Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (17): Nói xấu người khác và chính quyền tàn bạo



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và Chú âm

讒(ㄔㄢˊ) 口(ㄎㄡˇ) 中(ㄓㄨㄥˋ) 傷(ㄕㄤ),

金(ㄐㄧㄣ) 可(ㄎㄜˇ) 鑠(ㄕㄨㄛˋ) 而(ㄦˊ) 骨(ㄍㄨˇ) 可(ㄎㄜˇ) 銷(ㄒㄧㄠ);

虐(ㄋㄩㄝˋ) 政(ㄓㄥˋ) 誅(ㄓㄨ) 求(ㄑㄧㄡˊ),

敲(ㄑㄧㄠ) 其(ㄑㄧˊ) 膚(ㄈㄨ) 而(ㄦˊ) 吸(ㄒㄧ) 其(ㄑㄧˊ) 髓(ㄙㄨㄟˇ)。

Bính âm

谗(Chán) 口(kǒu) 中(zhòng) 伤(shāng),

金(jīn) 可(kě) 铄(shuò) 而(ér) 骨(gǔ) 可(kě) 销(xiāo);

虐(nüè) 政(zhèng) 诛(zhū) 求(qiú),

敲(qiāo) 其(qí) 肤(fū) 而(ér) 吸(xī) 其(qí) 髓(suǐ)。

Âm Hán Việt

Sàm khẩu trúng thương,

kim khả thước nhi cốt khả tiêu;

ngược chính tru cầu,

xao kỳ phu nhi hấp kì tuý.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 讒 (Sàm): Nói xấu người khác.

(2) 中傷 (Trúng thương): Chỉ trích ác ý và hãm hại người khác.

(3) 鑠 (Thước): Nóng chảy.

(4) 銷 (Tiêu): Tiêu tan.

(5) 虐 (Ngược): Bạo ngược, tàn bạo.

(6) 誅求 (Tru cầu): Hạch sách, vòi vĩnh.

(7) 敲 (Xao): Bắt chẹt, bóc lột.

(8) 吸 (Hấp): Hấp thu.

(9) 髓 (Tủy): Tủy xương.

Bản dịch tham khảo

Tung tin đồn nhảm, công kích ác ý, hãm hại người khác, lẫn lộn đúng sai, có tạo thành một sức ép dư luận đủ để làm tan chảy vàng sắt, tan nát xương cốt, đẩy người tốt đến chỗ chết; chính quyền tàn khốc bạo ngược tàn ác đòi hỏi vô độ với người dân, giống như lột da của bách tính, hút xương tuỷ của muôn dân.

Đọc sách luận bút

Sự vu khống và chính quyền bạo ngược được giảng trong bài học này chính là sự vu khống và chính quyền độc tài hà khắc được nói đến ngày nay. Tất cả đều là để cảnh báo với trẻ em rằng phải ghi nhớ trong tâm tính nghiêm trọng của hai hành vi độc ác này, và không được làm tổn thương người khác. Sự đáng sợ của những lời vu khống bịa đặt thì ai ai cũng biết rằng nó có thể bôi nhọ danh dự và khiến người ta không có chỗ đứng trong xã hội. Nó hại người còn hơn cả đao kiếm. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta chủ yếu giảng về “hà chính mãnh ư hổ” (chính quyền hà khắc còn đáng sợ hơn cả hổ dữ). Đây là câu nói của Khổng Tử.

Câu chuyện kể về “Hà chính mãnh ư hổ” như sau: Một hôm, Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, đến trước một ngôi mộ cạnh núi Thái Sơn, ông thấy một người phụ nữ đang khóc rất bi thương. Khổng Tử nghe thấy tiếng khóc thê lương, bèn bảo Tử Lộ bước đến hỏi thăm. Tử Lộ hỏi: Thưa đại nương, bác khóc bi thương như thế, có phải là có chuyện gì đau lòng phải không? Người phụ nữ nói: bố chồng tôi bị hổ ăn thịt, chồng tôi cũng bị hổ ăn thịt, nay con trai tôi lại bị hổ ăn thịt. Tử Lộ liền hỏi: Tại sao bác không đi khỏi đây? Người phụ nữ nói: đến đâu cũng đều là chính quyền hà khắc! Ít nhất là ở đây không có chính quyền hà khắc. Khổng Tử vô cùng xúc động nói với các học trò: Nhất thiết phải nhớ kỹ điều này! Hà chính mãnh ư hổ”. Chính quyền tàn bạo hà khắc còn hung dữ và đáng sợ hơn hổ.

