làm đúng là vì bà lão luôn tin tưởng chồng mình. Chúng ta nói ngắn gọn nhé. Nhà họ có một con bò, ông lão vội mang ra chợ bán. Trên đường đi gặp được một người đang dắt một con cừu, ông liền nghĩ con cừu này không tệ, thế là ông nói với người ta: “Tôi đổi con bò của tôi lấy cừu của ông có được không?” Người kia nghe thấy liền nói đương nhiên là được. Thế là ông lão liền đổi lấy cừu rồi đi ra chợ. Đang đi trên đường lại nhìn thấy một người ôm một con gà, ông nghĩ con gà này không tệ, thế là nói với người ta: “Tôi đổi con cừu của tôi lấy con gà này của anh có được không?” Người này đương nhiên muốn đổi, thế là lại đổi được một con gà, ông ôm con gà đi tiếp.
Cuối cùng đã đến chợ. Khi ông chuẩn bị vào quán cơm thì đụng phải một người trẻ tuổi, trong tay người trẻ tuổi này có xách một túi táo thối, ông lão nghĩ táo này không tệ, thế là nói: “Tôi đổi gà của tôi lấy táo của anh, anh thấy thế nào?” Anh này nghe thấy liền nói, túi táo thối này tôi vốn dĩ muốn vứt đi, bây giờ bỗng nhiên lại có người đem gà đổi lấy, tìm đâu ra chuyện tốt như vậy chứ, đương nhiên là đồng ý rồi. Ông lão cầm lấy táo đi vào trong quán, rồi đặt táo thối lên trên bếp lò, liền nghe thấy tiếng “la mắng”. Bởi vì mùa đông cần đốt lò, ông không biết điều này. Hơn nữa táo thối mà lại đem đi nướng, bạn nói xem có thể được không? Sau đó ông lão trò chuyện với mọi người về trải nghiệm của mình trên đường, bản thân còn vô cùng cao hứng.
Đúng lúc đó, hai người thương nhân nghe được câu chuyện cảm thấy ông lão này thật ngốc, liền nói: “Ông vẫn còn ở đây đắc ý, đợi khi về nhà xem vợ ông có mắng ông một trận tơi bời không nhé”. Ông lão nói: “Không đâu, bà ấy sẽ không mắng tôi đâu, không những không mắng tôi, còn sẽ hôn tôi một cái”. Thương nhân nghe thấy liền nói: “Cái gì, còn hôn ông một cái à? Sao có thể tin được chứ?” Thế là thương nhân đánh cược với ông lão và nói: “Nếu như tôi theo ông về nhà, bà lão không mắng ông, mà còn hôn ông một cái, ông xem túi vàng này, nếu thua chúng tôi sẽ tặng nó cho ông”. Trong mắt của thương nhân đây là chuyện tuyệt đối không thể xảy ra, bạn nghĩ xem, nếu bạn là người vợ, chồng của bạn dắt một con bò đi, cuối cùng đổi về một túi táo thối, bạn sẽ như thế nào? Chúng ta có phải cũng cảm thấy ông lão này thật ngốc?
Thế là thương nhân thuê một chiếc xe và theo ông lão về nhà, về đến nhà ông lão nói với vợ: “Tôi đổi một con bò lấy một con cừu”. Vừa nghe thế bà lão nói: “Ôi chao, thật là tốt! Tôi vừa nghĩ cần một con cừu, có cừu rồi chúng ta có thể uống sữa cừu, còn có thể cắt lông cừu để dệt áo len. Tôi từ lâu cũng muốn may áo lông cừu cho ông”. Ông lão lại nói: “Nhưng mà, tôi lại đổi cừu lấy một con gà”. Bà lão nghe xong lại cao hứng: “Ôi chao, có gà cũng tốt! Nếu có một con gà, chúng ta có thể cho nó đẻ rất nhiều trứng, sau đó ấp ra rất nhiều gà con, gà ấp trứng, trứng nở ra gà, năm sau chúng ta có thể có một trang trại gà, vậy sẽ có rất nhiều gà và trứng rồi”. Bà lão không hề tức giận.
