Toàn tân giải dịch «Thôi Bối Đồ»: Tượng 41 – Lý Hồng Chương vận động Dương vụ



Tác giả: Mộc Tử

Tượng 41 «Thôi Bối Đồ»

[Chanhkien.org] Trong bức họa Lý Hồng Chương hắt nước (Hoài quân, thủy quân Bắc Dương) dập tắt chiến hỏa. Hắt nước là “dương thủy” (扬水), “dương” (扬) [yáng] {hắt} với “dương” (洋) [yáng] {biển} là đồng âm, ẩn dụ thủy quân Bắc Dương.

Giới thiệu: «Thôi Bối Đồ» là cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc, do Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổng cộng 60 hình vẽ (đồ tượng), bên dưới có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ. Người thống trị sợ tính chuẩn xác của nó, nên cố ý đảo loạn thứ tự các Tượng, loạt bài này sắp xếp lại cho đúng.

*  *  *

Tượng 41 (Lý Hồng Chương vận động Dương vụ)

Sấm viết:

Vật cực tất phản
Dĩ độc chế độc
Tam xích đồng tử
Tứ di triếp phục

Tụng viết:

Khảm Ly tương khắc kiến thiên nghê
Thiên sứ tư nhân nhị sát cơ
Bất tín kỳ tài sản Ngô Việt
Trùng dương tòng thử tức binh sư

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Vật cực tất phản
Lấy độc trị độc
Đồng tử ba thước
Tứ di khiếp phục

Tụng rằng:

Khảm Ly tương khắc thấy mối trời
Trời phái người này dẹp sát cơ
Không tin kỳ tài từ Ngô Việt
Biển cả từ đó ngừng binh cơ

Giải:

“Dĩ độc chế độc” (Lấy độc trị độc): chỉ Lý Hồng Chương khởi xướng “vận động Dương vụ” “lấy Di chế Di”.

“Tam xích đồng tử” (Đồng tử ba thước): “tam xích” (三尺) tức chữ “trạch” (沢) [zé], đồng âm với “trạch” (泽) [zé] nghĩa là “sông” (Giang). “Tam xích đồng” tức “Giang Đồng”, ám chỉ Lý Hồng Chương. Lý Hồng Chương nguyên danh là Lý Chương Đồng, “Đồng” (桐) [tóng] với “đồng” (童) [tóng] là đồng âm.

“Tứ di triếp phục” (Tứ di khiếp phục): «Lý Hồng Chương truyện» trong sử triều Thanh bình rằng: “Hồng Chương đã dẹp nạn lớn, một mình làm chủ việc nước mấy thập niên, đối nội đối ngoại thường tự mình đảm trách, quốc gia nhờ thế nổi danh toàn cầu, trong ngoài chấn động kính phục, thời cận đại chưa từng có. Bình sinh lấy thiên hạ làm trách nhiệm, nhẫn nhục gánh vác, không hổ làm bề tôi của xã tắc”. Theo Thủ tướng Hirobumi của Nhật Bản, đây là người duy nhất trong Đế quốc Đại Thanh có khả năng tranh cường với các cường quốc trên thế giới.

“Khảm Ly tương khắc kiến thiên nghê, Thiên sứ tư nhân nhị sát cơ” (Khảm Ly tương khắc thấy mối trời, Trời phái người này dẹp sát cơ): “Khảm Ly” là Thủy Hỏa, ý là “Thủy khắc Hỏa”. Về đối nội, Lý Hồng Chương lập Hoài quân tiễu phỉ Thái Bình Thiên Quốc và loạn Niệp quân (khởi nghĩa nông dân phía Bắc An Huy, Hà Nam, Trung Quốc năm 1852-1868); về đối ngoại, hiện đại hóa phòng thủ trên biển—thủy quân Bắc Dương. Ý nói ông Trời phái người này dập tắt nguy cơ chiến hỏa. Chữ “nghê” (倪) có bộ “nhân” gợi ý chữ “tử” (子) {người}, ám chỉ họ “Lý” (李). Đây là bổ sung họ cho hai chữ “Giang Đồng” ở trên.

“Bất tín kỳ tài sản Ngô Việt, Trùng dương tòng thử tức binh sư” (Không tin kỳ tài từ Ngô Việt, Biển cả từ đó ngừng binh cơ): Lý Hồng Chương sinh ra tại An Huy (Ngô Việt), sáng lập mô hình phòng thủ trên biển và công nghiệp quân sự hiện đại. Ảnh hưởng của ông đối với Trung Quốc kéo dài mãi tới thời kỳ “quân phiệt Bắc Dương” thời Dân Quốc.

Trong bức họa Lý Hồng Chương hắt nước (Hoài quân, thủy quân Bắc Dương) dập tắt chiến hỏa. Hắt nước là “dương thủy” (扬水), “dương” (扬) [yáng] {hắt} với “dương” (洋) [yáng] {biển} là đồng âm, ẩn dụ thủy quân Bắc Dương.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.epochtimes.com/b5/11/2/15/n3171078.htm



Ngày đăng: 27-05-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.