Dự ngôn về ngày hôm nay (Phần 4): Lưu Bá Ôn và dự ngôn “Thiêu Bính Ca”



[ChanhKien.org]

Phần 3: Quân sư khai quốc thời Minh Lưu Bá Ôn và dự ngôn “Thiêu Bính Ca”

Lưu Cơ, còn gọi là Lưu Bá Ôn, là tể tướng khai quốc triều Minh, tương truyền ông chính là tác giả của một trong ba bài tiên tri dân gian nổi tiếng của Trung Quốc – “Thiêu Bính Ca”. Năm 22 tuổi ông đỗ tiến sĩ, nhưng vì bản tính cương trực ngay thẳng, liêm khiết chí công, ông đã bị mất chức sau khi vạch trần sự thiếu trách nhiệm của quan ngự sử giám sát, cuối cùng ông trở về quê ẩn cư. Cuối triều đại nhà Nguyên, các anh hùng nổi lên, sau khi Chu Nguyên Chương khởi binh, Lưu Bá Ôn đã xuất sơn trợ giúp Chu Nguyên Chương xây dựng cơ nghiệp hoàng đế.

Theo tài liệu ghi chép trong “Minh sử”, từ khi có sự phò tá của Lưu Bá Ôn, Chu Nguyên Chương thường xuyên đến hỏi ý kiến của Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn phân tích tình hình lúc bấy giờ và tâu: “Chủ công hiện đang nắm giữ Kim Lăng, nơi đây có địa hình hiểm trở, hổ cúi rồng cuộn, vị trí địa lý rất tốt. Nhưng ở Đông Nam có Trương Sĩ Thành, ở Tây Bắc có Trần Hữu Lượng, họ thường xuyên xâm phạm biên giới lãnh thổ, đối đầu với chủ công, trở thành mối lo ngại cho việc Bắc định Trung Nguyên của chủ công, vì vậy nhất định phải trừ khử hai người này”. Chu Nguyên Chương nói: “Hai người này có thế lực rất lớn, vậy ta nên làm thế nào để đối phó với họ?” Lưu Bá Ôn liền vạch kế hoạch cho Chu Nguyên Chương thực hiện sự nghiệp lên ngôi hoàng đế, ông phân tích rằng: “Trương Sĩ Thành tầm nhìn hạn hẹp nông cạn, không có hoài bão lớn, hắn ta chỉ muốn giữ vững mảnh đất của mình nên sẽ không làm chuyện gì lớn, vì vậy không đáng lo ngại, có thể tạm thời không cần quan tâm đến người này. Nhưng Trần Hữu Lượng thì khác, hắn giết chủ soán vị, dã tâm lớn, âm mưu nhiều, là một đối thủ nguy hiểm. Hơn nữa, hắn chiếm cứ Vũ Xương nằm ở thượng lưu Nam Kinh, lại có thuyền chiến lớn và binh lính tinh nhuệ, lúc nào cũng muốn nuốt chửng chúng ta. Trong tình thế hiện nay, chúng ta không thể cùng lúc tác chiến với hai người này, đầu tiên nên tập trung binh lực tiêu diệt Trần Hữu Lượng, sau khi Trần Hữu Lượng bị tiêu diệt, thế lực của Trương Sĩ Thành tự nhiên sẽ bị cô lập không còn ai trợ giúp, vậy thì chúng ta chỉ cần một đòn có thể quyết định chiến thắng. Sau đó chủ công có thể kéo quân lên phía Bắc, bình định Trung Nguyên, cuối cùng tiêu diệt nhà Nguyên, lúc đó chủ công có thể lên ngôi đế vương rồi”.

