Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (7): Bồng Lai Nhược Thủy
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và chú âm
蓬(ㄆㄥˊ) 萊(ㄌㄞˊ)、 弱(ㄖㄨㄛˋ) 水(ㄕㄨㄟˇ),
惟(ㄨㄟˊ) 飛(ㄈㄟ) 仙(ㄒㄧㄢ) 可(ㄎㄜˇ) 渡(ㄉㄨˋ);
方(ㄈㄤ) 壺(ㄏㄨˊ)、 員(ㄩㄢˊ) 嶠(ㄑㄧㄠˊ),
乃(ㄋㄞˇ) 仙(ㄒㄧㄢ) 子(ㄗˇ) 所(ㄙㄨㄛˇ) 居(ㄐㄩ)。
Bính âm
Péng lái, ruò shuǐ,
wéi fēi xiān kě dù;
fāng hú, yuán qiáo,
nǎi xiān zǐ suǒ jū.
Âm Hán Việt
Bồng Lai, Nhược Thủy,
duy phi Tiên khả độ;
Phương Hồ, Viên Kiệu,
nãi Tiên tử sở cư.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 蓬萊 (Bồng Lai): Một trong những ngọn núi Thần trong truyền thuyết.
(2) 弱水 (Nhược Thủy): Nước chảy quanh núi Bồng Lai, nước ở đây không có lực nâng, ngay cả lông vũ cũng không thể nổi lên được. Người bình thường không thể vượt qua và tiếp cận núi Bồng Lai được.
(3) 方壺、員嶠 (Phương Hồ, Viên Kiệu): Những ngọn núi Thần trong truyền thuyết.
Bản dịch tham khảo
Núi Bồng Lai, nước Nhược Thủy xa xôi khó mà băng qua, chỉ có Thần Tiên mới bay đến đó được; Phương Hồ, Viên Kiệu là nơi Tiên nhân cư trú.
Đọc sách luận bút
Trong lịch sử, Bồng Lai Nhược Thủy luôn xuất hiện trong các bài thơ và tiểu thuyết, quen thuộc nhất với mọi người là Hồng Lâu Mộng có đề cập đến “Nhược Thủy tam thiên, ngã chỉ thủ nhất biều ẩm”, nghĩa là “Nước Nhược Thủy sâu ba nghìn dặm, tôi chỉ lấy một gáo để uống”. Câu nói này đã trở thành lời bày tỏ và chấp thuận tình yêu của các cặp nam nữ. Câu “Nhược Thuỷ tam thiên” này vì thế mà đã trở nên rất tình thơ ý họa. Nhưng nếu chưa đọc cuốn Ấu Học Quỳnh Lâm này, sẽ không thể hiểu được nguồn gốc của câu văn ấy.
Cách nói Nhược Thủy đã có từ xa xưa, trong cuốn Sơn Hải Kinh có ghi chép: Phía Bắc Côn Lôn có nước, lực của nó không nâng nổi ngọn rau, do đó có tên là Nhược Thuỷ. Từ xưa đã cho rằng núi Côn Lôn là nơi ở của các vị Thần Tiên, Nhược Thuỷ ở đây chính là con sông của Thần giới. Khi miêu tả con sông Lưu Sa trong Tây Du Ký đã xuất hiện cách nói “Tam thiên Nhược Thủy” rằng: “Lưu Sa tám trăm rộng, Nhược Thủy sâu ba nghìn, lông ngan không nổi được, hoa lau cũng phải chìm”. Cách nói này nhấn mạnh rằng Nhược Thủy không phải là con sông mà người bình thường có thể qua được.
Đến thời nhà Tống, Tô Thức có câu “Bồng Lai bất khả đáo, Nhược Thủy tam vạn lý” (Tạm dịch: Bồng Lai chẳng thể đến, Nhược Thủy ba vạn dặm). Và trong Hồng Lâu Mộng cũng có cách nói “Nhược Thuỷ tam thiên”, nhưng nó đã trở thành một lời bày tỏ tình yêu chung thủy giữa nam và nữ.
