Du du tự tại (21): Chương 16: Thuyết thủ (kỳ 1)
Tổ công tác văn hóa Đại Khung
[ChanhKien.org]
Song thủ vạn năng kháo song thủ
Bằng hữu kiến diện ác ác thủ
Điềm mật thời quang thủ khiên thủ
Thành gia lập nghiệp cần động thủ
Nhân nịch kỷ nịch thân viện thủ
Cựu tình miên miên nan phân thủ
Diễn nghĩa:
Hai tay vạn năng nhờ có đôi
Bạn bè gặp gỡ nắm chặt tay
Chia ngọt sẻ bùi tay trong tay
Thành gia lập nghiệp tay chăm chỉ
Gặp người nguy nan dang tay giúp
Tình nghĩa xưa cũ khó chia tay
Thầy Vương: Các em hãy duỗi hai tay ra cùng làm với thầy. Như thế này giống một con chim đang bay, như thế này thì giống một con thỏ, tay hợp lại thế này thì biến thành con chó, hai tay đổi qua lại, có thể tạo ra rất nhiều hình dáng, có vui không nào? Các em đã từng nghe câu thành ngữ “song thủ vạn năng” chưa?
Nhân Nhân, Duyên Duyên: Dạ có nghe, chính là chỉ hai tay của chúng ta rất tài giỏi.
Thầy Vương: Rất thông minh! Mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày như thức ăn, quần áo, nơi ở, đi lại đều cần dùng hai tay để hoàn thành, chỉ cần nỗ lực động tay mà làm, thì có thể tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp, cổ nhân khi tạo chữ, cũng tạo ra rất nhiều chữ có liên quan tới bàn tay của chúng ta. Bây giờ xin mời ông Bút Lông giải thích rõ hơn cho chúng ta nhé.
Ông Bút Lông: Các chữ có liên quan đến tay có vài trăm chữ. Lúc tra từ điển bộ thủ Thủ (手), vô luận là bộ Thủ (扌), bộ Trảo (爪) , bộ Hựu (又) đều có liên quan tới hai bàn tay.
Trước tiên, chúng ta hãy nói về chữ Thủ (手) này nhé, thử ngẫm xem điều gì có thể đại biểu cho bàn tay, đương nhiên là năm đầu ngón tay, lại thêm cánh tay ngăn ngắn nữa liền biến thành tay. Ai xem đều hiểu được, chẳng qua nó là hình vẽ, không phải văn tự.
Nếu viết thành văn tự thì cần phải đơn giản hóa, các ngón tay được giản lược thành các nét bút, hơn nữa năm nét bút viết liền nhau sẽ quá dàn trải nhìn không đẹp, vì vậy xếp thành hai hàng, ngón cái là ở tầng dưới, ba đầu ngón tay ở giữa là ở tầng trên.
Chữ Thủ trong chữ kim văn chính là được tạo ra như thế, có chữ thì ngón giữa cong sang bên phải, cũng có chữ cong sang bên trái.
Chữ tiểu triện về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dáng của chữ kim văn, nhưng ngón giữa cố định cong sang bên phải. Đến thời chữ khải thư, bộ phận ngón giữa cong sang trái viết thành nét phẩy, trở thành chữ Thủ hiện nay chúng ta viết.
Nếu ngón giữa và cánh tay hợp thành một nét thì chính là bộ Thủ (扌).
Duyên Duyên: Vậy chữ Thủ (手) khác nhau với bộ Thủ đứng (扌) thế nào ạ?
Ông Bút Lông: 手 và 扌đều mang nghĩa là bàn tay, chỉ có điều 手 là chữ Thủ viết đơn độc, còn 扌là bộ Thủ viết ở bên của những chữ có liên quan đến bộ phận tay. Ví dụ như chữ 工 (công), nếu thêm 扌sẽ là 扛 (Giang), nghĩa là khiêng, vác; còn chữ 丁 (đinh) thêm 扌sẽ là 打 (đả), nghĩa là đánh, đập.
Nhân Nhân: Vậy 爪 (Trảo) với tay có liên quan gì không ạ? Trảo cũng không giống Thủ.
Ông Bút Lông: Chữ Thủ vừa nãy viết là năm ngón tay chỉ lên trên, còn chữ Trảo là hình dáng năm ngón tay chỉ xuống, khi năm ngón tay chỉ xuống, thì là đang làm gì nhỉ? Hẳn là cầm nắm cái gì đó, vì vậy Trảo ngoài việc mang nghĩa móng vuốt, nó cũng có ý nghĩa là bắt lấy. Năm ngón tay xòe ra đơn giản hóa thành đường thẳng và đường cong, sau đó lại giản lược thành ba nét, chữ Trảo giáp cốt chính là được tạo ra như thế. Đến thời chữ kim văn về cơ bản là kế tục chữ giáp cốt văn, nhưng đường nét đặc biệt mạnh mẽ, rất sống động;
Đến chữ tiểu triện thì đầu ngón tay được kéo dài ra, giống như dùng lực vồ lấy một thứ gì đó rất nặng, cánh tay cũng trở nên ngắn; khải thư thì tách ngón tay và cánh tay ra, hễ là chữ có bộ Trảo đều liên quan tới tay, giống như chữ Tranh (爭) trong từ tranh cãi.
Duyên Duyên: Trảo và Thủ có liên quan với nhau, vậy chữ Tranh (爭) và chữ Thủ (手) có liên quan gì không ạ?
Ông Bút Lông: Ừm ừm! Hôm nay do vấn đề thời gian, các cháu về nhà hãy ngẫm nghĩ một chút nhé, suy xét cặn kẽ để lần sau ông sẽ nói rõ hơn, hẹn gặp lại.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/35040
Ngày đăng: 17-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.