Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (30): Hai vua Viêm Hoàng khai sáng văn minh 5.000 năm



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và chú âm:

曆(ㄌㄧˋ) 日(ㄖˋ) 是(ㄕˋ) 神(ㄕㄣˊ) 農(ㄋㄨㄥˊ) 所(ㄙㄨㄛˇ) 為(ㄨㄟˊ),

甲(ㄐㄧㄚˇ) 子(ㄗˇ) 乃(ㄋㄞˇ) 大(ㄉㄚˋ) 撓(ㄋㄠˊ) 所(ㄙㄨㄛˇ) 作(ㄗㄨㄛˋ)。

算(ㄙㄨㄢˋ) 數(ㄕㄨˋ) 作(ㄗㄨㄛˋ) 於(ㄩˊ) 隸(ㄌㄧˋ) 首(ㄕㄡˇ),

律(ㄌㄩˋ) 呂(ㄌㄩˇ) 造(ㄗㄠˋ) 自(ㄗˋ) 伶(ㄌㄧㄥˊ) 倫(ㄌㄨㄣˊ)。

甲(ㄐㄧㄚˇ) 冑(ㄓㄡˋ)、 舟(ㄓㄡ) 車(ㄔㄜ), 系(ㄒㄧˋ) 軒(ㄒㄩㄢ) 轅(ㄩㄢˊ) 之(ㄓ) 創(ㄔㄨㄤˋ) 始(ㄕˇ);

權(ㄑㄩㄢˊ) 量(ㄌㄧㄤˋ) 衡(ㄏㄥˊ) 度(ㄉㄨˋ), 亦(ㄧˋ) 軒(ㄒㄩㄢ) 轅(ㄩㄢˊ) 之(ㄓ) 立(ㄌㄧˋ) 規(ㄍㄨㄟ)。

Bính âm

历日是神农所为,

甲子乃大挠所作。

算数作于隶首,

律吕造自伶伦。

甲胄、舟车,系轩辕之创始;

权量衡度,亦轩辕之立规。

Lì rì shì shén nóng suǒ wéi,

jiǎ zǐ nǎi dà náo suǒ zuò.

Suàn shù zuò yú lì shǒu,

lǜ lǚ zào zì líng lún.

Jiǎ zhòu, zhōu chē, xì xuān yuán zhī chuàng shǐ;

quán liàng héng dù, yì xuān yuán zhī lì guī.

Âm Hán Việt

Lịch nhật thị Thần Nông sở vi,

Giáp Tý nãi Đại Nạo sở tác.

Toán số tác vu Lệ Thủ.

Luật lữ tạo tự Linh Luân.

Giáp trụ, chu xa, hệ Hiên Viên chi sáng thủy.

Quyền lượng hoành độ, diệc Hiên Viên chi lập quy.

Giải nghĩa từ ngữ

(1)曆日 (Lịch nhật): tức lịch pháp. Phương pháp suy diễn thiên tượng để ghi lại ngày tháng năm.

(2)神農 (Thần Nông): tức Viêm Đế, một trong Ngũ Đế.

(3)甲子 (Giáp Tý): Giáp đứng đầu 10 Thiên can, Tý đứng đầu 12 Địa chi. Thiên can và Địa chi lần lượt phối hợp với nhau, khởi đầu là Giáp Tý, chủ yếu dùng để tính năm, một vòng là 60 năm, gọi là một Giáp (Tý).

(4)乃 (Nãi): là.

(5)大撓 (Đại Nạo): sử quan của Hoàng Đế.

(6)算數 (Toán số): số Toán học.

(7)隶首 (Lệ Thủ): một vị quan của Hoàng Đế, là tổ của họ Lệ.

(8)律吕 (Luật lữ): tên gọi chung của “lục luật”, “lục lữ”, là các loại nhạc khí chính thời cổ đại.

(9)伶倫 (Linh Luân): nhạc sư của Hoàng Đế.

(10)甲胄 (Giáp trụ): Áo giáp và mũ trụ của chiến binh thời cổ đại.

(11)系 (Hệ): là.

(12)轩辕 (Hiên Viên): tức là Hiên Viên Hoàng Đế.

(13)权 (Quyền): trọng lượng, cũng chỉ kích thước. Vốn là cái cân, cũng chỉ quả cân.