Ông lão lại nói: “Nhưng tôi lại đổi gà lấy táo thối rồi”. Bà lão nói: “Ái chà, tốt quá! Vừa nãy tôi muốn làm bánh trứng cho ông, sang nhà hàng xóm xin hành lá, hàng xóm không những không cho, còn nói ‘Nhà tôi ngay cả một quả táo thối cũng không có’, lần này nhà chúng ta có một túi táo thối, tôi phải tặng cho bà ấy hai quả cho bà ấy xem”. Càng nói càng cao hứng, nhất thời kích động liền hôn ông lão một cái. Thương nhân nhìn thấy thì ngẩn người ra, thế là thương nhân đã thua một túi vàng, và đưa túi vàng đó cho ông lão. Câu chuyện này chính là “Ông lão luôn làm đúng”.
Mọi người có biết câu chuyện trên có ý nghĩa gì không? Theo góc nhìn của chúng tôi một đôi vợ chồng như vậy chính là một ông lão ngốc và bà lão ngốc, nhưng vừa hay một ông lão ngốc như vậy cuối cùng lại thắng được một túi vàng. Vậy ban nãy nói tới ông lão đánh cá và vợ có ngốc không? Quá thông minh rồi, đến cuối cùng cái gì cũng không đạt được, có phải như vậy không? Mọi người xem một đôi “vợ chồng già ngốc” như vậy, tôi cảm thấy từ ngốc này phải thêm dấu ngoặc kép, hai người họ có phải rất hạnh phúc không? Vợ ông hoàn toàn tin tưởng chồng của mình, nói rằng điều chồng tôi làm thì nhất định là đúng. Trong suy nghĩ của bà thì ông lão luôn làm đúng, bà tín nhiệm ông lão như vậy có phải sẽ không oán hận ông không? Nếu bà vợ cảm thấy chồng mình không đúng, bà ấy có thể vui vẻ mà nói ông làm sai rồi không? Bà ấy sẽ oán trách ông, một khi oán trách sẽ tức giận, phát cáu, thật sự không tốt.
Có một tài liệu nói rằng, con người tức giận một tiếng đồng hồ tương đương với tăng ca sáu tiếng, bạn nói xem tăng ca có mệt không? Đương nhiên rồi, tức giận còn có chỗ không tốt hơn nữa, đó là khi con người tức giận, thân thể sẽ sản sinh ra độc tố. Người nước ngoài cũng đã làm qua thí nghiệm, lấy một chai nước sạch rồi thổi không khí vào trong. Khi chúng ta vui vẻ hoặc lúc bình tĩnh, nước sẽ trong suốt, khi chúng ta tức giận hoặc lúc không vui nước sẽ vẩn đục. Khi bạn vô cùng tức giận, nước sẽ rất đục, vì vậy mọi người nên chú ý, hễ bạn mà tức giận, thân thể của bạn sẽ sản sinh ra nhân tố không tốt.
Khi bạn vô cùng tin tưởng chồng của mình sẽ sản sinh ra cảm giác vô cùng hạnh phúc. Vậy chúng ta suy nghĩ một chút: Nếu nhà bạn có một con bò, nếu con bò này mất đi, bạn sẽ có biểu hiện ra sao? Bạn có oán hận người khác không? Có trách móc lẫn nhau không? Mà hai vợ chồng trong câu chuyện cổ tích này không những không nảy sinh mâu thuẫn, mà còn vô cùng thoải mái. Cho nên ở đây chúng tôi giảng, là một người phụ nữ cần tin tưởng chồng mình, tin tưởng chồng của mình cô ấy có hạnh phúc không? Hạnh phúc! Chúng ta có những cô gái cứ mãi oán trách chồng mình: “Nhìn nhà người ta kìa, đều mua ô tô rồi, anh còn đi xe đạp”. Nếu tôi nói đạp xe đạp rất tốt, đi xe đạp còn bảo vệ môi trường, lái xe đạp cũng an toàn nữa. Cho nên khi người vợ xem thường chồng mình, cô ấy sẽ không vui.
Ở đây nói rằng ông lão luôn làm đúng, còn có một mặt khác, các bạn có biết tại sao ông lão luôn làm đúng không? Có phải điều này chỉ giảng cho phụ nữ chúng ta? Bạn cảm thấy mình chịu thiệt rồi, vì người đàn ông, người chồng cũng vậy, bạn trai cũng vậy, họ không biết được vì sao bà lão tin tưởng rằng ông lão luôn đúng. Bà lão tin tưởng ông lão như thế, vậy thì những việc ông lão làm rốt cuộc có đúng không? Khi ông dùng một con bò đổi lấy một con cừu, ông lão này đã nghĩ gì? Mọi người nghĩ xem, ông ấy có thực sự ngốc như thế không? Ông ấy không biết bò với cừu con nào đáng tiền hơn sao? Ông ấy thực sự ngốc đến mức độ đó hay sao?
