Ấu học Quỳnh Lâm bút đàm (9): Hỏa thụ ngân hoa



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán và chú âm

火(ㄏㄨㄛˇ) 树(ㄕㄨˋ) 银(ㄧㄣˊ) 花(ㄏㄨㄚ) 合(ㄏㄜˊ),

指(ㄓˇ) 元(ㄩㄢˊ) 宵(ㄒㄧㄠ) 灯(ㄉㄥ) 火(ㄏㄨㄛˇ) 之(ㄓ) 辉(ㄏㄨㄟ) 煌(ㄏㄨㄤˊ);

星(ㄒㄧㄥ) 桥(ㄑㄧㄠˊ) 铁(ㄊㄧㄝˇ) 锁(ㄙㄨㄛˇ) 开(ㄎㄞ),

谓(ㄨㄟˋ) 元(ㄩㄢˊ) 夕(ㄒㄧ) 金(ㄐㄧㄣ) 吾(ㄨˊ) 之(ㄓ) 不(ㄅㄨˋ) 禁(ㄐㄧㄣˋ)。

Bính âm

火(Huǒ) 树(shù) 银(yín) 花(huā) 合(hé),

指(zhǐ) 元(yuán) 宵(xiāo) 灯(dēng) 火(huǒ) 之(zhī) 辉(huī) 煌(huáng);

星(xīng) 桥(qiáo) 铁(tiě) 锁(suǒ) 开(kāi),

谓(wèi) 元(yuán) 夕(xī) 金(jīn) 吾(wú) 之(zhī) 不(bù) 禁(jìn)。

Âm Hán Việt

Hỏa thụ ngân hoa hợp,

chỉ Nguyên Tiêu đăng hỏa chi huy hoàng;

tinh kiều thiết tỏa khai,

vị nguyên tịch kim ngô chi bất cấm.

Giải nghĩa từ ngữ

1. 火樹銀花 (Hỏa thụ ngân hoa): Cây đèn hoa bạc. Nghĩa là rất nhiều các loại đèn lồng màu sắc sặc sỡ. Thường được dùng để chỉ đèn lồng ngày Tết Nguyên Tiêu hoặc pháo hoa. Hỏa thụ (cây lửa) có nghĩa là khi đến Tết Nguyên Tiêu người ta đem đèn lồng treo cây nên được gọi là hỏa thụ. Ngân hoa (hoa bạc), đèn hoa được treo trên cây, trông rực rỡ như ánh bạc.

2. 星橋 (Tinh kiều): Cầu sao. Dùng để chỉ cây cầu bắc qua hào nước bao quanh thành. Vô số ánh sáng đèn phản chiếu trên con hào, giống như dải Ngân Hà đầy sao trên bầu trời, vì vậy cây cầu bắc qua con hào được gọi là “tinh kiều”, tức cầu sao.

3. 鐵鎖 (Thiết toả): Khóa sắt. Chỉ những điều bị cấm vào ban đêm. Các thành thời cổ đại thông thường đều có lệnh giới nghiêm, cây cầu bắc qua hào được kéo lên vào ban đêm để chặn người qua lại. Trước và sau Lễ hội đèn lồng Tết Nguyên Tiêu vài ngày thì xóa bỏ lệnh cấm, du khách có thể qua lại cầu tự do.

4. 金吾 (Kim ngô): Chức quan phụ trách việc phòng thủ và bảo vệ kinh thành.

Bản dịch tham khảo

Hỏa thụ ngân hoa hợp, là ví von ánh đèn rực rỡ, náo nhiệt huy hoàng của ngày Tết Nguyên Tiêu. Tinh kiều thiết tỏa khai, nghĩa là vào đêm Tết Nguyên Tiêu, viên quan Kim ngô đã dỡ bỏ lệnh cấm ban đêm và hạ cây cầu treo trên thành qua hào để du khách trong và ngoài thành có thể tùy ý ra vào thưởng ngoạn cảnh đẹp của ánh đèn.

Đọc sách luận bút

Kiến thức được giảng trong bài học này hầu như là nói về cuộc sống của chúng ta, phong tục ăn bánh trôi, đốt pháo hoa, đoán câu đố trên đèn lồng trong Tết Nguyên Tiêu nhiều ít còn được lưu truyền đến ngày nay hoặc vẫn được nghe nói đến, nên ai cũng biết hỏa thụ ngân hoa, không cần phải nói nhiều. Nhưng đối với “Kim ngô chi bất cấm” thì không quen lắm, thật ra cũng là một câu thành ngữ thường được dùng ở thời cổ đại, đó chính là “Kim ngô bất cấm”, ban đầu có nghĩa là ba ngày trước và sau Tết Nguyên Tiêu đều được hủy bỏ lệnh cấm đi lại vào ban đêm, cho phép mọi người ra vào tự do. Sau này thường thường chỉ cổng thành không bị khóa vào ban đêm, cho phép đi lại tự do.

