Loạt bài Thần thoại nhân gian về không gian khác (11): Câu chuyện thần thoại nơi Thiên thượng và nhân gian
Tác giả: Tiểu Đồng Tử
[ChanhKien.org]
Hơn mười ngày trước, cô con gái đang học lớp mẫu giáo của tôi Hàm Hàm đột nhiên nói với tôi – người đã làm mẹ của bé trong hơn năm năm qua rằng: “Con rất nhớ ‘mẹ của con’ (người mẹ trên Thiên thượng), tối nào mẹ cũng lấy kẹo cho con ăn!”. Tôi nghe liền một mạch câu chuyện rất dài của con gái trong dòng cảm xúc phức tạp lúc thì kinh ngạc nghi hoặc, khi thì không nỡ dừng lại, khi thì giải tỏa thắc mắc, cho đến ngập tràn cảm ân. Thêm vào đó là những “bằng chứng” và “thuyết minh” của Khiết Khiết và Viên Viên – hai chị em song sinh đang học lớp hai tiểu học. Vì hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước nên tôi chỉ có thể nhớ lại các chi tiết vụn vặt. Sau khi nghe những lời “bộc bạch” chân thật thuần khiết, không mang theo quan niệm người thường của các con, trong lòng tôi chỉ còn lại một suy nghĩ: Ồ! Những điều Sư phụ nói đều hoàn toàn chính xác.
Được Sư phụ theo sát ngay từ khi còn trong bụng mẹ
Hàm Hàm nói: “Trước kia con không biết đó là Sư phụ, mãi cho đến khi mẹ treo Pháp tượng của Sư phụ lên, con mới biết người thường xuyên chơi với con chính là Sư phụ”; “Trước kia con không biết đó là người mẹ trên Thiên thượng của con, sau khi phát chính niệm thì con liền biết, rồi dần dần nhớ ra chuyện trên Thiên thượng”.
Hóa ra ngay từ khi Hàm Hàm ở trong bụng tôi, Sư phụ đã thường xuyên cùng cô bé chơi các loại đồ chơi, trong đó món đồ chơi hay chơi nhất là đĩa bay Pháp Luân. Con gái kể rồi vẽ lên bụng tôi quãng đường bay qua bay lại của đĩa bay, giống hệt như điều mà hồi đó tôi cho rằng là thai máy, con còn cười hỏi tôi: “Chơi như thế thì bụng mẹ ngứa lắm nhỉ?”. Điều này cũng đã giải thích cho những băn khoăn bấy lâu nay của tôi về hiện tượng thai máy của mình: rốt cuộc là bộ phận nào của thai nhi đã chuyển động qua lại đều đặn đến nỗi để lại vết hằn trên bề mặt da bụng, hơn nữa bộ phận đó lại có thể bay vòng quanh trong một không gian nhỏ xíu mà cả cơ thể của thai nhi vẫn nằm yên bất động chứ?
Hàm Hàm nói, thực ra trước khi Đại Pháp hồng truyền, rất nhiều đệ tử Đại Pháp đã được Sư phụ theo sát ngay từ khi bắt đầu ở trong bụng mẹ.
“Ở trong bụng mẹ, Sư phụ giúp bạn học bài, cho bạn đồ chơi phù hợp, có thứ là tranh vẽ, có thứ là đồ thủ công mỹ thuật, có thứ là nhạc cụ, có thứ là đồ chơi vận động, nhảy múa. Ở trên Thiên thượng quan sát thấy bạn phù hợp với thứ gì thì cho bạn thứ đồ chơi đó và học về thứ đó”.
Nhân duyên nhập thế tục của mỗi người đều khác nhau
Có người được Sư phụ gọi xuống, có người vì phạm lỗi nên rớt xuống dưới, có người bị ma hãm hại rơi rớt xuống, có người là do chúng Thần thảo luận rồi phái xuống dưới.
Ví dụ như Khiết Khiết nhớ rằng cháu đã từng ước hẹn với Sư phụ ở trên Thiên thượng rằng sẽ trợ Sư chính Pháp. Sau khi rơi rớt vào tam giới luân hồi qua mấy kiếp liền quên mất ký ức này. Còn Viên Viên chính là “hàng xóm” của cô bé trên Thiên thượng (thực ra là thế giới Thiên quốc liền kề). Cả hai đều là những tiểu đồng tử tầm 11, 12 tuổi nên thường chơi đùa cùng nhau, hẹn ước với nhau cùng xuống nhân gian và trở thành chị em song sinh. Còn Hàm Hàm là tiểu đồng tử ba tuổi, vì đã đến lúc nên chúng Thần trên thế giới Thiên quốc của cô bé đã thảo luận và quyết định phái cô bé xuống. Do có khoảng cách bởi sự khác biệt của tầng thứ, nên khi ở trên Thiên thượng Hàm Hàm không có nhiều cơ hội chơi cùng Khiết Khiết và Viên Viên, mà có một tiểu đồng tử bằng tuổi luôn đi theo Hàm Hàm. Hiện tại tiểu đồng tử ấy cũng đã theo xuống và đang đợi ở trong bụng tôi chuẩn bị chào đời! Nghe nói ngay từ khi tôi bắt đầu đắc Pháp (cũng chính là khi tôi mới mang thai Hàm Hàm), con gái đã cùng tôi học Pháp luyện công, “đợi chờ cơ hội”.
