Ấu học Quỳnh Lâm bút đàm (36): Thần y Biển Thước



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên Văn Chữ Hán và chú âm:

盧(ㄌㄨˊ) 醫(ㄧ)、扁(ㄅㄧㄢˇ)鵲(ㄑㄩㄝˋ),古(ㄍㄨˇ)之(ㄓ)名(ㄇㄧㄥˊ)醫(ㄧ);

鄭(ㄓㄥˋ)虔(ㄑㄧㄢˊ)、崔(ㄘㄨㄟ)白(ㄅㄞˊ),古(ㄍㄨˇ)之(ㄓ)名(ㄇㄧㄥˊ)畫(ㄏㄨㄚˋ)。

晉(ㄐㄧㄣˋ)郭(ㄍㄨㄛ)璞(ㄆㄨˊ)得(ㄉㄜˊ)《青(ㄑㄧㄥ)囊(ㄋㄤˊ)經(ㄐㄧㄥ)》,故(ㄍㄨˋ)善(ㄕㄢˋ)天(ㄊㄧㄢ)下(ㄒㄧㄚˋ)卜(ㄅㄨˇ)筮(ㄕˋ);

孫(ㄙㄨㄣ)思(ㄙ)邈(ㄇㄧㄠˇ)得(ㄉㄜˊ)龍(ㄌㄨㄥˊ)宫(ㄍㄨㄥ)方(ㄈㄤ),能(ㄋㄥˊ)醫(ㄧ)虎(ㄏㄨˇ)口(ㄎㄡˇ)龍(ㄌㄨㄥˊ)麟(ㄌㄧㄣˊ)。

Bính âm

卢(Lú) 医(yī)、扁(biǎn)鹊(què),古(gǔ)之(zhī)名(míng)医(yī);

郑(zhèng)虔(qián)、崔(cuī)白(bái),古(gǔ)之(zhī)名(míng)画(huà)。

晋(Jìn)郭(guō)璞(pú)得(dé)《青(qīng)囊(náng)经(jīng)》,故(gù)善(shàn)天(tiān)下(xià)卜(bǔ)筮(shì);

孙(sūn)思(sī)邈(miǎo)得(dé)龙(lóng)宫(gōng)方(fāng),能(néng)医(yī)虎(hǔ)口(kǒu)龙(lóng)麟(lín)。

Âm Hán Việt

Lư Y, Biển Thước, cổ chi danh y; Trịnh Kiền, Thôi Bạch, cổ chi danh họa. Tấn Quách Phác đắc “Thanh nang kinh”, cố thiện thiên hạ bốc phệ; Tôn Tư Mạc đắc Long cung phương, năng y hổ khẩu long lân.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 盧醫 (Lư Y): Là một danh y thời Chiến Quốc, sở dĩ gọi như vậy vì ông sống ở Lư Địa. Nói đến Lư Y chính là nói đến Biển Thước.

(2) 扁鵲 (Biển Thước): Người ở Bột Hải thời Chiến Quốc, họ Tần, tên Việt Nhân. Ông là người khai sáng ra phương pháp Vọng – Văn – Vấn – Thiết trong Trung y; và là ông tổ khai sáng ra phương pháp bắt mạch trong Trung Y.

(3) 鄭虔 (Trịnh Kiền): Tự là Nhược Tề (một tác giả viết 若齐: ruo qi: Nhược Tề), là văn học gia, thư họa gia nổi tiếng dưới thời Đường Huyền Tông, những bài thơ, những bức thư pháp, những tác phẩm hội họa của ông được mệnh danh là “tam tuyệt”

(4) 崔白 (Thôi Bạch): là người Hào Lương thời Bắc Tống (nay là phía đông Phượng Dương, An Huy), tự là Tử Tây. Am hiểu về vẽ hoa lá, tre trúc, chim muông.

(5) 名畫 (Danh họa): họa sĩ nổi tiếng.

(6) 郭璞 (Quách Phác): quê ở huyện Văn Hỷ Hà Đông thời Đông Tấn (nay là huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây), tự là Cảnh Thuần. Ông là người học rộng tài cao, tinh thông thiên văn, lịch tính và bói toán.

(7) 善 (Thiện): giỏi về một phương diện nào đó.

(8) 卜筮 (Bốc Thệ): Bói toán.

(9) 孫思邈 (Tôn Tư Mạc): người Kinh Triệu triều đại nhà Tùy Đường, tác giả của 30 cuốn “Thiên kim dược phương”, “Thiên kim dực phương”, được hậu thế tôn làm “Dược vương”.

