Giáo dục hạnh phúc (15): Chí hướng cao xa



Tác giả: Đồng Hân

[ChanhKien.org]

Chương 2: Tự cường bất tức

Mục 2: Cổ Thánh tiên hiền – tu tâm dưỡng tính

1. Chí hướng cao xa

Tiếp theo chúng tôi sẽ bàn về một vấn đề vô cùng quan trọng, đó là chí hướng cao xa. Đường Huyền Trang có câu nói thế này: “Ninh khả tây hành nhất bộ tử, quyết bất đông thối bán bộ sinh” (Ta thà tiến một bước về phía Tây mà chết, chứ quyết không lùi nửa bước về phía Đông để sống), ở đây đề cập đến sinh và tử, đối với Huyền Trang mà nói, ông đã vượt ra khỏi cái chết và sự sống rồi. Mọi người đều biết về thời kỳ Đại Đường thịnh trị, kỳ thực thời kỳ Đại Đường thịnh trị và Đường Huyền Trang có quan hệ vô cùng mật thiết. Câu chuyện Đường Tăng đi lấy kinh trong Tây Du Ký, mà trong lịch sử quả thực cũng có một vị Đường Tăng như vậy, chuyến hành trình của ông đi Tây phương thỉnh kinh cũng đã trải qua trăm ngàn gian khổ, không hề dễ dàng.

Bản thân Huyền Trang rất muốn xuất gia. Ngày nay, hễ nghe nói ai đó xuất gia, người ta liền cho rằng người này có phải chán đời chăng? Nhưng vào thời xưa lại không phải vậy, thời xưa người xuất gia đều là những người ưu tú, đều là những đứa trẻ rất ưu tú trong những gia đình giàu có. Ở Tây Tạng thì chỉ những đứa trẻ ưu tú nhất trong mỗi gia đình mới được xuất gia, đứa trẻ xuất sắc nhất được gửi vào chùa ấy sẽ đại diện cho cả gia đình đi tu hành. Còn ngày nay người ta lại gửi những đứa trẻ ưu tú nhất đến trường đại học. Trước kia những người tu hành rất được mọi người tôn kính, đi tu cũng là một việc vô cùng tốt đẹp.

Vào thời Tùy Đường việc xuất gia rất nghiêm khắc, danh sách người được chọn chỉ vài chục người, lại còn phải vượt qua kỳ thi. Huyền Trang mới mười mấy tuổi đã muốn xuất gia, ông không đủ điều kiện, nhưng vì ông rất thông tuệ nên được đặc cách tuyển chọn. Sau đó ông đi khắp các danh sơn cổ tự, nhưng ông phát hiện những kinh Phật hiện có tại Hán địa không thể giải đáp được nhiều vấn đề về nhân sinh, không thể khiến người tu hành giác ngộ triệt để, thế nên ông đã có ý định đến Ấn Độ ở Tây phương để tìm chân kinh. Nhưng lúc ấy người Trung Nguyên không được phép tự mình xuất ngoại, nên Đường Tăng đã âm thầm ra đi. Đường Tăng đi về phía Tây cưỡi ngựa tiến vào sa mạc, ông mang theo một túi da đựng nước, nhưng mới đi được một đoạn đường thì túi da bị đổ, nước bên trong bị đổ hết ra ngoài. Đi tiếp về phía trước sẽ không còn nước nữa, đó là một sa mạc rất rộng lớn!

Ông quay ngựa định trở về, bỗng nhớ lại lời thề “Thà tiến một bước về phía Tây mà chết, chứ quyết không lùi nửa bước về phía Đông để sống”, đây là lời thề ông đã định ra khi khởi hành từ Trường An. Người xưa đều tuân thủ lời thề, ông phải giữ lời thề của mình nên dù trong hoàn cảnh không có nước, ông vẫn điềm nhiên tiến vào sa mạc rộng lớn. Mọi người nghĩ xem, vào sa mạc mà không có nước chẳng phải là tự tìm đến cái chết sao? Nhưng ông chính là kiên định như thế, nên ông mới thành công. Huyền Trang cưỡi ngựa trong sa mạc nóng bức, khô cằn suốt năm ngày bốn đêm, lúc này ông đã ngất đi vì khát, ngựa cũng ngã gục. Đến sáng sớm hôm sau, một cơn gió mát thổi qua, ông tỉnh dậy thấy phía trước có một cái hồ, đây hẳn là một quan ải lớn, ông đã vượt qua dựa vào điều gì? Đó là chính tín, là tín niệm kiên định muốn cứu độ chúng sinh!