Về sau, các nhà văn như Cổ Long, Kim Dung, đều đã sử dụng đến cụm từ này. Bởi vì nghe nhiều nên rất quen thuộc. Có người nói câu này đầu tiên đến từ câu chuyện được ghi chép trong Kinh Phật.
Tương truyền Phật Tổ từng gặp một người rất phiền muộn, Phật Tổ biết người đó không hề khốn khổ mệt mỏi trong cuộc sống, nên đã hỏi người đó rằng: “Trong con mắt của thế tục, ông giàu có quyền thế, có người vợ yêu thương mình. Vậy tại sao ông vẫn không vui?”
Người này trả lời: “Chính vì điều này, tôi không biết nên chọn giữa lấy và buông bỏ như thế nào”.
Phật Tổ mỉm cười và kể cho ông nghe một câu chuyện: Một hôm, gặp một du khách đang rất khát nước, chỉ còn thoi thóp, Phật Tổ thấy thương xót nên đã đặt một cái hồ trước mặt người đó, nhưng ông ấy lại không đến uống một giọt nước. Phật Tổ thấy lạ quá bèn hỏi nguyên nhân. Ông ta trả lời rằng có quá nhiều nước trong hồ, mà bụng của ông rất nhỏ, không thể uống hết trong một lần, chi bằng không uống một chút nào.
Kể xong câu chuyện Phật Tổ khuyên bảo cho người không biết lựa chọn lấy và buông bỏ thế nào rằng: “Hãy nhớ rằng, trong một đời người, ông có thể gặp nhiều điều tốt đẹp, nhưng ông chỉ cần dụng tâm nắm chắc lấy một thứ trong đó là đủ rồi. Nhược Thuỷ sâu ba nghìn dặm, chỉ cần lấy một gáo uống”.
Như vậy xem ra cách nói liên quan đến “Nhược Thuỷ sâu ba nghìn dặm, chỉ cần lấy một gáo uống” có thể xuất hiện từ rất sớm trong Kinh Phật. Ý nghĩa ban đầu của nó cũng không phải nói đến tình yêu nam nữ, mà để khuyên con người biết đủ và trân quý những gì có ở trước mắt, chớ sinh ý nghĩ sai lầm.
Thực ra trong Hồng Lâu Mộng, có hai lần xuất hiện Nhược Thủy, lần thứ nhất là hồi thứ 25. Trong đó miêu tả về một Đạo sĩ què: “Một chân cao một chân thấp, toàn thân dơ dáy dính bùn. Nếu hỏi rằng nhà ở đâu? Bồng Lai Nhược Thuỷ ở phía Tây”. Nhược Thuỷ ở đây nghĩa gốc là dùng để chỉ một nơi xa xôi của Thần Tiên mà không thể đến được. Lần thứ hai xuất hiện từ này là hồi thứ 91, Bảo Ngọc vì muốn an ủi Đại Ngọc đã nói rằng: “Cho dù Nhược Thủy sâu ba nghìn dặm, tôi cũng chỉ lấy một gáo uống”. Bảo Ngọc sử dụng điển cố này để thể hiện sự chân thành của mình với Đại Ngọc. Nghĩa là có nhiều phụ nữ xinh đẹp đến đâu, Đại Ngọc là người duy nhất trong trái tim ta.
Vì vậy “Nhược Thủy tam thiên” có thể lý giải là những sự vật tốt đẹp bao la rộng lớn như Thiên Hà Nhược Thủy, lấy một gáo có thể lý giải là không tham lam mà tự cho là đủ, hoặc không có sự truy cầu nào khác, nên trân trọng gấp đôi những người trước mặt và tất cả những thứ hiện đang có.
Đọc cuốn Ấu Học Quỳnh Lâm, bạn có thể biết những từ ngữ và câu nói hay trong các tác phẩm văn học đến từ đâu, tại sao chúng được sử dụng như thế, đối với tư tưởng và tình cảm của cổ nhân chúng ta sẽ có cách lý giải sâu sắc, mọi thứ đều có nguồn gốc văn hoá từ xa xưa của nó, bạn cũng có thể linh hoạt sáng tạo ra nhiều điều mới lạ.
