Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 32): Khổng Tử mang Đạo của thánh vương truyền cho thiên hạ



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Với người xưa, trách nhiệm lớn nhất của bậc làm cha chính là việc giáo dục con cái bằng hành động gương mẫu, trách nhiệm lớn nhất của bậc làm vua tất nhiên cũng là giáo dục và dẫn dắt bách tính trọng đức hành thiện, đây là gốc rễ để đạt được gia phú quốc hưng, và cũng là đầu mối của việc trị hay loạn, hưng hay vong, họa hay phúc của quốc gia. Nhỏ là từ công danh họa phúc của một cá nhân, cho đến lớn là liên quan đến hưng vong của quốc gia và thiên hạ, đều là như thế. Bởi vậy Tăng Tử đã từ Nho học mà Khổng Tử truyền dạy, chiểu theo góc độ của bản thân, mà tổng kết ra yếu nghĩa “Đại học” gồm các lý luận về: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đây là đạo trị thế của các vị thánh vương tiên tổ, truyền đến Khổng Tử sau đó là đệ tử của ông rồi truyền ra cho thiên hạ.

Thái Tông chứng thực hoàn mỹ “Đại học”, trở thành thánh vương

Nếu đức hạnh là gốc rễ căn bản của hưng vong, như vậy có nghĩa là, tất cả mọi người, cho dù đó là người có thân phận thế nào, nếu muốn đạt dược thành tựu thì tất nhiên phải bắt đầu từ tu chính bản thân, mới có thể từng bước từng bước hiểu được làm thế nào để tề gia làm thế nào để trị quốc, đây chính là điều được giảng trong “Đại học“ của Tăng Tử. Bởi vậy, Nho giáo dù là giảng thuật đạo lý từ góc độ hoặc tầng diện của một cá nhân làm sao để mưu cầu công danh, hay là một nhà cầm quyền làm thế nào để an bang trị quốc, thì cốt lõi của nó vẫn xoay quanh một chữ “đức”, Khổng Tử cả đời giảng đạo hiếu, thuyết nhân nghĩa, thì điều ông giảng chính là một chữ “đức”. Vì thế, ông rất minh xác mà lưu lại câu nói “Vi chính dĩ đức”, câu nói này chính là yếu quyết cốt lõi nhất của Đế Vương học.

Vi chính dĩ đức, kì thực chính là vi nhân dĩ đức, đây là chủ đề mà từ giáo dục vỡ lòng với trẻ nhỏ cho đến giáo dục học vấn của đế vương tuyệt đối không được thay đổi. Chỉ khác là, giáo dục vỡ lòng với trẻ nhỏ thì tập trung vào các mối quan hệ nhân luân như cha mẹ, anh chị em, trưởng bối họ tộc, đó chính là giáo dục đạo đức cơ bản nhất từ góc độ thị giác trực quan đối với một đứa trẻ, cũng chính là giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân luân như hiếu thân, huynh hữu, đệ cung v.v.