Chu Nguyên Chương thực hiện theo kế sách của Lưu Bá Ôn, bình định quần hùng, nhờ đó thành tựu sự nghiệp hoàng đế. Sử sách ghi chép: “Lưu Cơ phò tá Chu Nguyên Chương bình định thiên hạ, dự liệu như thần” (Minh sử). Lưu Bá Ôn trung thành phò tá Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương không kém gì Khương Tử Nha phò tá Chu Vũ Vương, Trương Lượng phò tá Hán Cao Tổ, và Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị. Sở dĩ họ có thể trở thành các khai quốc công thần của các triều đại, ngoài tài năng và trí tuệ ra còn vì họ đều hiểu rõ sự biến hóa của thiên địa, biết rằng việc thay ngôi đổi vị của các triều đại có liên quan mật thiết với Thiên ý. Trong “Thiêu Bính Ca”, Lưu Bá Ôn đã tiên đoán về những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, tất nhiên qua đó cũng thấy rằng thời vận của nhà Nguyên đã hết, nhà Minh sẽ hưng thịnh.

Trong quá trình Chu Nguyên Chương giành thiên hạ, Lưu Bá Ôn nhiều lần kiên quyết phản đối ý kiến của số đông, giúp Chu Nguyên Chương đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Ban đầu, thế lực của Trần Hữu Lượng rất mạnh, sau khi chiếm được Thái Bình chúng chuẩn bị Nam tiến. Các tướng dưới trướng Chu Nguyên Trương hoảng loạn, người đề xuất đầu hàng, người khuyên tháo chạy, riêng Lưu Bá Ôn chỉ nhìn chằm chằm, không nói lời nào. Chu Nguyên Chương thấy vậy, liền triệu Lưu Bá Ôn ra phía sau bàn bạc. Lưu Bá Ôn thưa: “Nếu chủ trương đầu hàng hoặc bỏ trốn thì chúng ta có thể bị giết”. Chu Nguyên Chương liền hỏi Lưu Bá Ôn có kế sách gì, Lưu Bá Ôn nói: “Trần Hữu Lượng tính cách kiêu ngạo, chúng ta có thể trước tiên dụ địch vào sâu, sau đó dùng phục binh đánh bất ngờ, chắc chắn sẽ giành chiến thắng”. Chu Nguyên Chương nghe theo ý kiến của Lưu Bá Ôn dụng binh giành chiến thắng hoàn toàn. Sau đó, Thái Tổ muốn thưởng cho Lưu Bá Ôn, nhưng ông đã từ chối.

Lưu Bá Ôn không chỉ có tầm nhìn chiến lược, mà trong những thời khắc quan trọng ông cũng rất bình tĩnh mưu trí, đoán biết tương lai. Khi Chu Nguyên Chương quyết chiến với Trần Hữu Lượng ở hồ Bà Dương, hai bên giao tranh hàng chục lần trong một ngày. Chu Nguyên Chương trực tiếp lên thuyền chỉ huy, còn Lưu Bá Ôn ở bên cạnh hộ tống. Đột nhiên, Lưu Bá Ôn thúc giục Chu Nguyên Chương rời khỏi thuyền, khi họ vừa chuyển sang một chiếc thuyền khác, còn chưa kịp ngồi vững thì chiếc thuyền cũ đã bị quân địch đánh chìm. Quân lính hai bên giằng co suốt nhiều ngày, Lưu Bá Ôn kiến nghị trước tiên chiếm giữ lối ra vào hồ, sau đó chọn ngày Kim Mộc tương khắc ra trận, kết quả Chu Nguyên Chương đã giành được chiến thắng quyết định. Ở đây, Lưu Bá Ôn đã vận dụng đầy đủ mối quan hệ giữa vị trí địa hình và ngũ hành tương sinh tương khắc để ra kế sách chiến đấu.

Về nhân cách của Lưu Bá Ôn, trong “Minh sử” viết: “Râu rồng, diện mạo tuấn tú, hào hiệp và có khí tiết lớn, khi luận bàn về an nguy của thiên hạ, nghĩa khí thể hiện rõ trên khuôn mặt”. “Khi gặp nguy cấp, dũng khí bừng lên, kế sách kiên định, không ai đoán được”. Sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, Lưu Bá Ôn thấy thiên hạ đã yên ổn liền cáo lão trở về quê. Bởi vì Lưu Bá Ôn căm ghét cái ác nên cũng đã đắc tội với một số kẻ gian xảo. Hồ Duy Dung là kẻ gian xảo số một đầu thời Minh, Lưu Bá Ôn và Đại tướng Từ Đạt từng khuyên Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương không nên dùng người này. Hồ Duy Dung vì vậy mà oán hận Lưu Bá Ôn, sau đó đã phái người lan truyền tin đồn rằng Lưu Bá Ôn đã chọn khu mộ có vượng khí của vương gia cho mình, nhằm mong con cháu được vinh hoa phú quý. Mặc dù Chu Nguyên Chương là một vị Vương chủ cẩn thận, nhưng tấm lòng của ông không khoáng đạt bằng Đường Thái Tông, nên ông đã tước bỏ bổng lộc của Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn bị vu cáo hãm hại phải vào kinh thỉnh tội, nhưng sau đó Thái Tổ không trách tội, còn phái người hộ tống Lưu Bá Ôn trở về quê.

