Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (23): Tấm chăn vải 10 năm



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và Chú âm

卜(ㄅㄛ˙) 子(ㄗ˙) 夏(ㄒㄧㄚˋ) 甚(ㄕㄣˋ) 貧(ㄆㄧㄣˊ),

鹑(ㄔㄨㄣˊ) 衣(ㄧ) 百(ㄅㄞˇ) 結(ㄐㄧㄝˊ);

公(ㄍㄨㄥ) 孫(ㄙㄨㄣ) 弘(ㄏㄨㄥˊ) 甚(ㄕㄣˋ) 儉(ㄐㄧㄢˇ),

布(ㄅㄨˋ) 被(ㄅㄟˋ) 十(ㄕˊ) 年(ㄋㄧㄢˊ)。

Bính âm

卜(Bǔ) 子(Zǐ) 夏(Xià) 甚(shèn) 贫(pín),

鹑(chún) 衣(yī) 百(bǎi) 结(jié);

公(Gōng) 孙(Sūn) 弘(Hóngˊ) 甚(shèn) 俭(jiǎn),

布(bù) 被(bèi) 十(shí) 年(nián)。

Âm Hán Việt

Bốc Tử Hạ thậm bần,

thuần y bách kết;

Công Tôn Hoằng thậm kiệm,

bố bị thập niên.

Giải nghĩa từ ngữ

(1)卜子夏 (Bốc Tử Hạ): tức là Tử Hạ, họ Bốc, tên Thương. Là người nước Vệ cuối đời Xuân Thu, là học trò của Khổng Tử. Ông là người giỏi văn chương. Sau khi Khổng Tử qua đời, ông đã dạy học ở Tây Hà, Ngụy Văn Hầu đã tôn ông làm thầy.

(2) 甚 (Thậm): rất, vô cùng.

(3) 鹑衣 (Thuần y): thuần 鹑 là con chim cút. Chim cút có cái đuôi cụt, lông màu nâu đỏ xen kẽ những đốm vàng, trông giống như một miếng vá cũ nên được dùng để chỉ những bộ quần áo sờn rách, chắp vá.

(4) 百结 (Bách kết): Trăm mối nối, quần áo làm bằng vải vụn được kết nối với nhau, ví như quần áo cũ rách.

(5) 公孙弘 (Công Tôn Hoằng): người gốc Tứ Xuyên thời Tây Hán, nổi tiếng tiết kiệm.

(6) 俭 (Kiệm): tiết kiệm

(7) 布被 (Bố bị): chăn làm bằng vải thô

Bản dịch tham khảo

Gia cảnh nhà Tử Hạ nghèo khó, quần áo ông mặc vá víu nhiều chỗ, rách rưới tả tơi, nhưng ông không quan tâm, cam lòng với cuộc sống khốn khó; Công Tôn Hoằng rất tiết kiệm, sử dụng một tấm chăn vải thô suốt 10 năm.

Đọc sách luận bút

Bài học này rất đơn giản, chủ yếu lấy Tử Hạ đồ đệ giỏi của Khổng Tử và Công Tôn Hoằng danh tướng thời Tây Hán làm ví dụ để giảng về tầm quan trọng của tiết kiệm. Có một câu cổ ngữ: “Kiệm khả dưỡng đức” (Tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh).

Nói cách khác, người xưa cho rằng dù là học giả hay người làm quan thì cũng nên chú trọng dưỡng thành thói quen tốt là sống tiết kiệm. Vì vậy, ở đây nhắc nhở trẻ em ngay từ nhỏ nên học tập Tử Hạ, người sáng lập truyền kinh (truyền thụ kinh thư Nho gia) và Công Tôn Hoằng người ở địa vị Tam Công mà vẫn duy trì cuộc sống chất phác của những người dân thường, như vậy mới có thể dưỡng thành đức hạnh cho mình.

Tại sao tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh? Bởi vì dục vọng của con người là vô tận, nếu con người không biết kiềm chế dục vọng, một mực truy cầu vật chất và hưởng lạc, họ sẽ tự nhiên phát triển chấp trước vào quyền thế và của cái. Để có được những điều này, người ta dễ dàng từ bỏ phẩm hạnh làm người, dần dà sẽ làm việc khuất tất mà đi đến nguy hiểm không lối thoát, đến bước phạm tội trái pháp luật, cho nên mới xuất hiện câu nói “Người chết vì tiền”. Khi con người không có gì và thường xuyên đói khát, mong muốn của họ lúc đó chính là được ăn no mặc ấm, chỉ như vậy đã thấy thỏa mãn rồi; nhưng khi thực sự có cơm ăn áo mặc thì người ta lại mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn. Vì vậy chỉ khi hiểu được sự đáng sợ của dục vọng, có lý tính mà đối đãi với ham muốn vật chất và kiềm chế bản thân, ta mới có thể không rơi vào cạm bẫy của ham muốn vật chất, từ đó không bị rời xa khỏi nhân đức. Có thể thấy người xưa nói đến việc tiết kiệm đối với người làm quan, không chỉ là để làm gương cho dân, cũng không chỉ quý trọng dân, nguyên nhân lớn hơn nằm ở việc kiềm chế ham muốn cá nhân, mới có thể duy trì giữ vững đạo đức.

