Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 22)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

“Trinh Quán Chính Yếu” giống như một “bộ phim” chân thực ghi lại những việc quân thần luận bàn chính sách của triều đình thời xưa. Vì thế nếu chúng ta muốn tìm hiểu xem triều đình và các vị đế vương tiên tổ có đúng là cổ hủ đến nực cười, không phân rõ thị phi như các phim cổ trang vẫn truyền tải hay không, hay muốn tìm hiểu việc triều đình vì sao lại định ra lễ nghĩa để quy phạm bách tính, hoặc chí ít là muốn tìm hiểu xem lễ giáo thực ra là gì, thì cách tốt nhất có lẽ là tự mình đọc các sách cổ, các tác phẩm kinh điển, mới có thể tìm lại sự thật, từ đó hiểu được vẻ đẹp của truyền thống Trung Hoa.

Ở hai phần trước, chúng tôi chủ yếu đứng từ giác độ gia đình đế vương làm gương để bàn luận về lễ giáo cổ đại, bàn về việc bản thân vua Đường Thái Tông cùng con cháu đã làm thế nào đi đầu trong tuân thủ lễ và quy chính lễ, không tự cao tự đại mà nỗ lực làm tròn trách nhiệm hoàng gia của mình. Trong phần này, chúng tôi sẽ chuyển sang nội dung về tang lễ và hôn lễ mà mấy nghìn năm qua tất cả người Trung Quốc đều coi trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem trong những năm Trinh Quán triều Đường, quân thần Thái Tông đã quy định ra chế độ tang lễ và hôn lễ như thế nào.

Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về tang lễ, nguyên nhân vì trong quá trình quyết định tang lễ này đã đưa ra một định nghĩa khái quát hết sức quan trọng liên quan đến “lễ” của Nho học cổ đại. Câu nói này được Ngụy Trưng và các đại thần bàn bạc đưa ra, vô cùng sâu sắc. Nó khiến mọi người sực tỉnh và hiểu rõ được ý nghĩa chân thực của lễ giáo.

Vua Thái Tông hỏi về tang lễ

Chương “Luận về lễ nhạc” đã ghi chép tường tận quá trình ra quyết sách về tang lễ của triều Đường. Đầu tiên chúng ta hãy xem việc vua Đường Thái Tông đưa ra nghi vấn và yêu cầu gì với lễ quan.

Nguyên văn: Năm Trinh Quán thứ 14, vua Thái Tông nói với lễ quan: “Chị dâu lo việc nấu nướng ăn uống có ân chăm lo mà em trai chồng không chịu tang; lại còn có chuyện dì và cậu cũng là người thân thiết mà việc chịu tang có sự phân biệt; những việc này đều chưa hợp với lễ, khanh hãy tập hợp học giả để bàn bạc. Ngoài đó ra, nếu còn có những mối quan hệ thân thiết khác đang bị xem nhẹ thì cũng tấu lên”.

Đại ý: Năm Trinh Quán thứ 14, Đường Thái Tông nói với lễ quan rằng: “Hiện giờ người cùng chung sống với các khanh chết đi rồi thì các khanh vẫn phải khoác áo để tang. Vậy mà chị dâu chết thì em trai chồng lại không để tang. Cậu và dì đều là người thân thiết (cậu là anh em của mẹ, dì là chị em của mẹ, đều là bên họ ngoại) nhưng lễ tiết để tang lại có sự khác biệt. Những cách làm này đều không phù hợp với quy phạm lễ nghĩa, cần phải chiêu tập các học giả để bàn bạc, định ra lễ nghĩa về chịu tang. Ở những phương diện khác, nếu có mối quan hệ thân thuộc quan trọng tương tự nhưng lễ tiết phụng dưỡng lại xem rất nhẹ thì cũng cần tấu lên”.