Ví như Vi Thuật đời Đường đã viết trong cuốn Tây Đô tạp ký rằng: “Đường phố kinh thành Tây Đô có quan Kim ngô sớm tối truyền lệnh, cấm đi lại ban đêm. Chỉ có đêm 15 tháng Giêng cho phép Kim ngô nới lỏng, trước và sau một ngày”. Nghĩa là Kim Ngô làm nhiệm vụ bảo vệ kinh thành ban đêm, thông báo giờ giấc và cấm qua lại vào ban đêm. Chỉ vào trước và sau đêm rằm tháng Giêng âm lịch một hôm, triều đình mới dỡ bỏ lệnh cấm đi lại.

Thời Đường, trong tác phẩm Đêm rằm tháng Giêng của Tô Vị Đạo có câu: “Kim ngô bất cấm dạ, ngọc lậu mạc tương thôi”. Ngọc lậu là một khí cụ tính thời gian cổ xưa, nghĩa là trong đêm Tết Nguyên Tiêu sẽ diễn ra các hoạt động ăn mừng sôi động, đi lại không bị cản trở, không cần báo giờ giấc sớm hay muộn. Sau này, “ngọc lậu vô thôi” cũng trở thành một thành ngữ thông dụng.

Vào thời nhà Minh, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung viết ở hồi 69 rằng: “Đến đêm Nguyên Tiêu ấy, khí trời tạnh tẽ, trăng sao vằng vặc, khắp các phố phường đua nhau thả đèn hoa. Quả đúng là “Kim ngô bất cấm, ngọc lậu vô thôi” (Đi lại tự do, không báo giờ giấc)”. Ông vẫn dùng hai câu thành ngữ này để chỉ bầu không khí vui vẻ của đêm rằm tháng Giêng âm lịch.

Về sau, vào thời nhà Thanh, mọi người dần dần coi việc không đóng cổng thành vào ban đêm cũng thường ví von với “Kim ngô bất cấm”. Nói tóm lại, những từ ngữ cổ đại này thường xuất hiện trong các bài thơ, kịch và tiểu thuyết, thế nên chúng ta không thể không biết. Không biết thì đọc không hiểu được những cuốn sách cổ, cũng sẽ không thể thực sự liễu giải được nền văn hóa, cuộc sống và tư tưởng của dân tộc mình. Sinh ra là người Hoa mà không biết những điều này thì thật là hổ thẹn.

Kể chuyện

Mừng ngày Tết Nguyên Tiêu

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên Tiêu là một lễ hội dân gian quan trọng ở Trung Quốc, qua Tết Nguyên Tiêu thì không khí vui mừng náo nhiệt đón chào tân niên mới được tính là kết thúc, tất cả công việc và sự nghỉ ngơi sẽ trở lại bình thường, vì vậy Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là “Ăn Tết Nhỏ”. Tháng Giêng còn gọi là Nguyên nguyệt, gọi dạ (夜: đêm) là “tiêu”, rằm tháng Giêng hàng năm theo Hoàng lịch là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, vì vậy được gọi là Tết Nguyên Tiêu, còn được gọi Tết Thượng Nguyên, hoặc Tết Đèn Lồng, là ngày theo phong tục dân gian truyền thống người ta thường ăn bánh Nguyên Tiêu, thưởng thức đèn lồng và đoán câu đố trên đèn lồng, cũng là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết cổ truyền ở Trung Quốc.

1. Ăn bánh nguyên tiêu

Dân coi lương thực như Trời, trong những ngày vui luôn không thể thiếu “ăn”, món ăn thích hợp cho ngày Tết Thượng Nguyên là bánh nguyên tiêu. Ban đầu, món ăn nhẹ cho ngày Tết Nguyên Tiêu không phải là bánh nguyên tiêu, ở thời Nam Bắc triều là cháo đậu hoặc cháo gạo nấu với thịt và mỡ động vật, đến thời Đường đó là món bánh mì ống và bánh nướng hình con tằm, mãi đến thời nhà Tống mới xuất hiện bánh nguyên tiêu được làm từ bột gạo nếp và đường trái cây, nhưng thời đó không gọi là bánh nguyên tiêu mà gọi là “phù viên tử” (bánh trôi) hoặc “thang viên”. Đến thời Minh, vì món này chỉ được ăn vào ngày Tết Nguyên Tiêu nên nó đã được đổi tên thành bánh nguyên tiêu. Trên thực tế, sự khác biệt giữa thang viên (bánh trôi) và bánh nguyên tiêu là nằm ở kích cỡ của nhân được nhồi trong đó! Người miền Nam Trung Quốc dùng gạo nếp để làm ra bánh trôi có kích thước bằng quả nhãn, được gọi là “thang viên” (bánh trôi); viên tử (bánh trôi) người miền Bắc Trung Quốc ăn thì lớn hơn, bên trong có nhân được gọi là nguyên tiêu.

