Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 38): Thái Tông “thận chung truy viễn” tự nhiên “dân đức quy hậu”
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Ở các phần trước, chúng ta đã đề cập đến câu nói của Tăng tử “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”, bởi vì câu nói này là đặc tả về chính trị thời Trinh Quán của Đường Thái Tông, vì ông kính phụng những lời dạy “thiện thủy thận chung” của các Thánh hiền đời xưa, để dẫn dắt quần thần lấy đức giáo hóa bách tính, đạt được “đoan củng vô vi, tứ di hàm phục”, mà nền giáo dục của Trung Cộng ngày nay đi ngược lại với đạo, phỉ báng tổ tiên, soán cải lịch sử, bóp méo nội hàm, phóng túng con người trong sự sa đọa về dục vọng, tranh danh đoạt lợi, thiên tai nhân họa. So sánh từ cổ chí kim, làm sao không đau xót cho được. Vì lý do này chúng ta bước vào chương “Luận thận chung” trong “Trinh Quán Chính Yếu”, để tìm hiểu xem rốt cuộc tư tưởng “thận chung” và “vô vi nhi trị” đã được quân thần Thái Tông vận dụng như thế nào.
Đại ý đoạn thứ ba
Năm Trinh Quán thứ chín, Đường Thái Tông nói với các vị công khanh đại thần: “Trẫm tự khi đăng cơ lâm triều, trị lý thiên hạ, làm theo lời dạy bảo “vô vi nhi trị” của các bậc tiên thánh, khiến cho các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước đều tình nguyện thần phục quy thuận, đây há phải sức mạnh của mình ta? Thực ra đều là dựa vào công phò tá của các vị đại thần! Hiện tại là lúc chúng ta suy xét làm thế nào để khiến cái khởi đầu tốt đẹp ấy tiếp tục được duy trì, để đến lúc cuối cùng đạt được kết thúc tốt đẹp, chỉ có như vậy, mới có thể khiến cho Đại Đường vĩnh viễn ổn định và thái bình thịnh vượng, truyền thừa đời đời. Khiến cho sự nghiệp Đại Đường của chúng ta phong phú, dồi dào và vĩ đại, ân đức phúc lợi lưu danh muôn đời, ân huệ bốn phương, khiến cho những người của hàng trăm năm sau đọc lịch sử Đại Đường sẽ không khỏi tán thán trước những công trạng huy hoàng rực rỡ của chúng ta. Lẽ nào trong lịch sử chỉ có những thành tựu của nhà Chu, nhà Hán, cho đến Quang Vũ, Minh Đế mới xứng là hình mẫu cho mọi thời đại?”
Phòng Huyền Linh nói: “Bệ hạ hùng thao đại lược, công đức vô lượng, đem công lao quy hết cho quân thần, ngày nay thu được đại trị thái bình, đây là thánh đức của bệ hạ, chúng thần nào có công lao gì? Chỉ hy vọng bệ hạ có thủy có chung, như thế lão bách tính thiên hạ có thể được bảo vệ, luôn được dựa vào ân trạch của bệ hạ”.
Đường Thái Tông lại nói: “Ta thường đọc sách sử, phát hiện các vị vua bình loạn thông thường tuổi tác đều không quá 40 tuổi, chỉ có Hoàng đế Quang Vũ mới gần 33 tuổi. Nhưng ta 18 tuổi đã khởi binh chinh chiến, 24 tuổi đã bình định thiên hạ, 29 tuổi đã làm Thiên tử, đây chứng tỏ rằng thành tựu về mặt quân sự của ta đã vượt hơn các bậc vua bình loạn thời xưa. Ta từ thời thiếu niên đã bắt đầu chinh chiến, không có thời gian đọc sách, cho nên từ khi đăng cơ tới nay, hễ có thời gian là ta đọc sách, có thể nói là không rời sách khỏi tay. Ta rất nhớ lời cổ huấn “lấy lịch sử làm gương”, từ sách thánh hiền cổ đại, ta hiểu nền tảng của phong tục giáo hóa và then chốt của chính trị là nằm ở đức. Dựa theo đó mà thực thi mấy năm, thiên hạ cuối cùng cũng được sửa trị. Như hiện nay, phong tục dân gian đã được giáo hóa, trở thành thuần phác đôn hậu, con hiếu thảo, bề tôi trung thành, xã hội vì thế mà thái bình, điều này hiển nhiên là nền văn trị giáo hóa đã vượt qua thời cổ đại. Từ triều đại nhà Chu, nhà Tần, các dân tộc thiểu số như Rông và Di thường xâm phạm Trung Nguyên, hiện nay họ đều đã quy thuận triều đình, điều này thể hiện phương diện quan hệ với các dân tộc đã vượt qua thời cổ đại. Ta rốt cuộc có tài đức gì, mà lại có thể đắc được công lao sự nghiệp hiển hách đến thế? Ba phương diện này đã đạt được, thì đã đặt nền móng cho việc trị quốc kiên cố vững chắc, chúng ta sao có thể không thiện thuỷ thận chung đây?”