Bản dịch tham khảo

Lư Y Biển Thước là danh y thời cổ đại; Trịnh Kiền, Thôi Bạch là danh hoạ thời cổ đại. Quách Phác thời Đông Tấn đắc được “Thanh nang kinh” nên giỏi bói toán, Tôn Tư Mạc thời nhà Đường đắc được phương thuốc của Long cung, có thể chữa được bệnh cho rồng và gỡ được xương mắc trong cổ họng của hổ.

Đọc sách luận bút

Khi chúng ta xem bài học này, nội dung giảng đến vẫn rất thần kỳ, cho dù là nghệ thuật, y thuật hay thuật bói toán, tất cả đều tỏ ra rất thần kỳ. Những kiến thức liên quan đến kỹ thuật này, đặc biệt là lĩnh vực y học mà mọi người quan tâm, đều bộc lộ rõ ràng hai đặc điểm rất quan trọng: một là do Thần truyền cho con người; hai là chọn người có đức mới truyền. Điều đó tương hợp với bản chất của văn hoá Trung Hoa.

Biển Thước vốn là Thần y trong truyền thuyết vào thời Hoàng Đế, bởi vì Biển Thước thời Chiến Quốc chữa bệnh rất thần kỳ, thậm chí có thể cải tử hoàn sinh, vì vậy mà ông được kế thừa danh tự Thần y thời cổ xưa.

Y thuật của Biển Thước là do Thần nhân Trường Tang Quân truyền dạy. Vào thời cổ đại, vị sư phụ muốn truyền cho đồ đệ, thì tựa như sư phụ của Na Tra vậy, sẽ luôn có vị Đạo trưởng của Đạo gia, Chân nhân trong Đạo gia sớm đã biết được đệ tử sau này của mình sẽ sinh ra ở đâu, khi thời cơ đến liền tìm tới người đó, Biển Thước ở đây cũng là người như vậy, có điều là sư phụ của ông phải trải qua quan sát thêm một thời gian nữa, khi xác định Biển Thước có đạo đức cao thượng rồi mới truyền cấp cho ông.

Cho nên Trường Tang Quân vì để khảo nghiệm Biển Thước, đã tìm đến quán trọ mà Biển Thước quản lý khi còn trẻ, đến đó nghỉ trọ. Lúc ấy ai cũng không nhìn ra sự đặc biệt của người này, vẻ ngoài rất bình thường, ai cũng không coi trọng, chỉ có Biển Thước hết sức kính trọng ông, hơn 10 năm không thay đổi thái độ cung kính, cũng tính là qua được khảo nghiệm. Thế là Trường Tang Quân đem cái mà người thời nay gọi là công năng đặc dị truyền cho ông (cụ thể ông đắc được công năng này như thế nào, hãy đọc câu chuyện ở dưới), ông có thể thấu thị nhân thể. Từ đó mà Biển Thước có thể thấy được rõ ràng trạng thái của lục phủ ngũ tạng, kinh lạc huyết mạch của con người. Có người nói, ông vọng – văn – vấn – thiết, vọng chẩn bệnh rất thần kỳ, kỳ thực không phải là dùng mắt người, mà là dùng thần thông. Cho nên ngay cả người mà ông có thể chưa từng gặp trước đây, ở khoảng cách rất xa mà nhìn thấu để chẩn đoán bệnh.

Khi Biển Thước đang hành nghề y ở nước Quắc, thái tử đột ngột qua đời, ông chưa từng gặp mặt thái tử, mà có thể đoán ra bệnh trạng, khiến thái tử cải tử hồi sinh. Cho nên, thuật vọng-văn-vấn-thiết của ông, chẳng qua là vì để phù hợp với sự lý giải của con người thế gian mà làm ra thôi. Hậu thế đạo đức trượt dốc, điều nắm bắt được chỉ là cái thuật vọng-văn-vấn-thiết ở bề mặt mà thôi, cho nên sẽ không thần kỳ như vậy.

Sau khi Trường Tang Quân truyền xong y thuật cho ông, vừa nói dứt lời với Biển Thước, liền biến mất không còn thấy nữa, những câu chuyện này đều cho thấy đang truyền tải thông tin văn hóa “y thuật Thần truyền, chọn người có đức để truyền”. Câu chuyện về Tôn Tư Mạc cũng vậy.