Vậy luận đến đế vương, đương nhiên là cần phải tiến hành giáo dục đế vương làm sao để trọng đức nhắm thẳng vào tất cả các phương diện vấn đề trị quốc mà hoàng đế phải đối mặt. Như thế chúng ta sẽ nhìn thấy rằng, toàn bộ cuốn Trinh Quán Chính Yếu, bắt đầu từ chương đạo làm vua, bất luận liên quan đến chính thể, lễ nghi, tuyển trạch quan lại, hình pháp, đều là văn sử giáo dục; tất cả đều xoay quanh một chữ đức để mở rộng ra; xử lý sự việc giữa quân và vương, thương thảo quốc sách, đều lấy những lời nói và việc làm của các bậc quân vương được ghi chép lại trong các kinh thư và sử sách của các triều đại trước đây làm chuẩn mực, để phán đoán đúng sai, để đưa ra quyết sách. Nguyên nhân là vì, kinh chính là ngũ kinh mà Nho gia tổng kết và chỉnh lý (gồm Kinh Thi, Kinh Thư (Thượng Thư), Kinh Lễ (Lễ Ký), Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Đường Thái Tông hạ lệnh đại thần tiến hành chỉnh sửa những lỗi sai của năm bộ kinh thư này, soạn thành cuốn Ngũ Kinh chính nghĩa), những kinh sách này, chủ yếu là giảng về những giáo huấn và đạo lý làm người, là những đạo lý vĩnh viễn bất biến như nhân nghĩa trung hiếu, là tôn chỉ làm người để thường hằng đối chiếu với lời nói và việc làm của mình. Chúng ta thấy rằng, Ngụy Trưng và Đường Thái Tông thường trích dẫn những căn cứ trong kinh điển, lấy kinh sách mà các bậc thánh vương thời thượng cổ lưu lại làm cương lĩnh, làm căn cứ lý luận bất biến, lấy sách sử làm chứng nghiệm, để từ đó làm rõ lời nói và việc làm của hậu nhân là làm trái kinh điển hay tuân theo kinh điển về làm người và trị quốc, từ đó mà kết quả mỗi người thu được là tương phản, người làm trái kinh điển thì bại vong, người tuân theo kinh điển thì hưng thịnh. Mà Đường Thái Tông, chính là từ trong những cuộc thảo luận viện dẫn các kinh điển như vậy giữa các hoàng đế và các quần thần, mà không ngừng tu chính tự thân, lắng nghe lời can gián, lấy đức làm căn bản, lấy pháp luật làm bổ trợ, nhờ đó mà thành tựu thời kỳ thịnh thế hoàn mỹ nhất trong lịch sử mà Khổng Tử luôn mong chờ.

Thái Tông lấy đức là căn bản, bắt đầu từ tu chính bản thân, cuối cùng đạt được mục tiêu bình thiên hạ, ông đã thực hành tốt yếu nghĩa của “Đại học”, trở thành thánh vương, ông đã cho thấy nền giáo dục của Nho gia Trung Quốc do Khổng Tử truyền thừa cao minh làm sao. Qua đó thấy được kinh điển Nho học chính là “Kinh thư vi tôn, lịch sử vi chứng” (tức là kinh sách là tôn chỉ, lịch sử là chứng nghiệm) đúc kết kinh nghiệm quá trình trị quốc thực tiễn trải qua thiên thu vạn đại mà các bậc thánh vương thượng cổ lưu lại, có hệ thống nhất, hoàn mỹ nhất.

Giáo dục truyền thống: Kinh thư vi cương, sử thư vi chứng

Đây chính là nguyên nhân giáo dục truyền thống cổ đại lại coi Khổng Tử là tông sư, coi ngũ kinh và sử thư là những cuốn sách tất phải học vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Khổng Tử là bậc tông sư chỉnh lý và giảng giải, bắt đầu tổng kết và truyền thừa một cách hệ thống ngũ kinh và sử thư, để con cháu đời sau vĩnh viễn không bị tách rời khỏi lịch sử, văn hóa và nền tảng đạo đức của chính họ, vĩnh viễn sẽ không bao giờ quên nguồn gốc của chính mình là thần thánh, vĩ đại và cao quý thế nào. Bởi vậy, Tăng Tử nói “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ”. Tăng Tử hiểu rất rõ về ân sư Khổng Tử của mình vẫn luôn lấy những lời dạy bảo làm người và yếu lĩnh trị quốc cốt lõi nhất của tổ tiên để tiến hành giảng giải từ các góc độ khác nhau, đồng thời còn lưu lại Kinh Xuân Thu ẩn chứa đại nghĩa trong bút pháp tinh tế, cũng chính là để lịch sử làm kiến chứng cho việc làm người cần coi trọng đức hạnh.

