Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (24): Ngu Thuấn chế y phục



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên Văn Chữ Hán và Chú âm

虞(ㄩˊ) 舜(ㄕㄨㄣˋ) 製(ㄓˋ) 衣(ㄧ) 裳(ㄕㄤ˙),

所(ㄙㄨㄛˇ) 以(ㄧˇ) 命(ㄇㄧㄥˋ) 有(ㄧㄡˇ) 德(ㄉㄜˊ);

昭(ㄓㄠ) 侯(ㄏㄡˊ) 藏(ㄘㄤˊ) 敝(ㄅㄧˋ) 啞(ㄧㄚˇ),

所(ㄙㄨㄛˇ) 以(ㄧˇ) 待(ㄉㄞˋ) 有(ㄧㄡˇ) 功(ㄍㄨㄥ)。

Bính âm

虞(yú) 舜(shùn) 制(zhì) 衣(yī) 裳(shang),

所(suǒ) 以(yǐ) 命(mìng) 有(yǒu) 德(dé);

昭(zhāo ) 侯(hóu) 藏(cáng) 敝(bì) 哑(yǎ),

所(suǒ) 以(yǐ) 待(dài) 有(yǒu) 功(gōng)。

Âm Hán Việt

Ngu Thuấn chế y thường,

sở dĩ mệnh hữu đức;

Chiêu Hầu tàng tệ khố,

sở dĩ đãi hữu công.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 虞舜 (Ngu Thuấn): Một trong Ngũ Đế. Họ Diêu, tên Trọng Hoa. Được vua Nghiêu nhường ngôi mà có thiên hạ, quốc hiệu là Ngu.

(2) 所以 (Sở dĩ): Dùng để.

(3) 命 (Mệnh): Bổ nhiệm.

(4) 有德 (Hữu đức): Người có đức hạnh.

(5) 昭侯 (Chiêu Hầu): quân vương của nước Hàn vào thời chiến quốc, lúc tại vị, trọng dụng Thân Bất Hại cho làm tướng quốc, quốc gia đại trị.

(6) 藏 (Tàng): Giấu, cất giữ.

(7) 敝絝 (Tệ khố): cái quần rách. Tệ: cũ nát; Khố (kù): chỉ cái quần.

(8) 待 (Đãi): Chờ đợi.

(9) 有功 (Hữu công): Người có công lao.

Bản dịch tham khảo

Ngu Thuấn chế định ra đẳng cấp về kiểu dáng, hoa văn và màu sắc của y phục, làm tiêu chí phân biệt đẳng cấp chức vị, để bổ nhiệm người có đức; Hàn Chiêu Hầu cất giữ quần cũ, ví cựu công thần như chiếc quần cũ, không đành lòng bỏ đi, nên cất giữ để ban cho người có công.

Đọc sách luận bút

Bài học trước là kể câu chuyên về sự tiết kiệm trong sinh hoạt của Công Tôn Hoằng, một đệ tử của Khổng Tử và là Tể tướng triều Hán, để con người hiểu được đạo lý “Kiệm khả dưỡng đức” (tiết kiệm có thể giúp ích cho việc tu dưỡng đạo đức). Truy cầu ham muốn hưởng thụ vật chất quá mức sẽ khiến con người rời xa chính Đạo, bước sang con đường hiểm ác, vì tiền tài mà mất mạng, đức hạnh dễ bị che mờ. Bài học này cũng giảng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm, có điều là giảng từ một góc độ khác, giảng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm từ góc độ đế vương thời cổ đại trị quốc. Mục đích vẫn là vì để tu dưỡng đạo đức. Đế Vương tiết kiệm thì có thể thực hiện được “vi chính dĩ đức” (dùng Đức để điều hành trị lý quốc gia), đó là lý tưởng trị quốc để quốc gia hưng thịnh.

Vậy thế nào là “vi chính dĩ đức”? Ví dụ điển hình nhất là Đế Thuấn đề xướng lấy hiếu trị vì thiên hạ. Tư tưởng trị quốc truyền thống này, không phải là Khổng Tử một mình sáng tạo ra, mà là do Khổng Tử kế thừa và đúc kết lại. Chính là Thuấn đế đã đem kinh nghiệm cả một đời của mình để lưu lại cho con cháu đời sau và đế vương các thời đại.

Thuấn đế khi còn nhỏ phải chịu đủ cảnh đói rét, bị ngược đãi đánh đập mắng chửi, cha thì bị mù mắt, mẹ kế lại độc ác, hai em trai do mẹ kế sinh ra đồng lõa với mẹ kế và cha, nhiều lần bày mưu tính kế sát hại tính mạng Thuấn, thế nhưng ông chưa từng oán hận cha mẹ và em của mình, ông vẫn ngoan ngoãn hiếu kính cha mẹ, yêu quý em mình như trước, lấy đức báo oán. Bởi vì không được gia đình dung nạp, nên sau khi ra ngoài kiếm sống, ông vẫn như trước, lấy đạo hiếu đễ đối đãi với tất cả mọi người, bất luận là đánh cá, làm nông, hay là làm thợ thủ công để sinh sống, ông đều có thể kính già yêu trẻ đối đãi như người trong nhà, cần cù chăm chỉ, lấy lòng khoan dung nhân nghĩa nhường nhịn để cảm hoá người xung quanh, đến nỗi bất kể ông đi đến nơi nào dù ban đầu hoang vắng nghèo khó đến mấy thì sau ba năm đều có thể trở thành thành thị, vì thế Nghiêu đế đã nghe đến danh tiếng hiếu đễ của ông, cuối cùng đã truyền lại đế vị cho ông.