Qua đoạn văn trên có thể thấy rằng Thái Tông đã đưa ra nghi vấn về tang lễ, cảm thấy nó có nhiều chỗ bất hợp lý cần phải tu chính, nên đã hạ lệnh cho lễ quan thân cận triệu tập các học giả uyên bác để cùng bàn luận, rồi dựa trên kết quả bàn luận đó để quy chính và định ra lễ chế hợp lý cho tang lễ. Cần phải chú ý rằng, tang lễ ở đây không phải là các nghi thức cần thực hiện khi làm tang sự, mà là lễ chịu tang mà con người phải thực hiện đối với người thân đã mất, biểu hiện sự thương tiếc và ân nghĩa. Trọng điểm của nó là ở nghĩa tình của con người, đây mới là điểm cốt yếu mà triều đình nhắm tới. Đây cũng là cốt lõi trong tang lễ, là lý do người Trung Quốc coi trọng nghi lễ chịu tang và duy trì tập tục văn hoá trọng đại này. Vì vậy muốn quy phạm tang lễ thì đầu tiên phải bàn luận đạo lý vì sao phải chịu tang, người nào phải chịu tang, sự khác biệt ở chỗ nào, tình và lý thế nào, chứ không phải bàn luận bản thân hình thức chịu tang.

Cho nên Thái Tông mới có nghi vấn, cảm thấy chỗ bất hợp lý trong tang lễ, điều ấy minh chứng rằng ông luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân, luôn tìm cách quy chính những điểm bất hợp lý, không phù hợp với tình lý làm người. Ông hay suy xét và chú ý quy chính tập tục của người dân, thâm tâm sợ rằng có người dân sẽ chịu thiệt thòi, chịu bất công, nhưng đồng thời, ông cũng rất tôn trọng các lễ quan và học giả, khiêm tốn, cẩn trọng lắng nghe lễ quan, các đại thần và học giả cùng nhau bàn bạc.

 Đáp án thuyết phục cho vấn đề chịu tang cậu và dì

Khi Đường Thái Tông có nghi vấn về tang lễ, lễ quan đã nhanh chóng bàn bạc với lục bộ thượng thư và các đại thần để cùng tìm ra câu trả lời thuyết phục nhất. Đầu tiên họ trình tấu lên vua Thái Tông rằng cậu và dì cùng là em của mẹ, nhưng vì sao con cháu lại chịu tang khác nhau, và đưa ra lý do cụ thể của việc đó.

Tám vị thượng thư (nhà Đường thời xưa có lục bộ thượng thư, cộng thêm tả hữu bộc xạ nên gọi là tám vị) và lễ quan dâng tấu rằng:

Thần (ông Ngụy Trưng tự xưng, ông tập hợp ý kiến của mọi người sau khi bàn luận, viết thành bản tấu trình lên vua Thái Tông) nghe nói, lễ là lý lẽ để phán đoán những nghi hoặc còn chưa rõ ràng, để quyết định những hành vi khó quyết định, để phân biệt những chỗ khác biệt, để phân minh thị phi, nó không phải là điều từ trên trời rơi xuống, cũng không phải đột nhiên, vô duyên vô cớ từ dưới đất mọc lên, mà là dựa vào lý lẽ, tình hình của con người để đưa ra.

Đạo của con người có một điểm trọng yếu là cửu tộc hòa hợp (tính từ đời hiện tại của một người thì tổ tiên bốn đời trên người đó và con cháu bốn đời dưới người đó, cộng thêm bản thân người đó nữa là cửu tộc).

Cửu tộc hòa hợp là bởi sự thân thiết từ gần đến xa, nên lễ tiết cũng có phân biệt thân sơ. Giữa người thân thuộc cũng có sự khác biệt, cho nên văn tế trong tang lễ cũng được viết dựa theo ân tình nhiều hay ít.

Cậu và dì là người cùng họ với mẹ, nhưng giữa họ lại có sự khác biệt. Vì sao lại như thế? Đó là vì cậu và mẹ là người một tông tộc, dì thì sau khi xuất giá đã đổi họ theo họ của chồng, thành người của nhà khác, tham khảo sử sách thì cậu quả thật gần gũi và quan trọng hơn dì. Cho nên Chu Vương thường nhớ đến nước Tề, gọi nước Tề là cữu sanh chi quốc (ý là nước của cậu).

Tần Mục Công không quên công tử Trùng Nhĩ đang ở nước Tấn là cậu mình, bèn đưa con trai Khang Công đến phía bắc sông Vị (Vị Dương) và đã làm bài thơ “Vị Dương”. Ngày nay khi cậu mất đi chỉ chịu tang ba tháng, còn dì lại cần để tang năm tháng, đã chuộng hư danh, mất đi tình người, là việc bỏ gốc mà lấy ngọn, vứt bỏ căn bản. Đây đại thể là người xưa không suy nghĩ chu toàn với tình cảm của con người, ta nên có sự điều chỉnh về việc này.