(14)量 (Lượng): dụng cụ tính toán dung lượng, thời cổ gồm có lẻ, thặng, đấu, hộc..v.v

(15)衡 (Hoành): cái cân, cũng chỉ quả cân.

(16)度 (Độ): tiêu chuẩn đo độ dài như phân, thốn, xích, trượng v.v.

Bản dịch tham khảo

Lịch pháp là do Viêm Đế tạo ra, Đại Nạo dùng Thiên Can Địa Chi phối hợp với nhau làm ra phương pháp ghi năm Giáp Tý. Toán học là do Lệ Thủ tạo ra. Các nhạc khí Lục Lữ, Lục Luật là Linh Luân tạo thành. Mũ trụ, áo giáp, xe thuyền đều do Hoàng Đế sáng tạo ra, các tiêu chuẩn kích thước trọng lượng cân đo cũng do Hoàng Đế đặt ra.

Đọc sách luận bút

Hoàng Đế kiến tạo cơ sở của nhân văn

Người Trung Quốc từ thời cổ đã xưng là con cháu của Viêm Hoàng, bài học này giảng về hai thủy tổ nhân văn của dân tộc Trung Hoa là Viêm Đế và Hoàng Đế, hai ngài đã lưu lại những nền văn hóa cụ thể về mọi mặt cho nhân loại từ trị quốc đến quy chỉnh đời sống của bách tính. Nếu nói rằng thời đại của hai thủy tổ nhân loại của Nữ Oa và Phục Hy, tức là thời đại Tam Hoàng thời viễn cổ, đã khai sáng những đặc điểm và bản chất của nền văn hóa Thần truyền về Thiên nhân hợp nhất, để mọi nền văn hóa đều có thể tìm thấy cội nguồn của mình, thông qua Tiên Thiên Dịch Lý của Phục Hy để hiểu rõ đạo lý của Thiên Địa, Âm Dương Ngũ hành, xác định được nguồn gốc của nền văn hóa Trung Hoa; thì đến thời đại Hoàng Đế trong Ngũ Đế đã dựa trên cơ sở của nguồn gốc đó, bắt đầu xây dựng một cách có hệ thống một nền móng văn hóa từ việc trị quốc đến nhu cầu sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân ở tầng thứ này. Các kỹ thuật và chế độ quy phạm cụ thể khác nhau cũng từ đó mà được định ra. Hơn nữa, vì để đảm bảo sự sinh tồn cơ bản mà trước đây Viêm Đế đã tạo ra những nền tảng văn hóa như nông nghiệp, Trung dược học (Thần Nông bản thảo kinh) và Trà đạo. Vì vậy hai vị Viêm Đế và Hoàng Đế được coi là Thủy tổ của nhân văn Trung Hoa.

Có thể nói rằng, hai vị Viêm Hoàng, đặc biệt là Hoàng Đế, từ khi định ra chế độ tỉnh điền, hương lý, phân chia đất đai thành chín châu và đô thành, chế định thể chế quan chức (chế độ sử quan ghi chép lại những lời nói và việc làm của quân vương, các chính lệnh, các sự kiện lịch sử và quan sát thiên tượng chính là những điều do Hoàng Đế đặt định ra trong thời kỳ này), lý niệm trị quốc lấy Đức làm cốt lõi (Hoàng Đế chú trọng dùng Đức trị quốc, đã thiết lập ra chức quan Cửu đức, lấy Cửu hành để giáo hóa bách tính, gồm có: Hiếu, từ, văn, tín, ngôn, trung, cung, dũng, nghĩa. Hiếu được đặt hàng đầu, có thể thấy cội nguồn lấy Hiếu trị quốc là Hoàng Đế, và Đế Thuấn là hình mẫu về tự thân thực hành đạo Hiếu, có thể thấy tư tưởng Nho gia xuất phát từ nền văn hóa do Hoàng Đế để lại), và cả âm nhạc cùng với hệ thống văn hóa liên quan đến việc trị quốc, đến thuyền bè phương tiện giao thông cụ thể, các quy định kỹ thuật như toán số, đo lường về phương diện cần thiết như các công trình, giao dịch kinh tế, chế tác và quy định y phục (việc tạo ra Hán phục), cũng như sự ra đời của việc trị bệnh bằng Trung Y (“Hoàng đế nội kinh” đã trở thành thủy tổ của Trung Y) v.v., hầu như tất cả các hệ thống văn hóa hữu hình ở tầng diện này của con người đều được tạo ra trong thời kỳ Hoàng Đế, tạo ra một kết cấu cơ bản. Điều đó có nghĩa là văn hóa Kinh Dịch, Bát Quái do Thần truyền lại từ trước thời đại Phục Hy sau đó đã tiến thêm một bước cụ thể hóa thành các thể chế nhân văn và tri thức kỹ thuật mà con người có thể nhận thức và vận dụng.

