Dự ngôn về ngày hôm nay (Phần 1): Lời nói đầu
[ChanhKien.org]
Lời tác giả
Lịch sử nhân loại thực sự đã trải qua thời gian quá dài! Chúng ta đều biết trong lịch sử 5000 năm của Trung Quốc, có đến một nửa, tức là giai đoạn đầu 2500 năm thì người hiện đại chúng ta đều “không biết rõ”. Sở dĩ nói “không biết rõ”, kỳ thực có nghĩa là chúng ta đều biết nhưng lại dần dần không tin nữa; một tầng nghĩa nữa đó là ký ức của con người về thời kỳ đó đã trở nên xa xôi nhạt nhòa rồi, mọi thứ tựa như không còn liên quan gì đến hiện tại nữa, tựa như bị phong kín, chôn sâu trong ký ức. Còn thời kỳ trước 5000 năm thì chúng ta lại càng không biết niên đại, thời gian đó lại càng xa xôi, mịt mù hơn nữa….
Văn tự Thần truyền ẩn giấu thiên cơ, nay được tái hiện chân thực
Chúng ta đều biết qua sử sách rằng Thương Hiệt, vị sử quan của Hoàng Đế, là người đã tạo ra chữ Hán, nhưng không ai hiểu rõ sự việc cụ thể như thế nào?
5000 năm trước, vào thời kỳ đầu của nền văn minh Trung Hoa đã xảy ra một trận chiến có tính quyết định giữa Hoàng Đế và Xi Vưu. Trong “Quốc ngữ – Chu ngữ” ghi lại như sau: “Cửu Lê loạn đức, dân thần tạp nhu, bất khả phương vật” (dịch nghĩa: Cửu Lê loạn đức, người và Thần hỗn tạp, không thể phân biệt được). “Cửu Lê” chỉ Xi Vưu, vị thủ lĩnh đứng đầu chín bộ tộc, vậy “loạn đức” là thế nào? “Đức” trong văn hóa nguyên thủy chỉ phúc phận mà ông Trời ban tặng cho con người, cho nên trong cuộc sống chúng ta có cách nói “tích đức”, “thất đức”, người sống tích đức thì tương lai sẽ được phúc báo, người sống thất đức sẽ phải chịu tai ương, vì sao lại như vậy?
Vấn đề này chúng ta có thể bắt đầu từ chữ Đức (德). Chữ Đức (德) được cấu thành từ bộ xích (ㄔ), trong chữ tượng hình, ba nét của bộ xích (ㄔ) lần lượt là đùi, bắp chân và bàn chân, chỉ bước đi và hành vi của con người, phần bên trái này tượng trưng cho không gian hữu hình. Phần bên phải của chữ đức “德” được kết hợp từ các chữ thập, mục, nhất, tâm (十目一心: mười mắt một tâm), thể hiện trong không gian vô hình có rất nhiều con mắt đang nhìn vào trái tim con người, mà trái tim con người thì mắt phàm không thể nhìn thấy, vì vậy ở đây ám chỉ “ánh mắt của Thần”, tức là “Trời” đang nhìn. Tâm niệm của con người phù hợp với hành vi đã được Thần đặt định gọi là đức, thể hiện nơi nhân gian là những hành vi chân thành và thiện lương của con người. Những hành vi như vậy sẽ tích lũy đức cho bản thân, và sẽ được đền đáp bằng phúc báo trong tương lai như làm quan, phát tài, sống lâu, v.v. Phúc báo của mỗi người được sắp đặt theo lượng đức của người đó, điều này giải thích vì sao số mệnh của con người có thể được tiên đoán trước. Trong lịch sử Trung Hoa và thế giới có rất nhiều bậc thầy về tiên đoán số mệnh.