Đến một con sông ở Ấn Độ, ông gặp phải một bọn cướp, chúng muốn giết một người để tế trời, thấy ông trắng trẻo, sạch sẽ, vừa hay hợp để tế trời. Dù sắp bị giết nhưng Huyền Trang vẫn không hề biến sắc, ông ngồi đó an hòa tĩnh tâm niệm kinh. Vào lúc bọn cướp chuẩn bị giết nhưng chưa kịp động thủ, sóng gió bỗng cuồn cuộn kéo đến, bọn cướp thấy thế liền hoảng sợ, quỳ gối cầu xin tha mạng, vừa quỳ xuống, lập tức trời yên sóng lặng. Hai câu chuyện kể trên đều là sự thật lịch sử, đó chính là tình huống chân thực của Đường Tăng trong lịch sử. Tất nhiên khi đưa vào tiểu thuyết “Tây Du Ký” thì ma nạn còn nhiều hơn, nhưng cũng trở nên rất thú vị.

Tóm lại mọi người cần có một mục tiêu cao xa, vậy mục tiêu của Huyền Trang là gì? Mọi người có biết vì sao phải đi lấy kinh không? Khởi đầu của câu chuyện “Tây Du Ký” được viết là có lý do. Vào giai đoạn Tùy – Đường chiến loạn liên miên, có câu chuyện về Ngụy Trưng mơ trảm Long vương Kinh Hà, Đường Thái Tông bị bắt xuống địa phủ, ở đó rất nhiều người đã cầu xin Đường Thái Tông siêu độ cho họ. Vì trong chiến tranh Tùy – Đường đã có rất nhiều người bị chết, có nhiều người chết oan nên cần siêu độ cho những oan hồn này, muốn siêu độ thì phải niệm chân kinh, đó là khởi nguồn của câu chuyện “Tây Du Ký”. Huyền Trang thề phải lấy được chân kinh trở về, để con người được đắm mình trong Phật ân, ông xem việc này là sứ mệnh của mình. Chí hướng của Huyền Trang không phải vì bản thân mà đi lấy kinh, mà vì ông muốn hồng dương Phật Pháp, cứu độ bá tánh thiên hạ. Huyền Trang sở dĩ dám tiến vào sa mạc dù không có nước, không phải vì ông muốn mình đạt được mục tiêu nào đó, mà vì ông phải sớm lấy được chân kinh trở về. Đây là trách nhiệm và sứ mệnh của ông, vậy nên ông mới có thể dựng lập công đức vĩ đại lưu danh thiên cổ, đó là tấm lòng từ bi vĩ đại của ông dành cho chúng sinh. Do vậy mới nói làm người thì việc lập chí là vô cùng quan trọng.

Nhất là vào giai đoạn đại học này, chúng ta cần xác lập mục tiêu cuộc đời rốt cuộc là gì. Vừa rồi chúng ta đã bàn đến việc giữa bạn bè với nhau nên “Chí đồng đạo hợp” (đồng chí đồng lòng), tức là phải chú trọng xây dựng chí hướng. Huyền Trang sở dĩ có thể trở thành bậc Thánh hiền, trước hết vì mục tiêu của ông là cứu độ chúng sinh, ông thực sự đã đạt được mục tiêu ấy. Trung Quốc trong 2000 năm trở lại đây, những thời kỳ đặc biệt an định không nhiều, nhưng thời kỳ “Trinh Quán chi trị” lại vô cùng thái bình, điều này không thể không nhắc đến tài văn thao võ lược của Đường Thái Tông. Nhưng thời kỳ “Trinh Quán chi trị” thì có liên quan gì đến Huyền Trang? Sau 17 năm gian khổ đi lấy kinh trở về, Huyền Trang đã tiến hành phiên dịch kinh Phật trong chùa Từ Ân. Huyền Trang rất siêng năng, mỗi ngày ngủ nghỉ rất ít, toàn bộ tâm sức đều dành vào việc phiên dịch kinh Phật, ngày nào cũng vậy, đến tận ngày mất ông vẫn còn đang dịch kinh. Ông không chỉ chịu nhiều gian khổ trên đường lấy kinh mà sau khi quay về cũng rất vất vả. Kinh Phật được dịch ra đã giúp lòng người thời ấy hướng thiện, khiến Phật Pháp triển hiện ra uy lực này, do đó mới tạo nên thời kỳ Đại Đường thịnh trị tốt đẹp tại nhân gian.