Ở trên Thiên thượng tôi là một đại đồng tử khá lớn tuổi, khoảng mười tám tuổi, làm công việc bảo mẫu phụ trách chăm sóc các tiểu đồng tử. Do trong lúc lau sàn không cẩn thận đánh đổ nước làm ướt tài liệu Pháp Luân Công, nên tôi đã bị coi là phạm lỗi nhỏ và rơi rớt xuống dưới. Chồng tôi là một bé gái vô cùng ngây thơ vô tội, do uống nhầm sữa ma dược mà ma quỷ lén trà trộn vào nên đã bị ma quỷ kéo xuống tầng tầng, tầng tầng, mãi cho đến tận địa ngục.
Hàm Hàm nói rằng: “Bé gái vừa mới chào đời này dọc đường liên tục gào khóc ‘con muốn tìm mẹ’, tiếng khóc rất to, đến tầng thứ nào cũng có vị Thần nghe thấy, họ vốn có thể từ bi ra tay cứu giúp, nhưng đều không kịp. Mấy người chúng ta, chính là vợ con của bố ở nhân gian, thuở đó trên Thiên thượng cũng đều lái các loại ‘máy bay’ khác nhau xông xuống dưới để giải cứu cô bé ấy…”
Tính cách trên Thiên thượng thường sẽ được bảo lưu trong tam giới
Ẩn sau gương mặt xinh xắn của Khiết Khiết là một tính cách tinh nghịch và liều lĩnh, từ những chiêu trò nghịch ngợm với núm ti giả thuở bé xíu cho đến việc mạo hiểm đưa em gái vào lùm cỏ, hoàn toàn không để tâm tới lời cảnh báo về côn trùng và rắn của người lớn. Cô bé luôn muốn thỏa mãn thiên tính ham chơi của mình…
“Con là tiểu đồng tử tinh nghịch nhất trên Thiên thượng, Sư phụ cảm thấy con nên xuống dưới rèn luyện, khá thích hợp làm con gái”. Khiết Khiết còn kể với tôi rằng Viên Viên trên Thiên thượng là một cô bé nhát gan, lúc cần tôi luyện dũng khí thì cô bé lại trốn trong nhà không ra ngoài. Trong số ba chị em thì chính niệm của cô bé yếu hơn cả, vậy nên Sư phụ sẽ an bài một số khảo nghiệm để rèn giũa cho Viên Viên.
Chồng tôi nổi tiếng là một người đàn ông yêu thương gia đình, trong số các anh chị em, anh ấy là người nhớ nhung cha mẹ quá cố hơn cả. Anh ấy có tấm lòng thiện lương và căm ghét những điều xấu ác. Con đường đắc Pháp của anh ấy đầy gian nan thử thách. Từ lâu anh ấy đã biết Đại Pháp là tốt, nhưng mỗi lần hạ quyết tâm muốn tu luyện thì đều bị can nhiễu vô cùng mạnh mẽ…
Chỉ có người thường là tùy tiện cầm thiên thư
Một ngày nọ, Hàm Hàm nói với tôi: “Mẹ ơi, mẹ biết vì sao mẹ lại bị cận thị không? Đó là vì khi học Pháp trên Thiên thượng, mẹ thường nằm đọc sách nên mới bị cận thị đấy. Bây giờ khi đọc sách mẹ cũng đừng đeo kính nữa, vì như thế là đang tiêu nghiệp”. Hàm Hàm còn kể rằng cô bé thường xuyên quay về nhà trên Thiên thượng, việc làm đầu tiên khi quay về chính là học thuộc “Hồng Ngâm” và “Luận ngữ”. Câu cuối cùng của “Luận ngữ” trên Thiên thượng không giống như ở nhân gian.
Buổi tối hôm đó, khi Hàm Hàm lấy sách cho tôi, cô bé còn đặc biệt làm mẫu cho tôi tư thế cầm sách của người trên Thiên thượng, đại khái là có ba kiểu, đều là dùng hai tay nâng sách một cách cung kính. Khiết Khiết còn đặc biệt nói rằng: Tư thế cầm sách của Sư phụ là như thế này (cô bé phỏng theo tư thế luyện thần thông hình trụ, mặt chính của sách hướng về phía trước). Cô bé nói, người trên Thiên thượng đều nâng sách bằng hai tay, hơn nữa tư thế tốt nhất chính là cầm sao cho mặt chính của sách hướng về phía trước. Chỉ có người thường mới tùy tiện cầm thiên thư.