Thực ra khi ông lão nhìn thấy con cừu, ông nhớ lại ngày hôm đó vợ ông từng nói: “Nếu chúng ta có một con cừu thì tốt rồi, vừa có thể may áo lông cừu, vừa có thể uống sữa cừu”. Vì vậy khi ông nhìn thấy con cừu đó, ông đã nghĩ gì đây? Nghĩ đến nhu cầu của vợ ông, mọi người có hiểu ý này không? Khi ông nhìn thấy con cừu, ông không hề suy nghĩ xem con cừu có đáng giá hay không, mà từ góc độ nhu cầu của người vợ mà nghĩ vấn đề: “Ái chà, vợ tôi rất thích cái này!” Là nói cách nghĩ của ông chính là cách nghĩ của bà lão, khi ông nhìn thấy con cừu, ông chỉ nghĩ rằng người vợ sẽ vui vẻ, ông có nghĩ đến tiền không? Ông không nghĩ điều chi nữa, các bạn nghĩ xem, ai tìm được người chồng như thế này thì có hạnh phúc không? Khi ông chỉ nghĩ đến nhu cầu của vợ, thì thứ gì cũng không quan trọng nữa, chỉ muốn làm hài lòng vợ.
Các cô gái ngày nay sẽ cho rằng ông lão đó quá ngốc rồi, không biết kiếm tiền. Mọi người nghĩ xem, nếu trong đầu ông lão này toàn là kiếm tiền, liệu ông có tính toán với vợ mình không? Tuy nói rằng ông lão không biết kiếm tiền, nhưng ông chỉ quan tâm đến vợ của mình, mọi người hiểu rõ ý này không? Cho nên một người chồng như vậy, mới gọi là điều ông lão làm luôn luôn đúng. Khi ông nhìn thấy một con gà, ông không nghĩ rằng con nào có giá trị, con nào không có giá trị, chỉ nghĩ rằng vợ mình sẽ cảm thấy vui; nhìn thấy quả táo cũng như vậy, chỉ suy nghĩ tới nhu cầu của vợ. Mọi người nghĩ xem, ai tìm được một ông lão như vậy thì quả là hạnh phúc, cũng chính là nói ông hễ nhìn thấy cái gì thì sẽ nghĩ tới người vợ, ông nhìn thấy bộ quần áo này đẹp, có giá bán 8000 tệ, nếu là người thông minh sẽ nói 8000 tệ đắt quá! Cái này chỉ tầm 80 tệ, chi bằng ta sẽ mua cái 80 tệ. Nếu giống như ông lão trong truyện cổ tích, một khi nhìn thấy 8000, không quan trọng là 8000 hay bao nhiêu, vợ tôi nhất định sẽ thích, cho dù tôi thắt lưng buộc bụng cũng phải mua! Thân làm người vợ, khi trong tâm người chồng nghĩ cho bạn như thế, bạn có hạnh phúc không?
Chúng ta chọn chồng như thế nào? Phải tìm người trong tâm đặt mình ở phía trên, nhưng bạn không thể đặt bản thân mình ở phía trên, bạn nên suy nghĩ về anh ấy nhiều hơn. Chính là nói có những ví dụ như vậy, ví như nói chồng nhận được tiền thưởng, giả sử anh ấy nhận được 5000 tệ, thật vui biết bao, lương một tháng cũng chưa tới 5000. Họ đi mua tủ lạnh. Một lúc sau trở về, tủ lạnh còn chưa mua, mà bên này nghe thấy tiếng cửa đóng “rầm”, bên kia cũng “rầm” một tiếng, kết quả là phòng này một người, phòng kia một người, không ai quan tâm đến ai nữa, cả tuần họ không ngó ngàng nhau.
Mọi người biết tại sao không? Có phải vì nhận tiền rồi nên hai người họ không vui không? Người chồng nói tôi muốn mua một cái tủ lạnh to, người vợ nói mua cái to như thế làm gì? Để cho mấy người dùng đây? Còn tiền điện thì sao? Phụ nữ thông thường thích nhỏ gọn, đàn ông nói đến Tết cần mua nhiều đồ không có chỗ để, người chồng thích cái to, hoặc nói là anh ấy thích cái này, người vợ lại thích cái kia. Cuối cùng hai người không đạt được sự thống nhất rồi gây gổ với nhau. Bạn nói xem nhận 5000 tệ tiền thưởng phải chăng là chuyện tốt? Kết quả dẫn đến hai người gây gổ với nhau, giả sử nói ông lão luôn làm đúng, sẽ có mâu thuẫn như vậy không?
