Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 37): Sư giả truyền đạo vi bản, văn chương diệc nhiên*
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Tổng quát bàn luận về đạo văn chương trong “Trinh Quán Chính Yếu”
(*): Sư giả truyền đạo vi bản, văn chương diệc nhiên, tạm dịch là người thầy phải lấy việc truyền đạo làm gốc, văn chương cũng phải lấy mục đích truyền đạo làm gốc
Người thầy là phải lấy việc truyền đạo làm gốc
Nói đến việc Hoàng đế Thái Tông tôn kính Khổng Tử, đại chấn hưng giáo dục Nho học, đó là điều từ cổ đến nay chưa từng có. Nhưng vì sao ông có thể làm được như vậy? Bởi vì ông minh bạch sâu sắc rằng, người làm thầy phải lấy truyền đạo làm gốc, phải coi việc truyền thừa và hồng dương đạo đức là trách nhiệm của mình; dùng lời nói của Hán Dũ, chính là “người làm thầy có trách nhiệm truyền đạo, thụ nghiệp, giải nghi hoặc”, cho nên Thái Tông tôn sư tức là trọng đạo, có thể giáo hóa vạn dân, khi vạn dân đều biết xấu hổ và có đức hạnh rồi thì không cần dựa vào hình pháp để cưỡng bức khống chế, đó chính là trạng thái vô vi mà trị. Vậy Đạo mà Khổng Tử truyền là Đạo thế nào? Đó chính là tầng đạo đức làm người, cốt yếu là hai chữ nhân và nghĩa.
Trinh Quán Chính Yếu chính là truyền đạo
Độc giả nếu để ý sẽ phát hiện, Trinh Quán Chính Yếu bắt đầu bằng chương “Luận quân đạo” và kết thúc bằng chương “Luận thận chung”, ta dễ dàng thấy rằng bộ sách lịch sử này không những khuyên bảo các hoàng đế hoặc các nhà trị quốc tương lai cần phải thực hành nền chính trị nhân đức, coi đó là đạo làm vua, mà còn bảo cho họ rằng phải có thủy có chung, kiên trì thực hiện đến cuối cùng. Đây mới là ý nghĩa nguyên bản của câu nói “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu” của Tăng Tử. Câu nói trên vốn không hề liên quan gì đến tang sự.
Các nho sinh có học vấn thời cổ đại, đều minh bạch tâm nguyện ban đầu của Khổng Tử khi ông làm giáo dục, đó chính là truyền đạo cho con người tương lai (nhưng ông đứng trên góc độ nhân và nghĩa, vì Nhân giả (仁者), nhân dã (人也) (tức là: người nhân nghĩa là người yêu thương con người), nhân nghĩa chính là đạo nghĩa mà sinh mệnh của tầng thứ con người này nên tuân theo, chớ nhầm lẫn yêu cầu đối với con người và yêu cầu đối với người tu đạo thành Tiên thời cổ đại). Bởi vậy mà các nhà nho đích thực (người thời nay gọi họ là văn nhân), đều sẽ coi đây là sứ mệnh lớn nhất của họ.
Đây cũng chính là lý do để cuốn sách lịch sử này mở đầu bằng chương “Luận quân đạo” và kết thúc bằng chương “Luận thận chung”. Tác giả khi biên soạn sách hiển nhiên rất tôn trọng trách nhiệm truyền đạo của nhà nho, chỉ có điều, tác giả chọn đế vương làm đối tượng truyền đạo, mục đích là dẫn đạo các hoàng đế đời sau cách làm thế nào coi trọng đức hạnh, khiến những bậc quân vương này noi theo hình mẫu của Đường Thái Tông mà lãnh ngộ được tại sao và làm thế nào để thi hành đạo lý lấy đức trị quốc. Mục đích của toàn bộ cuốn sách chính là truyền dạy cho các hoàng đế đời sau nên làm thế nào để trị quốc và thực hành đạo lý nhân nghĩa. Nói thông tục chính là, truyền dạy đế vương làm thế nào để làm người, làm thế nào để trọng đức.