Nghe nói lúc đó Lưu Bá Ôn đang bị bệnh, Hồ Duy Dung đã phái người bỏ độc vào thuốc của ông. Sau khi về đến quê nhà, Lưu Bá Ôn nói với con trai: “Triều đình hiện nay nên dùng đức cai trị, giảm bớt hình phạt, nhưng thật đáng tiếc có Hồ Duy Dung cầm quyền, nói những điều này thật vô ích. Tương lai khi Hồ Duy Dung bại vong, Thái Tổ sẽ nhớ đến ta, con hãy đem ý nguyện của ta trình tấu lên hoàng thượng”. Lưu Bá Ôn còn nói: “Nếu lời tiên đoán của ta không đúng, đó mới thật là phúc khí của bàn dân thiên hạ!” Một tháng sau, Lưu Bá Ôn qua đời, hưởng thọ 65 tuổi. Sau này, Hồ Duy Dung lên chức tể tướng, làm nhiều việc xấu, cho đến nhiều năm sau khi những hành vi tham nhũng, nhận hối lộ và hãm hại trung thần của ông ta bị bại lộ, ông ta mới bị xử tử.

Lưu Bá Ôn dụng binh như thần, nhưng lại nhiều lần bị kẻ gian hãm hại, điều này có vẻ khó lý giải. Kỳ thực, vô luận là Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn hay Trương Lương, Lý Thuần Phong, những người tu Đạo và tiên tri cổ đại này đều thấu hiểu lý “biết mệnh trời”, họ không vì mục đích cá nhân mà vất vả truy cầu, cũng không dùng tài năng của mình để mưu cầu quyền lực và lợi ích cho bản thân.

Câu chuyện về dự ngôn “Thiêu Bính Ca”

Là một vị vua, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đương nhiên rất quan tâm liệu ông có thể giữ vững giang sơn mãi mãi hay không. Ông biết Lưu Bá Ôn là người hiểu rõ lý số, nên đã hỏi Lưu Bá Ôn về những điều liên quan đến tương lai. Sự thay đổi của các triều đại vốn có định số, còn thiên cơ thì không thể tiết lộ một cách dễ dàng, nhưng Chu Nguyên Chương rốt cuộc là hoàng đế, nên Lưu Bá Ôn không thể từ chối. Vì vậy, ông đã làm một bài thơ vừa mơ hồ vừa rõ ràng. Theo truyền thuyết, khi Lưu Bá Ôn diện kiến nhà vua, đúng lúc Thái Tổ đang ăn bánh nướng, nên bài thơ này được gọi là “Thiêu Bính Ca” (Bài ca bánh nướng). Câu chuyện như sau:

“Một hôm, Minh Thái Tổ đang ăn bánh nướng ở trong nội điện, khi ông vừa đưa một miếng bánh vào miệng thì nội giám đột nhiên báo rằng Quốc sư Lưu Bá Ôn đến tiếp kiến. Thái Tổ liền lấy bát đậy lại, rồi gọi Bá Ôn vào. Sau khi hành lễ xong, Hoàng đế hỏi rằng: “Tiên sinh thông thạo lý số, có thể biết trong bát này là vật gì không?”

Bá Ôn liền bấm ngón tay tính toán rồi đáp: “Nửa giống Mặt Trời, nửa giống Mặt Trăng, từng bị rồng vàng cắn một miếng, đó là đồ ăn”. Mở ra thì quả thật là như vậy.