Giải thích: Võ công (thành tựu về mặt quân sự), văn trị, ngoại giao, tất cả các phương diện đều thận chung
Đoạn này chủ yếu ghi chép về yếu lĩnh trị quốc cho đến những suy nghĩ sâu sắc về việc làm sao để có thể tiếp nối yếu lĩnh và thành quả đó về sau của Thái Tông trên cương vị là đế vương của một triều đại, là chủ của thiên hạ sau khi đạt được thái bình thịnh thế. Yếu lĩnh đó là: Về võ thì ngừng chiến tranh, về văn thì dùng đức giáo, như vậy thì phụ từ tử hiếu, quân nhân (nhân nghĩa) thần trung, trên dưới hòa thuận, thái bình tự xuất, trong ngoài cảm phục. Nhưng nếu muốn gìn giữ liên tục điều này, thì phải thận chung. Chính là cần phải thực hiện lấy đức trị quốc liên tục từ khi bắt đầu kiên trì cho đến cuối cùng. Vì thế, ở đoạn này mở đầu bằng câu nói của Thái Tông “Đương tư thiện thủy lệnh chung, vĩnh cố hồng nghiệp” (Hiện tại là lúc chúng ta suy xét làm thế để khiến cái khởi đầu tốt đẹp ấy tiếp tục được duy trì, để đến lúc cuối cùng đạt được kết thúc tốt đẹp), và kết thúc bằng câu “Thử tam giả, trẫm hà đức dĩ kham chi? Kí hữu thử công nghiệp, hà đắc bất thiện thủy thận chung da” (Ta rốt cuộc có tài đức gì, mà lại có thể đắc được công lao sự nghiệp hiển hách đến thế? Ba phương diện này đã đạt được, thì đã đặt nền móng cho việc trị quốc kiên cố vững chắc, chúng ta sao có thể không thiện thuỷ thận chung đây?) để tạo thành một thảo luận hoàn chỉnh, tất cả đều triển khai xoay quanh “thận chung”.
Trinh Quán năm thứ chín, kết quả thái bình thịnh thế đã xuất hiện, Thái Tông rất vui, trước quần thần, mười phần cảm khái, ông cảm ơn các quan cận thần đã phò tá, giúp đỡ ông sửa trị đất nước để tạo ra sự nghiệp vĩ đại này, để ông có thể “đoan củng vô vi” trị quốc. Đoan củng là ngôn ngữ cổ, nghĩa là với bậc đế vương mà nói, chính là ông đoan chính khoanh tay cung kính thiên địa kính Thần, có thái độ yêu thương và bảo vệ thần dân trong thiên hạ, thường giữ thái độ vô vi, bằng biểu hiện của một người là có thể kính trời đất yêu thương nhân dân, lấy lễ để đối đãi thần dân, nỗ lực bỏ công sức giáo hóa, lẽ tất nhiên nhân tâm trong thiên hạ quy chính, tự giác noi theo, cam tâm thần phục. Không cần đến hình phạt nghiêm khắc hay vũ lực chinh phạt để cưỡng chế quản thúc thần dân, đó chính là “vô vi nhi trị” do lấy đức trị quốc thu được. Hoàn toàn khác với những lý giải tiêu cực hiện nay về “đoan củng vô vi”.
Bởi vì Thái Tông hy vọng hình thế thái bình vô vi này có thể kéo dài tiếp về sau nên ông phải thiện thủy thận chung, để truyền cho con cháu đời đời, tạo ân trạch cho các thế hệ sau, để Đại Đường trở thành tấm gương và niềm tự hào của lịch sử. Lời giảng này cốt lõi ở “lệnh chung”, mục đích là thực hiện hoài bão to lớn của ông là biến Đường triều trở thành hình mẫu cho mọi thế hệ. Tức là mang hoài bão và mục tiêu cả đời làm đế vương của ông thông báo cho quần thần. Chính là hy vọng các quần thần cùng ông đồng tâm hoàn thành sự nghiệp vĩ đại này, như thế mới có thể thiện chung. Khởi đầu tốt thì rất dễ dàng, nhưng để bảo trì tiếp như thế lại rất khó, vì vậy cần nhắc nhở mọi người thận trọng đối đãi, một mạch đến cuối cùng.
