Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (22): Xem sự tích minh quân và trung thần



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và chú âm

唐(ㄊㄤˊ) 太(ㄊㄞˋ) 宗(ㄗㄨㄥ) 為(ㄨㄟˋ) 臣(ㄔㄣˊ) 療(ㄌㄧㄠˊ) 病(ㄅㄧㄥˋ),親(ㄑㄧㄣ) 剪(ㄐㄧㄢˇ) 其(ㄑㄧˊ) 须(ㄒㄩ);

颜(ㄧㄢˊ) 杲(ㄍㄠˇ) 卿(ㄑㄧㄥ) 罵(ㄇㄚˋ) 贼(ㄗㄟˊ) 不(ㄅㄨˋ) 輟(ㄔㄨㄛˋ), 贼(ㄗㄟˊ) 斷(ㄉㄨㄢˋ) 其(ㄑㄧˊ) 舌(ㄕㄜˊ)。

Bính âm

唐(Táng) 太(Tài) 宗(zōng) 为(wèi) 臣(chén) 疗(liáo) 病(bìng),亲(qīn) 剪(jiǎn) 其(qí) 须(xū);

颜(Yán) 杲(Qǎo) 卿(qīng) 骂(mà) 贼(zéi) 不(bù) 辍(chuò), 贼(zéi) 断(duàn) 其(qí) 舌(shé)。

Âm Hán Việt

Đường Thái Tông vị thần liệu bệnh, thân tiễn kỳ tu;

Nhan Cảo Khanh mạ tặc bất xuyết, tặc đoạn kỳ thiệt.

Giải nghĩa từ ngữ

(1)唐太宗 (Đường Thái Tông): Đường Thái Tông tên thật là Lý Thế Dân, vị hoàng đế anh minh trọng dụng người có đức có tài, nghe lời can ngăn, quốc thái dân an. Sử gọi là thời “Trinh Quán chi trị”.

(2) 颜杲卿 (Nhan Cảo Khanh): người ở Lang Nha thời Đường, làm Thái thú huyện Thường Sơn thời Đường Huyền Tông. Khi loạn Sử An, ông khởi binh đánh kẻ phản loạn nhưng thất bại ông bị bắt, ông đã trừng mắt nhìn (mở to mắt, tức giận nhìn) và không ngừng mắng chửi giặc, bị An Lộc Sơn lệnh cho người cắt lưỡi, máu phun ra mà chết.

(3)辍 (Xuyết): ngừng nghỉ

(4)断 (Đoạn):đứt, gẫy, cắt đứt

Bản dịch tham khảo

Đường Thái Tông tự tay cắt râu mình làm vị thuốc trị bệnh cho thần tử là Lý Tích. Nhan Cảo Khanh mắng chửi thậm tệ phản tặc, không chịu khuất phục, bị An Lộc Sơn cắt đứt lưỡi.

Đọc sách luận bút

Hai điển cố trong bài, một là về quân vương, một là về thần tử, tuy nhiên không phải quân thần cùng một thời đại, nhưng cũng thể hiện đạo quân thần với chủ đề nhân nghĩa, dùng lời của ngày nay mà nói chính là đạo xử thế về nhân nghĩa và trung nghĩa giữa cấp trên, lãnh đạo và cấp dưới.

Làm vua thì phải giống như Đường Thái Tông, chăm sóc yêu thương thần dân như người cha, để cứu chữa cho bề tôi, ông đã tự tay cắt râu để làm thuốc. Và thần dân phải giống lớp con cái có lòng trung nghĩa kính trọng quân chủ để bảo gia vệ quốc. Cho nên từ xưa đã có câu nói: “quân quân thần thần, phụ phụ tử tử” (vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con), mối quan hệ quân thần cũng thường được ví với quan hệ cha con. Mục đích là để nhắc nhở những người với thân phận khác nhau đều cần phải gánh vác nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, và bậc quân vương càng cần phải là tấm gương mẫu mực của người quân tử.