Có thể nói Đường Thái Tông là một Thánh nhân, có câu chuyện về Thái Tông thả 3.000 cung nữ và 400 tử tù. Việc thả cung nữ chính là đưa cung nữ về lại quê hương, Đường Thái Tông một lần thả hết 3.000 cung nữ. Mọi người biết đấy cung nữ rất xinh đẹp lại dịu dàng hiền thục, hiểu biết lễ nghĩa. Có 3.000 cung nữ hầu hạ Hoàng đế thì cũng sẽ có 3.000 chàng trai độc thân, đúng không? Đạo lý thật đơn giản. Điều vĩ đại của Đường Thái Tông là ông đã để những cung nữ xinh đẹp, hiền thục về với dân gian, giúp 3.000 chàng trai có được những người vợ tốt. Chốn cung đình thời xưa là trường đại học tốt nhất, nơi bồi dưỡng những người có đạo đức, học vấn cao. Ngày nay, con người mang theo những tư tâm bại hoại, đấu tranh, tham lam, dục vọng mà phóng đại những mặt không tốt của chốn cung đình xưa, điều này chỉ để thỏa mãn lòng hiếu kỳ và dục vọng của người ta mà thôi, không phải toàn bộ tình huống chân thực.

Vua Đường Thái Tông thả 3.000 cung nữ về nhà, trên thực tế là muốn họ trở thành 3.000 sứ giả truyền bá nền văn hóa tốt đẹp, giúp cho văn hóa và đạo đức cao quý chốn cung đình được truyền ra dân gian, xã hội sẽ theo đó mà tốt đẹp hơn. Còn một câu chuyện quả thực chưa từng có trong lịch sử, đó là có 400 tù nhân đợi đến cuối thu sẽ đem xử chém, đến khi sắp bị chém thì Đường Thái Tông nói năm nay khoan hãy hành hình, hãy thả họ về hết để ai chưa tận hiếu thì về tận hiếu, ai nợ tiền người ta, hoặc còn việc gì chưa làm xong thì về giải quyết nốt, hẹn họ mùa thu năm sau quay lại chịu chém. 400 phạm nhân tử hình đều được thả hết về nhà. Mùa thu năm sau, toàn bộ 400 người đều tự quay lại không thiếu một người. Con người hiện nay còn có người vượt ngục, nhưng thời xưa người ta 400 người không thiếu một ai đều đến chịu tội chém đầu. Sau đó Đường Thái Tông lại đưa ra một quyết định cho phép toàn bộ 400 người này được miễn trừ án tử.