Vì vậy có một câu ngạn ngữ cổ: “Vô dục tắc cương” (Nếu không có ham muốn nơi thế tục thì mới có thể ngay thẳng kiên cường được). Một người không màng danh lợi, sống giản dị, thanh đạm, lấy khổ làm vui, sẽ không dễ dàng lung lay nguyên tắc làm người của mình. Bởi vì bất kỳ lợi ích và thú vui nào đều cũng đều không phải là những gì người đó theo đuổi, thì người đó sẽ hoàn toàn không động tâm đối với bất cứ được mất, cám dỗ nào. Quan chức cao bổng lộc dày, công danh lợi ích đều không phải là thứ họ truy cầu, vậy nên dẫu có mất tất cả những thứ này họ cũng không sợ và cũng không để tâm đến chúng. Một khi đã không để tâm đến chúng nữa thì còn có ai hay việc gì có thể đe dọa bản thân, hoặc lay chuyển bản thân để họ từ bỏ những nguyên tắc và tiết tháo làm người? Đây chẳng phải là người kiên cường bất khuất nhất sao? Vì vậy không có dục vọng nào thì sẽ kiên cường, ai cũng không thể làm mình thay đổi khí tiết được. Cũng có nghĩa là có thể đạt tới cảnh giới mà cổ nhân đã nói “bần tiện bất di, uy vũ bất khuất” (không vì nghèo hèn mà thay đổi tiết tháo, không vì uy vũ mà khuất phục). Vậy nên, tiết kiệm là cách tốt nhất để dưỡng đức.

Hãy nhìn vào cuộc sống hiện đại ngày nay, ham muốn vật chất đã được phóng đại vô cùng, hậu quả tạo thành chính là sự bại hoại nhanh chóng về đạo đức và sự đổ vỡ của các mối quan hệ giữa con người với nhau, về điểm này không cần nói nhiều ai cũng thấy hậu quả nghiêm trọng của nó.

Kể chuyện

Yến Anh nỗ lực thực hành tiết kiệm

Yến Anh là tướng quốc nổi tiếng của nước Tề thời Xuân Thu, cũng là một chính trị gia, nhà tư tưởng và nhà ngoại giao nổi tiếng. Ông phò tá vua Linh Công, Trang Công, Cảnh Công trải qua ba triều trong hơn 40 năm, có thể gọi ông là “nguyên lão tam triều”.

Yến Anh tuy bản thân có địa vị cao là tướng quốc, nhưng cuộc sống lại hết sức giản dị. Ông dùng một chiếc áo choàng lông cáo suốt 30 năm, bản thân không những không để ý đến chuyện cơm ăn áo mặc mà còn nghiêm khắc yêu cầu người nhà không mặc lụa là, không đeo đồ trang sức đắt tiền. Tề Cảnh Công rất coi trọng Yến Anh, đã nhiều lần ban thưởng nhưng đều bị ông từ chối. Yến Anh cho rằng người có địa vị và quyền lực cao nên lấy mình làm gương, mới có thể lãnh đạo bách tính và cải thiện được nếp sống tập tục của xã hội.

Tề Cảnh Công thấy Yến Anh ở gần chợ, địa thế thấp trũng, ẩm thấp, nhỏ hẹp, bẩn thỉu, ồn ào, bụi bặm cuốn lên, không phải là một nơi ở tốt, nên muốn giúp ông đổi sang một chỗ ở mới khô ráo và yên tĩnh. Yến Anh không đồng ý, nhẹ nhàng khước từ và nói: “Tổ tiên của thần đã sống ở đây bao đời nay, thần còn lo tài đức mình chưa đủ, không có tư cách để thừa kế ngôi nhà này. Vì vậy thần rất mãn nguyện khi sống ở đây. Hơn nữa lại gần chợ, sáng tối ra ngoài mua đồ rất tiện, lại có thể hiểu rõ thêm được nhiều tâm tình nguyện vọng của dân, thật sự không dám làm phiền đại vương xây nhà khác cho thần”.

Tề Cảnh Công nghe vậy, cười mà hỏi rằng: “Khanh sống gần chợ, nhất định biết thứ gì là đắt và thứ gì là rẻ chứ?”

Thời điểm đó, Tề Cảnh Công hỷ nộ thất thường nên hay lạm dụng hình phạt, rất nhiều phạm nhân bị chặt chân, nên ở chợ có nhiều thương nhân chuyên môn bán chân tay giả. Yến Anh muốn nhân chuyện này mà can ngăn Tề Cảnh Công nên liền trả lời: “Chân giả đắt, giày rẻ hơn” (Dũng quý lũ tiện). Tề Cảnh Công nghe xong cảm thấy như có một gậy cảnh tỉnh, nên từ đó hình phạt được giảm nhẹ.

Sau đó khi Yến Anh đi sứ đến nước Tấn, Cảnh Công đã nhân cơ hội này để xây lại nhà ở cho ông, khi Yến Anh trở về thì ngôi nhà mới đã được xây dựng xong. Sau khi Yến Anh cảm ơn Cảnh Công theo nghi lễ, ông đã sai người đến tháo dỡ ngôi nhà đó và phân phát số gỗ đã tháo dỡ cho hàng xóm. Đồng thời, cho dựng lại những ngôi nhà lân cận bị cưỡng chế phá dỡ để làm nhà của ông, mời những người hàng xóm quay về.

Yến Anh lấy tiêu chuẩn đạo đức cao thượng để yêu cầu bản thân, lấy thân làm gương, đề cao việc tiết kiệm, phản đối xa hoa, đối với hậu thế có ảnh hưởng rất lớn. Tư Mã Thiên rất tôn sùng ông ấy, thường so sánh ông với Quản Trọng. Khổng Tử cũng từng khen ngợi ông ấy: “Cứu dân trăm họ mà không khoe khoang, lời nói và việc làm đều để bổ khuyết cho lỗi lầm của ba vị vua mà không khoe công, Yến Tử quả thực là bậc quân tử”.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248606



Ngày đăng: 13-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.