Xem xét vấn đề từ ý nghĩa căn bản của lễ

Lời giải thích trong đoạn văn trên nội dung lập luận rất rõ ràng. Câu trả lời của Nguỵ Trưng rất rõ, có căn cứ lý do, hợp tình hợp lý, khiến mọi người tỉnh ngộ.

Từ đó chúng ta thấy rằng lễ nghĩa làm người mà người xưa tôn sùng đều phù hợp với tình người và nghĩa lý, chứ không phải là những thứ hủ hóa không hợp tình hợp lý. Mà những đại thần triều Đường này lại có nhận thức vô cùng thấu tình đạt lý, hiểu học vấn và lễ nghĩa, họ chắc chắn sẽ không làm những việc đi ngược lại với tình và lý của con người. Cách nhận thức vấn đề của họ là nhìn nhận từ gốc rễ, tư tưởng rõ ràng, họ bàn luận từ ý nghĩa tồn tại của “lễ”.

Chữ “lễ” (礼) trong tiếng Trung đồng âm với chữ “lý” (理), cho nên lý giải của Ngụy Trưng về lễ vô cùng chính xác. Ông cho rằng “lễ là lý lẽ để phán đoán những nghi hoặc còn chưa rõ ràng, để quyết định những hành vi khó quyết định, để phân biệt những chỗ khác biệt, để phân minh thị phi, nó không phải là điều từ trên trời rơi xuống, cũng không phải đột nhiên, vô duyên vô cớ từ dưới đất mọc lên, mà là dựa vào lý lẽ, tình hình của con người để đưa ra”. Vì thế, lễ trước tiên phải hợp lý, phù hợp với Đạo của con người. Mục đích căn bản của việc quy định lễ nghĩa chính là tạo ra hành vi cụ thể phù hợp với Đạo của con người, khiến cho cửu tộc hòa hợp. Đây là dựa trên tôn chỉ căn bản Đạo của con người.

Vì thế việc định ra lễ và quy phạm hành vi cụ thể cho con người nhằm để cho ai ai cũng có thể hành xử khéo léo, thỏa đáng; để cho con người trong ngôn ngữ hành vi, đặc biệt trong các việc lớn như sinh lão bệnh tử, trong hôn nhân… đều có thể ứng xử phù hợp với tình và lý làm người. Nếu không quy định cụ thể những việc này, thì cho dù có hiểu được đạo lý căn bản làm người cần phải phù hợp với Đạo của con người, hiểu được cần có nhân nghĩa, hiểu được việc kính trọng người khác, cần biết cảm ơn và không được vong ơn phụ nghĩa, nhưng trong từng trường hợp cụ thể lại không biết cần phải biểu đạt thế nào, thậm chí xảy ra sai sót hoặc lo toan không chu toàn, gây ra sai lầm, dẫn đến nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm. Vì thế mà đã dựa theo đạo nhân nghĩa làm người của người xưa, cũng chính là Đạo của con người, để định ra cách làm và quy phạm cụ thể, đó chính là tác dụng và căn nguyên tồn tại của lễ.

Sau đó, theo nguyên tắc lớn này thì mọi người cần phải phân biệt thân sơ, gần xa để xác định mối quan hệ giữa cậu và dì, vì dì đã xuất giá thành người nhà khác, nên đương nhiên cậu và mẹ là người đồng tông tộc. Bản tấu lại lấy thêm ví dụ về cách làm của Chu Vương và Tấn Vương để giải đáp nghi vấn của vua Thái Tông, lấy đó để quy chính những chỗ bất hợp lý trong việc chịu tang cho cậu của các đời trước. Dựa vào đó để định ra tang lễ mới. Vì thế, người xưa khi định ra “lễ” có thể căn cứ theo dân tình khác nhau, nhưng ý nghĩa căn bản xuất phát từ Đạo làm người và duy hộ đạo nhân đức của “lễ” thì không hề thay đổi.

Đây là lời giải đáp thứ nhất về tang lễ. Lời giải đáp thứ hai liên quan đến việc chịu tang của em chồng với chị dâu, kính mời quý độc giả đón xem ở phần kế tiếp.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/249558



Ngày đăng: 20-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.