Người quân tử trước hết phải nhân ái, vô tư, càng cần phải hiểu được rõ đúng sai thiện ác, chỉ dùng người có đức có tài, bản thân ở địa vị cao thì càng khiêm cung đối đãi người khác, chiêu hiền đãi sĩ, có lỗi tất phải sửa ngay, đây là phẩm đức của người quân tử mà Khổng Tử đã nói, nhà vua phải trở thành hình mẫu cho quân tử và thần dân trong thiên hạ. Do đó tuyệt đối không thể ở ngôi cao mà sinh cái tâm ngạo mạn ngang ngược. Khổng Tử đã dạy: “Vi chính dĩ đức”, tức là dùng đức để quản lý, cai quản đất nước. Những điều này, Đường Thái Tông đã làm được, ngài đã trở thành một vị đế vương tài đức sáng suốt vĩ đại của Trung Hoa, đây chính là kết quả của việc thực hành “Vi chính dĩ đức”. Danh xưng Văn minh Hoa Hạ và lễ nghi chi bang rực rỡ huy hoàng không ai sánh nổi trong ký ức của toàn thế giới ngày nay, tất cả đều bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ đối với triều Đường. Vì vậy mà “phố Đường Nhân” cũng là tên gọi khác để chỉ những khu phố Tàu hay phố Người Hoa ở khắp nơi trên thế giới. Người đời Đường trở thành hình tượng người Hoa văn minh nhất, đẹp nhất trong ký ức lịch sử.

Lòng trung nghĩa, không phải là ngu trung theo cách giáo dục của Trung Cộng ngày nay, đằng sau trung nghĩa luôn có chữ Nghĩa đi kèm, đây là một từ rất quan trọng, bởi vì Trung Quốc cũng có bài học “Trợ Trụ vi ngược” (nghĩa là giúp vua Trụ của nhà Thương, bạo ngược làm xằng làm bậy, tàn hại bách tính và thần tử). Nếu lòng trung một người làm trái với luân thường đạo lý và giúp bạo chúa giết hại bách tính, thì đã mất đi ý nghĩa của trung và trở thành công cụ hại người. Vì vậy hai chữ Trung và Nghĩa không thể tách rời, tiền đề của lòng trung nghĩa chính là phù hợp với đạo nghĩa. Đạo lý này cũng giống như cái lý của từ tín nghĩa.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng viết: “Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã”. Ý nghĩa là nói những việc như giữ vững chữ tín, ước hẹn, giao ước, chấp thuận, nó phải gần với đạo nghĩa, và phù hợp với đạo nghĩa, nếu không như thế thì không thể làm, không thể tùy tiện đáp ứng đối phương, nếu làm thì tương đương với làm điều xấu, vì vậy tình huống này phải chăng không tồn tại vấn đề giữ chữ tín. Do đó Trung Quốc cổ đại mới có câu giáo huấn người đời: “Trạch kỳ minh chủ nhi sự chi” (chọn minh chủ để phụng sự). Biết tránh xa kẻ tiểu nhân, nghe những lời trung tín, chọn theo những vị quân vương có tài có đức xứng đáng nhất để hầu hạ và tận trung. Có như vậy mới không tàn hại bách tính và không tạo ra tội nghiệp.

Nếu chúng ta làm bất cứ việc gì cũng có thể suy nghĩ xem những lựa chọn và hành vi của mình có hợp với lương tâm, hợp với trời đất, có hợp với đạo nghĩa hay không, như thế cuộc sống sẽ không có quá nhiều tiếc nuối, mất mát, không biết phải làm sao và nhiều điều bất an. Vì vậy mới nói rằng, cốt lõi của nền giáo dục cổ đại là dạy cho con người những giá trị quan đúng đắn, đạo lý đúng đắn để làm người. Dù là học sử, hay đọc các điển cố cũng vậy, tất cả đều dùng để giáo dục đạo đức, để cho bản tính thiện lương sẽ không bị cải biến và che giấu bởi các loại dục vọng.

Có người nói, vậy có những đế vương mắc sai lầm, vậy có nên lập tức rời xa ông ta không? Tất nhiên là không thể, ví dụ, nếu một người bạn mắc lỗi, vậy bạn có nên bỏ anh ta không? Cách làm đúng là đưa ra lời khuyên chân thành và chỉ cho anh ấy cơ hội sửa chữa sai lầm, đây mới đúng là một người bạn tốt, huống chi việc quốc gia đại sự. Đường Huyền Tông, hồ đồ trong những năm cuối đời, ông đã say mê âm nhạc, ca múa và sắc đẹp của Dương Quý Phi, bỏ bê công việc triều chính, dùng người không đúng, đã dẫn đến cuộc binh biến loạn An Sử. Mặc dù không dùng cực hình “Bào Lạc” để sát hại bách tính như Trụ Vương nhà Thương, cũng không làm các việc thương thiên hại lý mà giết hại trung lương và moi tim để làm thuốc cho Đát Kỷ, Đường Huyền Tông chỉ bất quá là mê đắm thanh sắc, nhất thời bị mù quáng mà thôi, nhưng cũng khiến người ta thấy được rằng sự hồ đồ của quân vương sẽ nguy hại đến nhường nào. Lúc này, các bề tôi phải can gián bậc đế vương bằng những lời khuyên trung nghĩa, đồng thời phải bảo vệ quốc gia và bách tính; thay vì bỏ rơi vua, để cho đất nước dễ rơi vào loạn lạc, chiến tranh có thể dẫn đến sự thay đổi triều đại.