Chữ viết Trung Quốc trước thời nhà Ân-Thương được sử dụng để bói toán, tế lễ và ghi chép các sự tích của Thần. Các chữ giáp cốt văn khai quật được cho thấy xã hội Trung Quốc cách đây 3000 năm đã sử dụng thành thạo loại chữ viết phức tạp và phong phú này, những chữ viết này đủ để biểu đạt tình cảm và tư tưởng của nhân loại, lại không cần dùng để ghi chép các sự việc của con người, vì sao như vậy? Hiện nay các chuyên gia về chữ giáp cốt cũng phát hiện người cổ đại có thể dự đoán tương lai bằng cách dùng văn tự để liên hệ với các vị Thần. Trong chữ Hán chứa đựng các ký hiệu, âm thanh và hình ảnh, có thể kết nối với các tín tức ở các không gian vũ trụ rộng lớn hơn và các sinh mệnh cao cấp hơn, mà trí tuệ của con người không thể tạo ra được loại văn tự này. Mặc dù chữ Hán sau này đã trải qua nhiều biến đổi nhưng ý nghĩa của nó vẫn luôn được bảo tồn, trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện lưu truyền về những người có khả năng đoán chữ hay bói chữ, cho đến ngày nay rất nhiều người vẫn đang nghiên cứu ý nghĩa của họ tên con người, họ cho rằng họ tên có liên quan tới vận mệnh của mỗi người, nó có nguồn gốc lịch sử rất sâu xa.
Qua câu “Cửu Lê loạn đức, dân thần tạp nhu, bất khả phương vật” có thể thấy thời kỳ đầu của nền văn minh chắc chắn đã trải qua giai đoạn người và Thần cùng tồn tại. “Dân thần tạp nhu” cho thấy có rất nhiều người vào thời kỳ đó vẫn giữ được thần tính tiên thiên, như Hoàng Đế, Xi Vưu, Thương Hiệt đều là những nhân vật có đầy đủ thần tính. “Tạp nhu” và “loạn đức” chính là chỉ việc Xi Vưu muốn lợi dụng Pháp lực thần thông của mình, không tuân theo thiên mệnh mà tự mình sắp đặt phúc phận cho mọi người, vì thế mà dẫn đến “bất khả phương vật” (không thể phân biệt được), chính vì ông ta đã vi phạm Thiên lý, phá hoại trật tự xã hội mà Thần an bài cho con người, đây là nguyên nhân thực sự của việc Hoàng Đế chinh phạt Xi Vưu.
Một giai đoạn lịch sử kinh tâm động phách như vậy mà có thể dùng 12 chữ để tường thuật lại, sự thần kỳ của văn tự Trung Quốc nằm ở nội hàm thâm sâu phía sau, nó ẩn chứa tất cả thiên cơ nên có thể vượt qua cả thời không (thời gian và không gian) mà dự đoán được những điều con người chưa biết. Đây là đặc điểm độc đáo của văn tự Trung Quốc mà bất cứ văn tự của các dân tộc nào khác trên toàn thế giới đều không có, một vạn nhà khoa học dù có phát triển trăm năm cũng không thể tạo ra được! Tương truyền Thương Hiệt có bốn con mắt, ông nhìn được chữ viết của Thần rồi dựa vào đó mà tạo ra chữ viết cho con người, người ta liền nói Thương Hiệt tạo ra chữ viết, câu chuyện không phải đơn giản như vậy. Chúng ta đều biết nhưng tại sao lại nói không biết rõ? Không phải là không biết rõ, then chốt của việc không biết rõ là việc chúng ta không tin, chúng ta đã không tin vào Thần nữa rồi…
Vượt qua thời không bàn về sinh mệnh
Loạt bài Chánh Kiến hy vọng giúp độc giả hiểu về sinh mệnh và thế giới một cách chân thực hơn, từ đó trân quý sinh mệnh, trân quý mỗi ngày của chúng ta. Cuốn sách “Vén bức màn văn minh tiền sử” được đăng trước đây đã đưa người đọc tìm về các niên đại xa xưa mà chúng ta chưa biết, nền văn minh nhân loại tựa như đã biến mất hết lần này đến lần khác, vào mấy nghìn năm trước hay hơn triệu năm trước liệu con người có thực sự tồn hại không? Tại sao nền văn minh tiên tiến Atlantis lại biến mất? Có phải con người tiến hóa từ loài vượn không?