Bút pháp khen chê “làm người có đạo nghĩa hay không” đã trở thành chủ đề của chính sử đời sau. Sử sách đời sau không chỉ ghi lại cử chỉ ngôn hành của các bậc đế vương (sách sử trước Khổng Tử, bao gồm Kinh Xuân Thu, đều chủ yếu là ghi chép lưu trữ lại những lời nói, hành vi và sự kiện có liên quan đến Chu Thiên tử hoặc quân chủ của các nước chư hầu, cũng chính là nói sử sách từ khi bắt đầu đã xoay quanh người cầm quyền một đất nước, trong đó mục đích trọng yếu là giám sát lời nói hành vi của đế vương, để đế vương cẩn trọng trong lời nói hành vi, không thể muốn gì làm nấy, bởi vì mỗi một lời nói ra và mỗi một việc làm trong mỗi ngày, dù lời nói hành vi đó tốt xấu thiện ác ra sao, đều sẽ bị ghi chép lại. Lời nói việc làm của đế vương đều là tấm gương cho thiên hạ noi theo, vì thế, đây là sự quản giáo nghiêm khắc nhất đối với đế vương, là lịch sử của đất nước Trung Quốc), mà còn ghi chép đối với hoàng hậu, các vị đại thần cho đến các nhân vật trong dân gian, chép lại các câu chuyện của họ, chỉ cần có thể là bài học giáo huấn về thiện ác cho người đời sau thì đều có thể ghi chép lại, đều tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn trung gian, tốt, xấu. Vì vậy chính sử liền phát triển thành thể loại ghi chép truyện ký về các nhân vật làm chủ yếu, ghi chép lại được mất một đời của các loại nhân vật điển hình, nhằm lưu lại bài học giáo huấn về nhân sinh cho con người. Đồng thời những sách sử này cũng trở thành tài liệu bắt buộc của nho sinh.

Đế vương học là khởi nguồn của giáo dục

Giáo dục nên phải là giáo dục nhân sinh. Tất cả giáo dục kỹ thuật mà chúng ta vẫn gọi là giáo dục trí tuệ, đều phải đặt trên nền tảng giáo dục nhân sinh. Mà giáo dục, kì thực chính là được phát triển từ giáo dục đối với các đế vương thời cổ đại, nếu một người trị vì một quốc gia mà không hiểu thế nào là trọng đức, cũng lại không biết thế nào mới là làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một vị đế vương, không hiểu làm thế nào để chọn quan, không biết chọn quan thế nào, thì sẽ dẫn đến gian thần lộng quyền, dân chúng lầm than, cuối cùng sẽ dẫn đến vương triều bại vong. Vậy nên nuôi dưỡng phẩm chất đạo đức của người cầm quyền quốc gia là trọng yếu nhất, nó liên quan đến vận mệnh của thần dân một đất nước và phương hướng của quốc gia.

Chính vì Thái Tông thượng tôn Nho học, nên đã tu sửa ngũ kinh, để làm rõ trách nhiệm của đế vương, hiểu được trách nhiệm tu sửa bản thân để trở thành tấm gương của thần dân thiên hạ, khiến gian thần không thể đến gần, quân thần đồng tâm, tất cả những điều ấy đều trong phạm vi cai quản của quan phụ mẫu, hoàn thành trách nhiệm làm vua làm quan làm phụ mẫu, quân thần làm gương để toàn dân trọng đức, tự giác tuân thủ lễ, có như vậy tội phạm sẽ giảm thiểu, đó mới là thành tựu nên mỹ danh thiên cổ “Lễ nghĩa chi bang”.

Vì thế hoàng đế học, chính là lấy tu dưỡng của bậc thánh vương làm học vấn tiêu chuẩn, là học vấn về đạo đức trị quốc, bắt đầu từ tu thân, để hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, đó là trong khi dạy bảo tốt bách tính cách làm người cũng đồng thời nỗ lực làm cho đất nước hưng thịnh, đời sống người dân sung túc. Bởi vậy cần tuyển chọn tốt người hiền lương có đủ tài đức, hiểu được việc trọng đức yêu dân, dám làm gương để làm quan, để đồng lòng chung sức giúp đỡ quân vương, cùng giáo dục tốt bách tính, chăm sóc và bảo vệ người dân. Được như vậy thì quốc gia tự nhiên sẽ hưng vượng thái bình.