Kể chuyện

Thần y Biển Thước

Biển Thước họ Tần, tên Việt Nhân, quê ở Bột Hải thời Chiến Quốc. Bởi y thuật cao minh, cứu được vô số người, mọi người coi ông như vị thần y “Biển Thước” trong truyền thuyết thời thượng cổ, kính trọng gọi ông là Biển Thước, nhưng ít người biết tên thật của ông. Bởi vì ông đã từng sống ở đất “Lư”, nên được gọi là Lư Y. Biển Thước sáng tạo ra phương pháp chẩn bệnh vọng-văn-vấn-thiết, và là ông tổ của mạch học Trung Y.

Khi còn nhỏ Biển Thước giúp người quản lý nhà trọ, một ngày nọ có một ông già tên là Trường Tang Quân đến nghỉ trọ, nhìn thấy thần thái đặc biệt của ông, Biển Thước hết sức kính trọng ông, thường xuyên tiếp đón ông một cách lễ phép. Trường Tang Quân ra vào quán trọ này hơn mười năm, ở cùng với Biển Thước đã lâu, cũng thấy rằng Biển Thước không phải là một người bình thường.

Một hôm, Trường Tang Quân mời Biển Thước nói chuyện riêng, ông nói với Biển Thước: “Ta có một bài thuốc bí truyền, giờ ta đã già rồi, nên ta muốn truyền lại cho ngươi, hy vọng ngươi sẽ không tiết lộ ra ngoài”. Biển Thước đã kính cẩn đồng ý. Thế là Trường Tang Quân lấy từ trong ngực ra một gói thuốc đưa cho Biển Thước, yêu cầu ông hàng ngày uống với sương khi còn ở trên cây cỏ, sau 30 ngày sẽ có thể nhìn thấy mọi thứ. Vừa nói xong, Trường Tang Quân liền biến mất, cho thấy ông không phải là phàm nhân.

Theo phương pháp của Trường Tang Quân, sau khi uống thuốc liên tục trong 30 ngày, quả thực Biển Thước có thể nhìn thấy người ở bên kia bức tường, dùng công năng này để xem bệnh, ông có thể nhìn thấy hoàn toàn các triệu chứng của lục phủ ngũ tạng. Vì để giữ bí mật, đối với bên ngoài đều mượn danh là chẩn đoán mạch. Sau đó, Biển Thước đi khắp các nước khác và tứ xứ để hành nghề y.

Thời Tấn Chiêu Công, quan đại phu Triệu Giản Tử, người phụ trách quản lý quốc sự chính vụ, đột nhiên hôn mê và liên tục năm ngày bất tỉnh nhân sự, các đại phu vội triệu mời Biển Thước vào cung để chẩn bệnh cho Triệu Giản Tử. Biển Thước đã vào theo dõi bệnh nhân, sau khi đi ra, Đổng An lo lắng hỏi thăm bệnh tình, Biển Thước nói với ông rằng: “Chỉ là huyết mạch không thông thôi, không cần lo lắng, lúc trước Tần Mục Công cũng mắc bệnh này, sau bảy ngày mới thức tỉnh, hôm nay bệnh của chủ quân cũng giống như Tần Mục Công, không quá ba ngày sau nhất định sẽ tỉnh lại, sau khi tỉnh lại nhất định sẽ có lời muốn nói”. Sau hai ngày rưỡi, Triệu Giản Tử đã thực sự tỉnh lại, ông nói với các đại phu rằng ông đã đến nơi của Thiên Đế, cùng chúng Thần du ngoạn ở Quân Thiên, Thiên Đế cũng nói cho ông biết rằng, nước Tấn sẽ dần suy tàn và sẽ diệt vong sau bảy đời nữa. Sau đó Đổng An nói với Triệu Giản Tử những gì Biển Thước đã nói khi ông hôn mê, Triệu Giản Tử hết sức kinh ngạc, ban cho Biển Thước 4 vạn mẫu đất.

Khi ông đang hành nghề y ở nước Quắc, gặp lúc thái tử đột ngột qua đời, Biển Thước vào cung để hỏi chi tiết về bệnh tình của Thái tử, rồi ông nói rằng mình có thể cứu Thái tử. Trung Thứ Tử (người hầu bên cạnh thái tử) không tin rằng ông có thể “cải tử hoàn sinh”, nên Biển Thước bèn bảo Trung Thứ Tử hãy đến xem thái tử, sẽ thấy tai thái tử như có âm thanh, lỗ mũi mở to, thân dưới còn ấm. Trung Thứ Tử xem xét rồi không khỏi sửng sốt, Biển Thước chưa từng gặp thái tử, mà lại nắm rõ bệnh tình của thái tử như lòng bàn tay vậy. Quắc Quân biết được, liền vội vàng tiếp kiến, khóc lóc thỉnh cầu Biển Thước trị bệnh cho thái tử. Biển Thước bảo đệ tử mài kim đá, rồi châm cứu vào các kinh lạc huyệt vị của thái tử, không lâu sau, thái tử liền tỉnh dậy. Từ đó danh tiếng “Thần y” cải tử hoàn sinh của Biển Thước lan truyền nhanh chóng.