Sư phụ là Quốc Vương lớn nhất trên Thiên thượng
Ngày hôm đó, Khiết Khiết muốn tìm Sư phụ chơi cùng, liền nhắm mắt lại, cô thấy mình đến trước một cung điện hùng vĩ có cổng lớn màu đỏ cùng vô số các thiên binh thiên tướng đứng xếp hàng ngay ngắn. Nhìn thấy cô bé, họ nghiêm giọng hỏi: “Ngươi làm sao mà lên được đây? Sao dám xâm phạm nơi này? Người thường không thể lên trên này được”. Khiết Khiết thầm nghĩ, mình là tiểu đệ tử Chính Pháp, đến tìm Sư phụ không có gì sai cả. Thế là cô bé nói thẳng rằng mình đến tìm Sư phụ, họ hỏi: “Sư phụ của ngươi là ai?”, cô bé đáp: “Ngài Lý Hồng Chí”, “Ngài là Quốc Vương tối cao của chúng ta, sao ngươi có thể gọi tên của Ngài như vậy? Đây không phải nơi ngươi có thể đến, mau đi đi!”. Khiết Khiết bướng bỉnh bay thẳng vào trong, cô bé tưởng rằng Sư phụ sẽ nổi giận, nhưng Sư phụ chỉ nói với cô một câu: “Con thật quá nghịch ngợm rồi”.
Thân thế khác nhau của ba tiểu đồng tử
Sự láu cá của Khiết Khiết thường khiến tôi lo lắng, nhưng tính cách đôn hậu, thiện lương, có trách nhiệm, tiên tha hậu ngã của cô bé lại khiến tôi cảm động. Tính ham chơi và hay gây rắc rối cũng chính là một trong những nguyên nhân mà cô bé phải xuống đây, ngoài ra cô còn có một “sứ mệnh” cực kì quan trọng chính là cứu người cha trên Thiên thượng của cô bé. Cha cô vì bị người khác hãm hại nên đã làm chuyện xấu, bị tước bỏ quả vị và đả nhập địa ngục. Sư phụ muốn cô bé tu luyện tốt để có thể cứu cha mình. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Viên Viên, cha mẹ sinh ra nguyên thần của cô bé đều không còn trên Thiên thượng nữa. Hàm Hàm thì khá hạnh phúc, một chị gái trong “tộc người” của cô tham gia bức hại học viên Đại Pháp cũng bị đả nhập địa ngục, nhưng nhờ thành tâm hối cải nên đã dần dần tu lên trên. Hàm Hàm còn từng mang kẹo ngọt đến địa ngục để thăm và khích lệ cô ấy.
Khi Khiết Khiết vừa cãi nhau với em gái xong thì lập tức cười và nói rằng: “Thân thể trên Thiên thượng sẽ không bị đau, không mệt, cũng không cần đi bộ, đều là bay tới bay lui, có chơi đùa thế nào thì cũng không đau, nhưng ở tam giới thì không được như thế nữa, lúc chơi đùa con thường quên mất rằng thân thể này sẽ bị đau, nên mới tranh cãi… Tầng thứ khác nhau có những trạng thái khác nhau, tuổi tác khác nhau, giới tính có khi cũng khác nhau”.
Ở các thế giới khác nhau của các tầng thứ khác nhau, Sư phụ đều sắp xếp những chiếc giường khác nhau. Viên Viên ngủ trên chiếc giường do Sư phụ làm bằng mây, giường của Khiết Khiết được làm bằng hoa sen, giường của Hàm Hàm được làm bằng bảo thạch rất êm ái, chăn cũng làm bằng bảo thạch rất mềm mại.
Hộp châu báu dưới ánh trăng
Hôm nay, ngày 02 tháng 05, sau khi tan học về nhà, Hàm Hàm có tâm trạng khác thường, cô bé buồn rầu ủ rũ nói rằng: “Con nhớ mẹ lắm, mấy ngày rồi mà mẹ chưa tới thăm con”. Đến nửa đêm, cô bé khóc đến tìm tôi: “Con nhớ mẹ, trước giờ mẹ chưa bao giờ như thế này, mẹ cũng không ở nhà trên Thiên thượng nữa. Mẹ đi giúp bố rồi”.