Không chỉ như thế, Hoàng Đế dần dần thăng hoa từ lấy Đức trị quốc đến lấy Đạo trị quốc mà vô vi nhi trị. Ông nằm mộng thấy thế giới Thần quốc của nước Hoa Tư, từ đó mà ngộ Đạo, thăng hoa cảnh giới trị quốc, thực thi thiên hạ đại đồng, đạt đến mức hầu như không cảm nhận được sự tồn tại của triều đình và quân vương, người ta đêm không cần đóng cửa, nhân dân có đạo đức và phẩm hạnh cao thượng, khắp nơi ở vào trạng thái nửa Thần, có thể câu thông với Thiên thượng, Hoàng Đế trị vì 100 năm, sau đó cùng các quần thần cưỡi rồng bay lên trời. Văn hóa tu luyện và những câu chuyện Thần thoại của nước Hoa Tư do đó đã được lưu truyền cho đến ngày nay. Hoàng Đế đã sáng tác ca khúc cổ “Hoa Tư Dẫn” như một minh chứng cho chí lớn tu Đạo và dĩ Đạo trị quốc của mình.

Các dân tộc thiểu số cũng là con cháu Viêm Hoàng

Trong thời kỳ Ngũ Đế, văn hóa không chỉ liên quan đến Hoàng Đế, mà còn liên quan Chuyên Húc sau này (cháu nội của Hoàng Đế) và cho đến Đế Thuấn (hậu duệ của Chuyên Húc), toàn bộ quân vương của thời đại Ngũ Đế từ Hoàng Đế đến Đế Thuấn mặc dù đều coi trọng thiện nhượng (nhường ngôi cho người hiền), tuyển người có tài năng đức độ để truyền đế vị, phần lớn đều không trực tiếp truyền cho con ruột của mình, nhưng về gia phả, kỳ thực đều là con cháu huyết thống của Hoàng Đế, sau này đã phát triển ra khắp thiên hạ, tam đại Hạ – Thương – Chu đều là con cháu hậu duệ của Hoàng Đế. Theo “Sơn Hải Kinh” ghi chép thì các dân tộc Man Di như Khuyển Nhung, Bắc Địch cũng đều là hậu duệ của Hoàng Đế.

Ngoài con cháu của Hoàng Đế ra, những người còn lại về cơ bản đều đến từ Thần Nông Viêm Đế, bao gồm cả con cháu của Xi Vưu. Xi Vưu vốn họ Khương, là hậu duệ của Viêm Đế. Sau khi Hoàng Đế diệt Xi Vưu, ông đã đem hết những người lương thiện trong bộ lạc Cửu Lê đến đất Trâu Đồ, còn những người hung tàn bạo ngược thì đày đến miền giá lạnh phương Bắc. Những người đó chính là tổ tiên của các họ như họ Trâu, họ Đồ, họ Xi, họ Lê trong Hán tộc ngày nay.

Những người còn sót lại của Xi Vưu lưu lạc khắp nơi tứ xứ, phát triển thành Tam Miêu sau này. Sau đó do nổi loạn nên bị Đại Vũ diệt, những người còn lại trở thành tộc Khương sau này. Một bộ phận lánh về phương Nam, sau thành tổ tiên của các dân tộc như Miêu, Dao của phương Nam Trung Quốc ngày nay, vì thế mà người Miêu ngày nay luôn thờ cúng Xi Vưu như tổ tiên của họ.

Theo “Sử Ký” ghi chép: Sau khi Hoàng Đế xua đuổi bộ tộc man di Huân Dục nổi loạn ra tận cùng phía Bắc, họ đã phát triển thành các bộ lạc Hung Nô sau này.