Dược vương Tôn Tư Mạc

Tôn Tư Mạc, người gốc Kinh Triệu Hoa Nguyên đời Tùy Đường. Thuở nhỏ thông minh hơn người, bảy tuổi đã đi học, mỗi ngày có thể đọc thuộc ngàn chữ, được mệnh danh là “Thánh đồng”. Lớn lên, đọc nhiều biết rộng, thông hiểu các học thuyết bách gia chư tử, tinh thông tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử, nắm rõ kinh Phật. Ông sống đến hơn 100 tuổi, viết ra “Thiên kim dược phương” và “Thiên kim dực phương” với 30 cuốn, là sách y học sớm nhất của Trung Quốc hiện còn, được hậu nhân tôn làm “Dược vương”.

Tôn Tư Mạc từ nhỏ ốm yếu nhiều bệnh, thường xuyên phải chạy chữa bốc thuốc, hao hết gia sản, lại nhìn thấy bách tính khổ sở vì bệnh tật, nên từ 8 tuổi đã lập chí học y, khổ tâm nghiên cứu, cuối cùng trở thành danh y một thời. Ông cả đời không màng danh lợi, xem phú quý như mây bay, mặc dù hai đời Tùy Đường nhiều lần triệu mời ông vào triều làm quan, nhưng ông đều kiên quyết khước từ, trường kỳ ẩn cư tại vùng Thái Bạch sơn, Chung Nam sơn, chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người.

Theo truyền thuyết, Tôn Tư Mạc từng chữa trị cho một con rắn nhỏ bị thương trên đường đi hành nghề y và đem nó thả lại bụi cỏ. Sau mười mấy ngày, có một thiếu niên xuất hiện thịnh tình mời ông đến nhà làm khách, Tôn Tư Mạc cưỡi ngựa, chỉ trong nháy mắt đã đến một toà nhà nguy nga tráng lệ. Một ông già mặc hồng y đến tiếp đón và cảm tạ ông đã cứu con mình, Tôn Tư Mạc hỏi rõ ngọn nguồn, mới biết nơi này là Long Vương phủ, và con rắn nhỏ mà ông cứu thực chất là con trai của Long Vương. Long Vương vì để tỏ lòng cảm kích, đã tặng ông rất nhiều châu báu quý hiếm, nhưng Tôn Tư Mạc kiên quyết không chịu tiếp nhận. Thế là Long Vương sai người mang tới những phương thuốc thần kỳ của Long cung tặng cho ông, và nói với ông rằng, những phương thuốc này có thể trợ giúp ông tế thế cứu nhân. Sau khi Tôn Tư Mạc rời khỏi Long cung, sử dụng những phương thuốc này trị liệu cho bệnh nhân, quả thật vô cùng linh nghiệm, thế rồi ông liền đem những phương thuốc này viết thành cuốn sách “Thiên kim dược phương”, cứu chữa được cho biết bao nhiêu người.

Y thuật của Tôn Tư Mạc không chỉ chấn động nhân gian mà thậm chí rồng và hổ bị bệnh cũng đến nhờ ông chữa trị. Một ngày nọ, Tôn Tư Mạc thấy một con hổ đang phủ phục bên ngoài nhà, miệng há to và tru lên. Sau một hồi quan sát, thấy hổ không có ý định làm hại người khác, ông bèn ra ngoài nhìn vào miệng hổ thì thấy hoá ra là có một khúc xương mắc trong họng hổ, Tôn Tư Mạc liền rút xương ra, xong rồi hổ cúi dập đầu lạy ông ba lần rồi đi vào rừng. Về sau, mỗi khi Tôn Tư Mạc lên núi hái thuốc, hổ thường đến bầu bạn.

Tôn Tư Mạc cho rằng “Mạng sống của con người rất quan trọng, quý hơn ngàn vàng. Kê một phương thuốc để chữa bệnh, đạo đức còn quý hơn thế” (trích phần Mở đầu của cuốn “Thiên kim dược phương”). Ông không chỉ có y thuật cao siêu, mà còn có đạo đức cao thượng. Thực sự là danh y của một thời.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/249177



Ngày đăng: 10-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.