Bạn nghĩ xem người này giết anh của người ta mà lại tùy tiện được thả, gia đình người ấy có thể bỏ qua không? Người này lại giết cha của người ta giờ lại dễ dàng được thả, gia đình người đó có thể bỏ qua không? 400 tử tù này chẳng phải đều sẽ gặp chuyện bị báo thù sao? Đây không đơn thuần là việc 400 người được thả, phải chăng tấm lòng những người bị hại cũng phải rộng lớn hơn, thân nhân và họ hàng người bị hại đều không truy cứu nữa, mới có thể miễn cho họ tội chết, mọi người nghĩ xem có phải vậy không? Nếu không có trạng thái xã hội tốt đẹp, tiêu chuẩn đạo đức của toàn thể xã hội thời đó vô cùng cao, thì liệu có thể làm được việc này không? Chắc chắn không làm được! Bởi vì Huyền Trang đã đưa Phật Pháp truyền rộng giúp nhân tâm hướng thiện, toàn bộ thời kỳ Đại Đường thịnh trị đều hướng thiện, mới làm vậy được. Mọi người xem hiện nay đàn áp hết lần này đến lần khác, để duy trì ổn định, nếu thả hết những tử tù vậy chẳng phải họ sẽ giết càng nhiều người hơn sao? Vậy mà Đường Thái Tông làm được điều này, hơn nữa còn thành công. Trong thời kỳ Trinh Quán nhà Đường một năm có chưa đến 30 tử tù, hiện nay toàn thế giới giết 100 người thì Trung Quốc đại lục có 70, 80 người. Theo sử sách ghi chép, vào thời nhà Đường “thương nhân, lữ khách ở nơi hoang dã, không còn trộm cướp, nhà tù luôn trống rỗng”, “trâu ngựa thả ngoài đồng, cửa ngoài không đóng”, mọi người ra khỏi nhà không cần mang theo lương khô, đến đâu người ta cũng có cơm nước miễn phí, “lữ khách qua đường, chắc chắn được hậu hĩnh tiếp đón, hoặc khi rời đi còn được tặng quà”. Đường Thái Tông có tấm lòng rộng lớn, còn Huyền Trang chí hướng cao xa, công lao cũng rất lớn, ông đã không uổng phí chịu khổ đi lấy kinh, lại đem điều đại thiện truyền khắp xã hội, vậy nên xã hội thời ấy mới tốt đẹp đến vậy.

Vì thế chúng tôi mong các bạn trẻ nên lập chí hướng cao xa, cổ nhân nói “bách học tiên lập chí”. Chính vì Trung Quốc có nhiều bậc Thánh hiền chí lớn nên mới tích lũy được nền văn hóa bác đại tinh thâm đến thế. Tại sao Khuất Nguyên thà chết chứ không làm vấy bẩn tâm hồn thanh khiết của mình, Giới Tử Thôi thà cùng mẹ chết cháy chứ không chịu phong thưởng? Vì họ đều nhìn ra được vấn đề của xã hội, vì họ đều có một tinh thần trách nhiệm dám gánh vác. Tại sao Văn Thiên Tường thà chết cũng không hàng? Bởi vì ông có một tín niệm vững chắc, ông sẽ không vì chút tiền hay một món lợi mà thay đổi, niềm tin ấy mới là sức mạnh thực sự để đoàn kết một dân tộc. Trong lịch sử nhân loại vốn dĩ đã tích lũy được rất nhiều tư tưởng ngay chính, nhưng hiện nay khi niềm tin ấy tan biến thì nhân loại sẽ kết thúc. Những bậc Thánh hiền thời xưa đã lưu giữ những điều tốt đẹp cho chúng ta ngày nay, chúng ta nên học hỏi và phát huy văn hóa truyền thống, nhân loại sẽ có hy vọng tốt đẹp hơn.

Việc chúng ta có thể học được bao nhiêu từ các vị tổ tiên Thánh hiền vẫn còn là một vấn đề, nhưng chúng ta thật sự nên phải tôn kính họ. Ngày hôm nay chúng ta có thể ngồi ở đây, có lẽ phải cảm ơn những vị cổ Thánh hiền ấy. Nếu xã hội hỗn loạn, nếu bạn trừng mắt với ai đó, thậm chí không cười với bất cứ ai, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt này nói không chừng sẽ có người đánh mắng bạn một trận. Khi xã hội này trở nên hỗn loạn, tất cả chúng ta đều là người bị hại. Nếu nhân tâm trong xã hội đều hướng thiện, mọi người tôn trọng lẫn nhau, thì chúng ta mới có được hạnh phúc chân chính. Đặc biệt là ngày nay khi mọi người đều ở vị trí bất lợi, chính là nói mỗi năm có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, bằng cấp của chúng ta có bao nhiêu giá trị đối với những ông chủ muốn thuê bạn? Nhìn nhận rõ điều này, bạn sẽ biết mình nên học điều gì mới có thể học tập được tốt.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/149017



Ngày đăng: 05-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.