Toàn tân giải dịch «Thôi Bối Đồ»: Tượng 35 – Triều Thanh lập, truyền mười đời



Tác giả: Mộc Tử

Tượng 35 «Thôi Bối Đồ»

[Chanhkien.org] Trong bức họa là thuyền chở 10 người từ hướng Đông Bắc, trên cắm 8 lá cờ (Bát Kỳ), ngụ ý rất rõ.

Giới thiệu: «Thôi Bối Đồ» là cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc, do Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổng cộng 60 hình vẽ (đồ tượng), bên dưới có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ. Người thống trị sợ tính chuẩn xác của nó, nên cố ý đảo loạn thứ tự các Tượng, loạt bài này sắp xếp lại cho đúng.

*  *  *

Lời nói đầu

«Thôi Bối Đồ» (推背图) là cuốn sách sấm do Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều Đường (năm 627-649), bao gồm 60 bức họa (đồ tượng), bản gốc phân thành Quyển 1 (đến Tượng 40) và Quyển 2 (sau Tượng 40). Mỗi bức họa ở dưới đều kèm theo “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, tiên tri những sự kiện trọng đại phát sinh qua các triều đại Trung Quốc từ triều Đường về sau. Khi đối chiếu những sự việc được tiên đoán trong «Thôi Bối Đồ» với các sự kiện đã xảy ra, thì người ta phát hiện thấy sự chuẩn xác đến đáng kinh ngạc!

Từ Tượng 32 trở về trước, «Thôi Bối Đồ» dự đoán những sự kiện lịch sử chính xác đến 100%. Cũng chính vì thế mà «Thôi Bối Đồ» luôn thuộc loại “sách cấm” đối với những người đương quyền Trung Quốc qua các triều đại. Có người đã cố ý đả loạn thứ tự các Tượng đối với những dự ngôn của «Thôi Bối Đồ» từ triều Minh về sau, khiến người đời sau khó mà dịch giải. Bởi vậy loạt bài này dịch giải lại mới hoàn toàn «Thôi Bối Đồ» trên cơ sở sắp xếp lại đúng thứ tự các Tượng kể từ triều Thanh.

Sau đây là phá giải dự ngôn từ triều Thanh về sau (Tượng 35-60), với các Tượng được sắp xếp và đánh số lại theo đúng thứ tự:

Tượng 35 (Triều Thanh lập, truyền mười đời)

Sấm viết:

Hoàng Hà thủy thanh
Khí thuận tắc trị
Chủ khách bất phân
Địa chi vô Tý

Tụng viết:

Thiên Trường Bạch bộc lai
Hồ nhân khí bất suy
Phiên ly đa triệt khứ
Trĩ tử bán khả ai

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Nước Hoàng Hà trong
Khí thuận là trị
Chủ khách không phân
Địa chi không Tý

Tụng rằng:

Thác nước trời Trường Bạch
Người Hồ khí không suy
Hàng rào bỏ đi nhiều
Trẻ con nửa bi ai

Giải:

“Hoàng Hà thủy thanh, Khí thuận tắc trị” (Nước Hoàng Hà trong, Khí thuận là trị): đây là Tượng đầu tiên trong 11 Tượng về triều Thanh, khái quát quốc vận triều Thanh, chỉ triều Thanh từ thời Hoàng đế Thuận Trị là bắt đầu vào làm chủ Trung Nguyên. “Thanh” (清) {trong} chỉ triều Thanh, “trị” (治) chỉ Thuận Trị.

“Chủ khách bất phân, Địa chi vô Tý” (Chủ khách không phân, Địa chi không Tý): các bộ tộc Nữ Chân của Mãn Thanh nguyên là làm khách lệ thuộc triều Minh, nay đảo khách thành chủ. Ngoài ra còn hàm ý tộc Mãn dung nhập tộc Hán, ý là “Mãn Hán một nhà”. Nỗ Nhĩ Cáp Xích kiến lập “Hậu Kim”, đến năm 1636 Hoàng Thái Cực cải quốc hiệu thành “Thanh”, từ Thuận Trị truyền được 10 Hoàng đế. Địa chi có 12 ngôi, bởi vậy không tính Nỗ Nhĩ Cáp Xích (ngôi Tý) thì triều Thanh có tổng cộng 11 vị Hoàng đế.

“Thiên Trường Bạch bộc lai, Hồ nhân khí bất suy” (Thác nước trời Trường Bạch, Người Hồ khí không suy): núi Trường Bạch là đất phát tích mà ông Trời phú cho dân tộc Mãn. Sau triều Nguyên, người Hồ ở phương Bắc lại một lần nữa xâm nhập làm chủ Trung Nguyên.

“Phiên ly đa triệt khứ, Trĩ tử bán khả ai” (Hàng rào bỏ đi nhiều, Trẻ con nửa bi ai): bình loạn Tam Phiên (có chữ “phiên”), Trường Thành (“hàng rào”) không lại trở thành bức tường phân cách quân sự Bắc-Nam nữa. Đài Loan, Tân Cương, v.v. đều quy về bản đồ triều Thanh, cương vực rộng lớn chưa từng có. Sau khi nhập quan, Mãn Thanh truyền được 10 Hoàng đế, trong đó một nửa lên ngôi khi chưa đầy 10 tuổi (Thuận Trị, Khang Hy, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống), đúng là khá “bi ai”.

Trong bức họa là thuyền chở 10 người từ hướng Đông Bắc, trên cắm 8 lá cờ (Bát Kỳ), ngụ ý rất rõ.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.epochtimes.com/gb/11/2/2/n3160598.htm



Ngày đăng: 15-05-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.