Căn cứ vào những thời kỳ lịch sử mà chúng ta đã biết, qua các dự ngôn từ cổ chí kim trong và ngoài nước, cuốn sách “Dự ngôn của ngày hôm nay” đặt ra một loạt các vấn đề khiến con người phải suy nghĩ: Khoa học không thể dự đoán được tương lai, nhưng tại sao các nhà tiên tri trước đây lại có thể dự đoán được? Tại sao nói tiên tri là một môn khoa học siêu việt thời không? Tại sao những sự việc xảy ra từ hàng nghìn năm trước cho đến hôm nay và thậm chí cả tương lai đều đã được nói đến trong dự ngôn? Văn minh nhân loại lần này liệu có biến mất không? Chúng ta có thể bước vào kỷ nguyên mới trong tương lai không?
Chúng tôi hy vọng cuốn sách “Dự ngôn về ngày hôm nay” có thể giúp độc giả suy xét về những vấn đề: Tại sao lịch sử lại giống như một “kịch bản” viết sẵn? Những sự kiện đang xảy ra trên thế giới ngày nay được mô tả như thế nào trong những lời tiên tri? Mỗi người chúng ta đóng vai trò thế nào trong đó? Ý nghĩa của nhân sinh là gì?
Có lẽ bởi bụi trần phủ kín nơi thâm sâu trong ký ức của chúng ta, có những điều chúng ta không hiểu, có những điều chúng ta cũng không tin, nhưng chúng lại liên quan đến tương lai của chúng ta….
Chú thích của ban biên tập Chánh Kiến
Mùa đông năm Giáp Thân
21/12/2004
Lời nói đầu
Tục ngữ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Từ đế vương tướng lĩnh cho đến văn nhân mặc khách, từ anh hùng hảo hán cho đến tài tử giai nhân, vô luận là nhân vật có tài cán đến đâu đều không ai dám nói bản thân có thể chi phối được vận mệnh của mình, không ai dám nói rằng không phải “thời thế tạo nên anh hùng”, vận mệnh là thứ không có mô thức cố định, không có quy tắc tuyệt đối.
Đôi khi người ta lại ví lịch sử như một vở kịch, điều này rất có lý nếu bạn suy nghĩ kỹ về nó. Thiên làm màn, địa làm đài, trong thời không bị thu hẹp lại, vở kịch lịch sử quy mô lớn này được trình diễn cả ngày lẫn đêm. Các nhân vật trong vở kịch, dù muốn hay không, họ đều đang đóng vai diễn của mình. Vở kịch này có khi nhẹ nhàng phẳng lặng, có lúc lại đau đớn thống khổ, có lúc bi thương hùng tráng, mà có lúc lại căm hận bất bình. Trong sự hối hả vô tận của thế gian bay tới một giai điệu siêu nhiên, âm lượng nhẹ nhàng mà trong trẻo, đó là âm thanh siêu nhiên từ thế giới bên ngoài chỉ cho chúng ta khỏi lầm đường lạc lối. Âm thanh đó thời khắc nhắc nhở con người thế gian: “Mang mang thiên số tảo mệnh định, thế đạo thịnh suy bất tự do” (dịch nghĩa: Thiên số mênh mông sớm đã định sẵn, thói đời thịnh suy không được tự do định đoạn). Đó là những lời tiên tri dự ngôn vẫn lưu truyền thiên cổ.
