Ấu học Quỳnh Lâm bút đàm (31): Phục Hy đến từ Hoa Tư Quốc



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên Văn Chữ Hán và chú âm

興(ㄒㄧㄥˋ) 貿(ㄇㄠˋ) 易(ㄧˋ), 制(ㄓˋ) 耒(ㄌㄟˇ) 耜(ㄙˋ), 皆(ㄐㄧㄝ) 由(ㄧㄡˊ) 炎(ㄧㄢˊ) 帝(ㄉㄧˋ);

造(ㄗㄠˋ) 琴(ㄑㄧㄣˊ) 瑟(ㄙㄜˋ), 教(ㄐㄧㄠˋ) 嫁(ㄐㄧㄚˋ) 娶(ㄑㄩˇ), 乃(ㄋㄞˇ) 是(ㄕˋ) 伏(ㄈㄨˊ) 羲(ㄒㄧ)。

Bính âm

Xìng màoyì, zhì lěisì, jiē yóu yándì;

zào qínsè, jiào jià qǔ, nǎi shì fúxī.

Âm Hán Việt

Hưng mậu dịch, chế lỗi tỉ, giai do Viêm Đế.

Tạo cầm sắt, giáo giá thú, nãi thị Phục Hy.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 贸易 (Mậu dịch): giao dịch mua bán.

(2) 耒(lěi)耜(si) (Lỗi tỉ): cái cày, cuốc, nông cụ thời cổ.

(3) 炎帝 (Viêm Đế): tức Thần Nông Thị.

(4) 琴 (Cầm): thời cổ gọi là cầm, diêu cầm, ngọc cầm, ngày nay gọi là cổ cầm, thất huyền cầm, là nhạc cụ có dây đàn sớm nhất Trung Quốc.

(5) 瑟 (Sắt): nhạc cụ đàn dây cổ đại của Trung Quốc có hình dạng giống như đàn cổ cầm, ban đầu có 50 dây sau được đổi thành 25 dây, dưới mỗi dây có một cột, thường hợp tấu với cổ cầm.

Bản dịch tham khảo

Đến thời Thần Nông Thị ông bắt đầu chấn hưng hoạt động buôn bán và phát minh ra nông cụ để xới đất; Phục Hy Thị đã phát minh ra các nhạc cụ như cổ cầm và đàn sắt, thiết lập nghi lễ hôn nhân giữa nam và nữ.

Đọc sách luận bút

Những kiến thức trong bài học này cho các em biết nguồn gốc của kinh doanh, nông nghiệp, lễ nhạc và giáo hóa nhân luân. Thần Nông Thị Viêm Đế và Phục Hy Thị là thủy tổ của những nền văn minh này, rất xa trước thời kỳ 5.000 năm văn minh này.

Theo lập luận của cuốn “Lịch sử Văn hóa Thần truyền Trung Quốc chính thuật”, 5.000 năm trước đã có ghi chép sử liệu một cách có hệ thống, cũng tức là trước thời Hoàng Đế đã có tồn tại một thời đại Tam Hoàng rất lâu dài, thời kỳ này đa số được lưu truyền lại dưới hình thức các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết, các vị Hoàng đế này đều thần thông đại hiển, vốn có đạo đức thánh thiện, đều ở trong hình tượng nửa Thần nửa người mà giáo hóa nhân loại, chế định ra lễ nhạc để quy chính nhân tâm, định ra hôn nhân để hiểu rõ nhân luân, đưa nhân loại từ thời mông muội u mê tiến đến được khai hóa, từng bước tiến vào nền văn minh săn bắt ngư thú và văn minh nông nghiệp, cuối cùng mới tiến vào thời đại Hoàng Đế bắt đầu giáo hóa nhân văn 5.000 năm này.

Về chuyện của Tam Hoàng có rất nhiều thuyết, trong bài học này chúng ta đề cập đến Viêm Đế và Phục Hy, cả hai đều thuộc Tam Hoàng, do đó chúng ta gọi Viêm Đế và Phục Hy là các Đế vương thời kỳ Tam Hoàng.