Hoàng đế có phương thức và học vấn của hoàng đế để thực hành cụ thể nhân nghĩa, điều ông phải làm được là thực hành nền chính trị nhân đức, đây chính là đạo của bậc làm vua. Tác giả của Trinh Quán Chính Yếu, với vai trò nhà nho, người viết sử, thì đã đạt được mục đích căn bản này, ông đã truyền thụ cho các đế vương đạo của đế vương lấy đức, lấy nhân nghĩa cốt lõi, đây là phương thức mà tác giả với vai trò nhà nho đã thực hành sứ mệnh truyền đạo của mình, đã truyền dạy cho đế vương đạo làm người một cách chính xác. Vì thế mà mỗi chương, mỗi tập đều nhấn mạnh trọng đức, mỗi sự việc đều cần lấy đức làm cốt lõi. Sau cùng, dùng chương “Luận thận chung” để kết thúc, nhằm khuyên bảo các đế vương phải từ đầu đến cuối, đều cần giữ vững đạo lý lấy đức để trị quốc.
Trong Nho học, từ đế vương đến trẻ nhỏ đều tiếp thụ đạo làm người
Nói đến đây, chúng ta càng minh bạch rằng, bản chất của giáo dục Nho học chính là giảng về đạo lý làm người cần coi trọng đức thế nào, nếu như nhắm vào trẻ nhỏ dạy bảo thì cần phải bắt đầu từ đạo hiếu đạo đễ, là bắt đầu từ việc làm sao thiện đãi thân tộc như cha mẹ huynh đệ, đây là đạo làm người cơ bản, là bắt đầu từ việc học cách thiện đãi người, bởi vì đây là lúc bắt đầu cho trẻ nhỏ tiếp xúc với người khác. Vậy đế vương tất nhiên cũng phải thiện đãi bách tính, yêu dân như con; là người kinh doanh, chính là nói về thành tín, chớ có thấy lợi mà quên nghĩa. Vì vậy Nho học sẽ hướng đến các lứa tuổi, nghề nghiệp, thân phận, hoặc giai tầng khác nhau, để dạy cho họ đạo lý làm người cần coi trọng đức như thế nào, vì vậy đối với những người khác nhau cần giảng nhân nghĩa khác nhau, nội dung cụ thể cũng khác nhau, cũng hình thành học vấn và đạo lý khác nhau; nếu như góc độ chức vụ, ví như người hành nghề thầy thuốc cần hình thành y đạo, yêu cầu người hành nghề y cần phải lấy việc cứu sinh mệnh con người làm sứ mệnh, cần phải có trái tim của bậc phụ mẫu yêu thương bệnh nhân của mình; làm người kinh doanh cần hình thành đạo kinh doanh trọng tín nghĩa, v.v. Chỉ một từ nhân nghĩa này có thể phát triển học vấn rất lớn.
Vì vậy để phán đoán một người là có học vấn hay không, có tiếp thụ được ý nghĩa thực sự của giáo dục hay không, không phải ở chỗ họ có đi học hay không, mà ở chỗ, họ có hiểu được đạo lý làm người hay không. Có thể thực sự làm được hành vi như vậy hay không. Nếu như một người có thể làm được hành vi như vậy, nhưng chưa bao giờ đi học, thì cũng tính là người có học vấn, đây là chương đầu tiên của “Luận Ngữ – Học Nhi”, cuốn sách kinh điển Nho gia của Khổng Tử, đã giảng rất rõ đạo lý này. Người như thế nếu lập chí kinh doanh, thì sẽ được người khác giúp đỡ, có thể sẽ có thành tựu rất lớn trong sự nghiệp, tỉ như người được mệnh danh là Tượng đài kinh doanh Nhật Bản Konosuke Matsushita, người sáng lập Panasonic Electric, là một ví dụ điển hình. Người ta thường nghiên cứu lịch sử kinh doanh thành công của ông, thường nhấn mạnh ông ấy chỉ học qua tiểu học, chỉ học có lớp bốn tiểu học, vậy nên cảm thấy thành công của ông là một kỳ tích, kỳ thực thành công của ông là kết quả của việc làm người phải thành tín, trọng đạo nghĩa, không vì thấy lợi mà quên nghĩa. Vô luận là họ có bao nhiêu kĩ nghệ và biện pháp kinh doanh cao minh thế nào, nhưng chỉ có đối đãi người hậu hĩnh mới có thể lãnh đạo được một doanh nghiệp to lớn như vậy, mới có thể khiến doanh nghiệp đó đạt đến tầm cỡ thế giới. Trên thực tế, đó chính đạo của đế vương lấy đức trị quốc mà Nho học giảng.