Hệ giáo dục này, được Khổng Tử truyền thừa và chỉnh lý, sau đó phổ cập tại dân gian, tạo nên nền giáo dục truyền thống lấy nhân cách đạo đức làm gốc. Vì thế, văn hóa của chúng ta mới thần thánh cao quý đến thế, cho nên chúng ta không được quên tổ tiên, không được quên lịch sử. Nếu quên đi thánh đức của tổ tiên, quên mất tác dụng căn bản của lịch sử, vậy tức là chúng ta tự cam tâm sa đọa, rời bỏ đạo nghĩa, trở nên coi thường tổ tiên, trở thành một dân tộc không có nguồn gốc, đạo đức nhanh chống bại hoại.

Ý nghĩa chân thực của “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”

Là người Trung Hoa, con cháu của Viêm Hoàng, thì nhất định phải hiểu thế nào là “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”. Câu nói trên tuyệt không chỉ bó hẹp trong ý nghĩa “coi trọng tang sự, tưởng nhớ đến gia tộc tổ tiên của chúng ta, rồi mới chú ý đến dạy dỗ đạo đức người dân”, nếu giải thích như vậy thì sẽ mất đi tính lo-gic trong câu.

Kỳ thực Tăng Tử nói rằng, nếu cả một đời mà thủy chung tuân theo đạo nghĩa làm người, cho đến lúc chết cũng không thay đổi, thì quy phạm đạo nghĩa này chính điều mà thánh nhân từ thời viễn cổ lưu lại, là điều vĩnh viễn cần theo đuổi, khái quát lại thành một câu nói, chính là phải một đời tuân hành và theo đuổi những lời dạy của tổ tiên xa xưa. Còn vế sau “dân đức quy hậu”, chính là nói cho các nho sinh rằng chỉ có kính phụng đến chết không đổi với các vị thánh vương tiên tổ thì mới có thể trở thành tấm gương sáng để quy chính lại thói quen phong tục của người dân, mới khiến cho đạo đức của bách tính và quốc gia quy chính, đây là sứ mệnh của người đọc sách. Hai vế trong câu nói trên có ý nghĩa liên quan với nhau, tuyệt nhiên không phải là hai lời nói riêng rẽ. Nếu giải thích như trên, thì các vế trong lời của Tăng Tử cũng rất lo-gic với nhau. Ý nghĩa chỉnh thể sẽ ăn khớp rất tự nhiên và rất minh bạch dễ hiểu, chỉ là khi đó những lời họ giảng là ngôn ngữ của thời cổ mà thôi.

Có thể thấy rằng, một dân tộc không thể nào quên tổ tiên, không thể quên đi sự cao quý vĩ đại của tổ tiên, họ đã từng là thánh vương, là tông sư, là những người khai sáng ra giáo dục, là vạn thế sư biểu, là nguồn gốc trí huệ của tiên dân, là tấm gương sáng mẫu mực về làm người, cho nên tự cổ người đọc sách đã hiểu rằng kinh quốc tế thế và giáo dục bách tính mới là đại chí của người đọc sách.

Trinh Quán Chính Yếu khiến người ta minh bạch, một dân tộc chỉ có tín phụng tổ tiên, truyền thừa và thực hành trong thực tiễn những kinh điển của tổ tiên, có như vậy mới có thể khiến giáo dục hồi quy về chính thống, làm người mới có đạo đức làm tôn chỉ, mới trở nên vĩ đại và cường thịnh. Đây là điều mà người làm chủ triều chính, người quản lý kinh doanh các lĩnh vực không thể không minh bạch.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/251540



Ngày đăng: 17-04-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.