Câu chuyện này xuất phát từ cuốn “Lễ Kí · Đàn Cung”. Nguyên văn như sau: “Khổng Tử thích Tề, quá Thái Sơn, hữu phụ nhân khốc ư mộ, sử Tử Lộ vấn chi. Đáp viết: tích ngô cữu (chú giải: cổ thời đối trượng phu phụ thân dã tựu thị công công đích xưng hô) tử ư hổ, ngô phu hựu tử dã, kim ngô tử hựu tử dã. Tử Lộ viết: Hà bất khứ hồ? Phụ viết: Vô hà chính. Tử Lộ dĩ cáo. Khổng Tử viết: Tiểu tử thức chi, hà chính mãnh ư hổ dã”. Tạm dịch: “Khổng Tử đến nước Tề, qua núi Thái Sơn, thấy một phụ nữ khóc trước mộ, bèn sai Tử Lộ đến hỏi. Người phụ nữ đáp: Xưa bố chồng tôi bị chết vì hổ (thời xưa xưng hô với bố chồng là công công), chồng tôi cũng bị hổ ăn thịt, hôm nay con trai tôi lại bị hổ ăn thịt rồi. Tử Lộ nói: Sao không đi nơi khác? Người phụ nữ nói: Không nơi nào không có chính quyền hà khắc. Tử Lộ liền thuật lại. Khổng Tử nói: Các trò thấy đó, chính quyền hà khắc đáng sợ hơn hổ dữ”.

Theo cuốn “Hán Thư · Nghệ Văn Chí”, Lễ Ký là một cuốn sách do các học trò của Khổng Tử đã nghe Khổng Tử truyền thụ học vấn có liên quan về lễ nghi, sau đó ghi chép tập hợp lại mà thành. Cũng có cách nói khác, các học trò đời sau của Khổng Tử đã thu thập biên soạn một bộ sách có liên quan về kiến thức lễ nghi. Nhưng cách nói hợp lý hơn là bộ sách được viết bởi cả hai cách nói này.

Vào thời nhà Hán, các tác phẩm kinh điển của Khổng Tử được gọi là “Kinh”, các tác phẩm giải thích “Kinh” do học trò của Khổng Tử biên soạn được gọi là “Truyện” hoặc “Ký”, do đó có tên là “Lễ Ký”, tức là cách giải thích đối với “Lễ”. Cuốn Lễ Ký đầu thời Tây Hán tổng cộng có 131 thiên. Nó là một tác phẩm quan trọng biên soạn về lễ học thời cổ đại. Tương truyền, Đới Đức đã chọn ra 85 thiên trong đó mà soạn thành sách được gọi là “Đại Đới Lễ Ký”. Đới Thánh lại chọn ra 49 thiên trong đó mà soạn thành “Tiểu Đới Lễ ký”. Vào cuối thời Đông Hán, bản Đại Đới không thịnh hành, bản Tiểu Đới được độc quyền gọi là “Lễ Ký”, Trịnh Huyền đã chú giải, thế là địa vị của “Lễ Ký” được nâng lên thành kinh điển của Nho gia.

Đã hơn hai nghìn năm trôi qua kể từ thời đại Xuân Thu của Khổng Tử, nhưng hiện tượng chính quyền hà khắc nhất trong lịch lại không phải là thời Xuân Thu khi mà các nước chư hầu vào cuối thời nhà Chu đã chinh chiến với nhau để xưng bá, mà là thời kỳ được gọi là hòa bình sau năm 1949 của Trung Quốc, 80 triệu người đã chết trong các cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ, bao gồm cả Cách mạng Văn hóa, hoàn toàn không liên quan gì đến chiến tranh, nhưng tổng số người chết lại cao hơn nhiều so với tổng số người chết trong hai cuộc chiến tranh thế giới, đó đều là những cái chết không bình thường dưới chế độ hà khắc trong thời kỳ hòa bình. Nếu Khổng Tử còn sống đến ngày nay, không biết Ngài sẽ xúc động đến mức nào, đây là phiên bản hiện đại của “chính quyền hà khắc”, chính quyền đó nào chỉ “đáng sợ hơn cả mãnh hổ”. Hổ dù có đáng sợ và hung ác đến đâu, thì phạm vi và mức độ tác hại của nó cũng rất hạn chế, nhưng chính quyền hà khắc ngày nay có thể gây hại cho người dân cả nước, quả thực là loài hổ theo không kịp.