Vậy thì người đàn ông sẽ nghĩ: “Vợ tôi thích cái nhỏ, tuy tôi thích cái to, nhưng vợ tôi thích cái nhỏ, vậy thì mua cái nhỏ thôi!” Có phải nghĩ như vậy thì sẽ không xảy ra chuyện? Thân là người vợ, nếu bà ấy nghĩ như thế này: “Tôi rất thích kiểu dáng này, nhưng chồng lại thích kiểu kia, vậy mua kiểu kia đi, ông ấy vui là được!” Bạn thấy đấy, vợ chồng nếu có thể từ góc độ của đối phương mà nghĩ cho nhau, cho dù như thế nào họ đều sẽ hạnh phúc, mua hay không cũng không sao, chỉ cần nghĩ cho đối phương, bất kể như thế nào đều hạnh phúc, đừng vì nhận tiền thưởng rồi lại đánh nhau. Cho nên quan niệm “ông lão luôn làm đúng” là vô cùng cần thiết.
Khi chúng ta mở rộng ra mọi phương diện trong cuộc sống, sẽ rất có ý nghĩa, bởi vì Trung Quốc cổ đại giảng đạo lý làm người. Câu chuyện “ông lão luôn làm đúng” này không phải mê tín, bạn nghĩ xem nếu những đứa trẻ trong lớp của các bạn cho rằng “giáo viên của chúng luôn làm đúng”, bạn cảm thấy chúng có hạnh phúc không? Mọi người nghĩ xem có phải đạo lý này không? Nói rằng những đứa trẻ trong lớp của chúng ta rất tin tưởng vào giáo viên, khi giáo viên phê bình chúng, chúng nói: “Ồ, cô giáo chúng ta phê bình đúng, cô giáo nói về tôi, nhất định tôi đã làm sai chỗ nào đó, tuy rằng bây giờ tôi có chút không hiểu, nhưng cô giáo luôn làm đúng!” Đứa trẻ như vậy bạn sẽ dễ dạy bảo, có phải đạo lý này không? Nhưng nếu bạn là giáo viên, thì trong tâm bạn thực sự phải có đứa trẻ.
Tuy đứa trẻ không thể giống như người lớn lý trí cho rằng “giáo viên luôn luôn đúng”, nhưng khi bạn phê bình chúng rất nghiêm khắc, thậm chí phê bình chúng đến phát khóc, chúng vẫn cho rằng cô giáo rất yêu chúng, chúng nghĩ: “Cô giáo rất thích mình, rất thích mình”. Nó luôn nghĩ thế này: “Nhất định là mình làm sai rồi, khiến cô giáo tức giận”. Có như thế chúng mới nghe lời giáo viên, có phải như vậy thì vấn đề dễ giải quyết rồi. Bạn vừa nói chúng liền không vui, chúng cho rằng bạn không hiểu chúng, bạn nghĩ xem chẳng phải lại gây ra mâu thuẫn sao? Đây là nói cho giáo viên và phụ huynh của những đứa trẻ.
Vậy chúng ta đối với lãnh đạo, “ông chủ luôn làm đúng”, bạn có thể tin tưởng không? Phải chăng việc ông ấy làm là có sự lựa chọn ở độ cao mà ông ấy đang đứng? Giống như khi bạn làm giáo viên phê bình đứa trẻ, có đứa trẻ thực sự cảm thấy chúng không làm sai, nhưng tại sao lại phê bình chúng? Có phải bạn có tầm cao của bạn? Vậy khi bạn phê bình chúng, bạn có cho rằng mình sai không? Không hề, bạn nhất định muốn tốt cho chúng, nhưng đôi lúc chúng không hiểu. Hiệu trưởng của chúng ta cũng vậy, khi bà ấy làm như thế thì trong tâm của bạn cũng như vậy, quan trọng là biết cảm ơn, bạn có lòng biết ơn thì bạn sẽ giữ được sự cân bằng, bạn sẽ tin “ông lão” luôn làm đúng.
Ghi chú: (1) Chữ thê có âm đọc là [qī], còn chữ tề có nghĩa là như nhau, ngang nhau cũng có âm đọc khá giống là [qí].
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/149017
Ngày đăng: 10-04-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.