Vì thế, khi khảo cứu về nguồn gốc tổ tông của tất cả các dân tộc trên đại lục Trung Hoa đều là huyết thống của hai vị Viêm Hoàng, cho dù là dân tộc Hán, hay là các dân tộc thiểu số ở vùng biên cương được hình thành bởi con cháu vô đạo đức của các vị đế vương thời kỳ Viêm Hoàng và Ngũ Đế, kỳ thực đều là cùng một tổ tiên, đều là con cháu của Viêm Hoàng, gọi chung là dân tộc Trung Hoa, hay còn gọi là dân tộc Hoa Hạ.

Kể chuyện

Tương truyền khi Hoàng Đế và Xi Vưu đại chiến tại Trác Lộc, Hoàng Đế lo dân chúng khổ vì chiến tranh và mong muốn bình yên nên ông đã trai giới tắm gội để tế Trời Đất, Trời vì thế mà cảm động nên đã ban xuống 10 Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý), 12 Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Hoàng Đế lấy 10 Can làm Trời, và một tấm vải tròn giống như hình bầu trời; lấy 12 Chi làm Đất, và một tấm vải hình vuông giống như hình mặt Đất. Sau đó lệnh cho Đại Nạo chế định ra Giáp Tý (60 năm), lấy 10 Thiên Can và 12 Địa Chi phối hợp với nhau, cứ một Thiên Can kết hợp với một Địa Chi, Thiên Can ở trước, Địa Chi ở sau, Thiên Can bắt đầu từ Giáp, Địa chi bắt đầu từ Tý, hợp thành “Lục thập Giáp Tý” (còn gọi là Lục Thập Hoa Giáp), để thuận tiện cho việc tính toán mà ghi năm, tháng, ngày, giờ.

Sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu và thống nhất thiên hạ, để tiện cho việc giao thông qua lại giữa các vùng miền ông đã chế tạo ra xe, thuyền; còn phát minh ra nồi nấu cơm và trò chơi đá cầu. Ngài còn lệnh cho Lôi Công và Kỳ Bá viết sách y học để thuận tiện cho việc trị bệnh. Vì để giữ trật tự xã hội và định ra các chế độ giao dịch công bằng, Hoàng Đế đã sáng lập ra chế độ đo lường, thống nhất tiêu chuẩn đo lường sử dụng trong giao dịch, để duy trì cho hoạt động kinh tế bình thường. Theo thư tịch cổ: “Vào thời Ngũ Đế, Hoàng Đế bắt đầu tạo ra hệ thống đo lường, thiết lập năm dụng cụ đo lường để làm lợi cho dân; Thiếu Hạo Thị lập nên chức quan cân đo đúng chuẩn, để giải quyết tranh chấp của dân thường; Ngu Thuấn đi tuần thú hàng năm, sử dụng cách cân đo thống nhất, thiết lập lòng tin trong dân chúng”.

Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân chế tạo nhạc luật, định ra thập nhị luật (lục luật, lục lữ, thập nhị thang âm). Linh Luân tìm ra những cây trúc có độ lớn vừa phải ở Tây Sơn, dùng những cây trúc chắc khỏe nhất làm thành sáo trúc. Khi ông đang thổi ống sáo trúc mình làm ra thì đột nhiên có một đôi phượng hoàng đậu xuống cây cạnh ông, con phượng trống cất tiếng hót trước, tiếng hót đầu tiên của nó giống y như tiếng sáo trúc mà Linh Luân vừa thổi, sau đó nó hót tiếp năm âm nữa, Linh Luân nhanh chóng gọt ra các cây sáo trúc (sáu luật) có thể phát ra năm âm thanh giống như thế. Con phượng hoàng cái hót ra sáu âm chẵn (lục lữ), và Linh Luân nhanh chóng gọt ra các cây sáo có sáu âm này. Linh Luân sắp xếp cây sáo theo thứ tự của âm thanh, và hoàn thành Thập Nhị Luật. Để bảo tồn vĩnh viễn 12 âm luật này, Hoàng Đế đã ra lệnh đúc 12 cái chuông đồng có thể thể hiện chính xác tiếng sáo, sau đó, thang âm của tất cả các nhạc cụ phải phù hợp với chuông đồng đó.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248613



Ngày đăng: 10-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.