Nhắc đến dự ngôn, có lẽ mọi người không còn xa lạ với nó, tự cổ chí kim các dân tộc trong và ngoài nước đều lưu truyền rất nhiều bài thơ, bức họa và những câu chuyện thần bí và hấp dẫn. Hầu như mỗi thời đại đều xuất hiện ra những nhà tiên tri nổi tiếng. Trong các triều đại lịch sử Trung Quốc, rất nhiều mưu sĩ khai quốc đều là những bậc thầy về tiên tri, như Khương Tử Nha thời nhà Chu, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Lưu Bá Ôn thời nhà Minh … Ngoài ra cũng có rất nhiều dự ngôn của các tăng nhân và đạo sỹ đã lưu lại không ít những bài thơ và bài vè dân gian trong lịch sử. Dự ngôn có ảnh hưởng lớn nhất ở châu Âu và châu Mỹ có lẽ là dự ngôn trong “Thánh kinh” và cuốn “Các thế kỷ” của nhà tiên tri Nostradamus. Ngoài ra còn có một số dự ngôn được lưu truyền từ các khu vực khác trên thế giới, từ Ai Cập cổ đại, Hy Lạp cổ đại đến Ba Tư cổ đại, từ các bộ lạc da đỏ ở châu Mỹ đến nước láng giềng của Trung Quốc là Hàn Quốc, đều có các lời tiên tri dự ngôn được lưu truyền đến hôm nay.
Rất nhiều dự ngôn trong lịch sử mà độ chính xác của nó khiến cho người ta cảm thấy chấn động và kinh ngạc, điều này thúc đẩy con người không ngừng giải mã những nội dung liên quan đến tương lai. Nhưng lịch sử dường như luôn để lại những điều hối tiếc, hết lần này đến lần khác, chỉ sau khi sự việc đã qua đi con người mới hiểu được ý nghĩa thực sự của lời tiên tri. Có lẽ vì điều này mà con người xưa nay chưa từng có cơ hội làm chủ vận mệnh của chính mình.
Đến thời hiện đại, khoa học dường như làm chủ mọi thứ của nhân loại, khoa học kỹ thuật công nghiệp đã thay đổi trạng thái xã hội và hoàn cảnh sinh sống của nhân loại, đời sống vật chất theo đó được cải thiện, xem ra con người dường như có nhiều kiến thức khoa học, tin tưởng vào lý luận khoa học hơn. Kỳ thực khoa học hiện đại cũng chỉ là khoa học dự đoán mà thôi, nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật có thể nói là sản phẩm của khoa học dự đoán, nhưng dường như chúng chỉ có thể nằm trong thế giới vật chất, chịu sự ức chế của thời gian, không thể dự đoán được tương lai, càng không dự đoán được hoạt động tinh thần của nhân loại. Một ví dụ cụ thể nhất chính là dự báo thời tiết, công nghệ hiện đại tiên tiến nhất không thể dự báo chính xác thời tiết trong ba ngày tới, tuy nhiên những dự đoán trong dự ngôn hầu hết đều là về cuộc sống của nhân loại kéo dài hàng trăm năm, đó là thứ khoa học siêu việt thời không. Điều khiến con người kinh ngạc là, chúng tôi phát hiện dùng lý luận khoa học hiện đại và những phát hiện của khoa học hiện đại cũng có thể giải thích một phần nhất định những hiện tượng trong dự ngôn, cuốn sách này đứng từ góc độ này để giải thích những bí ẩn trong dự ngôn: vì sao con người có thể biết trước được tương lai? Dự ngôn có thể mở ra cánh của mới cho khoa học không? Ý nghĩa của sinh mệnh rốt cuộc là gì?
Theo dòng lịch sử, chúng ta thấy khoa học hiện đại đã đưa nhân loại phát triển trong một xã hội hiện đại với vật chất và dục vọng tràn lan, hỗn loạn. “Dự ngôn”, một hiện tượng vừa cổ xưa, truyền thống, lại vừa vượt qua khoa học hiện đại, dường như chứa đựng ý nghĩa thời đại đặc trưng, dường như đang thực hiện thệ ước cuối cùng của nó: thức tỉnh nhân loại, chờ đợi mở ra cho nhân loại một trang mới, một kỷ nguyên mới!
Chúng tôi chân thành hy vọng độc giả sẽ có được một góc nhìn mới mẻ khi tìm hiểu những lời tiên tri dự ngôn, tìm hiểu lịch sử trong quá khứ, nhân loại trong hiện tại và tương lai, cũng như tìm hiểu ý nghĩa của sinh mệnh. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều ở trong đó…
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/62622
Ngày đăng: 17-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.