Hàm Hàm nói: “Con nhớ mẹ lắm”. Lúc này, Hàm Hàm nằm trong lòng tôi khóc nức nở. Tôi lập tức nhắc nhở con: “Chẳng phải con nói rằng khi con lo lắng, sợ hãi thì sẽ không nhìn thấy Sư phụ, cũng không nhận rõ mẹ sao? Nói không chừng họ đã ở bên cạnh con rồi đó”. Trong nháy mắt, con bé ngẩng đầu lên, nhìn thấy vầng trăng sáng ngoài cửa sổ, liền chỉ vào ánh trăng nói: “Đây là ánh trăng sao, mặt trăng hút vòng cổ bảo thạch của con lên rồi”.
Sợi dây chuyền bảo thạch này luôn được đeo trên cổ của Hàm Hàm – đương nhiên nó không tồn tại trong hình thức không gian này. Khiết Khiết và Viên Viên cũng đều nhìn thấy sợi dây chuyền bảo thạch thần kỳ ấy. Các con nói rằng sợi dây chuyền này thay đổi màu sắc mỗi ngày, đây là bảo vật duy chỉ có tại thế giới Thiên quốc của Hàm Hàm. Hàm Hàm còn giải thích thêm rằng, bảo thạch này sẽ phát sáng, bên trong nó là một thế giới, một tinh cầu không có sự tồn tại của người ngoài hành tinh – người ngoài hành tinh sẽ phá hoại Đại Pháp. Bên ngoài không gian vũ trụ có rất nhiều đĩa bay Pháp Luân, người ngoài hành tinh là không nên tồn tại.
Hàm Hàm chỉ lên Mặt Trăng nói: “A! Hộp châu báu trên Thiên thượng của con được gửi đến đây rồi!”. Hàm Hàm vươn tay ra bệ cửa sổ. Con bé nói: “Tay của con phải ở gần với ánh trăng mới có thể chạm được vào hộp châu báu”. Tôi chỉ thấy con gái khua tay mấy cái trong không trung, mở chiếc hộp ra và nói: “Oa! Bên trong có nhiều đồ chơi báu vật của con quá! Còn có cả ti giả nữa”. Nói rồi con gái bắt đầu ngậm ti giả. Dưới ánh trăng, tôi trông thấy đôi môi nhỏ của con chúm lại, không nhịn được mà bật cười ha ha và hỏi con: “Hồi nhỏ con thường có biểu cảm như thế này. Đây chính là con đang ngậm ti giả trên Thiên thượng có phải không?” Con gái vui vẻ đáp: “Đúng rồi ạ!”. Cứ như vậy, chúng tôi cùng nhau cười ngặt nghẽo, phá vỡ bầu không khí buồn bã vốn có. Tiếp đó, cô bé vui vẻ ngắm nghía các loại đồ chơi trên tay. Đương nhiên, tôi chẳng nhìn thấy gì cả. Sau đó, con hướng lên Mặt Trăng chào hỏi, rồi nói: “Sư phụ và mẹ đều tới rồi!”, Sư phụ đang ở trên không trung chọc cho Hàm Hàm vui, còn người mẹ trên Thiên thượng cũng mang một nồi thức ăn đến cho Hàm Hàm ăn. Cứ như vậy, Hàm Hàm vui vẻ suốt cả đêm.
Có lần, tôi hỏi Hàm Hàm sao con có thể nhớ được nhiều chuyện như thế? Hàm Hàm đáp: “Là vì hồi con ba, bốn tuổi đã thường xuyên xem “Chuyển Pháp Luân” rồi. Con không cần đọc chữ. Con chỉ cần nhìn ảnh của Sư phụ và đồ hình Pháp Luân là có thể nhìn thấy rất nhiều điều rồi”. Con gái chỉ cho tôi xem dòng chữ bên dưới đồ hình Pháp Luân:
“Đồ hình Pháp Luân này là [hình] ảnh thu nhỏ của vũ trụ, tại từng không gian khác nó cũng có hình thức tồn tại và quá trình diễn hóa của mình, vậy nên tôi gọi [đó] là một thế giới. (Trích Bài giảng thứ năm – “Chuyển Pháp Luân”).
Hàm Hàm còn đặc biệt nhấn mạnh vào bốn từ cuối: “Là ‘một thế giới’ đấy ạ”. Con gái nói rằng đôi mắt trên ảnh của Sư phụ cũng sẽ diễn hóa ra rất nhiều thứ cho con xem. Nên con gái ngày nào cũng xem hai tấm hình này là có thể ‘nhớ’ được rất nhiều chuyện. Hàm Hàm nói: “Mẹ ơi, mẹ không ‘nhớ’ được, vì mẹ đọc sách ‘Chuyển Pháp Luân’ ít quá. Mẹ hãy nhớ nhé, nhất định phải đọc ‘Chuyển Pháp Luân’ mỗi ngày”.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/30568
Ngày đăng: 04-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.