Phòng Huyền Linh sau khi nghe xong, cũng rất vui mừng, thay mặt các đại thần cảm tạ sự nhân từ độ lượng của quân vương, đã đem công lao quy về các đại thần, khiêm tốn suy nghĩ, đây là thánh đức của quân vương. Đồng thời hy vọng Thái Tông có thể thận chung, đừng quên hoành nguyện sâu xa, như thế bách tính đều được hưởng phúc.
Đoạn cuối cùng, là Thái Tông khai triển cụ thể việc thận chung như thế nào, ông tiến hành tổng kết từ ba phương diện chủ yếu của việc trị quốc là võ công, văn trị, ngoại giao. Chúng ta thấy được, ông lấy lịch sử làm gương, lấy sách thánh hiền làm cơ sở để học tập, để so sánh với các vị hoàng đế văn võ toàn tài, trừ loạn trị quốc tương tự như ông trong lịch sử, trước rất nhiều đại thần Thái Tông đã thẳng thắn nhận xét về ba phương diện chủ yếu này của bản thân thì ông đều cao hơn họ, khích lệ bản thân ông cũng là khích lệ quần thần, những công đức này không phải do đức hạnh của ông, đó là ân huệ của trời ban cho, cũng là sự đồng lòng đồng tâm của quần thần, chỉ cần giữ vững không thay đổi, nhất định có thể đạt được nguyện vọng hồng đại lưu truyền muôn đời, như hôm nay đã vượt qua những tấm gương thời cổ đại, như thế từ nay về sau, càng nên cảnh giác và giữ gìn ý chí ban đầu, đừng nên bỏ cuộc giữa chừng, có thủy mà không có chung. Vì thế mà câu cuối Thái Tông đã nói “Ta rốt cuộc có tài đức gì, mà lại có thể đắc được công lao sự nghiệp hiển hách đến thế? Ba phương diện này đã đạt được, thì đã đặt nền móng cho việc trị quốc kiên cố vững chắc, chúng ta sao có thể không thiện thuỷ thận chung đây?”
Có thể thấy, Thái Tông chấn hưng giáo dục Nho học, không phải là làm cho người khác xem, bản thân ông cũng không thể rời tay khỏi sách, ông đọc sách thánh hiền, đọc sách lịch sử, từ trong lịch sử mà nhìn nhận cái được mất của trị quốc, minh xác tính trọng yếu của đức trị, liên hệ những lời dạy của thánh nhân với minh chứng lịch sử, một mực tuân theo, đó mới là căn bản của giáo hóa và trị quốc, là tác dụng chủ yếu của văn học. Vì vậy người đọc sách, khi soạn các tác phẩm hay sách vở, chớ quên mục đích hoằng dương đạo đức, giáo hóa dân phong mới là căn bản. Thái Tông nói: “Từ khi đăng cơ tới nay, hễ có thời gian là ta đọc sách, có thể nói là không rời sách khỏi tay. Ta rất nhớ lời cổ huấn “lấy lịch sử làm gương”, từ sách thánh hiền cổ đại, ta hiểu nền tảng của phong tục giáo hóa và then chốt của chính trị là nằm ở đức. Dựa theo đó mà thực thi mấy năm, thiên hạ cuối cùng cũng được sửa trị. Như hiện nay, phong tục dân gian đã được giáo hóa, trở thành thuần phác đôn hậu, con hiếu thảo, bề tôi trung thành”, đây chính là nguyên nhân của việc đọc sách thánh hiền ngày xưa, biết đạo nhân nghĩa để tu thân, đối chiếu giáo huấn của lịch sử, chỉ như vậy mới có thể cai trị đất nước.
Cho nên nói “thận chung truy viễn” chính là noi theo và tôn thờ lời dạy lấy đức trị quốc và làm người của tổ tiên xa xưa, mãi mãi không thay đổi cho đến cuối cùng. Có thể làm được như thế, đương nhiên có thể giáo hóa bách tính, tự nhiên “dân đức quy hậu”. Thái Tông chính là thực hành con đường này, khiến Đại Đường trở thành quốc gia lễ nghĩa chi bang vang danh thiên hạ, lưu truyền muôn đời, hoàn thành hồng nguyện.
Chúng ta đã từng có một vị thánh vương vĩ đại như vậy, có một nền văn hóa và lịch sử thần thánh như vậy, con cháu của Viêm Hoàng sao lại đến mức không có đường nào để đi, sao có thể cam tâm trượt dốc, đi theo con đường của kẻ tiểu nhân, tranh quyền đoạt lợi? Hãy hồi quy truyền thống, trở lại chân thực như xưa, từ bỏ những lời vu khống và dối trá của tà đảng về văn hóa dân tộc, từ bỏ đấu tranh và bạo lực, xây dựng lại vinh quang và huy hoàng của dân tộc.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252621
Ngày đăng: 01-09-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.