Thái Tổ hỏi rằng: “Việc thiên hạ thì sao? Nhà Chu có được trường tồn không?”

Bá Ôn đáp: “Hoàng thượng có vạn tử vạn tôn, hà tất phải hỏi!”

Đoạn văn này có thể được diễn đạt đơn giản như sau: một hôm, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đang ăn bánh nướng trong cung, khi vừa cắn một miếng, ông nghe thấy Lưu Bá Ôn cầu kiến. Thái Tổ dùng một cái bát đậy lên chiếc bánh, đợi Lưu Bá Ôn vào và hỏi ông đoán xem trong bát có vật gì. Lưu Bá Ôn đoán rất đúng đó là chiếc bánh mà hoàng đế đã cắn. Chu Nguyên Chương rất khâm phục và hỏi Lưu Bá Ôn về các vấn đề của tương lai.

Giang sơn của triều đại nhà Minh được truyền từ Minh Tư Tông Sùng Trinh Hoàng đế, sau đó, thiên hạ rơi vào tay nhà Mãn Thanh. Năm Sùng Trinh thứ mười bảy (năm 1644), quân khởi nghĩa do Lý Tự Thành lãnh đạo chiếm thành Bắc Kinh, Minh Tư Tông tự vẫn, đánh dấu sự diệt vong của triều đại nhà Minh. Minh Tư Tông là cháu trai của Minh Thần Tông Vạn Lịch Hoàng đế. Rõ ràng, câu trả lời của Lưu Bá Ôn đối với câu hỏi của Chu Nguyên Chương có hai nghĩa: bề ngoài là lời khen, khẳng định triều đại Minh sẽ kéo dài thiên thu vạn đại, nhưng thực chất là một lời tiên tri rất rõ ràng: giang sơn triều đại nhà Minh sẽ chỉ kéo dài đến cháu trai của Minh Thần Tông là Hoàng đế Sùng Trinh. Từ đó, có thể thấy được trí huệ của Lưu Bá Ôn, ông vừa không mạo phạm thiên tử, vừa có thể trả lời được vấn đề của thiên tử, lại vừa tiên đoán được tương lai.

Hoàng đế hỏi: “Mặc dù vậy, từ xưa đến nay sự hưng vong của một triều đại vẫn có quy luật nhất định. Huống chi thiên hạ không chỉ thuộc về một người, chỉ những ai có đức mới được hưởng. Nói ra có gì ngại, khanh hãy thử nói sơ qua”.

Lưu Bá Ôn đáp: “Nếu tiết lộ thiên cơ thì tội của thần không hề nhẹ, xin bệ hạ tha cho thần ngàn lần chết, thần mới dám mạo muội tâu lên”.

Hoàng đế liền ban cho một kim bài miễn tội chết, Lưu Bá Ôn cảm tạ xong, liền tâu như trên.

Vậy là Lưu Bá Ôn đã tiên đoán chính xác về các sự việc của vài trăm năm sau, bao gồm “Sự biến Thổ Mộc bảo”, “Hoạn quan loạn chính” (Hoạn quan làm loạn triều đình), “Mãn Thanh nhập quan” (Quân Mãn Thanh tiến vào nhiếp chính Trung Nguyên), “Người Hán cạo tóc”, “Khang càn thịnh thế” – chỉ thời kỳ từ giữa triều đại Khang Hy đến giữa triều đại Càn Long của nhà Thanh, khi kinh tế phát triển thịnh vượng. Thời kỳ này cũng có thể chỉ từ năm Khang Hy thứ 23 (1684) đến năm Gia Khánh thứ tư (1799) cho đến cuối triều đại Mãn Thanh và những sự kiện sau đó, đây chính là nội dung của dự ngôn “Thiêu Bính Ca” nổi tiếng. Phần còn lại của lịch sử có thể nói là rất rõ ràng sinh động, nhưng gần đây có nhiều cách giải thích khác nhau dẫn đến sự sai khác rất lớn, có lẽ phải đợi đến khi mọi việc qua đi mới dễ hiểu hơn!

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/62622



Ngày đăng: 02-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.