Những lời này của Khổng Tử phản ánh tư tưởng của ông về việc trị quốc bằng đức. Tư tưởng đó cũng là nguồn gốc của cách nói bạo chính trong bài này. Ngày nay con người đã không còn được giáo dục đạo đức truyền thống, vì vậy con người không dễ phân biệt được giữa thiện và ác, không rõ đúng sai, thích đấu tranh hung hãn, vì thế mà phải gánh chịu tai họa nặng nề nhất. Việc khôi phục giáo dục truyền thống, nhất là giáo dục vỡ lòng là cấp thiết nhất.

Kể chuyện

Tăng Sâm giết người

Tăng Sâm là học trò của Khổng Tử, là người chí hiếu, phẩm chất đạo đức và hành vi của ông được người thời bấy giờ ca tụng. Tăng Sâm sống ở một thị trấn nhỏ tên là Bí một thời gian. Một ngày nọ, trong làng xảy ra một vụ án mạng, kẻ sát nhân tình cờ trùng tên trùng họ với Tăng Sâm. Chẳng mấy chốc, những lời xì xào “Tăng Sâm giết người” lan ra khắp làng.

Một người hàng xóm của gia đình họ Tăng, không nhìn thấy tận mắt kẻ sát nhân, cũng không đi xác minh, liền vội nói tin “Tăng Sâm đã giết người” với mẹ của Tăng Sâm. Mẹ Tăng kiên định nói: “Con trai tôi sẽ không giết người”. Bà tiếp tục dệt vải với thần thái tự nhiên như cũ.

Không lâu sau, lại một người khác chạy đến bên mẹ Tăng Sâm và nói: “Tăng Sâm đã giết người!” Mẹ Tăng Sâm vẫn rất tin tưởng vào con trai mình, vẫn không quan tâm tin tức đó, vẫn điềm tĩnh dệt vải như thường. Một lúc sau, lại một người thứ ba vội vã chạy đến báo với mẹ Tăng Sâm: “Tăng Sâm đã giết người!”. Mẹ Tăng Sâm nghe vậy đột nhiên sụp đổ niềm tin, trong lòng vô cùng hoảng sợ, vội vàng ném con thoi dệt vải trên tay, liền nhảy qua tường chạy trốn.

Với tài năng đức hạnh của Tăng Sâm và sự hiểu rõ về con trai mình của người mẹ, lẽ ra sẽ không có chuyện thế này, nhưng bởi vì trước hàng loạt những tin đồn nhảm không chính xác, mẹ Tăng Sâm đã lung lay niềm tin của mình đối với con trai. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, ngôn luận nếu không chân thật được nói nhiều lần cũng có thể khiến người ta tin đó là sự thật, vì vậy chúng ta không nên dễ dàng tin vào những lời đồn đại, phải kiểm tra rõ thực hư, đề cao cảnh giác thì mới có thể hiểu được chân tướng sự thực.

Câu chuyện này có nguồn gốc từ “Chiến Quốc sách – Tần sách 2″, nguyên văn:

Tích Tăng Tử xử Bí, Bí nhân hữu dữ Tăng Tử đồng danh tộc giả nhi sát nhân, nhân cái Tăng Tử mẫu viết: “Tăng Sâm sát nhân!”. Tăng Tử chi mẫu viết: “Ngô tử bất sát nhân!”. Chức tự nhược. Hữu khoảnh yên, nhân hựu viết: “Tăng Sâm sát nhân!”. Kỳ mẫu thượng chức tự nhược dã. Khoảnh chi, nhất nhân hựu cáo chi viết: “Tăng Sâm sát nhân!”. Kỳ mẫu cụ, đầu trữ du tường nhi tẩu. Phù dĩ Tăng Sâm chi hiền, dữ mẫu chi tín dã, nhi tam nhân nghi chi, tắc từ mẫu bất năng tín dã.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu Học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248600



Ngày đăng: 15-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.