Tác giả: Đồng Hân
[ChanhKien.org]
Chương 2: Nỗ lực vươn lên không ngừng
Mục 3: Tinh tấn chính đạo - Nỗ lực vươn lên không ngừng
4. Không ngừng cố gắng
Bàn về “Học nhi bất yêm, hối nhân bất quyện” (diễn nghĩa: Học tập không biết chán, dạy dỗ không biết mệt). Là một người thầy, một người làm ăn buôn bán, hay tương lai làm cha mẹ cũng vậy, khi đọc những điều được viết trong “Tam Tự Kinh” sẽ thấy rất tự tin, “Nhân di tử, kim mãn doanh; ngã giáo tử, duy nhất kinh” (diễn nghĩa: Người thường cho con, vàng bạc đầy rương; Ta dạy bảo con, chỉ một quyển Kinh), đó chính là quyển “Tam Tự Kinh”. Khi học tập kinh điển, lấy Thánh hiền làm thầy thì sẽ rèn luyện được mỹ đức, đến đâu cũng là người có tài có đức. Vậy nên chúng ta cần học những đạo lý tốt đẹp, chân chính, hơn nữa còn phải thực hành được, phải tỏa ánh hào quang đạo đức.
Bài viết này nhằm giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa truyền thống, mong rằng mọi người sẽ từ đó mà cùng nhau sáng tạo nên cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp bằng sự thiện lương, chân thành. Chúng ta đều nhớ một câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, bản tính con người vốn là lương thiện, tuy một số thứ có thể bị che lấp, nhưng khi lớp bụi kia được quét đi thì bản tính tốt đẹp sẽ hiển lộ. Bản tính này đi đến đâu sẽ tỏa ánh hào quang đến đó, sự tốt đẹp cũng sẽ theo đó triển hiện.
Giữa bạn bè hay trong giao tiếp xã hội đều cần chân thành, dụng tâm trong ứng xử, mang thiện ý khi giao tiếp thì người khác sẽ tôn trọng bạn, sẽ thấy nhân cách của bạn rất cao thượng. Khi tấm lòng bạn rộng mở hơn, trưởng thành hơn, bạn đứng càng cao thì càng nhìn được xa, càng nhìn xa sẽ càng cảm thấy những chuyện nhỏ kia thật chẳng đáng kể gì. Những người quá cố chấp, những người tự sát vì thất tình chẳng phải là dùi sừng bò sao? Khi nhìn từ trên cao sẽ phát hiện sự việc ấy rất nhỏ, đứng càng cao sẽ thấy nó càng nhỏ, đây chính là “Bạch nhật y sơn tận” (1). Câu thơ này thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ, nếu Mặt Trời là con người, thì người này đã từng đến trễ chưa? Từng nghỉ sớm chưa? Mặt Trời cứ như thế năm này qua năm khác. Nếu Mặt Trời mà nghỉ ốm một ngày, nghỉ phép ba ngày, nghỉ phép một tháng, thì nhân loại và rất nhiều sinh mệnh có tồn tại được không? Vậy nên như một ngày mới tràn đầy sức sống, con người cần học tập tinh thần không ngừng cố gắng như “Bạch nhật y sơn tận” này. Đối với trời đất, chúng ta cần có tấm lòng biết ơn, có tâm thái sùng kính, thì tấm lòng cũng sẽ càng bác đại rộng lớn hơn, đây là nhìn lên trên.
Còn nhìn xuống dưới thấy “Hoàng Hà nhập hải lưu” (diễn nghĩa: sông Hoàng Hà chảy hòa vào biển sâu), dòng sông chảy từ trước đến nay chưa từng ngừng nghỉ, giống như đứa con xa quê phiêu bạt rất lâu nay mới được trở về quê hương, không gì ngăn nổi. Thi nhân đứng từ trên lầu cao, đứng tại cảnh giới cực cao mà ngắm nhìn cảnh vật, sông dài biển rộng đều nằm trong tâm, trời đất nhật nguyệt đều ở trong lòng. Với tấm lòng rộng lớn như vậy thì chút lợi cỏn con, chút thành bại được mất chỉ thấy thật nhỏ bé trong mắt chúng ta. Thơ Đường sở dĩ có cảnh giới vô cùng khoáng đạt là vì các thi nhân có tấm lòng rộng lớn như thế. Chúng ta không thể chỉ giải thích từ bề mặt chữ, chúng ta nên giao tiếp với Thánh hiền từ trong tâm, “Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách” (diễn nghĩa: Đường mênh mông và xa xôi này, ta sẽ chịu khó tìm tòi - trích bài thơ Ly Tao của Khuất Nguyên), điều thi nhân theo đuổi chính là chân lý, Đại Đạo. Khi đứng ở cảnh giới cao hơn mà cảm nhận câu thơ này của Khuất Nguyên, chúng ta chắc chắn sẽ có những lý giải khác hẳn trước đây.
Vậy nên, “Dục cùng thiên lý mục, cánh thượng nhất tầng lâu”, hy vọng mọi người không ngừng cố gắng, không ngừng tiến lên tầng cao mới, ngày càng rộng lớn hơn, càng ngày càng tốt đẹp hơn!
Chú thích:
(1) Bài thơ Đăng Quán Tước lâu của Vương Chi Hoán
Bạch nhật ỷ sơn tận,
Hoàng Hà nhập hải lưu.
Dục cùng thiên lý mục,
Cánh thượng nhất tầng lâu.
Diễn nghĩa:
Mặt trời trắng dựa vào sườn núi rồi biến mất
Sông Hoàng Hà chảy hòa vào biển sâu
Muốn ngắm hết cảnh ngoài ngàn dặm,
Phải trèo thêm lên một tầng lầu.