Văn chương phải lấy mục đích truyền đạo làm gốc, để định hướng cho sự nghiệp vĩ đại của quốc gia
Nếu nhà văn đã hiểu được Nho học là lấy truyền đạo làm căn bản, như thế khi viết văn, trừ trường hợp biên soạn lịch sử, ngoài ra dù là thơ, từ, ca, phú, hay là hí khúc tiểu thuyết, đương nhiên đều giống như vậy cần lấy mục đích truyền đạo làm gốc. Chúng ta thường nói “thuận lý thành chương”, mọi người có biết nghĩa gốc của câu nói đó không? Thuận lý thành chương chính là cần thuận với đạo lý làm người được truyền từ thời cổ xưa để viết văn, như vậy mới trở thành những bài văn có ý nghĩa, mới có thể khởi được tác dụng quy chính lòng người, mới có tác dụng giáo hóa bách tính. Bởi vậy “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, bất kể là viết sinh động như thế nào, có bao nhiêu hoàng đế, tướng lĩnh mưu lược dùng binh ra sao, nhưng mục đích vẫn là giảng một chữ “Nghĩa”. Ở giai đoạn lịch sử đó, tác giả thông qua phương thức tiểu thuyết, miêu tả ra ý nghĩa của “Nghĩa” trong lịch sử, đó chính là hướng vào cuộc sống sinh hoạt của con người mà diễn xuất ra nội hàm của chữ Nghĩa. Vì thế, bộ tiểu thuyết này, mới mở đầu bằng cuộc kết nghĩa vườn đào của Lưu Quan Trương, khiến bách tính mới nhớ mãi không quên cũng như vạn phần kính ngưỡng đối với những nghĩa cử của Gia Cát Lượng và Quan Vũ, lịch sử chính là dạy con người đạo lý làm người, mà ngòi bút của người viết văn, bất kể là sử dụng góc độ hay thể văn nào cũng đều phải đảm nhận được vai trò làm sáng tỏ sự thật lịch sử ở các khía cạnh khác nhau cũng như phải nói rõ được tác dụng của đạo lý. Còn những người chuyên môn lấy miêu tả gió hoa đêm tuyết, tình nam nữ làm căn bản, sẽ không được có được sự tôn kính của mọi người. Miêu tả tình yêu nam nữ mà tách rời với đạo đức là hành vi bại hoại đạo đức, không những không có công mà ngược lại còn có tội. Nếu một nhà văn như vậy, dù có viết hay, lấy tài bút đó để miêu tả hành vi bẩn thỉu, thì đó là tội ác bại hoại nhân luân và hủy hoại đạo đức lớn nhất. Những nhà văn như thế không thể gọi là nhà văn thực sự.
Giảng đến đây, tôi lại nghĩ đến lời nói của Tào Phi trong Tam Quốc Chí: “Văn chương là đại nghiệp kinh quốc, thịnh sự bất hủ”. Câu nói này, kỳ thực, chỉ đúng với văn chương có ngụ ý truyền đạo, chỉ có văn chương ấy mới có thể dạy cho con người đi đường chính, thành tựu công đức phong thượng quy chính đạo đức, những bài văn như thế này mới có thể ích nước lợi dân, trở thành thịnh sự bất hủ. Đó cũng là nhận thức cơ bản của nhà nho về ý nghĩa của việc viết văn. Vì thế, kinh sách của Nho gia truyền lại, chính là kinh sách thường dùng để đối chiếu và sửa chữa lời nói và việc làm của bản thân, giảng ra những đạo lý bất biến cho việc làm người, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được con người kính ngưỡng; còn đối với những sách khác, cho dù bút pháp có hoa mỹ đến mấy, đều không có gì có thể so sánh với kinh sách này.
Nho học lấy việc tuyên truyền đạo đức ở tầng diện con người này làm sứ mệnh của mình, cho nên, cái gốc của giáo dục chính là dạy con người cách làm người, vậy mục đích căn bản nhất của việc viết văn đương nhiên chính là truyền đạo. Nhằm mục đích là giáo dục con người. Bởi thế, Thái Tông đại chấn hưng nho học, tôn phụng Khổng Tử làm thánh nhân, lập miếu thờ Khổng Tử tại trường học cao nhất của quốc gia, đó chính là tôn sư trọng đạo, có thể giáo dục bách tính. Những việc làm đó đã thành tựu nên một lễ nghĩa chi bang vô vi mà trị quốc.
Hiểu được điều này, ở bài tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu chương cuối cùng “Luận thận chung” trong Trinh Quán Chính Yếu, thông qua những thảo luận thực tế của quân thần Thái Tông về việc trị quốc, sẽ giúp chúng ta có thể lý giải rất cụ thể và hiểu được thế nào mới được gọi là “thận chung”, hiểu được vì sao phải trọng đức mới đạt được “vô vi nhi trị”.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/252620
Ngày đăng: 24-06-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.