Phục Hy đến từ Hoa Tư Quốc thần bí

Kỳ thực Phục Hy có trước Viêm Đế rất lâu, ở đây chúng ta sẽ đề cập đến việc ông là người đầu tiên lập ra lễ nhạc, chế độ hôn nhân và nhân luân, làm cho loài người hiểu được sự khác biệt với loài thú. Từ đó con người có được mối quan hệ nhân luân trong gia đình một cách ổn định, từ bỏ tình trạng quần hôn chỉ biết có mẹ mà không biết cha, mới biết những lý niệm nhân luân như tình cha con, đạo vợ chồng, tôn ti trật tự già trẻ, v.v.. , từ đó mà việc giáo hóa đạo đức bước đầu được hình thành.

Theo truyền thuyết trong thời Tam Hoàng, có một nơi gọi là Hoa Tư Quốc, Hoa Tư Quốc là một đất nước nửa Thần nửa nhân rất Thần bí, ở đó có một cái đầm lớn tên là Lôi. Một ngày nọ, có một dấu chân của người khổng lồ xuất hiện bên đầm Lôi. Hoa Tư Quốc có một cô trinh nữ tên là Hoa Tư Thị, vì tò mò mà dẫm lên dấu chân người khổng lồ đó, rồi có thai mà sinh ra Phục Hy Thị.

Sách “Liệt Tử, Hoàng Đế thiên” có viết: Hoàng Đế ban ngày mộng du, đã đến Hoa Tư Quốc. Hoa Tư Quốc rất xa xôi và huyền bí, con người không thể đến đó được mà chỉ có thể “thần du” đến đó mà thôi. Đất nước này không có người cai trị, mọi thứ đều hòa hợp với thiên nhiên, người dân không có tư dục, không có yêu ghét, không đau khổ, không tham sống và không sợ chết, có thể bay trên không trung, có thần lực, và vạn vật trong tự nhiên không thể làm hại họ, đó là một miền đất Cực Lạc kỳ diệu. Hoàng Đế tỉnh dậy và ngộ ra Đạo trị quốc, sau 28 năm, ông đã trị vì đất nước giống như Hoa Tư Quốc.

Những ghi chép này nói rõ rằng những nhạc cụ cổ như đần cầm đàn sắt và lễ nhạc cũng như chế độ hôn nhân do Phục Hy đặt ra đều đến từ vương quốc bán Thần Hoa Tư Quốc, là những thứ vốn thuộc về thế giới của Thần, sau này lại lần nữa đã được Hoàng Đế nhìn thấy trong giấc mơ, và thông qua Hoàng Đế mà thời kỳ nền văn minh 5.000 này chính thức được mở ra. Thời kỳ này, Hoàng Đế trị vì đất nước cũng giống như tu Đạo, được điểm hóa trong mộng, không ngừng đề cao cảnh giới đạo đức, vì thế mà thiên hạ đại trị, ông cũng đắc Đạo viên mãn, thăng thiên thành Thần.

Những truyền thuyết viễn cổ này đã nhiều lần nhắc nhở con người rằng nền văn minh của nhân loại là do Thần an bài một cách có hệ thống qua các Thánh Vương mà truyền cấp cho nhân loại.

Người ta nói rằng sau Phục Hy, là Nữ Oa Thị kế thừa, nhưng bà không phải là Thần Nữ Oa đã tạo ra con người. Đó là vị nữ hoàng kế thừa đế vị của Phục Hy, bà chính là cầu nối hôn nhân giữa nam nữ, trở thành bà mối đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, và được các thế hệ sau coi là tổ tiên của “Thần mai mối”. Bà hoàn thiện chế độ giá thú do Phục Hy Thị thiết lập và quy định chi tiết hơn về đạo đức nhân luân.