Còn về “Phương Hồ, Viên Kiệu” mời các bạn xem câu chuyện dưới đây.
Kể chuyện
Truyền thuyết về năm ngọn núi Tiên
Liệt Tử – Thang Vấn có ghi chép rằng, tại một nơi xa xôi ở phía Đông của Bột Hải có một thung lũng vừa to vừa sâu, được gọi là Quy Khư. Quy Khư sâu không thấy đáy, tương truyền có năm ngọn núi Thần ở trong đó, tên là Đại Dư, Viên Kiệu, Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai. Mỗi ngọn núi Tiên rất rộng lớn và dốc đứng, chiều cao và chu vi đều là ba vạn dặm, đỉnh núi bằng phẳng rộng chín nghìn dặm, các ngọn núi cách nhau bảy vạn dặm.
Trên mỗi ngọn núi Tiên đều có cung điện làm bằng vàng và lan can làm bằng bạch ngọc. Trên núi Tiên có nhiều cây kỳ lạ, trên cây mọc đầy trân châu và mỹ ngọc, còn kết thành quả Tiên trường sinh bất lão; khắp nơi đều có chim quý hiếm và thú vật kỳ lạ toàn thân trắng bạc. Các vị Thần Tiên sống ở đây, mặc y phục trắng tinh, uống nước Cam Tuyền, ăn quả Tiên, bay lượn khắp nơi tự do tự tại, thăm hỏi lẫn nhau.
Tuy nhiên, năm ngọn núi Tiên bồng bềnh trong Quy Khư, thường bị sóng đánh trôi dạt, không thể ổn định. Về việc này, các vị Thần Tiên rất phiền não, đã báo cáo lên Thiên Đế. Thiên Đế cũng rất lo lắng núi Tiên sẽ trôi dạt đến các địa phận ở phía Tây rất xa xôi, như thế trong tương lai các vị Thần Tiên sẽ không còn nơi để ở. Thế là Thiên Đế ra lệnh cho Hải Thần Ngu Cường (cũng là Thần Gió) phái 15 con ngao khổng lồ đến Quy Khư để cõng những ngọn núi Tiên này. Những con ngao khổng lồ này được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm ba con, chịu trách nhiệm ổn định một ngọn núi Tiên; thông thường do một con phụ trách khiêng núi, còn hai con chờ bên cạnh, luân phiên sáu vạn năm một lần. Bằng cách này, năm ngọn núi Tiên đã ổn định trở lại.
Ngày tháng êm đềm trôi qua thật lâu, thật lâu, một ngày nọ, một người cao to hình dáng dị thường đến từ nước Long Bá, đột nhiên chạy đến Quy Khư để câu cá. Với đôi chân to của mình, chỉ mấy bước đã đi khắp lượt năm ngọn núi Tiên. Anh ta thấy dưới mỗi ngọn núi Tiên đều có ba con ngao khổng lồ, anh ta một mạch câu liền sáu con ngao khổng lồ, rồi vác trên lưng quay người chạy về nước Long Bá. Kết quả là hai ngọn núi Tiên Đại Dư và Viên Kiệu đã trôi dạt đến Bắc cực xa xôi và chìm trong biển lớn, vì thế hàng ức vị Thần Tiên đều phải di chuyển đi nơi khác.
Khi Thiên Đế biết điều này, Ngài rất tức giận đã cắt giảm đáng kể số đất đai của nước Long Bá, và giảm đáng kể chiều cao của người dân Long Bá, thế nhưng chiều cao của họ vẫn còn vài chục trượng!
Từ đó về sau Tiên Sơn chỉ còn lại ba ngọn núi là Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai.
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa Ấu Học Quỳnh Lâm của Zhengjian.org
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247815
Ngày đăng: 27-02-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.