Giữa hai miền Bắc – Nam Trung Quốc có cách làm khác nhau, bánh nguyên tiêu ở miền Bắc là lấy nhân lắc trong bột, bằng cách lấy tay lắc rây cho bột bao quanh nhân, còn thang viên (bánh trôi) ở miền Nam thì đa phần dùng lòng bàn tay nhào bột ướt rồi vê tròn. (Tham khảo video https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_3003751)

2. Thưởng thức hoa đăng

Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Đăng tiết (Tết Đèn lồng, hội hoa đăng), chữ “Đăng” (灯) và “Đinh” (丁) là từ đồng âm nên hoa đăng mang ý cầu quý tử. Từ thời Đường trở về sau, đèn lồng không chỉ đa dạng, mà luôn thiên biến vạn hóa và còn trở thành một hoạt động thâm nhập vào dân gian. Thời Tống là thời kỳ hoàng kim của đèn lồng, đã làm ra đèn lồng lộng lẫy tinh xảo đỉnh cao trong lịch sử. Đèn lồng truyền thống sử dụng tre, gỗ, mây hoặc rơm làm giá đỡ đèn, rồi lấy giấy, lụa hoặc các loại vải khác dán thành đèn, tạo hình dạng sống động với nhiều loài động vật, các nhân vật và thậm chí cả các vở hí kịch. Người Đài Loan gọi đèn lồng là “Cổ tử đăng” vì chúng được đặt tên theo những chiếc đèn lồng giống như chiêng và trống.

Có rất nhiều loại đèn lồng trong ngày Tết Nguyên Tiêu, nhưng về cơ bản có thể chia chúng thành hai loại: một là đèn lồng mô phỏng hình ảnh của các sự vật, chẳng hạn như đèn rồng, hổ, thỏ, máy bay, v.v., hai là đèn lồng chuyển động được biên soạn dựa trên các truyện dân gian như Ngưu Lang Chức Nữ, Nhị Thập Tứ Hiếu v.v., thể hiện tinh thần dân tộc như trung hiếu tiết nghĩa.

3. Đoán câu đố đèn lồng

Thời Xuân Thu có cái gọi là “ẩn ngữ”, đến thời Hán Ngụy mới gọi là “câu đố”, đến thời Nam Tống mới có người viết câu đố trên đèn, trong Tết Thượng Nguyên người ta đoán câu đố trên đèn lồng. Sau thời Nam Tống, việc có thêm đoán câu đố trên đèn lồng khiến cho hoạt động lễ hội Nguyên Tiêu trở nên phong phú hơn, thưởng thức đèn lồng và giải câu đố trên đèn lồng đã làm cho không khí của Tết Nguyên Tiêu trở nên sôi động và ấm áp hơn.

Câu đố đèn lồng là dán câu đố lên đèn lồng để mọi người vừa chiêm ngưỡng đèn vừa đoán ra câu đố. Vì câu đố đèn lồng khó mà đoán ra được, giống như hổ khó mà bị bắn trúng, nên nó còn được gọi là “Đăng Hổ” (cũng gọi là Văn Hổ). Việc tạo ra những câu đố đèn lồng truyền thống đòi hỏi một cách thức nhất định, cần dùng cấu tứ tinh xảo mới có thể tạo ra những câu đố đèn lồng rất tài tình, đây là nghệ thuật ngôn ngữ độc đáo của Trung Quốc. Kể từ đó về sau, mỗi khi đến Tết Nguyên Tiêu, các hoạt động giải câu đố đèn lồng đã được tổ chức trên khắp cả nước.

Ví dụ một số câu đố đèn lồng

1、举重比赛(猜成语一句) 答:斤斤计较

2、火烧连环船(猜宋词牌名) 答:满江红

3、望远镜(射王之涣五言唐诗一句) 答:欲穷千里目

4、前事不忘,后事之师(猜一古人名) 答:史可法

5、笑弥勒(猜一美国著名大学) 答:哈佛

6、降落伞(猜三国一古人名) 答:张飞

Tạm dịch:

1. Cuộc thi cử tạ (đoán một thành ngữ). Đáp án: tính toán chi li.

2. Hỏa thiêu liên hoàn thuyền (đoán tên bài Tống từ). Đáp án: Mãn giang hồng.

3. Kính viễn vọng (ám chỉ một câu thơ Đường năm chữ của Vương Chi Hoán). Đáp án: Dục cùng thiên lý mục (Muốn phóng mắt nhìn xa hết ngàn dặm).

4. Không quên chuyện quá khứ, là tấm gương cho đời sau (đoán tên một cổ nhân). Đáp án: Sử Khả Pháp.

5. Di Lặc cười (đoán một trường đại học nổi tiếng của Mỹ). Đáp án: Harvard.

6. Cái dù nhảy (đoán tên một cổ nhân thời Tam Quốc). Đáp án: Trương Phi.

Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa Ấu Học Quỳnh Lâm của zhengjian.org

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247817



Ngày đăng: 24-03-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.