Toàn tân giải dịch «Thôi Bối Đồ»: Tượng 47 – Quốc vận Trung Hoa Dân Quốc



Tác giả: Mộc Tử

Tượng 47 «Thôi Bối Đồ»

[Chanhkien.org] “Sinh tôi là khỉ chết là điêu”: ám chỉ Trung Hoa Dân Quốc sáng lập bởi Tôn Trung Sơn, “Tôn” (孙) [sūn] đồng âm với “tôn” (狲) [sūn], nghĩa là khỉ, kết thúc dưới thời Mã Anh Cửu, “Cửu” (九) [jiǔ] đọc giống “tựu” (鹫) [jiù], nghĩa là đại bàng (“điêu”).

Giới thiệu: «Thôi Bối Đồ» là cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc, do Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổng cộng 60 hình vẽ (đồ tượng), bên dưới có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ. Người thống trị sợ tính chuẩn xác của nó, nên cố ý đảo loạn thứ tự các Tượng, loạt bài này sắp xếp lại cho đúng.

*  *  *

Tượng 47 (Quốc vận Trung Hoa Dân Quốc)

Sấm viết:

Nhất nhị tam tứ
Vô thổ hữu chủ
Tiểu tiểu Thiên Cang
Thùy củng nhi trị

Tụng viết:

Nhất khẩu Đông lai khí thái kiêu
Cước hạ vô lữ thủ vô mao
Nhược phùng Mộc Tử băng sương hoán
Sinh ngã giả hầu tử ngã điêu

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Một hai ba bốn
Không đất có chủ
Sao Bắc Đẩu nhỏ
Không làm cũng trị

Tụng rằng:

Một miệng từ Đông khí rất kiêu
Dưới chân không giày đầu không mao
Nếu gặp Mộc Tử băng sương tản
Sinh tôi là khỉ chết là điêu

Giải:

“Nhất nhị tam tứ, Vô thổ hữu chủ” (Một hai ba bốn, Không đất có chủ): “Nhất nhị tam tứ” chỉ “Kim Mộc Thủy Hỏa”. Thổ trong ngũ hành ổn định ở trung ương, Kim Mộc Thủy Hỏa bao quanh bốn phương, không có Thổ ngầm ý là bếp bênh rối loạn. Câu này chỉ Trung Hoa Dân Quốc từ khi đản sinh vẫn bấp bênh trong khói lửa chiến tranh. “Nhất nhị tam tứ” cũng chỉ Dân Quốc từ khi lập hiến có bốn họ Tổng thống do dân tuyển: cha con họ Tưởng (Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc) hai đời làm Vương, là “Kim”; Lý Đăng Huy, chữ “Lý” (李) có bộ “Mộc” (木); Trần Thủy Biển, chữ “Thủy” (水) vốn thuộc Thủy; Mã Anh Cửu, “Mã” (ngựa) thuộc “Hỏa”. Dân Quốc tuy mất Đại Lục (Thổ), nhưng kế thừa văn minh truyền thống Trung Hoa, so với văn hóa Mác-Lê ngoại lai ở Đại Lục, thì đây mới là chủ nhân thực sự của dân tộc Trung Hoa.

“Tiểu tiểu Thiên Cang, Thùy củng nhi trị” (Sao Bắc Đẩu nhỏ, Không làm cũng trị): Dân Quốc tuy chỉ chiếm giữ Đài Loan nhỏ bé, nhưng cai trị cực kỳ phồn vinh.

“Nhất khẩu Đông lai khí thái kiêu” (Một miệng từ Đông khí rất kiêu): “nhất khẩu” (一口) là chữ “Nhật” (日), “Đông lai” ám chỉ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai; câu này chỉ hai địch nhân lớn nhất của Trung Hoa Dân Quốc là Nhật Bản (đến từ phía Đông) và Trung Cộng. Nhật Bản làm suy yếu quốc lực Dân Quốc, Trung Cộng ngư ông đắc lợi lên đài.

“Cước hạ vô lữ thủ vô mao” (Dưới chân không giày đầu không mao): Tưởng Giới Thạch lãnh đạo cách mạng Quốc Dân, vật tư thiếu thốn, binh sĩ đều tận dụng lúc rảnh rỗi để bện giày rơm bằng tay, được gọi là “thảo hài binh” {lính giày cỏ}. Để biểu thị bản thân lúc nào cũng sẵn sàng bôn ba sa trường, trong thời kỳ kháng chiến, Tưởng Giới Thạch cũng để trọc đầu như binh sĩ (“đầu không mao”). Lấy đó để hình dung kháng chiến của Trung Hoa Dân Quốc gian nan cỡ nào. Ngoài ra, chữ “thủ” (首) bỏ hai tóc (“mao”) ở trên và bỏ giày (“lữ”) ở dưới còn chữ “bách” (百), nghĩa là 100. Ám chỉ quốc vận Dân Quốc ước chừng 100 năm (1912-2012).

“Nhược phùng Mộc Tử băng sương hoán” (Nếu gặp Mộc Tử băng sương tản): “Mộc Tử” (木子) là chữ “Lý” (李), chỉ Lý Đăng Huy; “băng sương” là Thủy (水), chỉ Trần Thủy Biển. “Hoán” (涣) [huàn], nghĩa là “tản, tiêu tán” đồng âm với “hoán” (换) [huàn], nghĩa là “đổi, thay thế”, chỉ Trần Thủy Biển thay thế Lý Đăng Huy.

“Sinh ngã giả hầu tử ngã điêu” (Sinh tôi là khỉ chết là điêu): ám chỉ Trung Hoa Dân Quốc sáng lập bởi Tôn Trung Sơn, “Tôn” (孙) [sūn] đồng âm với “tôn” (狲) [sūn], nghĩa là khỉ, kết thúc dưới thời Mã Anh Cửu, “Cửu” (九) [jiǔ] đọc giống “tựu” (鹫) [jiù], nghĩa là đại bàng (“điêu”).

Trong bức họa là ba trẻ nhi đồng, hàm ý khởi xướng “chủ nghĩa Tam dân”, trong tay cầm đảng huy của Quốc Dân Đảng.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.epochtimes.com/gb/11/2/24/n3179757.htm



Ngày đăng: 06-06-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.