Có thể thấy rằng trải qua khổ nạn là sự tôi luyện quý báu để có thể dưỡng thành đại đức. Các bậc minh quân đời sau, khi làm điều gì cũng nhớ đến mỹ đức một đời tiết kiệm chịu khổ của ông, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và các bậc trưởng lão không một lời oán thán, thân thiện yêu quý em và tận tâm chăm sóc cho bách tính trong thiên hạ, mọi người đều thấy được Thuấn đế chính là hình mẫu cho việc lấy đức trị quốc. Ông đã trải qua khổ cực, bởi vậy mà hiểu được phải có lòng nhân ái với bách tính, khi trị quốc có thể chọn người có đức lớn làm quan, cho nên mới nói ông “chế ra y phục, dùng để bổ nhiệm cho người có đức”. Bổ nhiệm người có đức quản lý quốc gia, quốc gia mới không bị băng hoại, trăm họ mới có cuộc sống an khang, thiên hạ được thái bình.

Cho nên các bậc đế vương có thành tựu trong các thời đại, đều rất chú trọng việc dưỡng đức, xưa nay đều rất xem trọng việc tiết kiệm chịu khổ, chú ý để bản thân khi thành công vẫn không thay đổi tâm nguyện thủa ban đầu cũng như giữ vững lập trường để không trở nên sa đọa, đánh mất giang sơn. Những điều kể dưới đây đều là những câu chuyện nói về các bậc đế vương tiết kiệm tu dưỡng đạo đức, không quên ân nghĩa, dùng ân nghĩa mà trị quốc, khiến người ta cảm ngộ sâu sắc.

Kể chuyện

Ngu Thuấn là một trong Ngũ đế trong truyền thuyết, là bậc hiền nhân hiếu thuận, đã kế ngôi Nghiêu đế mà trở thành đế vương của thiên hạ. Thuấn tuần sát khắp thiên hạ, chia thiên hạ thành 12 châu, quan sát thiên tượng, cúng tế Thượng Đế cùng Thần linh sông núi, chỉnh đốn lễ chế, khuyến thiện trừ ác.

Căn cứ theo “Kinh Thư – Ích tắc” ghi chép: Thuấn chế định y phục, dùng màu sắc, kiểu dáng, hoa văn, hình vẽ làm tiêu chí phân loại đẳng cấp, rồi ban cho người có đức hạnh, để họ làm việc vì bách tính.

Hàn Chiêu Hầu thời Chiến Quốc, là một bậc quân vương anh minh. Khi còn tại vị, quốc gia đại trị (đất nước có nền chính trị yên định, kinh tế phồn vinh), chư hầu không dám tới xâm phạm. Ông có một chiếc quần, mặc dù đã cũ sờn lắm rồi nhưng không nỡ vứt bỏ. Ông nói: “Cái quần này trước đây là hữu dụng, giờ mặc dù nó cũ sờn rồi, nhưng ta không đành lòng vứt bỏ; cũng giống như người có công lao, ta không đành lòng lãng quên công lao trước kia của họ. Cho nên cất giữ chiếc quần cũ này, chờ đợi người có công rồi ban thưởng cho người đó.”

Lưu Dụ, một vị vua khai quốc thời Nam Triều Tống, khi còn trẻ gia cảnh thanh bần, vì cuộc sống mà không thể không ra ngoài mưu sinh. Lưu Dụ từ biệt người nhà, mặc bộ đồ mà thê tử tự tay may cho hôm tân hôn, đến Tân Châu giúp người ta thu hoạch cỏ lau để đổi lấy thức ăn và quần áo. Liên tiếp mấy ngày liền làm việc dưới nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, bộ đồ mới rất nhanh rách tả tơi, tiền vất vả đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được cũng chỉ đủ duy trì sinh hoạt. Sau đó Lưu Dụ mặc bồ đồ rách rưới này mà tham gia vào quân đội, lập được chiến công, được thăng tiến. Về sau trở thành Hoàng đế Nam Triều Tống.

Sau khi Lưu Dụ lên ngôi hoàng đế, ông không quên thời gian bần hàn lúc còn trẻ, ông mang bộ quần áo vải thô cũ nát cất giữ cẩn thận, thường xuyên nói với con cháu rằng: “Ta giữ gìn bộ đồ cũ nát này, là để nhắc nhở bản thân không quên những năm tháng gian khổ đó. Con cháu đời sau nếu ai sống xa xỉ, không biết tiết kiệm, thì nhất định phải nghiêm trị theo gia pháp”. Nhờ Lưu Dụ đi đầu trong việc sống tiết kiệm chất phác nên đã thay đổi được nếp sống xã hội khoe khoang xa xỉ thời Đông Tấn.

Đế vương tiết kiệm, thì có thể thận chung truy viễn, lấy đức trị quốc, yêu quý hạ thần và bách tính, hiểu được thị phi ân nghĩa, mới có thể dành được sự ủng hộ chân thành của người dân trong thiên hạ, quốc gia mới có thể phồn vinh và an khang; một người biết tiết kiệm, cũng có thể lấy đức trị gia, kính trọng phụ mẫu, yêu thương huynh đệ, không quên cảm ân nỗi vất vả của thê tử, vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, gia đình tự nhiên hòa thuận, cho nên nhà thuận vạn sự hưng. Việc tề gia trị quốc, đều bắt đầu từ tự thân tu dưỡng đạo đức, tổ tiên dạy bảo, con cháu cần phải khắc ghi.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/248607



Ngày đăng: 26-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.