Viêm Đế tu Đạo, cưỡi hạc về trời

Thần Nông thuộc về hỏa trong ngũ hành, dựa vào Hỏa Đức mà làm vua, là Thần Mặt Trời giáng sinh, nên xưng là Viêm Đế, ông đem đến cho con người sức sống vô hạn. Việc trồng trọt các loại ngũ cốc, trà đạo, y dược v.v đều dựa vào mặt trời, tôn định nên cơ sở và nền văn minh khiến cho con người và vạn vật có thể phát triển phồn vinh. Ông định ra việc mua bán tiến hành vào giờ Chính Ngọ, cũng thể hiện ra đức tính của Hỏa Đức.

Truyền thuyết nói rằng mẹ của Thần Nông là phi của Thiếu Điển, tên là Nữ Đăng, còn gọi là Nhiệm Tự. Khi Nữ Đăng đi chơi ở núi Thường Dương vùng Hoa Dương, nhìn thấy đầu của Thần Long, cảm xúc mà mang thai, rồi sinh ra Thần Nông thị.

Thần Nông thị sinh ra đã có thần thông, nhưng không giống như Phục Hy, ông cần tu Đạo mới có thể bay lên Trời thành Thần, trong sách Trang Tử có chép câu chuyện Thần Nông học Đạo từ Lão Long Cát. Điều đó chứng tỏ rằng ông là người tu Đạo. Sau đó Thần Nông thị đã cưỡi hạc tiên mà bạch nhật phi thăng, tu Đạo viên mãn. Cũng chính là nói rằng, tương tự như Hoàng Đế, người đã để lại cho hậu nhân sách “Hoàng Đế nội kinh”, ông cũng chỉ có trách nhiệm lưu lại cho hậu thế văn hóa tu luyện tu Đạo thành Thần. Chỉ khác là Hoàng Đế cưỡi rồng phi Thiên mà thôi. Thần Nông Giá nằm trong rừng nguyên sinh tỉnh Hồ Bắc, là nơi mà năm xưa Thần Nông hái thuốc cứu người. Bởi vì khi đó Thần Nông thị hái thuốc, “giá mộc vi thê, dĩ trợ phan viên” (lấy gỗ làm một cái thang để leo lên) nên được gọi là “Thần Nông Giá”. Truyền thuyết kể rằng khi Thần Nông thị cùng vị đại thần thân cận đi hái thuốc ở đây thì đột nhiên một con hạc tiên từ trên trời bay xuống, họ bèn cưỡi lên hạc tiên mà bay lên trời. Cho đến nay di tích cổ vẫn còn đó. Núi Liệt Sơn phía Bắc thành phố Tùy Châu, còn lưu lại những công trình kiến trúc cổ xưa như động Thần Nông, giếng Thần Nông, nhà Thần Nông, đền Thần Nông, miếu Viêm Đế. Những chiếc bàn đá, ghế đá, bát đá và giường đá trong động Thần Nông tương truyền là các dụng cụ do Thần Nông sử dụng ngày xưa.

Thần Nông thị dùng đức trị quốc, đất nước không dùng đến pháp luật mà thiên hạ vẫn quy phục, tự giác tuân theo. Sách “Đế vương thế kỷ” chép: Thời Viêm Đế, chư hầu Túc Sa thị khởi binh làm phản. Viêm Đế cho rằng sự việc này quy về tội là do ông thiếu Đức, nên chủ động thoái vị để tu Đức. Dân chúng của Túc Sa sau khi nghe thấy tin đó liền hổ thẹn mà quay giáo tấn công Túc Sa thị rồi quy thuận Viêm Đế. Cho thấy đức hạnh của ông đã sớm ăn sâu vào lòng dân, các vị đế vương thông thường đời sau đều không thể đạt được uy danh như vậy, nên việc giáo hóa cho thần dân của họ đương nhiên sẽ không theo kịp, nên khi gặp vấn đề cũng không thể xử lý việc chính sự một cách rập khuôn theo nguyên dạng, nhưng Thánh đức của tổ tiên sẽ luôn trở thành hình mẫu cho con cháu Viêm Hoàng dựa vào để dùng Đức mà trị vì.