Bởi vì quá trình chia cắt và thống nhất vô cùng lâu dài và tàn khốc; thời Xuân Thu và Chiến Quốc triều Chu, thời Tam Quốc lưỡng Tấn Nam Bắc triều cuối nhà Hán, Ngũ đại và Thập quốc vào cuối thời Đường, v.v… quá trình phân chia và thống nhất thường trải qua chiến tranh và loạn lạc hàng trăm năm, cho nên nếu không đến mức thiên lý bất dung, thì không thể tùy tiện thay đổi các triều đại và phế truất nhà vua được. Điều này được thực hiện bởi các trung thần, mục đích là bảo vệ quốc gia và bách tính để có được nền thái bình rất khó khăn mới giành được. Điều này cũng là phù hợp với lẽ phải của Trung Nghĩa.

Kể chuyện

Cắt râu làm thuốc

Đường Thái Tông luôn có tình nghĩa sâu nặng với các tướng lĩnh cùng chinh chiến thiên hạ với mình trong những năm đầu. Có một vị công thần là Lý Tích bị bạo bệnh, chữa trị lâu ngày mà không khỏi, Thái Tông đã mời ngự y của triều đình đến khám và trị cho Lý Tích. Sau khi bắt mạch, vị ngự y viết đơn thuốc và nói rằng chỉ cần lấy râu người đốt thành tro, uống cùng với thuốc thì bệnh này có thể chữa khỏi. Ngay khi nghe thấy điều đó, Thái Tông liền cắt bộ râu của mình và đốt nó thành tro để làm bài thuốc cho Lý Tích. Sau khi Lý Tích uống thuốc, bệnh tình ông ấy quả nhiên đã hồi phục.

Con người thời xưa tin rằng “thân thể tóc tai da thịt là của cha mẹ ban cho, không thể tùy tiện làm tổn thương”. Thế mà Thái Tông lại cắt râu của mình để chữa bệnh cho Lý Tích, vì thế Lý Tích đã vô cùng cảm kích trước ân tình của Thái Tông, ông bèn khấu đầu tạ ân khóc nức nở, dập đầu đến chảy máu. Nhưng Thái Tông chỉ nói: “Ta là đang nghĩ về quốc gia mà thôi, có gì để cảm ơn chứ?”

Cái lưỡi của Nhan Thường Sơn

Nhan Thường Sơn chính là Nhan Cảo Khanh vị quan thời nhà Đường. Vào thời loạn An Sử, Nhan Cảo Khanh làm Thái thú quận Thường Sơn, Sử Tư Minh dẫn binh áp sát, quân dân Thường Sơn đã chống cự với sức lực ít ỏi, ngày đêm chiến đấu gian khổ, tuy nhiên vì Tiết độ sứ Thái Nguyên là Vương Thừa Nghiệp không xuất binh cứu viện nên cuối cùng thành Thường Sơn cũng bị giặc công phá, Nhan Cảo Khanh và con là Nhan Quý Minh đều bị giặc bắt. Quân phản loạn kề dao vào cổ Nhan Quý Minh để bức Nhan Cảo Khanh đầu hàng nhưng ông từ chối, Quý Minh bị chúng giết. Sau đó Nhan Cảo Khanh bị áp tải đến Lạc Dương, khi nhìn thấy An Lộc Sơn, Nhan Cảo Khanh liền liên tục lớn tiếng thóa mạ tên phản tặc, quân phản loạn liền cắt lưỡi ông, nhưng ông vẫn cứ thế ú ớ thóa mạ cho đến khi chết vẫn không khuất phục.

Trong “Chính khí ca” do Văn Thiên Tường thời Nam Tống viết, ông đã liệt kê các trung thần nghĩa sĩ của các triều đại trước, trong đó đề cập đến “lưỡi của Nhan Thường Sơn”, điều nói đến chính là sự tích lẫm liệt của Nhan Thường Sơn dù bị cắt lưỡi những vẫn phun máu và thóa mạ quân giặc cho đến chết.

Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248605



Ngày đăng: 22-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.