Kể chuyện

Vị Đế của phương Nam – Viêm Đế Thần Nông thị

Viêm Đế tương truyền là anh em ruột với Hoàng Đế, cai quản đất phương Nam rực nóng ánh mặt trời, là thần Mặt trời, cũng là Thần của nông nghiệp và y dược. Truyền thuyết kể rằng tướng mạo ông là mình người đầu trâu, là người phát minh ra canh tác nông nghiệp và y dược, ông cũng là người khởi xướng chợ buôn bán vào buổi trưa, thành lập chợ giao dịch vật đổi vật.

Khi nhân loại sinh sôi đông dần lên, thì lương thực thu được bằng phương thức du mục và săn bắn không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người, Viêm Đế đã tìm kiếm khắp nơi để có phương pháp sản sinh ra lương thực. Nghe nói một ngày nọ, lúa từ trên Trời rơi xuống (có thuyết nói là chim sẻ ngậm chín bông lúa đến), ông liền lệnh cho bách tính thu gom lại hạt giống lúa, sau đó gieo lên mảnh ruộng đất vàng đã được khai khẩn, sau đó dẫn nước vào tưới, làm cho ngũ cốc thuận lợi phát triển, bách tính có đủ lương thực. Để cho việc canh tác thuận lợi hơn, Thần Nông thị “đẽo gỗ làm cuốc, uốn gỗ làm cày” (Kinh Dịch, Hệ từ) phát minh ra nông cụ như cái cày, cái cuốc để xới đất, nâng cao hiệu quả canh tác, tạo ra cơ sở tốt cho nông nghiệp phát triển, từ đó kết thúc lối sống du mục của người dân. Bách tính cảm tạ ân đức của ông nên tôn ông là “Thần Nông”, nghĩa tức là “Thần của nông nghiệp”.

Sau khi cuộc sống của nhân dân ổn định và lương thực không còn thiếu thốn, họ đương nhiên có nhu cầu buôn bán, vì vậy mà Viêm Đế đặt ra “Giữa trưa họp chợ, tập hợp dân chúng trong thiên hạ, gom hàng hóa thiên hạ, giao dịch mua bán xong rồi về, mọi người đều có những thứ họ cần” (Nhật trung vi thị. Chí thiên hạ chi dân. Tụ thiên hạ chi hóa. Giao dịch nhi thoái. Các đắc kỳ sở. ‘Kinh Dịch-Hệ từ hạ’). Hướng dẫn cho dân chúng lập “chợ” và chọn thời gian cố định để giao dịch. Viêm Đế là Thần Mặt Trời nên đương nhiên chọn buổi trưa nóng nhất trong ngày, bảo mọi người gom hàng hóa đến chợ, lấy vật đổi vật, qua một khoảng thời gian thì chợ sẽ tan.

Theo truyền thuyết, người xưa bị bệnh nhưng không biết chữa trị như thế nào, Viêm Đế đã nếm thử hàng trăm loại thảo dược, tìm ra đặc tính hàn, nhiệt, ôn hòa của dược thảo, nêu ra những điều cấm kỵ phối hợp chúng với nhau và viết thành sách y học, dạy mọi người cách phân biệt như thế nào các loại dược thảo và sử dụng các loại dược thảo để chữa bệnh. Tương truyền, để nếm được vị thuốc, ông đã từng ăn 70 loại thảo dược độc trong một ngày, nhưng tất cả đều được ông hóa giải. Một truyền thuyết khác kể rằng Thần Nông có một cây roi thần gọi là “Giả Tiên” (roi đỏ), chỉ cần dùng roi đó quất vào các loại cỏ cây hoa lá là có thể biết được các loại dược thảo có độc hay không, thậm chí cả tính hàn nhiệt của cây cỏ cũng sẽ được hiển lộ ra. Vì vậy Viêm Đế đã để lại cuốn sách “Thần Nông bản thảo kinh”, ông cũng được tôn là Thần y dược và là ông tổ của Trung Y.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/249172



Ngày đăng: 20-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.